Tuyên bố chị Huyền đã chết ảnh hưởng thế nào đến vụ án TMV Cát Tường?
Thứ hai, 07/04/2014 09:46

Dự kiến ngày 14/4, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án “Thẩm mỹ viện Cát Tường”. Tuy nhiên, chưa tìm thấy xác chị Huyền nên chưa thể kết luận nạn nhân đã chết hay chưa.

Bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường - GĐ thẩm mỹ viện Cát Tường

Bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường - GĐ thẩm mỹ viện Cát Tường

Điều này sẽ gây tranh luận trong việc định tội danh xâm phạm thi thể và Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng của người khác).

Để chấm dứt tranh cãi xung quanh tình tiết chị Huyền đã chết hay chưa, gia đình nạn nhân có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố chị Huyền là đã chết. Khi đó, với quyết định của Tòa án tuyên bố chị Huyền đã chết, sẽ ảnh hưởng như thế nào tới kết quả xét xử vụ án? Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm Truyền thông Pháp luật Việt Nam) trả lời vấn đề này.

Thưa ông, yêu cầu Tòa án tuyên bố một người là đã chết được thực hiện trong trường hợp nào?

- Điều 81 Bộ luật Dân sự (BLDS) quy định:

“1. Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Toà án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong các trường hợp sau đây:

a) Sau ba năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Toà án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

b) Biệt tích trong chiến tranh sau năm năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

c) Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau một năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

d) Biệt tích năm năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại Khoản 1 Điều 78 của Bộ luật này”.

Theo quy định trên, thì có trường hợp tuyên bố là đã chết từ căn cứ mất tích. Vậy khi nào một người sẽ bị tuyên bố là mất tích?

- Khoản 1 Điều 78 BLDS quy định: “Khi một người biệt tích hai năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án có thể tuyên bố người đó mất tích. Thời hạn hai năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng”.

Hậu quả pháp lý khi một người bị tuyên bố là đã chết?

- Điều 82 BLDS quy định: “1. Khi quyết định của Toà án tuyên bố một người là đã chết có hiệu lực pháp luật thì quan hệ về hôn nhân, gia đình và các quan hệ nhân thân khác của người đó được giải quyết như đối với người đã chết.

2. Quan hệ tài sản của người bị Toà án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế”.

bac-sy-tuong-nem-xac-71

Cho đến nay, thi thể chị Huyền vẫn chưa được tìm thấy

Hội đồng xét xử vụ án “thẩm mỹ viện Cát Tường” có thể căn cứ quyết định của tòa án tuyên bố chị Huyền đã chết để làm căn cứ cho việc xét xử, định tội danh của các bị cáo?

- Quyết định tuyên bố một người là đã chết của Tòa án chỉ có ý nghĩa trong việc giải quyết các quan hệ dân sự về nhân thân và tài sản của người bị Toà án tuyên bố là đã chết đối với người có quyền, lợi ích liên quan. Còn để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự thì theo quy định tại Điều 64 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) thì cơ quan tố tụng phải căn cứ vào chứng cứ. Cụ thể, “chứng cứ được xác định bằng:

a) Vật chứng;

b) Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo;

c) Kết luận giám định;

d) Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác”.

Trường hợp một người bị tuyên bố là đã chết trở về, thì quyền lợi của họ được giải quyết như thế nào?

- Điều 83 BLDS quy định: “1. Khi một người bị tuyên bố là đã chết trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết.

2. Quan hệ nhân thân của người bị tuyên bố là đã chết được khôi phục khi Toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết, trừ các trường hợp sau đây:

a) Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã được Toà án cho ly hôn theo quy định tại Khoản 2 Điều 78 của Bộ luật này thì quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật;

b) Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã kết hôn với người khác thì việc kết hôn đó vẫn có hiệu lực pháp luật.

3. Người bị tuyên bố là đã chết mà còn sống có quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản, giá trị tài sản hiện còn.

Trong trường hợp người thừa kế của người bị tuyên bố là đã chết biết người này còn sống mà cố tình giấu giếm nhằm hưởng thừa kế thì người đó phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã nhận, kể cả hoa lợi, lợi tức; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường”.

Đặt giả thiết chị Huyền trở về sau khi án tuyên dành cho các bị cáo đã có hiệu lực pháp luật và đang được thi hành thì sẽ xử lý ra sao?

- Trường hợp chị Huyền bỗng nhiên trở về được coi là tình tiết mới mà Tòa án không biết được khi ra bản án và vụ án sẽ được xét lại theo thủ tục tái thẩm. Điều 290 BLTTHS quy định: “Thủ tục tái thẩm được áp dụng đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó”.

Đặt tiếp giả thiết bị cáo Tường đang thi hành án phạt tù về hai tội: “Xâm phạm thi thể” và tội “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”; bị cáo Đào Quang Khánh đang chịu án phạt tù về hai tội: “Xâm phạm thi thể ” và tội “Trộm cắp tài sản” thì tình tiết chị Huyền còn sống trở về sẽ phải tuyên hủy tội danh xâm phạm thi thể dành cho 2 bị cáo. Khi đó, có làm phát sinh trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự?

- Căn cứ quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì trường hợp trên sẽ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự khi có đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất, có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định 2 bị cáo Tường và Khách không phạm tội xâm phạm thi thể.

Thứ hai, bị cáo không thuộc trường hợp: “Cố ý khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng khác sai sự thật để nhận tội thay cho người khác hoặc để che giấu tội phạm”.

Thứ ba, các bị cáo thuộc trường hợp được bồi thường: “Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án, đã chấp hành hình phạt tù mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành”.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội, chiều 19/10/2013, chị Lê Thị Thanh Huyền đến Thẩm mỹ viện Cát Tường trên đường Giải Phóng để thực hiện hút mỡ bụng, nâng ngực và đã tử vong.

Người trực tiếp làm phẫu thuật cho chị Huyền lúc đó là bác sỹ Tường. Đêm hôm đó, Tường cùng Khánh đã mang xác chị Huyền tới cầu Thanh Trì vứt xuống sông Hồng phi tang. Riêng Khánh còn lấy trộm chiếc điện thoại iPhone5 của nạn nhân.

Sau hơn 5 tháng xảy ra vụ án, đến thời điểm này, gia đình nạn nhân vẫn chưa tìm thấy thi thể của chị Huyền.

Qua điều tra, đã xác định: Thẩm mỹ viện Cát Tường chưa được cấp giấy phép thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Tường là bác sỹ ngoại khoa tại Bệnh viện Bạch Mai.

Hai bị cáo trong vụ án này gồm: Nguyễn Mạnh Tường (Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường) bị truy tố về 2 tội: “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” và “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”.

Bị cáo Đào Quang Khánh (nhân viên bảo vệ tại Thẩm mỹ viện Cát Tường ) bị truy tố tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” và “Trộm cắp tài sản”.

Liên quan vụ việc còn có vợ Tường, một bác sỹ và vài nhân viên của Tường. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng những sai phạm này chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên không đề cập xử lý.

Hưng Hà (Xa lộ pháp luật) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: Thẩm mỹ viện phi tang xác chết , vụ thẩm mỹ viện cát tường , xét xử vụ thẩm mỹ viện cát tường , cát tường , Nguyễn Mạnh Tường , bac si phi tang xac chet , Hà Nội , tin , bao