Bốn cái khó của giới trẻ lúc giao thời
Thứ tư, 14/03/2012 15:42

Sinh ra trong thời bình, giới trẻ “8x, 9x” đang được xã hội chú ý nhiều nhất, nhưng cũng dễ bị chỉ trích lên án nhất mỗi khi phạm sai lầm. Trong khi đó quan điểm và thực tiễn xã hội nơi này nơi khác chưa rõ ràng nhất quán, dễ làm nhiều bạn trẻ khó xử.

Về văn hóa, bó hoa hồng dần dần mất chức năng đại diện cho tình yêu mà do “nàng Iphone, chàng Ipad” đảm nhận, thì khi đó nhiều người trách “giới trẻ ngày nay” bị giá trị vật chất che mắt, quên giá trị tinh thần.

Nhưng nếu được lựa chọn giữa hoa hồng và chiếc điện thoại, chắc chắn khó có ai (kể người lớn) dám nói là mình chỉ chọn hoa hồng nếu như họ không phải là triệu phú. Thường ngày, chúng ta còn hay bắt gặp các bậc cha mẹ dạy các quý tử của mình phải lựa chọn tiểu thư, hoàng tử giàu có để gửi thân.

Thế đấy, chính trong gia đình các bạn trẻ đã phải hấp thụ cái văn hóa kết hôn thực dụng đến thế, thì nguyên tắc “hôn nhân tự nguyện, tiến bộ” trong Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam làm sao phát huy tác dụng, nói chi đến giá trị thực của hôn nhân đôi lứa.

Về giáo dục, giáo dục trong nước chưa phát triển, tuổi trẻ được khuyến khích tiếp cận các nền giáo dục tiên tiến để trở về phục vụ đất nước. Nhưng khi trở về họ hay bị cho là chuộng nhãn mác, nặng hơn thì là học những điều xàm bậy, không phù hợp, khó tìm việc làm hoặc việc làm không tốt.

Thế nhưng chưa bao giờ các nhà giáo dục đưa ra được một định nghĩa nghiêm túc cho cái khái niệm “không phù hợp” và “xàm bậy” để người ta biết đường mà lựa chọn môn học.

Chưa hết, nhiều bạn trẻ đã cố xin được một học bổng danh giá, sau đó được thủ trưởng ký quyết định cho phép đi học, nhưng trong thời gian học khóa chuẩn bị trong nước thì chính các thủ trưởng đó thỉnh thoảng lại triệu tập họ cho cuộc họp này, công việc nọ. Thử hỏi ai yên tâm mà học? Sự không rạch ròi, nhất quán làm nhiều bạn trẻ mệt mỏi, khó xử, tâm trạng nặng nề.

Ảnh minh họa

Về xã hội, trí thức trẻ cũng được khuyến khích phục vụ ở nông thôn nhưng khi họ hỏi về nông thôn làm việc ở đâu thì ít ai trả lời được hoặc trả lời không thuyết phục.

Trong khi đó các khu công nghiệp, chế xuất đa số được đặt ngay ở thị thành, các vị trí công quyền ở nông thôn thì không còn chỗ trống, nếu còn thì chế độ đãi ngộ không thể so sánh được với thị thành.

Như thế sao có thể trách họ bon chen làm việc ở thị thành? Họ có cái quyền tự tìm giải pháp an toàn cho mình vì gia đình họ đã bỏ ra quá nhiều tiền của, công sức để đầu tư cho quá trình học tập.

Có một thời Tỉnh đoàn Cà Mau và nhiều tỉnh khác “lôi” được nhiều sinh viên hạng ưu từ các Trường Đại học, cao đẳng về đến cấp xã, thôn phục vụ có thời hạn (3-5 năm). Nhưng sau khi họ phục vụ xong thì nhiều bạn trẻ lại phải quay về vạch xuất phát, tự chạy đôn chạy đáo đi tìm việc.

Về chính trị, chấp nhận vươn ra biển lớn WTO tức phải chấp nhận cạnh tranh nhân sự giữa công và tư một cách sòng phẳng. Khi đó giới trẻ cũng được khẳng định mạnh mẽ cái quyền lựa chọn việc làm.

Thế nhưng khi một số công chức trẻ nhảy sang làm cho khu vực tư nhân hoặc tự kinh doanh thì hay bị cho là phai mờ lý tưởng, là chạy theo lối sống thực dụng; nhiều “người lớn” nhìn họ với cặp mắt lạ lẫm chưa từng thấy.

Khi đó người ta tự hỏi: Thế thì có phải chỉ những ai làm trong các cơ quan công quyền mới chính thức được ghi nhận là đóng góp cho xã hội? Dĩ nhiên không phải. Thế thì tiền thuế thu nhập, tiền bảo hiểm của khu vực tư không đủ để được thừa nhận là sự cống hiến cho đất nước hay sao? Càng không đúng.

Thôi thì quan tâm làm gì, cứ lo làm công việc mình thích, miễn là hợp pháp, bỏ ngoài tai những cái vĩ mô của đất nước và làm chuyện vi mô có lẽ sẽ nhẹ nhõm hơn. Thế là giới trẻ tiếp tục bị cho là thiếu trách nhiệm với xã hội.

Đến đây lại phát sinh một bộ phận “thương nhân trẻ” làm mọi cách, kể cả bất chấp thủ đoạn để giàu lên, rồi sau đó lấy tiền đi làm…“từ thiện”, thể hiện “trách nhiệm” với xã hội? Vấn đề sẽ trở nên khá phức tạp nếu phân tích.

Quay lại câu chuyện văn hóa, dường như có một lỗ hổng nào đó thuộc trách nhiệm của ngành giáo dục. Chúng ta thường dạy giới trẻ tiếp nhận tiến bộ, đào thải lạc hậu nhưng thế nào là “tiến bộ”, thế nào là “lạc hậu” có vẻ chưa rõ lắm.

Nói cách khác, giới trẻ dường như thiếu công cụ sàng lọc khi tiếp nhận, hấp thu cái gọi là tinh hoa của thời đại. Chẳng hạn: Tìm hiểu cái văn hóa thích phơi nắng của dân Âu Mỹ mới thấy rõ điều này:

Họ nói rằng trước đây ở xứ họ cũng quan niệm người đen, da rám nắng thường là người nghèo. Nhưng không lâu thì quan niệm này trở nên lạc hậu chưa từng có: hóa ra, đa số người trắng lại là người nghèo do suốt ngày phải quần quật trong công sở, còn người đen, da rám nắng lại thường là quí tộc vì rảnh rang đi du lịch.

Nghe giải thích êm tai như vậy các bạn trẻ có nguy cơ:

- 1 rủ nhau đi phơi nắng cho giống họ - đã có rất nhiều người Việt làm thế

- 2 xóa bỏ quan điểm cho rằng người đen, da rám nắng thường nghèo khổ.

Quan điểm thứ hai có vẻ là tiến bộ, nhưng bài học cần tiếp thu ở đây lại là bài học nhằm chống nạn phân biệt màu da (được vài học giả cố tình xây dựng) để giáo dục giới trẻ, và phơi nắng đúng cách sẽ tốt cho da. Bài học này, nếu không phải là chuyên gia, thì khó mà cảm nhận được.

Chúng ta đòi hỏi các bạn trẻ sàng lọc cái tinh hoa của nhân loại trong khi họ chưa có đủ công cụ để sàng và lọc, thì đừng trách họ quá đáng. Giới trẻ 8x, 9x vẫn có những khó khăn nhất định do giao thời bao cấp và mở cửa.

Họ thiếu “kim chỉ nam” để thực hiện sứ mệnh nên cần xã hội nhìn nhận, đánh giá ở góc độ cảm thông hơn là phê phán, chỉ trích một cách thiếu công bằng.

VNE
Tag: Giới trẻ , 8x , 9x , Cách sống , Cách yêu , Giáo dục nhận thức , Văn hóa học đường