Chiến trường K, cho đến hôm nay vẫn là một bí ẩn đối với nhiều người Việt Nam vì thông tin công khai trên báo chí quá ít đề cập đến trong một thời gian dài.
|
Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam năm 1977 – 1979 rồi thêm 10 năm sau đó bộ đội tình nguyện Việt Nam đồn trú ở đất Campuchia để truy quét tàn quân Pol Pot bảo vệ chính quyền non trẻ của nước bạn được các cựu chiến binh gộp chung vào một miền ký ức mang tên “Chiến trường K”. Nhiều năm tháng đã trôi qua, và cũng do sách báo quá ít nhắc đến nên dường như đối với nhiều người, chiến trường K thật sự là một bí ẩn còn nhiều xa lạ.
Bộ đội nhà Phật
Với ưu thế hỏa lực hơn hẳn quân đội Khmer Đỏ nhưng bộ đội Việt Nam không lạm dụng hỏa lực để giành chiến thắng. Các anh đã cố gắng để hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất cho nhân dân Campuchia vì một suy nghĩ rất đơn giản: phá sập một công trình chỉ cần vài quả đạn pháo nhưng sau này nhân dân Campuchia sẽ phải vất vả xây dựng lại.
Bộ đội Việt Nam trên đất nước Chùa Tháp
Tướng Bùi Cát Vũ kể trong ký sự “Đường vào Phnom Penh”: “Anh em ta chỉ dùng súng bộ binh bắn, chứ không dùng pháo sợ cháy thành phố. Đại đội 5, Đại đội 21 cũng vậy, nên ta mới bị thiệt hại như thế. Hồi trưa này tôi nghe đồng chí trợ lý tác chiến về báo cáo lại một trường hợp tương tự như thế của một đại đội thuộc Trung đoàn 12, vây bắt địch mà không dùng B40, ĐKZ bắn vào Đài Độc Lập.
Chiến sĩ ta đã không tiếc máu mình để bảo vệ những công trình lao động nghệ thuật, những phố phường trống hoang cho nhân dân bạn đỡ phần vất vả sau này”.
Trong chiến đấu là vậy, đến giai đoạn đóng quân để ổn định tình hình, bộ đội Việt Nam lại tích cực giúp đỡ người dân về mọi mặt. Nhiều khi các chiến sĩ nhường khẩu phần của mình để cứu đói cho dân chúng Campuchia.
Trong cuốn sách “Cuộc chiến tranh bắt buộc”, đại tá Nguyễn Văn Hồng viết: “Tôi nhớ, sau cuộc tổng tiến công, sư đoàn bộ binh 309 chúng tôi cơ động đến đóng quân và hoạt động trên địa bàn tỉnh Battambang.
Trong những ngày ấy, địch lùa dân chạy theo chúng vào rừng, nhiều người đã lả đi vì đói, vì khát, vì ốm đau, bệnh tật. Bộ đội ta vừa truy kích địch vừa khiêng cáng những người dân kiệt sức trở về phía sau, bón cháo cho từng người, tổ chức khám bệnh, cho thuốc, nhường cơm, sẻ áo cho họ trong lúc khó khăn.
Có nhiều người dân cảm động quá, nói không nên lời: “Bộ đội Việt Nam tốt quá, đã cứu nhân dân chúng tôi lần thứ 3. Chúng tôi nhớ ơn bộ đội Việt Nam suốt đời”, đó là câu nói thường gặp ở nhân dân Campuchia.
Tính chung trong hai năm 1979-1980, sư đoàn bộ binh 309 đã giúp nhân dân Bát Tam Băng 43 tấn lúa giống, 16.702 tấn gạo cứu đói, giúp nhân dân sản xuất 68.574 ha lúa, tặng 6.232 bộ quần áo, xây dựng và sửa chữa 62 trường học với 638 lớp, 6.070 trẻ em được đến trường. Cán bộ chiến sĩ của sư đoàn bộ binh 309 còn vận động, quyên góp được một số tiền đủ để mua sách vở cho các em đến trường, xây dựng được 32 trạm xá phum với 420 giường bệnh; đã khám và phát thuốc và điều trị cho 2.117 người”.
Nguy hiểm chực chờ
Ở một góc độ khác, người lính tình nguyện Việt Nam đóng quân trên đất Campuchia luôn luôn phải đối mặt với những hy sinh bất ngờ. Những cựu binh trở về từ chiến trường K kể rằng hầu như không thể biết được đâu là dân đâu là địch. Câu chuyện của cựu chiến binh Lê Thái Thọ của sư đoàn 9 là một ví dụ:
Bộ đội Việt Nam đang chăm sóc cho các trẻ em Campuchia trên vùng họ đi qua
“Một lần tôi được lệnh cùng với một xe của D29 chở đạn và gạo lên tiếp tế cho chốt Pôlây. Sau khi chuyển, bàn giao xong hàng hoá, chúng tôi nhanh chóng lên đường trở về. Phải khẩn trương, kẻo về muộn sẽ không được an toàn trên đường.
Xe qua một chiếc cầu ngoài thị trấn một đoạn, một anh lính của F15 xin đi nhờ xe. Qua câu chuyện góp vui, chúng tôi được biết anh được đi phép nên đang tìm cách quá giang về Việt nam. Biết chúng tôi chỉ về đến thị xã nhưng anh vẫn xin đi. Được đoạn nào, hay đoạn đó.
Chiếc xe Gazt chầm chậm chạy như rùa bò lên chiếc dốc Rừng xanh nằm khoảng giữa hai chiếc cầu từ phum Tuol Roko đến phum W. Thnna Keo, mấy thằng ngồi trên xe đang cười ngả cười nghiêng khi nghe tôi kể chuyện tiếu lâm... Vừa lên đỉnh dốc, bỗng toác.. toác... toác tiếng súng AK, AR15 nổ xung quanh như xé vải. Địch phục kích.
Tôi xoay người lại nép mình vào góc thành xe, giương súng bắn trả. Cậu lính của F15 từ ghế băng cuối xe lao về phía tôi chúi đầu xuống như tránh đạn. Đức “ cối “, Tâm cũng bò ra sàn xe vừa tránh đạn vừa ... bắn lên trời. Anh lái xe tăng tốc miết bàn đạp ga phóng như điên như dại. Bắn hết đạn, tôi quanh sang thằng Đức hét :
- Đưa tao một băng !
- Băng bằng sắt, băng bằng sắt... Thằng Đức vừa trả lời lạc giọng, vừa lấy tay vỗ vỗ vào băng đạn.
Thì ra, tôi hét nó đưa cho tôi băng đạn, trong lúc cuống cuồng nó lại tưởng tôi bảo nó đưa cho tôi cuộn băng cứu thương nên mới có sự nhầm lẫn như vậy. Đến chiếc cầu sắt gần phum W, Thnna Keo, chiếc xe dừng lại vì có chốt của F15 ở đó. Thôi chết rồi, tôi lại bị thương rồi. Máu phun ra ướt sũng chiếc áo lính tôi đang mặc. Nhưng sao tôi không có cảm giác đau gì nhỉ !!!?
Tôi ngoái nhìn lại phía sau. Cậu lính của F15 đi nhờ đã dính một viên xiên qua thái dương, gục đầu lên vai tôi và chết tại chỗ”.
Ở giữa đất người, ngôn ngữ không thông, các chiến sĩ Việt Nam lúc nào cũng căng thẳng, đặc biệt là lực lượng vận tải tiếp tế cho các đơn vị. Nếu bạn gặp một tốp người đang ngồi trên xe bò lăn bánh lộc cộc trước mặt là ... địch đấy ! Ồ, không có lẽ là dân đi làm rẫy.. Không, không phải dân đâu.. địch đấy. Trong đầu cứ luôn căng ra để ra câu hỏi và tự trả lời. Trả lời sai là phải trả giá. Và đã rất nhiều anh lính trong đơn vị đã trả lời sai”.
Trong một cuộc chiến du kích mà kẻ địch tiến hành đối với bộ đội ta, có những khi chỉ một tên lính Khmer chặn giữa đường cũng tiêu diệt của một xe chở cán bộ. Cựu binh Thọ kể tiếp: “Buổi trưa hôm ấy, một xe Zep chở tốp cán bộ tham mưu quân đoàn đi qua nơi nghỉ ngơi của chúng tôi lao lên chốt Chi phu. Người lái xe cứ dõi theo đường dây thông tin hữu tuyến rải ven đường mà đi.
Mải nói chuyện, anh lái xe và mọi người không để ý đến đường dây hữu tuyến đã hết từ lúc nào. Bỗng phía trước mặt xuất hiện một thằng lính Pốt cầm khẩu B40 lao ra chặn đường. Thì ra xe đã vượt qua tuyến tiền duyên lúc nào không biết. Chiếc xe quay đầu định tháo lui. Không kịp nữa rồi. Ùng...oàng... hai tiếng nổ gần như chập vào một. Toàn bộ tốp cán bộ tham mưu quân đoàn chẳng thoát một ai”.
Quân đội Việt Nam rút về nước năm 1989
Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đã diễn ra như vậy. Đó là một cuộc chiến không thể tránh khỏi, để giúp nhân dân Campuchia thoát thảm họa diệt chủng và cũng là tự giúp mình, mà 33 năm sau, thủ tướng Hun Sen đã tuyên bố tại Việt Nam ngày 3.1.2012:
“Tôi rời Campuchia đến Việt Nam để tìm kiếm sự giúp đỡ chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot, tôi mới 25 tuổi. Không có gì vui hơn khi chúng tôi được giải phóng khỏi chế độ Pol Pot. Chúng tôi từng đứng trước cái chết và rồi được hồi sinh nhờ quân tình nguyện Việt Nam và phong trào đấu tranh của Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia. Tôi không thể nói hết những ý nghĩa xuất phát từ hai tiếng Việt Nam, nhưng tôi có thể nói ngắn gọn hình tượng rằng: “Việt” là sự hồi sinh của Campuchia - “Nam” là sự phát triển của Campuchia từ trước đến nay”.
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%