Không còn cảnh hồ hởi như các kỳ Euro trước, rất nhiều cổ động viên (CĐV) các nước đã chọn giải pháp ở nhà xem trực tiếp các trận đấu qua truyền hình.
|
Nguyên nhân là, do tình hình suy thoái kinh tế thế giới, giá cả sinh hoạt đắt đỏ và nhất là e ngại các băng nhóm hooligan dữ tợn của 2 nước đồng chủ nhà Ba Lan và Ukraine. Tờ The Sun vừa cho biết sẽ chỉ có khoảng 3.000 CĐV Anh đến Ukraine ủng hộ đội nhà thi đấu. Con số này rất thấp, nếu biết rằng trước đây CĐV Anh luôn hùng hậu ở mỗi giải đấu lớn, như tại World Cup 2006 ở Đức có đến 70.000 người hâm mộ xứ sương mù theo chân đội nhà. Ngay World Cup 2010 tại Nam Phi cũng có gần 30.000 CĐV đi theo.
Tại VCK Euro 2012, tuyển Anh thi đấu 2 trong 3 trận ở bảng D tại Donetsk, vốn là thành phố khai thác mỏ và không hấp dẫn về du lịch. Nhưng vì chiếm số lượng trận đấu nhiều hơn nên có khoảng 2.000 CĐV đăng ký đến đây. Trận còn lại thi đấu tại Kiev thì có gần 1.000 người. FA (Hiệp hội Bóng đá Anh) hiện còn đến 9.000 vé chính thức ở vòng bảng chưa bán được. Nhiều quan chức FA xác nhận phần lớn CĐV Anh bực bội với giá cả khách sạn tại Ukraine đắt đỏ (tăng gấp 10 lần so với thông thường). Ngay cả Chủ tịch UEFA Michel Platini phải dùng từ “ăn cướp” để nói về vấn nạn tăng giá một cách tùy tiện từ 40 euro lên 100, thậm chí 500 euro để trục lợi riêng chỉ trong vài ngày.
Bạo lực đe dọa đến tính mạng và giá cả đắt đỏ khiến CĐV chọn giải pháp ở nhà xem Euro. (Ảnh: AFP)
Bên cạnh đó, là sự e ngại về mặt an ninh. CĐV đến từ Anh luôn nhận những lời đe dọa thanh toán từ các nhóm hooligan địa phương theo chủ nghĩa cực đoan. Ngoài ra, các tay CĐV Anh vốn dễ kích động vì thường “rượu chè be bét” khi đến ủng hộ đội nhà thi đấu và hay gây rối. Nhưng nay cũng phải e ngại, bởi cảnh sát Ukraine tuyên bố là xử lý mạnh tay bất cứ trường hợp gây rối khơi mào cho bạo động.
Trong khi đó, vấn nạn hooligan vốn hoành hành trong làng bóng Ba Lan lâu nay cũng khiến người ta e ngại đến xem Euro tại đây. Ở giải VĐQG Ba Lan, cảnh CĐV đốt khán đài, quậy phá diễn ra thường xuyên. Cảnh sát Ba Lan cũng lên kế hoạch sẽ sử dụng một loại thiết bị đặc biệt phát ra âm thanh cực lớn và có thể gây điếc tai để giải tán đám đông nếu xảy ra bạo loạn ở Euro. Nhưng vấn đề nổi cộm nhất là nạn phân biệt chủng tộc đôi khi đến mức cực đoan của một bộ phận băng nhóm hooligan ở Ba Lan thường nhắm đến các cầu thủ da màu hay CĐV gốc Á hoặc Phi.
Xem ra, kỳ Euro này trước mắt không như ở Áo và Thụy Sĩ cách đây 4 năm khi đón tiếp hơn 1,1 triệu CĐV tới xem (trung bình hơn 36.000 khán giả/trận). Rất có thể số lượng người trên các khán đài sẽ giảm mạnh.
UEFA thông báo đã phân phối gần 95% trong tổng số 1,4 triệu vé của 31 trận ở VCK đến 16 liên đoàn thành viên có đội tuyển góp mặt và qua hệ thống bán vé trực tuyến trên trang chủ của UEFA. Nhưng nhiều liên đoàn cho biết lượng CĐV đăng ký mua không nhiều.
Ở Ukraine, hiện còn 50.000 vé chưa bán được, Ba Lan đã bán rộng rãi nhưng lượng người hâm mộ chỉ quan tâm các trận có đội chủ nhà. Tờ The Sun cho biết ngoài CĐV Anh, rất nhiều CĐV Đức và Hà Lan cũng chọn giải pháp ở nhà vì không muốn đến một nơi rất đắt đỏ mà du lịch kém hấp dẫn và an ninh không đảm bảo.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?