Cảnh báo việc sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả
Thứ ba, 09/07/2013 09:14

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm rau quả lâu nay luôn được người tiêu dùng và các cơ quan chức năng quan tâm.

Tiêm thuốc cho mít nhanh chín - hiểm họa đối với sức khỏe người tiêu dùng

Tiêm thuốc cho mít nhanh chín - hiểm họa đối với sức khỏe người tiêu dùng

Các loại rau được con người tiêu dùng gồm các nhóm:  Rau ăn lá ( bắp cải, xà lách…), rau ăn củ ( su hào, cà rốt…), rau ăn quả ( dưa chuột, ớt, bí ngô, đậu đỗ, cà chua…), rau ăn hoa ( thiên lý, súp lơ…), rau ăn mầm ( giá đỗ đậu xanh, giá đỗ đậu tương…) và các loại quả như mít, chuối, dứa, nho, mận, đào (sau đây gọi chung là rau quả). Vì rau quả là loại thực phẩm thiết yếu không thể thiếu trong tiêu dùng hàng ngày của con người.

Một thực tế không thể phủ nhận về mặt lợi ích mà thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) mang lại là tiêu diệt các loài dịch hại trên các loài rau quả trồng ngoài đồng ruộng (sâu, bệnh, cỏ dại…) và trong quá trình vận chuyển, bảo quản nhằm tránh nấm mốc và vi khuẩn gây thối hỏng. Vì vật thuốc BVTV đã góp phần bảo vệ cây rau và các sản phẩm rau quả. Tuy nhiên do vấn đề lạm dụng và sử dụng tràn lan thuốc BVTV ngoài đồng ruộng, tiêm thuốc kích thích cho quả mau chín…, đã để lại dư lượng của nhiều loại độc tố nguy hiểm lưu tồn trong các loại rau quả. Đây chính là mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với sức khoẻ con người về trước mắt cũng như lâu dài.

Khi người nông dân phun thuốc BVTV trên đồng ruộng để trừ các loài sâu bệnh hại thì theo thời gian và do tác động của các yếu tố môi trường như nhiệt độ, ánh sáng, nước mưa và sự phân giải của các vi sinh vật thì đa số các loại thuốc BVTV bị phân huỷ thành các chất ít độc hại đối với môi trường và các sản phẩm rau quả ( nếu tuân thủ đúng kỹ thuật và thời gian cách ly). Nhưng hiện nay nhiều loại thuốc BVTV có độ độc cao, tồn lưu bền vững trong môi trường và sản phẩm rau quả đã bị cấm sử dụng, các loại thuốc BVTV nhập lậu từ Trung Quốc vẫn tràn lan trên thị trường mà các cơ quan chức năng không thể kiểm soát nổi vẫn được người nông dân sử dụng hàng ngày để phun trừ sâu, bệnh trên các loại rau quả, thậm trí không đảm bảo thời gian cách ly. Ngoài ra do lợi nhuận nhiều người đã dùng các loại hoá chất BVTV độc hại được nhập lậu từ Trung Quốc để ngâm ủ rau quả nhằm bảo quản được lâu không bị thối hỏng, tiêm thuốc kích thích cho quả mau chín…đã để lại dư lượng thuốc BVTV khá lớn, cao gấp hàng chục lần qui định cho phép của Bộ Y tế trong các loại rau quả tiêu dùng hàng ngày.

Ngoài tác động làm giảm chất lượng rau quả, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, khi sử dụng tràn lan thuốc BVTV trên rau quả còn gây ô nhiễm nguồn đất canh tác, ô nhiễm nguồn nước ngầm và môi trường không khí.. Vì theo các nghiên cứu trong và ngoài nước, cho tới thời điểm hiện nay chưa có một loại hoá chất BVTV nào có độ an toàn tuyệt đối đối với môi trường sống và các sản phẩm nông nghiệp trong đó có các loài rau quả ( kể cả thuốc BVTV có nguồn gốc vi sinh).

Từ đó, để hạn chế tác hại của thuốc BVTV đối với sức khoẻ con người, góp phần nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên các loại rau quả phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Danh mục các loại thuốc BVTV được phép sử dụng, các loại thuốc BVTV cấm sử dụng trên các loại rau quả của Việt Nam. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với các hóa chất BVTV khi sử dụng trên các loại rau quả. Cần tăng cường các chế tài và mức độ xử phạt đối với các hộ kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV không rõ nguồn gốc trên địa bàn cả nước.

KS Phạm Văn Phú

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: Thuốc bảo vệ thực vật , Vệ sinh an toàn thực phẩm , Rau quả , Thực phẩm , Tiêu dùng