“Nếu phân khúc nghỉ dưỡng mà có nhiều nhà đầu cơ như mảng đất nền và nhà dự án thì chắc chúng tôi đã sập từ lâu rồi”.
|
Một chủ đầu tư của nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven Hà Nội đã chia sẻ như vậy khi được hỏi về “sức khỏe” của doanh nghiệp trong suốt quãng thời gian được cho là khó khăn nhất của giới kinh doanh nhà đất. Và cũng chính vì sự thưa vắng của đội quân mua đi bán lại nên đến thời điểm này, hơn 2/3 số sản phẩm chào bán trong năm 2011 của doanh nghiệp này đã tìm được chủ nhân, góp phần không nhỏ cho sự đứng vững của doanh nghiệp trong cơn bão khủng hoảng.
Chia sẻ của doanh nghiệp trên không phải là không có cơ sở, bởi trên thực tế, số doanh nghiệp đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tại Hà Nội và khu vực lân cận cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Như Công ty Vinaconex ICT, Archi Group, Hùng Vương, INT Group và một vài doanh nghiệp có quy mô nhỏ khác.
Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, số lượng dự án nghỉ dưỡng cũng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong số hàng trăm dự án bất động sản đã và đang được triển khai tại Hà Nội hiện nay.
Trong suốt năm 2011, trong khi nhiều chủ dự án đất nền, nhà chung cư gặp khó khăn do thanh khoản trên thị trường sụt giảm, tín dụng thắt chặt buộc không ít chủ đầu tư phải hạ giá, bán tháo căn hộ, cắt giảm nhân viên... thì phần lớn các chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng vẫn lặng lẽ “vượt bão” nhờ vào những đặc tính riêng có của mảng thị trường này.
Theo ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc Archi Group – doanh nghiệp đang sở hữu chuỗi dự án nghỉ dưỡng tại vùng lân cận Hà Nội như Ba Vì, Lương Sơn (Hòa Bình)..., đành rằng khủng hoảng kinh tế trong năm qua có ảnh hưởng đến tốc độ bán hàng của doanh nghiệp này nhưng mức độ không đáng kể. Bởi lẽ, ngay cả khi nền kinh tế đang “nóng”, dòng tiền trên thị trường lớn như mấy năm trước thì gần như doanh nghiệp này cũng không được hưởng lợi nhiều.
Giới đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tin rằng, những căn biệt thự ngoại ô sẽ là lựa chọn của không ít người trong thời gian tới.
Vị này cho biết, hầu hết khách hàng của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đều là những người tiêu dùng cuối cùng, những người có khả năng tài chính dồi dào, có địa vị và thu nhập cao trong xã hội. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ là các nhà đầu tư, song cũng là đầu tư lâu dài, hoàn toàn không có chuyện “lướt sóng” đối với phân khúc nghỉ dưỡng.
Theo tìm hiểu của VnEconomy, phần lớn các dự án bất động sản vùng ven Hà Nội như: Green Villas, Country House, Nine Ivory (của tập đoàn Archi), Flamingo Đại Lải Resort (của Công ty Hồng Hạc Đải Lải), dự án The Melody Villas, Đồng Chanh (của INT) hay Ngọc Viên Islands (Beverly Investment), Zen Resort...đều có tỷ lệ bán hàng khả quan, nhiều dự án đã bán 2/3 số sản phẩm ngay thời điểm thị trường khó khăn nhất trong năm 2011.
Thậm chí, vào cuối năm 2011, trong khi không ít chủ đầu tư dự án nhà chung cư phải nhượng lại dự án cho đối tác thì tập đoàn Archi lại quyết định mua lại phần lớn cổ phần của một doanh nghiệp cùng ngành để “ôm” thêm một loạt dự án du lịch, nghỉ dưỡng khá nổi tiếng ngay trong lòng hồ Thủy điện Hòa Bình. Vào thời điểm đó, báo cáo tài chính trong một năm khó khăn của thị trường cũng đã thuyết phục được Quỹ đầu tư tài chính VietCat rót hàng trăm tỷ đồng vào doanh nghiệp này để tăng thêm sức mạnh thâu tóm các dự án nghỉ dưỡng mới.
“May mắn là mảng chúng tôi chọn không có nhiều nhà đầu cơ lướt sóng nên khi kinh tế khó khăn, tín dụng thắt chặt cũng không xảy ra cảnh tháo chạy như nhiều phân khúc khác. Không ít khách hàng trong suốt năm qua vẫn âm thầm tìm hiểu, mua vào các sản phẩm biệt thự, đất nền của chúng tôi chỉ với mục đích... vài năm nữa đến ở”, ông Nam chia sẻ.
Hơn nữa, theo vị này, bất động sản nghỉ dưỡng cũng có nhiều điểm tương đồng với phân khúc cao cấp ở trong nội thành. Một số khách hàng sẽ chọn cải thiện chỗ ở của mình bằng những căn hộ hạng sang ngay trong nội thành, song cũng có không ít lại chọn những tòa biệt thự ven đô, có thể chuyển hẳn đến ở hoặc dùng làm nơi nghỉ dưỡng cuối tuần.
Do vậy, theo ông Nam, nếu không nhìn thấy triển vọng của thị trường thì doanh nghiệp này đã “đẩy” hết từ mấy năm trước, không dại gì lại đi ôm thêm. Dự kiến trong tháng Tư tới, doanh nghiệp này tiếp tục giới thiệu ra thị trường một dự án nghỉ dưỡng mới Điền Viên Thôn tại Ba Vì nhằm đáp ứng các khách hàng có xu hướng hoài cổ, tái hiện như một làng quê đồng bằng Bắc Bộ.
Còn theo bà Lý Thái Hà, Trưởng phòng Kinh doanh bất động sản Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải – chủ đầu tư dự án Flamingo Đại Lải Resort, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng có thị trường riêng của mình và có sự chọn lọc nhà đầu tư. Chính vì vậy, trong bối cảnh thị trường chung khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp kinh doanh thì doanh nghiệp này vẫn đạt được doanh số ổn định, không phải cắt giảm nhân viên.
“Các nhà đầu tư vào phân khúc này là các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính và có nhu cầu thực để nghỉ dưỡng và đầu tư. Trước Tết nguyên đán, chúng tôi triển khai chương trình Flamingo Villa 3 và đã nhận được sự quan tâm của khách hàng nên tình hình kinh doanh khá tốt. Nhận thấy rõ tiềm năng phát triển của thị trường, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư hoàn thiện các hạng mục nghỉ dưỡng để đáp ứng nhu cầu khách hàng trong thời gian tới”, đại diện Công ty Hồng Hạc Đại Lải cho hay.
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%