Chuyện học ở mảnh đất du lịch

Thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) được nhiều người nhắc đến với bãi biển được mệnh danh đẹp vào hàng bậc nhất thế giới. Nhưng ít ai biết rằng, người dân nơi đây có đời sống kinh tế cực kỳ khó khăn, và “con chữ” cũng rơi rụng dần...

Nhọc nhằn mưu sinh

Nằm ở cửa ngõ phía Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế, với lợi thế tạo hóa ban cho bãi biển tuyệt đẹp, Lăng Cô từ lâu đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua trên hành trình du lịch qua vùng duyên hải miền Trung. Nhưng đằng sau vẻ đẹp “hào nhoáng” đó là một nỗi niềm xa xăm. Nằm giáp biển, ít ai biết rằng Lăng Cô mang thân phận của một thị trấn… miền núi. Dân cư trong vùng chủ yếu sống dựa vào con tôm, con cá gần bờ. Một số khác vốn là dân “kinh tế mới” của những thập niên 90 sống dọc chân đèo Hải Vân làm nghề bán nước mui xe, rửa xe hoặc mở vài hàng quán nhỏ lẻ. Cuộc sống chật vật khiến người ta không mặn mà với chuyện học hành nên trình độ dân trí cứ thế thấp dần.

Sự học của các thế hệ học trò ở Lăng Cô sẽ về đâu khi không được quan tâm đúng mức?

Đang còng lưng mò mẫm từng con hến nhỏ trên bãi đầm lầy sát chân núi, bà Nguyễn Thị Hai (53 tuổi) cho biết: “Ngày nào cũng vậy, từ 9 giờ sáng tới 2 giờ chiều, mấy phụ nữ trong xóm lại rủ nhau ra đầm bắt hến. Bữa mô hên thì kiếm được đôi ba chục, còn không chỉ khoảng 10 ngàn”. So với việc suốt buổi dầm mình trong bùn lầy, phơi đầu giữa nắng gắt, số tiền ấy quá bèo bọt nhưng nếu không làm thì những mẹ, những chị nơi đây biết làm nghề gì, biết lấy gì mà sống. “Gần ngót đời người, chứng kiến bao lần quê hương thay da đổi thịt nhưng cuộc sống của ngư dân tụi tui ở đây chưa thoát khỏi nhọc nhằn. Sướng là vì được sống trong hòa bình, không còn cảnh bom rơi đạn nổ trên đầu nhưng cái ăn thì vẫn gian nan lắm”, một phụ nữ tóc ngả màu muối tiêu đứng cạnh bà Hai nhỏ giọng.

Đàn ông mạnh khỏe ở mảnh đất này cố gắng tích góp sắm chiếc thuyền ra khơi mong kiếm được nhiều cá tôm hơn về cải thiện cuộc sống gia đình. Nhưng thu nhập cũng chẳng đáng là bao vì tàu bè công suất nhỏ bởi lấy đâu ra tiền để đóng tàu lớn. Tháng nối năm, họ chỉ quẩn quanh cách bờ vài hải lý kiếm “mồi”. Nguồn lợi trên biển ngày một cạn kiệt, cá tôm không còn dồi dào như trước trong khi nhu cầu cuộc sống ngày càng cao, người dân đổ mồ hôi sôi nước mắt cũng không đủ trang trải. Nghèo vẫn hoàn nghèo!

Lăng Cô có 9 thôn, tổng diện tích tự nhiên khoảng 10.550 héc ta. Nơi đây có gần 2.580 hộ với 12.237 nhân khẩu. Ngót 10 năm về trước, thị trấn Lăng Cô được thành lập. Và từ giai đoạn này, tỉnh định hướng phát triển cơ cấu kinh tế dịch vụ du lịch - tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp. Tuy nhiên, ông Trịnh Cao Phong, cán bộ Văn phòng - Thống kê, UBND trị trấn Lăng Cô cho biết: “Từ khi được thành lập đến nay, cuộc sống của đa phần người dân vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là bộ phận người dân làm nghề chài lưới, buôn bán nhỏ hay lao động tự do theo mùa vụ”.
Xót xa “con chữ”

Hầu hết các dãy phòng học của Trường THCS Lăng Cô (được xây dựng trên 25 năm nay) đều xuống cấp trầm trọng

Cứ đến hè, cảnh tượng các cô cậu học trò vừa tốt nghiệp THCS cùng mấy anh chị lớn tuổi hơn khăn gói lên đường vào Nam tìm việc làm đã không còn xa lạ đối với người dân Lăng Cô. Tốp trẻ nhỏ hơn thì ngày ngày dạo dọc bãi biển bán những thứ hàng quà vặt như nước suối, bánh bột lọc, kẹo cao su để kiếm tiền phụ gia đình. Ngày này qua tháng nọ, theo những bước mưu sinh ấy “con chữ” rơi rụng dần. Ý thức về việc học chữ của con đối với phụ huynh nơi đây chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, việc học của các em đa phần khoán trắng cho nhà trường. Thống kê sơ bộ của Trường Tiểu học Lăng Cô cho thấy, trong những năm gần đây, công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi tuy đã được đẩy mạnh nhưng tình trạng học sinh bỏ học vẫn tái diễn. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng bỏ học này là do cha mẹ không quan tâm đến việc học của con cái khiến các em hành động theo bản năng “thích thì học, không thì bỏ”.

Điều đáng nói là số lượng học sinh bậc THCS bỏ học cao gấp 3-4 lần học sinh tiểu học. Cô Trần Thị Quý Đông, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lăng Cô tâm sự: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần do học sinh có học lực yếu, kém phần khác do gia cảnh các em quá nghèo, thiếu sự định hướng của bố mẹ. Bên cạnh đó, nghe bạn bè, anh chị rủ rê đi làm thêm kiếm tiền nên sau những dịp hè hay Tết, các em bỏ học vào Nam khá nhiều. Mặc dù nhà trường cùng giáo viên chủ nhiệm đã đến vận động phụ huynh, khuyên học sinh nhưng mọi việc không mấy tiến triển vì thiếu sự ủng hộ từ phía gia đình các em”.

Việc dạy - học đã khó khăn, quá trình đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cũng còn nhiều hạn chế. Mang danh là một thị trấn nhưng Lăng Cô không có trường THPT. Học sinh tốt nghiệp THCS muốn học lên cấp 3 phải lên tận trung tâm huyện Phú Lộc xa hàng chục cây số, hoặc vượt đèo Hải Vân vào Đà Nẵng “đầu quân”. Và việc đăng ký học trái tuyến như thế sẽ gặp trở ngại khi lượng học sinh có hộ khẩu thường trú tại các điểm trường đó đa phần đã dôi dư.

Toàn thị trấn có 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học với 6 điểm trường và 1 trường THCS chia thành 2 điểm trường. Thầy giáo Trần Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lăng Cô chia sẻ: “Do địa bàn bị chia cắt lại trải dài, dân cư phân bố không đồng đều nên bắt buộc trường phải phân thành nhiều cơ sở nhằm tạo điều kiện cho học sinh đi lại. Trường có tổng số 1.116 học sinh, chia thành 39 lớp. Học sinh đông, tình trạng thiếu phòng học, phòng chức năng, phòng hiệu bộ kéo dài trong nhiều năm qua đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của trường”.

Ngoài ra, quỹ đất dành cho các điểm trường cũng thiếu tính ổn định, hệ thống sân chơi, bãi tập chưa đầy đủ phương tiện đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi cho học sinh. Tương tự, Trường THCS Lăng Cô được xây dựng từ năm 1990 với 3 dãy nhà cấp bốn thấp lè tè nay đã cũ kĩ, xuống cấp chưa được đầu tư xây dựng lại…

Rời Lăng Cô, tôi mang niềm trăn trở của những người đang ngày đêm lặng thầm giữ “nếp chữ” cho thế hệ trẻ nơi này: Nếu không được đầu tư về cơ sở vật chất, nếu đời sống kinh tế của người dân không có hướng đi lên thì tương lai của “mầm xanh” sẽ về đâu sau những bước chân kiếm ăn mệt nhoài ấy?