7 năm trước, có lẽ ai cũng đinh ninh cuộc sống của anh Trần Văn Cầu (32 tuổi, ở thôn Hội An, xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) sẽ mãi gắn bó với nghề sửa xe máy.
|
Ấy vậy mà giờ đây anh lại là ông chủ của 8 hồ cá lóc (có lúc lên đến 27.000 con), là người đi đầu trong phong trào thanh niên lập nghiệp xã Hoài Châu.
Ngay lần đầu tiên đến nhà người anh họ chơi, nhận thấy mô hình nuôi cá lóc nước ngọt khá mới lạ ở quê, cộng với kỹ thuật nuôi không quá phức tạp, đầu ra phong phú, anh Cầu đã không ngần ngại quyết định đăng ký xây dựng mô hình kinh tế “nuôi cá lóc nước ngọt trong vườn tạp”.
Năm 2005, cầm 20 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân hàng chính sách xã hội, cộng với một ít vốn dành dụm khi còn sửa xe máy, anh Cầu bắt đầu đưa giống cá lóc từ miền Tây về mảnh đất Hoài Châu sỏi đá. “Mấy vụ đầu kỹ thuật mình còn yếu, lại chưa có kinh nghiệm nên để cá bệnh chết, cũng may hòa vốn chứ không lỗ”, anh Cầu kể lại những ngày đầu vào nghề mới.
“Mùa hè thì một vụ cá chừng 4 tháng, mùa đông thì từ 5 đến 5 tháng rưỡi mới xuất cá được. Cá chủ yếu được dân buôn ở Huế, Gia Lai, nhất là Đà Nẵng đến mua. Một mùa có thể bán từ 2 đến 5 tấn, thu nhập trên dưới 100 triệu đồng”, anh Cầu nói. Đây cũng chính là nguồn thu nhập cốt yếu của gia đình 6 thành viên nhà anh Cầu.
Anh Cầu đang vớt thức ăn dư thừa trong hồ ra cho gà vịt
Không chỉ vậy, trong vườn nhà, anh Cầu còn nuôi gà vịt để ăn xác mồi dư thừa; tầng dưới hồ anh nuôi cá trê để xử lý chất thải của cá lóc. Như vậy, mô hình chăn nuôi của anh Cầu sau một mùa không chỉ có cá lóc mà còn có cá trê, gà vịt để bán.
Anh Cầu còn hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho thanh niên trong xã Hoài Châu lập nghiệp với nghề nuôi cá lóc. 2 năm trở lại đây, trong số những người tìm đến anh để học hỏi có những hộ thuộc diện nghèo. Dù mới chỉ thực hành được 1, 2 vụ đầu, chưa quen công việc mới nhưng các hộ vẫn có được đồng ra đồng vào.
“Mình không hỗ trợ được vốn nhưng chia sẻ được kinh nghiệm. Anh em nào gặp khó khăn về kỹ thuật thì mình hướng dẫn các loại thuốc để tìm mua chữa bệnh cho cá, chỉ cách tắm cá, tẩy giun sán, vệ sinh hồ…”, anh Cầu chia sẻ. Với những mùa nuôi nhiều cá, anh Cầu còn giải quyết được công việc cho 6 lao động tại địa phương.
Vốn là người hoạt động nhiệt tình trong phong trào đoàn địa phương, anh Cầu còn đảm đương vai trò tổ trưởng tổ tiết kiệm và cho vay của ngân hàng chính sách xã hội ở thôn. Mỗi khi có chương trình hỗ trợ vay vốn lập nghiệp, anh Cầu đều chủ động giới thiệu đến thanh niên trong xã. Năm 2011 vừa qua, anh Cầu đã vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của cho nhà nông trẻ, được Bộ Công an và T.Ư Đoàn khen tặng là thanh niên biểu trong công tác phòng chống tội phạm, thanh niên lập nghiệp.
Anh Võ Tấn Cương, Bí thư Đoàn xã Hoài Châu, cho biết: “Trong quá trình hoạt động, anh Cầu đã hỗ trợ rất nhiều cho địa phương. Ngoài việc xây dựng phong trào thanh niên lập nghiệp, giúp cải tạo vườn tạp, anh còn là thanh niên tiêu biểu trong việc phòng chống, tố giác tội phạm, cảm hóa thanh niên chậm tiến tại địa phương”.
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?