Chuyện ít biết về Đội đặc nhiệm “Tia chớp” của Ai Cập
Thứ tư, 01/02/2017 18:26

Chính phủ Malta rất căm giận hành động của bọn khủng bố, nóng lòng nhưng cũng phải kiềm chế, kiên quyết không tiếp dầu cho máy bay.

Chuyện ít biết về Đội đặc nhiệm “Tia chớp” của Ai Cập

Chiếc máy bay bị khủng bố

Tin tức về vụ bắt cóc máy bay được đại sứ quán Ai Cập tại Malta báo ngay về cho Chính phủ Ai Cập, Tổng thống Mubarak rất tức giận. Ông điện đến nhà riêng, yêu cầu Bộ trưởng ngoại giao hủy bỏ kế hoạch đi thăm châu Âu, lập tức bàn bạc thương lượng với phía Lybia vì nghi nước này đứng đằng sau vụ khủng bố.

Quyết định đột kích

Tổng thống Mubarak còn trực tiếp điện cho Thủ tướng Malta, yêu cầu chính phủ nước này kiên quyết không tiếp dầu cho máy bay. Chủ trì cuộc họp nội các khẩn cấp kéo dài trong suốt một tiếng rưỡi, cuối cùng, Tổng thống Mubarak quyết định sẽ tổ chức tập kích chuyến bay 648, nghiêm trị bọn khủng bố. Ông lệnh cho Thiếu tướng Adya phụ trách toàn bộ việc thực thi kế hoạch này và thông báo Quyết định này cho phía Mỹ.

Vào lúc nửa đêm, Thiếu tướng Adya gọi điện cho Đội trưởng đội đặc nhiệm Baker đến gặp. Thiếu tướng Adya đã cùng sĩ quan tham mưu nghiên cứu phương án hành động, chỉ thị cho Baker lựa chọn 25 lính đặc nhiệm, chuẩn bị sẵn sàng xuất phát.

Quyết định tập kích bọn khủng bố của chính phủ Ai Cập được Mỹ ủng hộ. Tàu sân bay thuộc Hạm đội 6 của Mỹ trên Địa Trung Hải sẵn sàng chiến đấu. Các máy bay F - 18 và máy bay báo động sớm F - 2 bay đến căn cứ không quân NATO tại đảo Sicile của Italy, chuẩn bị cất cánh, chi viện khẩn cấp cho máy bay vận tải Ai Cập chở đội đặc nhiệm bay đến Malta nếu bị máy bay chiến đấu của Lybia ngăn chặn.

Chính phủ Mỹ còn định phái lực lượng đặc nhiệm đến hiệp đồng tác chiến với đặc nhiệm Ai Cập, nhưng vấp phải sự từ chối của chính phủ Malta. Cuối cùng, phía Mỹ cử ra ba chuyên gia chống khủng bố mang theo các loại máy móc trinh sát hiện đại đi cùng lực lượng đặc nhiệm Ai Cập làm cố vấn kỹ thuật. Ngoài ra, nhằm đề phòng sự can thiệp của Lybia, các máy bay chiến đấu F/A - 18 và báo động sớm E - 2C cũng cất cánh từ tàu sân bay của hạm đội 6, bay đến vị trí cảnh giới.

Trưa ngày 24/11, hai chiếc máy bay vận tải C - 130 của không quân Ai Cập hạ cánh xuống sân bay Looca, đưa 25 lính đặc nhiệm và các loại vũ khí-trang bị. 25 lính đặc nhiệm do Thiếu tướng tư lệnh Adya đưa đến được tuyển chọn từ "Lực lượng chiến đấu 777", lực lượng này được huấn luyện tại Mỹ, sử dụng những loại vũ khí hiện đại hàng đầu thế giới, là con át chủ bài của chính phủ Ai Cập nhằm đối phó với các hoạt động khủng bố.

Lên phương án

Lúc này, bọn không tặc dường như cũng đánh hơi được sự có mặt của lực lượng đặc nhiệm. Chúng lập tức cảnh cáo với đài chỉ huy: "Nếu quân đội tấn công, chúng tôi sẽ cho nổ máy bay!"; nhiều lần ép phi công cất cánh, nhưng phi công luôn lấy lý do hết nhiên liệu để từ chối.

Bọn khủng bố liên tiếp ra tay đánh đập hành khách, những tiếng kêu gào thảm thiết mà đài chỉ huy nghe trộm được khiến mọi người càng lo sợ. Thủ tướng Malta từ đầu vẫn ngồi theo dõi tình hình tại đài chỉ huy chứng kiến mọi việc xảy ra càng củng cố quyết tâm giải quyết vụ khủng hoảng con tin bằng bạo lực.

Sau khi đến Looca, Thiếu tướng Adya nghe phần tóm tắt tình hình của nhân viên an ninh Malta. Thiếu tá Baker xem xét vết thương của người bị hại, xác định đây là vết thương do súng ngắn kiểu SK - 82 kiểu mới của Mỹ gây ra, từ đó nắm được tính năng vũ khí trong tay bọn khủng bố. Tiếp đó, ông còn hỏi những con tin được thả về diện mạo, lứa tuổi và những chi tiết khác về bọn khủng bố, tiến hành trinh sát địa hình xung quanh chiếc máy bay, sau đó là đưa ra hai phương án tập kích.

Phương án một là lợi dụng cơ hội mang đồ ăn lên máy bay, vài người lính đặc nhiệm được bố trí vào vai người phục vụ nấu ăn, súng được giấu trong túi đồ đựng thức ăn có nắp đậy, sau khi vào được bên trong lập tức nổ súng, những chiến sĩ khác xông lên tiếp ứng.

Phương án hai, lợi dụng bóng đêm tiến hành tập kích: 25 chiến sĩ chia làm hai nhóm, 13 người làm nhiệm vụ yểm trợ và dự bị, Baker dẫn đầu nhóm 12 ở mũi tấn công chính. Mũi này chia làm 4 tổ, Baker dẫn đầu tổ tấn công từ cửa bên trái, đây là mũi khó khăn nguy hiểm nhất; ba tổ còn lại tấn công vào máy bay qua ba cửa cấp cứu gần cánh máy bay.

Sau khi cân nhắc, lựa chọn, Thiếu tướng Adya thống nhất với kế hoạch của Baker, nhưng phía chính phủ Malta không tán thành phương án ra tay khi đưa đồ ăn, cuối cùng phương án hai được duyệt, thời gian tập kích sẽ vào lúc 20 giờ. Thiếu tướng Adya báo cáo lại kế hoạch hành động lên Tổng thống Mubarak.

Vụ xả súng bừa bãi của đặc nhiệm Ai Cập tại Malta đã dẫn đến kết quả 57 trên tổng số 88 con tin bị thiệt mạng cùng 6 kẻ khủng bố.  

Trả giá quá đắt

Lúc hơn 18 giờ, cơ trưởng lợi dụng lúc Kasimu vào phòng vệ sinh, báo cáo lên đài chỉ huy: "Các cửa trước và sau của máy bay đã đều bị khóa từ bên trong, không thể mở được từ bên ngoài, chỉ có thể vào trong bằng cách đi qua cửa khoang chứa hàng”. Căn cứ vào thông tin quan trọng này, Baker điều chỉnh lại kế hoạch, tổ của ông sẽ đột nhập vào từ cửa khoang chứa hàng.

Lúc 20 giờ 15 phút, Tổng thống Ai Cập chính thức ra lệnh tấn công. Lính đặc nhiệm nhanh chóng vào vị trí dự định. Sau 5 phút, dưới sự che lấp của bóng đêm và màn khởi, lính đặc nhiệm lao đến chiếc máy bay từ bốn mũi.

Baker tiếp cận khoang hàng bằng tốc độ nhanh nhất. Nào ngờ cửa khoang cũng đã bị khóa bên trong, phải mở theo phương pháp đã được luyện tập. Thượng uý Kawa bước tới hoàn thiện động tác này còn xuất sắc hơn cả lúc huấn luyện. Lúc này, một ngọn đèn vàng trên mặt đồng hồ trong buồng lái nhấp nháy, cơ trưởng hiểu rằng cửa khoang hàng đã bị ai đó mở ra. Để tránh bị Kasimu phát hiện, anh ta tắt công tắc của ngọn đèn đó.

Kasimu cũng đột nhiên cảm thấy có tiếng động dưới kho hàng, hắn rút quả lựu đạn cầm tay, lao sang khoang hành khách rút chốt rồi ném nó xuống khoang chứa hàng. Lựu đạn nổ, đèn trong khoang hàng tắt, trong nháy mắt khói đen bốc lên cuồn cuộn, Thượng uý Kawa đi đầu bị thương vào đùi, nằm gục xuống vũng máu.

Những chiến sĩ còn lại vừa tung lựu đạn khói, vừa dùng tiểu liên bắn quét. Trong giây lát, tiếng súng nổ dữ dội, khói bốc mịt mù, các hành khách toán loạn. Bọn khủng bố ném liền ba trái lựu đạn vào đám người. Tiếng súng, tiếng nổ hòa vào nhau, hàng loạt con tin ngã xuống trong vũng máu.

Kasimu chợt nhớ đến người phi công, vội vã lao vào buồng lái, chỉ chợt cảm thấy luồng gió lạnh sau gáy, rồi ngã gục xuống sàn. Thì ra, cơ trường Jalar đã sớm đoán được tình hình, lần này Kasimu quay lại dứt khoát sẽ hạ thủ anh. Do vậy, anh đã cầm sẵn chiếc rìu dụng cụ phòng cháy, đứng trực sẵn. Quả nhiên khi Kasimu lao vào, chiếc rìu đã nhằm thẳng vào gáy hắn bổ xuống, đầu của Kasimu liền rơi xuống đất.

Lực lượng đặc nhiệm vào được bên trong nhưng dường như không xác định được mục tiêu rõ ràng, nên nổ súng bừa bãi, do vậy mà đã bắn nhầm khiến không ít hành khách bị thương. Có vài hành khách dưới ánh sáng của các ngọn đèn chiếu của sân bay, nhảy từ trên máy bay xuống hòng chạy trốn, lính Ai Cập lầm tưởng họ là kẻ khủng bố nổ súng bắn gục.

Tiếng súng ngừng lại, máy bay bốc lửa. Lái xe cứu hỏa, cứu thương, xe cảnh sát từ các phía ào đến Baker dẫn đội đặc nhiệm vừa lục soát vừa giúp đỡ các hành khách sống sót rời khỏi máy bay. Bỗng nhiên, một tên khủng bố bị thương định rút chốt trái lựu đạn cuối cùng để tự sát, Baker nhanh tay kịp bắt giữ hắn. Tên khủng bố sót lại và các hành khách bị thương được đưa đến bệnh viện điều trị.

Trận chiến đấu giải cứu con tin chỉ diễn ra trong 10 phút, đặt dấu chấm hết cho vụ bắt cóc kéo dài trong 24 giờ, nhưng cái giá phải trả cũng quá đau xót. Theo số liệu chính phủ Malta công bố sau đó, có 3 con tin bị giết hại trên máy bay, 57 người chết trong khi giải cứu nâng tổng số lên 60 người, có 34 người bị thương được điều trị. Đây là vụ giải cứu con tin có số người thương vong nhiều nhất.

Chính phủ Malta còn công bố, tên khủng bố sống sót khai rằng, hắn là người Palestin sinh ra tại Lybăng, mang hộ chiếu Tunisi, điểm đến trong vụ này là Lybia.

Chính phủ Ai Cập mạnh mẽ yêu cầu phía Malta dẫn độ tội phạm. Chính phủ Malta lấy lý do bảo vệ chủ quyền và giữa hai nước chưa có hiệp định dẫn độ tội phạm lên từ chối yêu cầu này và tuyên bố sẽ xét xử tội phạm theo luật pháp của Malta. Các nước có phản ứng khác nhau về chiến dịch này.

Trong bài phát biểu cùng ngày hôm đó, Bộ Ngoại giao Mỹ một mặt tỏ ý đau buồn trước việc một số hành khách bị hại, một mặt thể hiện thái độ cứng rằn, "nhằm triệt để loại trừ những hành vi dã man của bọn khủng bố, đây là một chiến dịch cần thiết, cần phải cho bọn khủng bố thấy quyết tâm kiên quyết của chúng ta".

Chính phủ Israel đánh giá cao chiến dịch này và khen ngợi lực lượng đặc nhiệm Ai Cập. Nhưng cũng có những nước chỉ trích cuộc giải cứu này "được chẳng bù mất", có nước phê phán chiến dịch này được quyết định quá vội vã, kế hoạch tác chiến quá giản đơn v.v...

Trên thực tế, kẻ khủng bố quá tàn bạo, đã khiến cho hành động tác chiến càng khó khăn hơn, nhưng điều dễ nhận thấy là kế hoạch đột kích và quá trình thực hiện của lực lượng đặc nhiệm Ai Cập đã được thực hiện không điêu luyện.../.

 
Baophapluat.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: Chuyện ít biết về Đội đặc nhiệm “Tia chớp” của Ai Cập , Ai Cập , đội đặc nhiệm