Vụ án Dương Chí Dũng: Dấu ấn im lặng của bà Trương Mỹ Lan

Trên khía cạnh truyên thông, trước lời khai của Dương Chí Dũng, việc bà Trương Mỹ Lan và công ty Vạn Thịnh Phát im lặng tốt hơn việc công bố một điều gì đó.

Trong thời gian gần đây, các khủng hoảng trong kinh doanh ngày càng xuất hiệu nhiều trên các phương tiện truyền thông. Các khủng hoảng có thể đến từ sản phẩm, dịch vụ như trong trường hợp Tân Hiệp Phát bị phát hiện có hàng chục tấn hương liệu quá đát trong kho dùng để sản xuất sản phẩm Trà Xanh không độ, tới từ con người như vụ nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines dính nghi án vận chuyển hàng lậu, tới từ chiến lược kinh doanh như quảng cáo mỳ gấu đỏ bị “tố” núp bóng tình thương hay từ những lý do “trên trời rơi xuống” ngoài ý muốn như trong vụ lật xe bia ở Đồng Nai. Tất cả các sự kiện đó đều khác nhau nhưng chung bản chất đó là khủng hoảng truyền thông doanh nghiệp.

Vậy câu hỏi đặt ra là: Tại sao một doanh nghiệp lại dễ bị rơi vào khủng hoảng truyền thông ? Cần làm gì khi rơi vào khủng hoảng? Để độc giả có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về vấn đề này, báo điện tử Trí Thức Trẻ đã thực hiện loạt bài về khủng hoảng truyền thông của doanh nghiệp. Tuyến bài phân tích những cuộc khủng hoảng truyền thông lớn của các doanh nghiệp trong thời gian gần đây, đồng thời đưa ra những bài học kinh nghiệm về cách xử lý khủng hoảng qua lăng kính của các chuyên gia kinh tế, các doanh nhân.

Chiều 8/1, sau khi công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự “Làm lộ bí mật nhà nước” do xuất hiện tình tiết tại tòa về danh tính người mật báo cho Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam - Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải, Bộ GTVT, HĐXX còn đề nghị VKSND TP Hà Nội có yêu cầu đề nghị đối với VKSND Tối cao điều tra hành vi nhận 500.000 USD và 20 tỷ đồng của một cán bộ cấp cao để thực hiện dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (TP.HCM); nếu đủ căn cứ phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Để xác minh thông tin trên, phóng viên đã cố gắng liên lạc với bà Trương Mỹ Lan hiện đang là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - một trong những tập đoàn hàng đầu ở Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, với vốn điều lệ 12.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi đến văn phòng đại diện Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại địa chỉ 193-203 Trần Hưng Đạo, Quận 1, TP.HCM nằm trên tầng 5 của Tòa nhà Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) nhưng phóng viên vẫn không gặp được bà. Nhân viên tại công ty cho biết, hiện tại bà Lan vắng mặt do “bận công tác”. Liên lạc qua số điện thoại 0903968xxx của doanh nhân Trương Mỹ Lan thì máy bị từ chối cuộc gọi nên phóng viên không thể xác minh được thông tin.

Đối với bà Trương Mỹ Lan lúc này, im lặng đúng là vàng!

Được biết, doanh nhân Trương Mỹ Lan có chồng là người nước ngoài, thường xuyên công tác ngoài nước. Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và bà Lan cũng có mối quan hệ mật thiết với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) - đơn vị hợp nhất từ 3 ngân hàng là Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) - Ngân hàng Sài Gòn (SCB) - Ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank).

Đồng thời, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được cho là có liên quan đến nhóm cổ đông của SCB và Tập đoàn VIPD - đơn vị đã bỏ ra số tiền lên tới 10.000 tỷ đồng để mua lại tòa tháp Vincom Centre A vào tháng 6 năm vừa qua.

Dù vụ việc liên quan đến công ty của bà Trương Mỹ Lan gây ầm ĩ và nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều người, tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, bà Lan cũng như đại diện của công ty vẫn chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào lên tiếng về vụ việc này.

Chia sẻ về vấn đề này, các chuyên gia truyền thông cho biết: Vạn Thịnh Phát hiện nay không đơn giản đang phải đối mặt với một sự cố truyền thông, mà thực tế còn có thể liên quan trong một vụ án hình sự lớn. Vì vậy, việc im lặng hay phát ngôn của họ còn phải thụ thuộc vào yêu cầu của cơ quan điều tra.

“Trên khía cạnh truyên thông, việc họ im lặng lúc này tốt hơn việc công bố một điều gì đó dù cho là xác nhận hay phủ nhận, đều không có lợi. Có chăng, họ chỉ có thể xác nhận việc đang hợp tác tốt với cơ quan điều tra và chưa thể nói điều gì vào lúc này. Như vậy thông tin này không những không làm tan khủng hoảng mà còn có nguy cơ khơi dậy thêm nhiều sự tò mò, phân tích, đồn đoán” – ông Đỗ, một chuyên gia marketing nhấn mạnh.

Cảng Sài Gòn (Ảnh: Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Theo ông Đỗ, cách làm trên của Vạn Thịnh Phát phi chính thức nhưng lại khá phổ biến, việc im lặng đôi khi không phải là “im lặng” theo nghĩa đen mà có khi họ đang tích cực xử lý khủng khoảng theo cách phi chính thống để có được sự im lặng trên truyền thông. Do vậy, nếu chúng ta kết luận rằng: họ im lặng chưa hẳn chính xác.

Đơn cử như trường hợp nghi nhiễm 3MPCD của nước tương Chinsu, thoạt tiên họ im lặng nhưng càng im lặng thì càng bị tấn công. Tuy nhiên, khi hãng nước tương này đã có đầy đủ bằng chứng, họ đã có đòn phản công ngoạn mục khi tung ra lời hứa “1 tỷ đồng” cho ai chứng minh được nông độ vượt quá ngưỡng cho phép. Không rõ có ai làm điều họ thách thức chưa, hoặc giả có làm thì làm nổi không, nhưng đó là cú đảo ngược phi chính thống hay nhất mà những người làm truyền thông từng quan sát thấy.

“Vạn Thịnh Phát trong trường hợp này đang xử lý tốt nhất mà họ làm được. Nếu họ có nhiều chứng cứ có lợi, và nếu đây chỉ là một vụ việc ở dạng tin đồn, chắn chắn họ đã tung ra từ lâu để bác bỏ. Họ có thể gặp nghiêm trọng hơn nhiều, do vậy giờ đây im lặng đúng là vàng, mặc dù trong xử l‎ý khủng hoảng truyền thông thì điều này không hoàn toán đúng” – ông Đỗ nói.