Chiêu biến lợn siêu nạc thành lợn mán đặc sản
Thứ bảy, 02/11/2013 16:41

Mua thịt lợn mán tại các quầy ngoài chợ với giá cao gấp đôi thông thường nhưng thực chất là thịt lợn sề.

Thịt lợn mán có lông da 3 lỗ là đặc điểm nổi bật khiến người tiêu dùng dễ bị đánh lừa

Thịt lợn mán có lông da 3 lỗ là đặc điểm nổi bật khiến người tiêu dùng dễ bị đánh lừa

Nghe nhiều chị em truyền tai về thịt lợn mán nuôi tự nhiên, không cám tăng trọng, thịt thơm ngon, chị Vũ Thị Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng tìm mua để có thực phẩm sạch bổ sung cho bữa ăn gia đình. Một lần ra chợ, chị thấy quầy thịt rao bán thịt lợn mán.

Thoạt trông chị phán đoán đây là loại lợn nhỏ, miếng thịt bị cắt vụn, màu đỏ tươi, bì dày màu hanh vàng, nhiều nạc ít mỡ, khác hẳn với thịt lợn nhà chị vẫn mua. Chưa yên tâm, chị thắc mắc với người bán hàng thì được giải thích: “Lợn mán càng nhỏ thì càng thơm thịt, lợn chỉ khoảng 10-15kg là ngon nhất”.

Người bán hàng đon đả chào mời, khẳng định chắc chắn lợn mán từ vùng Tây Bắc nhập về, chất lượng “miễn chê”.

Tin tưởng lời giới thiệu, chị Hà bèn mua 1 kg với giá hơn 300 nghìn đồng. Hồ hởi mang về nhà chế biến, chị thấy thịt có mùi hoi hoi, lại ra rất nhiều nước. Miếng thịt mềm nhũn, bì lợn không giòn, dai như nhiều người giới thiệu trước đó.

Đem chuyện kể với chồng, cả nhà được phen cười sảng khoái vì sự ngây ngô của vợ. Theo chồng chị Hà, lợn mán nuôi cả năm mới được một lứa, muốn mua được lợn “chính tông” thì phải lên tận vùng cao “chỉ mặt đặt tên” lợn rồi rước về thịt. Là người đã từng thưởng thức lợn mán của dân bản tại Hòa Bình, anh khẳng định, thịt mà chị Hà mua là thịt lợn sữa được nuôi siêu nạc nên có hình thức giống thịt lợn mán nhưng chất lượng thì.. kém xa.

Chị Hà ấm ức: “Tôi không nghĩ người ta lại hô biến lợn sữa siêu nạc thành lợn mán như thế. Giá thịt đắt đỏ chứ rẻ rúng gì đâu, từ đấy tôi không dám mua thịt linh tinh ở ngoài, thường xuyên mua trong siêu thị”.

Cẩn trọng và có kinh nghiệm trong việc lựa chọn thực phẩm, anh Khánh (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) không ngờ mình “sập bẫy” quầy thịt trong khu chợ gần nhà. Họ treo biển bán thịt lợn mán, anh không tin vì “thời buổi nhập nhèm, vàng thau lẫn lộn, lấy đâu ra đặc sản miền rừng ngay đất Thủ đô”.

Tuy nhiên, khi đi ngang qua quầy thịt, chủ hàng chào mời rất nhiệt tình nên anh đành tặc lưỡi ngó vào xem thử. Nâng lên đặt xuống, săm soi từ cái lông, màu da thịt đến cả miếng thịt, anh Khánh ngờ ngợ có lẽ họ bán đúng thịt lợn mán vùng cao.

Anh Khánh kể: “Mình nhấc phần bì lợn lên nhìn, đúng là chân lông ba lỗ, da dày màu đen. Lớp mỡ rất mỏng, thịt đỏ tươi, săn chắc. Những đặc điểm trên hoàn toàn khớp với đặc điểm nhận dạng thịt lợn mán. Không nghi ngờ gì nên tôi mua về”.

Nhưng sau khi chế biến, anh Khánh nhận rõ mình bị lừa. “Thịt lợn ăn rất dai, bì lợn cứng, không nuốt được. Mấy đứa trẻ nhà tôi không thể ăn. Nói thật, người lớn còn không ăn nổi chứ đừng nói là trẻ nhỏ. Mình biết bị lừa, mua phải thịt lợn sề rồi”, anh Khánh bày tỏ.

Khó tìm được thịt lợn mán ở các quầy thịt ngoài chợ

Thận trọng khi chọn mua

Trước tình trạng người tiêu dùng “sập bẫy” các chiêu làm giả thịt lợn thường thành thịt lợn mán và bán với giá cao ngất, anh Thanh, một tay chuyên buôn lợn từ các vùng núi Tây Bắc đổ về các nhà hàng ở Hà Nội, đầu mối cung cấp lợn mán có uy tín, cho biết, đa số lợn mán bán đầy chợ là đồ giả.

Theo anh Thanh, thịt lợn mán có da khá dày và cứng, lớp mỡ cực ít hoặc không có. Da lợn mán sần sùi, không bóng như da lợn nhà hay lợn lai, thường có ba sợi lông mọc chụm ở một chỗ. Thịt lợn rừng có màu nhạt chứ không đỏ như thịt nhà và có mùi hôi khá đặc trưng. Khi chế biến, thịt lợn rừng ngọt và thơm hơn thịt lợn nuôi. Điểm đáng chú ý là bì thịt lợn rừng phải nấu trong vòng 15 – 25 phút thì mới giòn và ăn được.

Thịt lợn mán có giá đắt gấp đôi, gấp ba thịt lợn nhà. Giá thịt dao động trong khoảng từ 300.000 – 400.000 đồng/kg tùy từng phần thịt khác nhau. Có một số loại thịt được gắn mác lợn mán nhưng chỉ có giá dưới 200.000 đồng/kg.

Cũng theo anh Thanh, một số cơ sở giết mổ, kinh doanh thịt lợn tại Hà Nội thường trà trộn thịt lợn thường với lợn mán dựa trên một số đặc điểm nhận dạng như đã mô tả.

“Người ta có thể dùng máy bắn lông để tạo thành chân lông 3 lỗ trên bì lợn. Cũng có thể dùng lợn nhỏ, nuôi cám tăng trọng để giống hệt lợn mán. Việc trà trộn, nhập nhèm lợn mán trên bàn thịt là hoàn toàn có thể xảy ra”, anh T. cho biết.

Trả lời báo chí, PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, Hiệp hội chăn nuôi VN cho biết: “Đặc trưng của lợn mán là da dày, đen, nhiều nạc, lớp mỡ mỏng cũng gần giống với đặc trưng của lợn siêu nạc hiện nay. Điểm khác dễ phân biệt là trọng lượng lợn mán nhỏ, chỉ từ 10 – 15 kg/con, lợn càng nhỏ, thịt càng chắc càng thơm ngon”.

Cũng theo ông Vang,  khi bày bán, không hàng nào để nguyên con mà thường xắt thành miếng nhỏ, người tiêu dùng khó nhận biết. Lợi dụng điều này, một số tiểu thương đã trà trộn cả thịt lợn sề hoặc lợn siêu nạc, phẩm chất thấp để bán kiếm lời.

Vietnamnet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: Thịt lợn bẩn , Thịt bẩn , Lừa đảo , Thị trường , An toàn thực phẩm , Thực phẩm bẩn