Lê Văn Phúc ấm ức, ám ảnh vì tin nhắn nói đến những vết tích thầm kín ở chỗ nhạy cảm trên thân thể vợ.
Tử tù Lê Văn Phúc |
Gã giết hại dã man đứa cháu trai 9 tuổi, con anh trai ruột của vợ vì ức. Giờ thì ám ảnh tội lỗi khiến gã thường mơ thấy nạn nhân mỗi đêm.
Giận cá chém thớt
Gặp tử tù Lê Văn Phúc (SN 1979, thường trú ở thôn 8, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) nơi trại tạm giam – Công an Hải Phòng, tôi thoáng thấy ngờ ngợ. Sau vài lời giới thiệu của quản giáo, tôi nhớ ra vụ án do gã là hung thủ và nhớ lại phút đã từng gặp gã. Là một trong những phóng viên có mặt ở hiện ngay sau vụ án xảy ra, tôi đã gặp Phúc khi chiếc còng số 8 tra vào tay gã. Thời điểm đó, nhìn gã đen đúa, gương mặt xương xẩu, hàm hơi bạnh ra chứ chẳng được béo trắng, mặt tròn đầy như khi ở trong trại giam.
Gợi chuyện về quá khứ, Phúc bảo gã gây tội để phải chịu án tử hình như ngày hôm nay là do chuyện tình cảm giữa vợ chồng gã bị sứt mẻ. “Từ khi vợ tôi đi làm ở công ty giày da, cách nhà mấy chục cây thì giữa chúng tôi xảy ra những căng thẳng. Không hiểu sao người ta biết số điện thoại của tôi, người ta nhắn tin nói về vợ tôi rất nhiều. Ban đầu tôi không tin vợ mình như thế, nhưng sau người ta bảo trên người vợ tôi có những vết sẹo ở chỗ này chỗ kia, bản thân tôi là người chồng, tôi biết điều thầm kín ấy, ngoài bố mẹ đẻ của cô ấy ra thì tại sao người ngoài lại biết? Vợ tôi sống không lành mạnh, khuyên bảo mãi không nghe, nhờ bên ngoại can thiệp nhưng họ lại dung túng, bao che, đêm hôm đưa vợ tôi bỏ trốn khỏi nhà…” – Phúc lý giải về nguyên nhân sâu xa gây tội của gã. Bởi những mâu thuẫn với người vợ, phút điên cuồng, Phúc nhẫn tâm ra tay giết hại dã man đứa trẻ 9 tuổi, là con anh trai bên vợ và là đứa cháu đích tôn của một dòng họ.
Tối 24/2/2012, đến giờ ăn bữa cơm tối vẫn không thấy con trai là bé Cù Đức Duy ở nhà, cả nhà anh Cù Mạnh Hà (34 tuổi, ở thôn 8, xã Liên Khê,) huy động họ hàng chia thành nhiều nhóm lần tìm khắp nhà người thân quen, ruộng đồng đi tìm. Càng tìm con, cả nhà anh Hà càng rơi vào vô vọng khi khắp quả đồi gần nhà đã tìm vẫn không thấy. Lúc này, anh Hà nhờ đài truyền thanh xã Liên Khê phát thông tin tìm cháu Duy trên loa với hi vọng bé Duy đang mải chơi đâu đó nghe thấy hay ai đó nhìn thấy bé thì biết đường đưa về nhà...
Đến đêm 24/2, lực lượng công an xã Liên Khê và huyện Thuỷ Nguyên trong lúc bủa đi tìm cháu Duy thì phát hiện vết máu trên đồi Giếng Bò Hót (ở xã Liên Khê). Lần tìm theo vết máu, lực lượng công an tìm thấy chiếc dép dính máu của cháu Duy ở bụi cây. Ngay lập tức, lực lượng điều tra hình sự của công an Hải Phòng về ngay xã Liên Khê phối hợp cùng công an huyện Thuỷ Nguyên lên kế hoạch đấu tranh phá án. Đêm ấy, cơ quan công an triệu tập Phúc đến làm việc vì liên quan đến việc cháu Duy mất tích. Phúc rất bình tĩnh kể trôi chảy thời gian trước khi cháu Duy mất tích.
Khoảng 7 giờ ngày 25/2, lực lượng công an cùng gia đình nạn nhân đã tìm thấy thi thể cháu Duy bị giấu trong một bao tải dứa, vứt trong một ngôi nhà hoang ở lưng chừng đồi Giếng Bò Hót, gần nhà Phúc. Đến lúc này, trước những chứng cứ không thể chối cãi, Phúc buộc phải cúi đầu thừa nhận hành vi giết hại bé Duy. Phúc khai rằng, chiều 24/2, Phúc đang ở nhà loay hoay tìm cách tự tử thì cháu Duy đến chơi. Thấy cháu Duy đến, Phúc đang hận vợ liền chuyển sang thù ghét cháu Duy. Lúc này, đầu Phúc loé ra kế hoạch giết cháu Duy để cho bõ tức và nhằm trả thù vợ và gia đình nhà vợ. Phúc liền rủ cháu Duy lên đồi Giếng Bò Hót chặt cây làm súng chạc. Thấy chú rể rủ đi chặt cây làm đồ chơi, Duy liền hớn hở đi theo ngay. Khi đến ngôi nhà hoang trên đồi, Phúc lấy cục đá to giang tay đập liên tục vào đầu cháu Duy đến khi nạn nhân chết. Ra tay giết bé Duy xong, Phúc cho thi thể nạn nhân vào bao tải dứa rồi giấu vào góc ngôi nhà hoang...
Lương tri thức tỉnh phút cuối đời
"Chính bản thân tôi cũng không chấp nhận được hành động của mình"
Hỏi Phúc, bé Duy liên quan gì đến mâu thuẫn giữa gã và vợ, liên quan gì đến những ấm ức trong lòng gã, Phúc cúi đầu im lặng. Rồi gã bảo: “Thực sự lúc đó tâm trí tôi bị khủng hoảng nên khi thấy cháu Duy lên nhà chơi, tôi đã không làm chủ được tinh thần, không nghĩ được gì nữa. Đến bây giờ, khi bình tĩnh lại, chính bản thân tôi cũng không chấp nhận được hành động của mình. Tôi rất ân hận!”
- Nạn nhân là cháu gọi anh là chú và bằng tuổi con trai anh đúng không?
- Báo cáo nhà báo, bằng tuổi ạ
- Mối quan hệ giữa anh với cháu bé đó thế nào?
- Thực sự, đó không phải là người xa lạ, đó là cháu của tôi. Hàng ngày, bố mẹ nó đi làm suốt ngày, còn tôi làm ca nên hầu như có thời gian ở nhà. Thế nên một tuần, cháu nó thường lên nhà tôi chơi với con trai tôi, ăn cơm ở đó đến 3, 4 ngày. Vợ tôi đi làm từ sáng đến tối mới về nên tôi là người cơm nước cho hai cháu ăn. Chính tôi là người cắt tóc cho cháu, chăm sóc cháu, trưa tôi bắt các cháu lên giường ngủ, đến giờ đi học tôi lại gọi dậy để lai hai cháu đến trường. Tôi là người chăm sóc cháu nhiều.
- Anh có mâu thuẫn gì với bố mẹ cháu bé không?
- Dạ không.
- Sau vụ việc, anh có khi nào nghĩ đến cháu không? Có mơ thấy cháu bé đó không?
- Dạ có, thực sự nó ám ảnh tôi lắm. Lúc tỉnh cũng như khi ngủ, hình ảnh của cháu Duy cứ hiện trước mắt tôi. Có lần tôi mơ thấy cháu, chỉ thấy cháu khóc chứ chả nói gì.
- Anh có nguyện vọng gì muốn gửi gắm không?
- Nguyện vọng lớn nhất đối với tôi lúc này là được gặp con trai tôi. Lần cuối cùng tôi nhìn thấy thằng bé là khi bị bắt, lúc bị áp giải ra xe chở về trụ sở Công an. Ở phiên xử sơ thẩm, tôi cũng chỉ nhìn loáng thoáng thấy vợ chứ không thấy con.
- Con trai anh có ngoan không? Học có giỏi không?
- Cháu nó ngoan và học giỏi lắm. Thực sự, 10 năm xây dựng gia đình, khi có con thì mọi cái tập trung hết cho con. Tôi cũng vì thương con, yêu vợ nhiều quá nên mới có những hành động phát rồ lên như thế. Lúc vợ tôi trốn đi khỏi nhà, hỏi mẹ vợ tôi, bà bảo tôi rằng “con mày không có mẹ nó cũng không chết được…”, điều đó khiến tôi không kìm chế được. Tôi có cảm giác, tất cả những gì tôi xây dựng cho con tôi, cho vợ tôi đã bị bố mẹ vợ tôi đạp đổ hết rồi.
Thời điểm gặp Phúc, gã đang chờ đợi phiên xử phúc thẩm diễn ra. Hỏi Phúc về quyền được kháng cáo sau phiên xử, Phúc bảo đã viết đơn theo đúng luật nhưng hỏi căn cứ nào để làm đơn, Phúc cũng tự nhận ra rằng: “Căn cứ thì cũng chẳng có căn cứ gì cả. Tôi chỉ mong sao Pháp luật xem xét đến các tình tiết, về các vấn đề tình cảm, hoàn cảnh của tôi. Mong sao Pháp luật tạo điều kiện cho tôi có cơ hội làm lại cuộc đời mình, để tôi có cơ hội được bù đắp phần nào những mất mát cho gia đình nạn nhân”.
Lĩnh án tử hình ở phiên sơ thẩm, dưới góc độ Pháp luật, Lê Văn Phúc vẫn còn cơ hội ở phiên xử phúc thẩm và sau cùng là lá đơn xin ân xá đệ lên Chủ tịch nước. Song, dưới góc độ xã hội, Lê Văn Phúc đã trở thành kẻ bị loại trừ, gã đã đánh mất phần “người”, chỉ còn lại phần “con” đầy hiểm ác, tàn độc.
- Hoa hậu từng bị miệt thị nhan sắc như 'cá chùi kiếng': Dung mạo thay đổi, cuộc sống đáng ngưỡng mộ
- Hoa hậu Quốc tế Thanh Thủy về Việt Nam: Diện áo dài nền nã, nhan sắc qua camera thường cực đỉnh
- Cây gỗ 50 tỷ đồng nhiều người dùng để nhóm lửa vì không biết giá trị
- Cái tên được đặt nhiều nhất Việt Nam: Khoảng 5 triệu người trùng tên, cứ ra đường là hầu như có thể gặp
- Tăng lương hưu lần 3 khi Luật BHXH có hiệu lực? Đối tượng nào sẽ được tăng lương hưu?
- Khởi tố, bắt giam ca sĩ Chi Dân và người mẫu Andrea Aybar
- Cô gái Việt duy nhất được nhà tiên tri mù Vanga dự đoán số phận là ai?
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?