Bị đề nghị tạm dừng, đại diện Uber muốn 'đối thoại cơ quan chức năng'
Thứ bảy, 06/12/2014 10:00

Đại diện của hãng taxi Uber mong muốn được đối thoại với các cơ quan chức năng có liên quan để giải quyết các vấn đề đang tồn tại trong hoạt động của dịch vụ này.

Bị đề nghị tạm dừng, đại diện Uber muốn 'đối thoại cơ quan chức năng'

Bị đề nghị tạm dừng, đại diện Uber muốn 'đối thoại cơ quan chức năng'

Taxi Uber, một dịch vụ “lạ” mới xuất hiện ở Việt Nam nhưng đã tạo ra một “cơn bão” và đang là tâm điểm bàn cãi về tính pháp lý khi các cơ quan chức năng cho rằng, Uber kinh doanh trái phép cũng như không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của một doanh nghiệp ở Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi trên VTV, đại diện của hãng taxi Uber cho rằng họ đáp ứng được tất cả những vấn đề mà các bên đang đặt ra. Và đại diện của hãng taxi Uber cũng mong muốn được đối thoại với các cơ quan chức năng có liên quan để giải quyết các vấn đề đang tồn tại trong hoạt động của dịch vụ này.

Trước đó, Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, kiến nghị ngừng hoạt động taxi Uber vì lo ngại loại hình này cạnh tranh thiếu lành mạnh với taxi thông thường.

Trong công văn, phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội Nguyễn Anh Quân cho rằng, Uber taxi không phải là đơn vị kinh doanh vận tải, chỉ làm nhiệm vụ kết nối giữa lái xe và hành khách, không được điều chỉnh bởi Luật Giao thông đường bộ Việt Nam.

Đây là loại hình vận tải trực tiếp thu tiền của người đi xe không thông qua đơn vị kinh doanh vận tải, như vậy là trái với Luật Giao thông đường bộ và nghị định kinh doanh vận tải bằng ôtô, không đáp ứng điều kiện kinh doanh vận tải như không có đăng ký kinh doanh, không giấy phép kinh doanh vận tải.

Ngoài ra, việc hoạt động kinh doanh của Taxi Uber cũng chưa được sự đồng ý cho phép của các cơ quan nhà nước, hoạt động ngoài tầm kiểm soát, không đóng thuế nên gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các hãng khác.

Mặt khác, tại các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội… theo chính sách của cơ quan nhà nước không phát triển thêm phương tiện phục vụ sản xuất kinh doanh taxi bằng xe ô tô do cơ sở hạ tầng chưa cho phép. Việc phát triển hoạt động kinh doanh của Taxi Uber ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến trật tự giao thông đô thị.

Thực tế cho thấy, đối với hình thức chở người có thu tiền thông qua ứng dụng Uber là không đảm bảo quyền lợi cho người đi xe. Quyền lợi của khách hàng khi sử dụng dịch vụ sẽ không được đảm bảo trong trường hợp khi xảy ra sự vụ, sự việc do lái xe không được quản lý, hoạt động không theo tổ chức, không được đào tạo.

Như tin tức đã đưa, ra đời từ năm 2009, Uber là phần mềm hoạt động trên điện thoại thông minh (smartphone) dưới dạng ứng dụng, giúp kết nối người cần di chuyển và tài xế. Theo đó, người có nhu cầu đi xe đăng ký hành trình trên ứng dụng, hệ thống của Uber sẽ kết nối thông báo với một chủ xe gần đó và phản hồi cho khách biết về lộ phí, đặc điểm, thông tin tài xế và chiếc xe sắp có mặt.

Những xe tham gia sử dụng Uber không có biển hiệu taxi, không hoạt động tính tiền như những xe taxi khác mà tính dựa vào thông tin vị trí trên ứng dụng.

Các xe tham gia Uber với cước rẻ hơn taxi truyền thống 20%. Người dùng trả phí thông qua hệ thống thanh toán bằng thẻ quốc tế như Master Card, Visa… chủ xe hưởng 80%, còn Uber sẽ lấy 20% "hoa hồng".

Hình thức vận tải này hiện rất được ưa chuộng và hiện có mặt tại hơn 100 thành phố của 36 quốc gia. Tại Việt Nam, taxi uber đã xuất hiện tại TP.HCM vào tháng 7 năm nay và mới xuất hiện tại Hà Nội.

Tuy mới xuất hiện vài tháng, nhưng dịch vụ taxi “lạ” thông qua phần mềm này đã làm “dậy sóng” lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách truyền thống tại Việt Nam, khi thị phần của các hãng taxi bị đe dọa nghiêm trọng, người tiêu dùng có khuynh hướng sử dụng dịch vụ mới ngày càng nhiều.

Nguoiduatin.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: dai dien uber , taxi uber , dich vu taxi , phan mem uber , tin , bao