“Rõ ràng chùa Bồ Đề chỉ là cơ sở nuôi trẻ tự phát, không có chức năng nhận nuôi và chăm sóc trẻ”, Cục trưởng Cục Con nuôi Nguyễn Văn Bình nói.
'Chùa Bồ Đề không phải cơ sở nuôi dưỡng trẻ em hợp pháp' |
Liên quan đến vụ việc mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề gây rúng động dư luận những ngày vừa qua, trao đổi với PV, Cục trưởng Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Bình cho rằng, chính quyền địa phương đã không làm hết trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, dẫn đến việc lợi dụng chính sách xã hội hóa về việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em để trục lợi.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật về nuôi con nuôi thì trong vụ việc mua bán trẻ em xảy ra ở chùa Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội, mới đây đã có những “kẽ hở” pháp luật nào bị lợi dụng dẫn đến việc “lọt lưới” tội phạm thưa ông?
Khi có thông tin về việc mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, đã có những ý kiến cho rằng có sơ hở trong pháp luật về nuôi con nuôi (NCN) để các đối tượng lợi dụng. Điều này hoàn toàn không đúng. Nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa việc NCN theo Luật NCN với việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Trẻ em cho dù được chăm sóc, nuôi dưỡng ở các cơ sở bảo trợ xã hội công lập của Nhà nước hay trẻ em được chăm sóc nuôi dưỡng ở những cơ sở ngoài công lập, thậm chí tự phát như chùa Bồ Đề thì đấy không phải là NCN.
Còn vụ việc xảy ra ở chùa Bồ Đề vừa rồi là do sự dễ dãi trong việc thực hiện chính sách xã hội hóa chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em.
Tại sao tôi nói các cơ sở nuôi dưỡng này phải đàng hoàng? Bởi liên hệ đến câu chuyện ở chùa Bồ Đề thì việc tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở chùa Bồ Đề vừa qua không phải là lần đầu, trong khi trước đó qua các đợt kiểm tra, đã có kết luận cho rằng đây không phải là cơ sở nuôi dưỡng trẻ em hợp pháp. Hơn nữa, cơ sở vật chất tại chùa Bồ Đề cũng rất thiếu thốn và không có cán bộ chăm sóc trẻ em được đào tạo chuyên môn cơ bản, chưa đáp ứng được các quy định của Nghị định 68/2008/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội.
Cục trưởng Cục Con nuôi Nguyễn Văn Bình:“Rõ ràng chùa Bồ Đề chỉ là cơ sở nuôi trẻ tự phát, không có chức năng nhận nuôi và chăm sóc trẻ”.
Nếu vậy tại sao Cục Con nuôi, chính quyền lại không “tuýt còi” thưa ông?
Đây là câu chuyện chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em nên Cục Con nuôi không có thẩm quyền “tuýt còi”. Chỉ trong trường hợp kết quả thanh tra có chuyện sư thầy đăng ký NCN tại phường Bồ Đề là mẹ nuôi của trẻ em tại chùa Bồ đề thì Cục Con nuôi mới có quyền “tuýt còi”.
Còn ngay tại Hà Nội mà vẫn để cho một cơ sở tự phát tiếp nhận, chăm sóc và cho trẻ em ra không đúng luật như vậy tồn tại tôi cho rằng là do chính quyền địa phương đã buông lỏng công tác quản lý, dễ dãi trong việc thực thi pháp luật về chăm sóc bảo vệ trẻ em, dễ dãi để người ta tự phát tiếp nhận trẻ em rồi dẫn đến việc lạm dụng tư lợi.
Nhưng cụ thể thì “địa chỉ” nào phải chịu trách nhiệm thưa ông?
Việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn quận thì liên quan đến trách nhiệm của phòng LĐ-TB&XH quận Long Biên. Trên nữa là trách nhiệm của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH.
Chúng ta phải thấy được rằng, những đứa trẻ ở đây có hoàn cảnh đặc biệt. Đó là những trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, do đó chúng ta càng phải có trách nhiệm quan tâm, chăm sóc đến chúng.
Hiện theo quy định, sau khi được thông báo về việc phát hiện trẻ bị bỏ rơi và lập biên bản về việc này, trong thời hạn 30 ngày, UBND cấp xã, phường nơi lập biên bản có trách nhiệm thông báo trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình địa phương để tìm cha, mẹ đẻ của trẻ. Trong thời gian tìm cha, mẹ đẻ cho trẻ, UBND xã, phường sẽ là đơn vị đứng ra tìm nơi trú ẩn an toàn và tạm thời cho trẻ.
Luật cũng cho phép các tổ chức, cá nhân có điều kiện tạm thời chăm sóc nuôi dưỡng trẻ. Hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo cuối cùng, nếu không tìm thấy cha, mẹ đẻ, thì người hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh. Sau đó, lập hồ sơ đưa trẻ vào cơ sở nuôi dưỡng hợp pháp.
Trong trường hợp chính quyền giao trẻ cho nhà chùa chăm sóc nuôi dưỡng, nếu chùa đã thành lập cơ sở bảo trợ xã hội hợp pháp thì không sao. Đằng này, rõ ràng chùa Bồ Đề chỉ là cơ sở nuôi trẻ tự phát, không có chức năng nhận nuôi và chăm sóc trẻ mà chính quyền địa phương vẫn giao trẻ cho chùa chăm sóc, nuôi dưỡng là sai, là chưa làm hết trách nhiệm của mình.
Ông đánh giá thế nào trong trường hợp chùa liên hệ với các cơ sở y tế tiếp nhận trẻ bị bỏ rơi về nuôi dưỡng?
Phải thấy thế này, có những trường hợp người làm cha, làm mẹ trong lúc cơ nhỡ, lại không biết cơ sở bảo trợ xã hội ở đâu, mang đứa con đến đặt ở cổng chùa mong cho bé có một con đường sống là chuyện bình thường và có thể thông cảm được. Việc các nhà chùa cửa thiền rộng mở, cứu độ chúng sinh được xem là việc làm hết sức nhân đạo và đáng trân trọng.
Tuy nhiên, nếu có câu chuyện nhà chùa liên hệ với các cơ sở y tế để tiếp nhận trẻ về là việc không bình thường. Chùa không có chức năng nhận nuôi và chăm sóc trẻ trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi không nơi nương tựa thì chùa liên hệ tiếp nhận trẻ về làm gì. Còn nếu sư thầy bảo làm việc đó vì lý do nhân đạo, vì lương tâm thì theo tôi nếu là vì lương tâm, trước hết nhà chùa, sư thầy hãy bảo vệ, chăm sóc cho những đứa trẻ bị bỏ rơi nơi cửa chùa để chúng khỏi chết đói, chết khác, Sau đó, báo ngay cho UBND cấp xã hoặc CA xã, phường, thị trấn, nơi trẻ bị bỏ rơi để họ lập biên bản và tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó.
Giả sử có trường hợp một người vào chùa Bồ Đề công đức cho chùa một khoản và muốn xin nhận cháu A làm con nuôi. Sau đó, sư thầy viết giấy đồng ý cho người này nhận cháu A làm con nuôi và đề nghị các cấp chính quyền làm thủ tục cho cháu thì có được không thưa ông?
Như thế không được. Từ đầu chùa Bồ Đề đã không phải là cơ sở bảo trợ xã hội hợp pháp, chùa không có chức năng tiếp nhận, nuôi dưỡng chăm sóc trẻ thì làm gì có quyền cho các cháu đi làm con nuôi như thế. Còn đối với trường hợp là các cơ sở bảo trợ xã hội hợp pháp thì nếu có người xin nhận NCN cần phải có ý kiến của người chịu trách nhiệm về đứa trẻ.
Vậy từ phía Cục Con nuôi, Cục sẽ có những giải pháp gì nhằm đảm bảo quyền lợi cho các em, loại trừ nguy cơ lạm dụng việc nuôi dưỡng trẻ mồ côi để tư lợi hoặc cao hơn là hoạt động mua bán trẻ em trá hình thưa ông?
Cục Con nuôi và hệ thống tư pháp chỉ có một giải pháp đó là thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về NCN, trong đó bao gồm cả NCN trong nước và NCN nước ngoài. Hiện nay NCN là một trong những biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi, trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Nhưng đây có thể xem là biện pháp bền vững, lâu dài đến suốt đời, không gì bằng và đã có những quy định chặt chẽ, rõ ràng trong Luật NCN.
Chúng ta hiện nay có Làng trẻ em Birla, Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội hay Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em quận Thủ Đức, TP HCM, được nuôi dưỡng theo mô hình gia đình có mẹ, có anh, có chị, có em. Nhưng kể cả cách chăm sóc và nuôi dưỡng như thế này cũng không phải là gia đình. Trong khi đó, chúng ta đã có kênh tuyệt vời để chính quyền xã, phường thông báo tìm cha mẹ nuôi cho các cháu ngay tại xã phường mình và nhu cầu làm cha mẹ nuôi ở trong nước hiện cũng không phải là ít. Nếu ở xã, phường không tìm được cha mẹ nuôi cho các cháu thì còn có kênh nữa là tỉnh, TP để tìm. Nếu vẫn không được nữa thì chuyển đến Cục Con nuôi để tìm cho các cháu một gia đình Việt Nam có cha, có mẹ, có một mái nhà để các cháu được sống trong môi trường gia đình, được lớn lên trong vòng tay thương yêu của cha mẹ nuôi. Chưa kể là đối với những trẻ em khuyết tật, bệnh tật hiểm nghèo khó có cơ hội được nhận làm con nuôi trong nước thì vẫn có cơ hội tìm được gia đình cha mẹ nuôi cho các cháu ở nước ngoài, nơi các cháu không chỉ có cha mẹ nuôi mà còn được chăm sóc và chữa trị trong những điều kiện y tế hiện đại.
Phải nhấn mạnh rằng, cái cốt lõi là ở xã, phường, kiểu gì cũng quay trở lại với câu chuyện chính quyền xã, phường chăm sóc, bảo vệ trẻ em như thế nào. Do đó, nếu chính quyền xã, phường làm đúng quy định của Luật, làm hết trách nhiệm của mình thì đã không xảy ra những câu chuyện như vừa rồi. Bởi nếu xã, phường không tìm cha mẹ nuôi cho trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi ngay từ địa bàn mình thì danh sách trẻ em cần có gia đình cha mẹ nuôi không lên đến tỉnh, không lên đến tỉnh thì không lên đến Trung ương. Do đó nhân dịp này tôi muốn nói là chính quyền địa phương phải làm tròn trách nhiệm đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có việc tìm cho các em một mái ấm gia đình khi không may các em bị mồ côi hay bị cha mẹ bỏ rơi không nơi nương tựa.
Trân trọng cám ơn Cục trưởng về cuộc trao đổi này!
Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?