Tuyển sinh 2012: Đừng lạc lối vì tỉ lệ "chọi"
Thứ ba, 29/05/2012 07:45

Trước kỳ thi tuyển sinh đại học - cao đẳng, độ "hot" của các trường, các ngành thể hiện qua tỉ lệ "chọi". Dẫu không có mối liên quan "hình bóng" với điểm chuẩn vào trường, song chỉ số này thể hiện phần nào xu hướng chọn trường của thí sinh.

Trường nhóm trên ổn định

Vài năm trở lại đây, tỉ lệ "chọi" của các trường nhóm trên không quá cao và khá ổn định. Trường ĐH Kinh tế quốc dân có tổng số hồ sơ đăng ký là 22.000, trong đó khối A là 17.000 hồ sơ, khối D là 5.000. Chỉ tiêu vào trường năm nay là 4.500, dự kiến tỉ lệ "chọi" là 1/4,8. Học viện Ngân hàng có khoảng 10.000 hồ sơ, trong đó khối A là 8.768 (chỉ tiêu là 2.100), khối D 1.333 (chỉ tiêu là 200). Dự kiến tỉ lệ "chọi" khối A là 1/4,1, khối D là 1/6,6. Thậm chí, một số trường còn có tỉ lệ "chọi" được coi là thấp, như Trường ĐH Ngoại thương, khu vực phía Bắc năm nay nhận được 10.400 hồ sơ trong khi chỉ tiêu là 2.500; khu vực phía Nam nhận 3.500 hồ sơ trong khi chỉ tiêu là 900. Như vậy, tỉ lệ "chọi" khu vực phía Bắc dự kiến khoảng 1/4,16, phía Nam là 1/3,88.

Thí sinh hãy quan tâm tới mức điểm chuẩn của các trường, vốn ổn định nhiều năm để lựa chọn hướng đi phù hợp với mình. (Ảnh: Viết Thành)

Có số lượng hồ sơ đăng ký dự thi đông nhất là khối ngành kinh tế, đặc biệt là ngành kinh tế đối ngoại. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay nhận được khoảng 19.000 hồ sơ, chỉ tiêu hệ ĐH của trường là 5.200. Tỉ lệ "chọi" dự kiến vào khoảng 1/3,6, cao hơn năm 2011 (1/2,7). Trên thực tế, số thí sinh đến dự thi sẽ thấp hơn số hồ sơ một cách đáng kể, thường chỉ vào khoảng 60-75% số đăng ký dự thi.

Tuy nhiên, với những trường này, thí sinh không thể căn cứ vào tỉ lệ "chọi" để quyết định có nên thi vào hay không bởi tính cạnh tranh khắc nghiệt không thể hiện ở lượng hồ sơ mà ở chất lượng thí sinh, và điểm chuẩn tại các trường nói trên không hề tương quan với tỉ lệ "chọi". Chẳng hạn, điểm chuẩn theo ngành thấp nhất của Trường ĐH Ngoại thương từ hai năm nay là 20-21,5 điểm; điểm chuẩn vào Học viện Ngân hàng năm 2011 thấp nhất là 20-20,5 điểm... Trong thực tế, dường như chỉ có Trường ĐH Y Hà Nội là trường vừa có tỉ lệ "chọi" cao, vừa có điểm chuẩn chót vót. Năm nay, thí sinh đã biết lượng sức, thực tế hơn và điều đó thể hiện qua lượng hồ sơ đăng ký vào Trường ĐH Y Hà Nội giảm mạnh, chưa đầy 14.500 bộ hồ sơ so với hơn 19.000 hồ sơ đăng ký trong năm 2011. Chỉ tiêu năm nay của ĐH Y Hà Nội là 1.000. Như vậy, tỉ lệ "chọi" vào trường khoảng 1/14 (năm 2011 là 1/18). Điểm chuẩn vào Trường ĐH Y Hà Nội năm 2011, ngành bác sĩ đa khoa, răng - hàm - mặt là 25,5 điểm, ngành bác sĩ y học cổ truyền là 23 điểm, thấp nhất là ngành cử nhân y tế công cộng với 20 điểm.

Theo chuyên gia tuyển sinh, sở dĩ lượng hồ sơ giảm, cùng với đó là tỉ lệ "chọi" bớt khắc nghiệt, chủ yếu là do năm nay các trường không bị hạn chế số lần xét tuyển. Thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển nên giảm sức ép phải nộp nhiều hồ sơ, điều đó khiến lượng hồ sơ ảo giảm.

Đột biến ở một số ngành

Mặc dù Bộ GD-ĐT tỏ ra lạc quan khi số hồ sơ đăng ký thi nhóm ngành kinh doanh và quản lý năm 2012 giảm 10,66% so với năm 2011, song số liệu từ các trường vẫn cho thấy các ngành kinh tế, tài chính vẫn được thí sinh ưa chuộng hơn hẳn các ngành khác. Hai ngành có tỉ lệ "chọi" cao nhất của Trường ĐH Cần Thơ là kế toán (1/37) và kinh doanh thương mại (1/30,3). Bên cạnh đó, trường này vẫn có những ngành học có tỉ lệ "chọi" rất thấp, thậm chí số thí sinh đăng ký dự thi ít hơn chỉ tiêu, như công nghệ thông tin có tỉ lệ "chọi" là 1/0,3, sư phạm tiếng Pháp 1/0,7…

Một số ngành sư phạm vẫn "hẩm hiu" với lượng hồ sơ quá thấp. Ở Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, ngành giáo dục quốc phòng - an ninh chỉ nhận được 12 hồ sơ trong tổng số 120 chỉ tiêu (tỉ lệ "chọi" 1/0,1); ngành sư phạm Nga 36 hồ sơ/40 chỉ tiêu (tỉ lệ “chọi” 1/0,9). Tương tự, ngành sư phạm Pháp có tỉ lệ “chọi” 1/0,6, ngôn ngữ Nga: 1/0,5, ngôn ngữ Pháp: 1/0,7, ngôn ngữ Trung Quốc: 1/0,9; văn học: 1/0,6; quốc tế học: 1/0,8… Với những ngành thu hút ít thí sinh, các trường hy vọng quy định không hạn chế số lần xét tuyển sẽ giúp họ tuyển đủ chỉ tiêu.

Tuy nhiên, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1 và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 năm nay lại có lượng hồ sơ tăng đột biến. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1 có 16.300 hồ sơ, tăng 1.000 hồ sơ so với năm 2011. Tỉ lệ "chọi" dự kiến ở mức 1/5,3. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 có tới 10.000 hồ sơ (năm 2011 là 7.500 bộ), tỉ lệ "chọi" dự kiến của trường là 1/4 (năm 2011 là 1/3,4); ngành có số lượng hồ sơ đông nhất vẫn là ngành mầm non và tiểu học.

Ngoài ra, mùa tuyển sinh năm nay ghi nhận việc khối ngành nông - lâm - ngư, vốn được coi là không mấy hấp dẫn, đã thu hút được nhiều thí sinh hơn. Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội có khoảng 50.000 hồ sơ, với 5.000 chỉ tiêu, tỉ lệ "chọi" rất cao: 1/10. Trường ĐH Lâm nghiệp nhận được 11.000 hồ sơ, chỉ tiêu là 1.600 sinh viên, tỉ lệ "chọi" 1/6,8. Ở một số trường ĐH khác có đào tạo nhóm ngành nông - lâm - ngư, tỉ lệ "chọi" cũng rất cao: với ngành công nghệ thực phẩm của Trường ĐH Cần Thơ là 1/26,3, quản lý đất đai là 1/19,7, công nghệ chế biến thủy sản là 1/19,4, bảo vệ thực vật 1/13,3.

Tỉ lệ "chọi" dù chỉ mang tính tham khảo song cũng phản ánh phần nào xu hướng chọn trường, chọn ngành của thí sinh. Bên cạnh đó, để tránh bị tỉ lệ "chọi" làm cho lạc hướng, các chuyên gia tuyển sinh lưu ý thí sinh hãy quan tâm tới mức điểm chuẩn của các trường, vốn ổn định qua nhiều năm, để lựa chọn hướng đi phù hợp với mình.

HNM
Tag: Tuyển sinh 2012 , Tỉ lệ chọi , Đại học Bách khoa Hà Nội , Đại học Bách khoa TP. HCM , Điểm chuẩn vào trường