Đó là khẳng định của một lãnh đạo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) với PV. Được biết, chất phụ gia "Vua của vua thịt" (Nhục bảo - Vương trung Vương) cũng chưa hề được nhập khẩu vào Việt Nam.
|
Chưa thấy phụ gia gây nghiện…
Thông tin về việc phát hiện "thịt gây nghiện" ở Trung Quốc khiến không chỉ người dân nước này mà người tiêu dùng nước ta cũng cảm thấy hoang mang suốt 3 ngày nay và nghi ngờ, liệu rằng mình đã dùng qua loại thịt có nêm chất phụ gia này… Thông tin chấn động trên được Đài truyền hình TP Nam Kinh tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) đưa ra hôm 1/5 trong bản tin về một loại phụ gia có tên "Vua của vua thịt" có tác dụng khiến người ăn ngon miệng và luôn có cảm giác thèm giống như chất gây nghiện. Khi trộn chất phụ gia này vào, thịt có màu đỏ tươi, hương thơm đặc biệt.
Thịt lợn kho vốn là món ăn thường xuyên của đa số người dân Trung Quốc. Theo báo chí nước này, rất dễ mua loại phụ gia gây nghiện ở nhiều chợ. Tại Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, chất phụ gia "Vua thịt" được bán với giá 65NDT (215.000 đồng) 1 hộp 500 gram, theo người bán hàng thì có thể chế biến được 500kg thịt. Trên nhiều trang mạng, "Vua của vua thịt" cũng được rao bán công khai và dường như lượng tiêu thụ đang rất khả quan nếu không bị phát hiện. Để làm rõ về chất phụ gia này, PV kênh truyền hình vệ tinh Giang Tô đã mua một hộp "Vua của vua thịt" về chế biến thử. "Vua của vua thịt" được đóng trong hộp nhựa màu trắng, ghi nơi sản xuất là Thanh Đảo.
Theo hướng dẫn trên nhãn mác, chế biến mỗi kilôgam thịt chỉ cần dùng 2-5gram phụ gia, đã có thể tạo nên mùi vị đặc biệt đậm đà, thơm ngon. Theo mô tả của PV đài này, "Vua của vua thịt" khi mở ra có mùi rất khó chịu, tuy nhiên, khi ướp với thịt và đem ra chế biến, mùi vị thơm ngon khác hẳn với thịt được kho mà không ướp phụ gia. Một chủ cửa hàng bán thịt kho cho biết, dù là thịt ôi, thịt lợn chết, chỉ cần cho "Vua của vua thịt" vào thì lập tức trở thành món thịt kho thơm ngon.
Theo phân tích của các chuyên gia thực phẩm, "Vua của vua thịt" thuộc loại phụ gia hỗn hợp, thành phần rất phức tạp. Ghi chú trên bao bì cho thấy, thành phần chất phụ gia này gồm muối, glucose, methylcyclopentadienyl, dehydropregnenolone, axit amin, hương liệu, đều là những chất làm tăng mùi vị thực phẩm, khiến ăn ngon miệng. Các chất trên là những chất hóa học nhân tạo, sử dụng riêng lẻ thì được phép, song ở loại phụ gia này chúng lại được tổng hợp thông qua chất xúc tác chlorine, khi được đưa vào dạ dày sẽ tạo nên sự kích thích lớn đối với đường ruột, chlorine khi gặp nước cũng tạo thành axit hydrochloric làm tổn thương, thậm chí phá hoại niêm mạc dạ dày, có thể còn gây ra những tổn thương nhất định cho não bộ.
Trước những hoang mang lo ngại của người tiêu dùng trong nước, hôm qua 3/5, PV đã đi khảo sát thị trường chất phụ gia tại một số quầy thực phẩm khô ở chợ Đồng Xuân và một số chợ quy mô lớn thì không thấy bày bán loại phụ gia này. Khi PV hỏi có cách nào mua được "Nhục bảo - Vương trung Vương" hoặc phụ gia tương tự làm thịt thơm ngon hơn không thì chị Lan - một chủ quầy hàng thực phẩm khô tại chợ Đồng Xuân cho biết, phụ gia làm dậy mùi thơm cho thịt thì có nhiều, nhưng loại "Nhục bảo - Vương trung Vương" như PV yêu cầu thì không có, nếu muốn mua phải đặt trước nhưng chưa chắc đã mua được vì theo chị biết, giới kinh doanh thực phẩm khô ở Hà Nội chưa từng kinh doanh loại phụ gia này.
Một quầy bán thịt quay khá đông khách ở khu vực chợ Hôm, Hà Nội.
Nhưng thịt thối đã gây họa
Thời gian qua, người tiêu dùng luôn phải đau đầu trong việc nhận biết, phòng tránh những loại thực phẩm có sử dụng hóa chất độc hại để bảo quản hay nhằm dập đi mùi ôi, thối của thịt, cá. Chính vì có những loại hóa chất này mà các loại thịt ôi, thối vẫn được người ta mua bán bình thường. Tháng 4/2012, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương phát hiện hơn 8 tấn thịt lợn, bò thối tại kho hàng của một cơ sở chế biến lòng lợn ở Thuận An, mà chủ quản lý lô thịt này là Nguyễn Hiệp Hương, cũng được xác định là chủ 97 tấn chân bò, chân trâu đang trong quá trình phân hủy tại TP. HCM 5 năm trước và đã bỏ trốn sau khi sự việc bị phát hiện. Nhà nước đã phải bỏ ra 300 triệu đồng để tiêu hủy số chân trâu bò thối này.
Trường hợp buôn bán thịt thối như trên cũng không phải là hiếm và nó đưa lại những hậu quả vô cùng tai hại về lâu dài cũng như tức thời đối với tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng. Mới đây, ngày 22/4, gần 300 thực khách dự tiệc cưới của chú rể Lê Xuân Tiệp tại nhà hàng Minh Khang, ở phường Dĩ An (Bình Dương) đã được phục vụ món thịt gà và lẩu thập cẩm bốc mùi hôi thối. Khi món thịt gà được nhân viên nhà hàng dọn lên thì thực khách phát hoảng bởi thức ăn bốc mùi thối, thịt bở vụn và đến khi món lẩu thập cẩm có mùi thịt lợn thối được đưa ra thì mọi người buộc phải chạy khỏi bàn tiệc. Một vụ việc khác, vào ngày 26/4, tại Công ty P.L (có 1.500 công nhân chuyên gia công, xuất khẩu giày thể thao, đóng tại KCN Phước Đông - Bời Lời, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh), bảo vệ Cty đã phát hiện nhân viên cơ sở nấu ăn mang vào một số túi thịt heo bốc mùi hôi thối. Nghe bảo vệ Công ty thông báo việc này, nhiều công nhân đành nhịn ăn, lâm vào tình trạng mệt mỏi, kiệt sức, trong đó có khoảng 10 công nhân bị ngất xỉu, phải đi bệnh viện cấp cứu.
Thực phẩm bẩn, không an toàn đang ngày càng tràn lan, khó kiểm soát và là nỗi lo của đông đảo người tiêu dùng. Thực trạng này rất cần sự vào cuộc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, trách nhiệm hơn của các cơ quan chức năng với những chế tài xử lý nghiêm khắc, vì sức khỏe của người dân.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?