Trịnh Công Sơn & mẹ qua những câu chuyện của Trịnh Hoàng Diệu
Thứ tư, 18/01/2012 10:12

Chị là người đang sống trong ngôi nhà nơi Trịnh Công Sơn đã sống cùng mẹ ở Sài Gòn suốt gần nửa cuộc đời. Chị cũng là người quyết định rất nhanh, bỏ mọi thứ lại ở Canada, về sống bên cạnh anh trai mình để chăm sóc cho anh khi mẹ đột ngột qua đời.

Khi không đứng bên cạnh cái tên Trịnh Công Sơn quá lớn, người phụ nữ nhỏ bé này là một chuyên gia ẩm thực, nhà thiết kế thời trang và là nhà thơ Trịnh Hoàng Diệu. Không chỉ vậy, chị còn có thể vẽ tranh và đàn hát như tất cả những con người tài hoa trong gia đình họ Trịnh. Vậy mà trong câu chuyện của chị, hầu như không có bóng dáng của "Diệu", chỉ có "mạ" và "anh Sơn".

Căn phòng trên tầng áp mái trong ngôi nhà nơi Trịnh Công Sơn đã sống giờ là phòng trưng bày và cũng là nơi chị Hoàng Diệu ngồi thêu thùa, may vá những chiếc áo dài theo đúng phong cách hoàng cung xưa: từ chất liệu tơ, lụa cho đến kiểu dáng không chít eo và những đường nét thêu thùa thủ công tỉ mỉ. Chị làm mọi thứ một mình, không cái nào lặp lại cái nào - như cách người ta làm thơ, viết nhạc hay vẽ tranh bằng tâm hồn bay bổng. Những mẫu áo dài do chị thiết kế đã từng được triển lãm ở nước ngoài và luôn mang đến sự ngưỡng mộ đặc biệt bởi sự khéo léo, kỳ công. Đặc biệt là mỗi mẫu chỉ có duy nhất một cái. Không chỉ làm áo dài theo cách riêng của mình, chị còn có thể thiết kế và may rất khéo đồ Âu, không cần phải lấy các số đo mà chỉ cần biết chiều cao, cân nặng. Vậy mà ai mặc vào cũng rất vừa vặn và không thể chê bởi từng đường nét đều được chăm chút kỹ lưỡng, cho dù là lớp áo bên trong.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng 2 cô em gái: Trịnh Hoàng Diệu và Trịnh Vĩnh Trinh.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng 2 cô em gái: Trịnh Hoàng Diệu và Trịnh Vĩnh Trinh. Ảnh: IE
Chị cũng là chủ nhân của quán Trịnh nổi tiếng với các món Huế ở Sài Gòn. Thành công của quán không chỉ ở món ăn ngon, tinh tế mà còn ở đội ngũ nhân viên không hề thay đổi người nào suốt cả hai mươi năm qua. Chị Hoàng Diệu luôn đánh giá cao một nhân viên vì điểm hạnh kiểm chứ không phải bắt đầu bằng giỏi việc. Chị cũng chính là người đứng ra tổ chức lễ cưới cho một số đôi là nhân viên của mình. Chính vì tình yêu thương và sự tôn trọng nhân viên như người thân trong gia đình, cộng với đôi tay khéo léo và sự tinh tế trong cách làm món Huế đã làm nên giá trị bền vững cho nhà hàng nổi tiếng của chị.

Thật bất ngờ khi "trường đào tạo" chị chính là mẹ - không phải một nhà thiết kế thời trang hay thợ may chính hiệu - mà chỉ là một người phụ nữ gốc Huế bình thường, một mình nuôi tám người con khi chồng mất sớm lúc bà chỉ mới ở tuổi ba mươi bốn. Bà vốn là hoa khôi của trường Đồng Khánh, thông minh, học giỏi và nổi tiếng công - dung - ngôn - hạnh. Ngay cả đến sau này, bà vẫn nổi tiếng là người đẹp và ăn mặc rất đẹp. Chồng mất sớm, chính bà là người tạo nên những nề nếp, gia phong để rèn giũa các con không chỉ sống tốt, coi trọng nhân cách mà còn phải biết tự làm mọi việc. Có lẽ đây cũng là một trong những lý do cả năm cô con gái đều không lấy chồng giàu sang mà tất cả đều là những người nghèo nhưng có trình độ học vấn cao và nhân cách tốt.

Người phụ nữ nghiêm khắc với trái tim rất đỗi dịu dàng

Hồi ấy, ngày giỗ ba và ông nghoại là hai dịp để mẹ chị làm tiệc lớn. Đó cũng là dịp năm cô gái phải có mặt bên cạnh mẹ để được hướng dẫn, chỉ bảo tường tận cách làm và trình bày từng món. Để khuyến khích niềm yêu thích nấu năn và sự sáng  tạo ở các con, bà còn tổ chức thi xem ai nấu ngon và trình bày đẹp nhất. Chị Hoàng Diệu luôn thắng giải và tỏ ra rất có năng khiếu với chuyện bày biện, nấu nướng... Chính vì cách giáo dục đó mà sau này, tất cả các cô con gái nhà họ Trịnh đều có thể tự tin mở nhà hàng với thế mạnh là các món Huế. 

Thêu thùa, may vá cũng là kỹ năng mà bà bắt buộc các con mình phải làm tốt. Các anh chị em trong nhà, từ bé đã được mẹ cho mặc đẹp, do chính tay bà may. Cứ đến mùa tựu trường, bà lại mua cả cây vải trắng, may hàng loạt áo đầm, thêu thùa kỹ lưỡng cho các cô con gái. Đặc biệt, trên mỗi chiếc áo luôn có chỗ để đính kèm khăn mouchoir, rất đúng điệu. Bởi vậy mà các bạn cùng trường luôn ước được mặc đẹp như chị em nhà họ Trịnh, Khi các con đã lớn, bà không may quần áo nữa mà buộc các cô phải tự làm việc này. Bà giao cho mỗi người một xấp vải rồi hướng dẫn cách làm: chọn một chiếc áo mẫu, lấy giấy cứng áp lên, đo và cắt theo áo mẫu rồi may. Ai may đẹp sẽ được mặc đẹp, may xấu thì tự chịu trách nhiệm. Vốn đã được dạy rất bài bản về chuyện "ăn ngon, mặc đẹp" nên chẳng cô nào dám may xấu. Cứ vậy mà tất cả đều trở thành "thợ may - thêu" khéo léo. Ngay cả Trịnh Công Sơn vẫn thường nhờ các cô em may quần áo cho những người bạn mà anh quý mến.
Trịnh Hoàng Diệu. Ảnh: VOV
Trịnh Hoàng Diệu. Ảnh: VOV
Mãi cho đến khi lấy chồng, sinh con, chị Hoàng Diệu vẫn giữ thói quen may quần áo cho chồng, con, và cả mẹ chồng. Lúc này, mẹ chị lại bảo: "Con đừng may nữa, phải ra ngoài mua đi chứ. Làm vậy vừa cực, vừa muốn các thợ may thất nghiệp hết sao!". Đó là lúc chị hiểu một cách sâu sắc những điều mẹ đã dạy.

Chị Hoàng Diệu bảo rằng, chuyện về mẹ có thể viết thành cả cuốn sách. Đó chỉ là những câu chuyện nho nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn đối với sự trưởng thành của tất cả anh em trong nhà. Mỗi lần kể, chị lại "nổi hết da gà". Bà nghiêm khắc nhưng trái tim rất đỗi dịu dàng.

Hồi ấy, nhà chị Hoàng Diệu có cửa hiệu làm xe với khoảng hai mươi người thợ. Các loại đồ dùng trong nhà, đặc biệt là chén kiểu, nếu vỡ hay sứt mẻ một cái là mẹ chị thay ngay bộ khác. Bộ cũ sẽ chuyển cho những người phụ việc trong nhà. Chị Hoàng Diệu có  tính hay thương những người bạn nghèo (cho bạn quần áo hay đóng học phí giùm bạn...) nên có hôm đã lén lấy một bộ chén cũ, bỏ trong cặp, ôm đi cho bạn. Chưa ra đến cửa, chiếc cặp phồng to bất thường đã bị chị lớn phát hiện. Chị  truy hỏi và đánh cho một trận vì dám tự ý mang đồ ở nhà đi. Mẹ chứng kiến việc này và chẳng nói lời nào. Sau đó, bà gọi Hoàng Diệu vào phòng và nói:  "Mẹ biết con làm điều tốt nhưng cách làm lén lút như vậy chưa đúng nên cần phải để chị dạy con. Bây giờ con cứ đi học đi. Nhà bạn con ở đâu, để mẹ nhờ xích lô chở số chén kia đến cho bạn". Có đứa con nào không yêu mẹ nhiều hơn vì những điều như thế.

Một lần, đi dự tiệc có cả mẹ chồng của chị Hoàng Diệu, thấy bà sui mặc áo dài đẹp và đeo một số món nữ trang được chọn rất khéo, bà biết ngay do con gái mình chọn. Sau đó, bà gọi Hoàng Diệu đến và hỏi. Cô con gái sợ mẹ mắng vì chưa bao giờ biết mua đồ cho mẹ ruột trong khi lại sắm đầy đủ cho mẹ chồng nên vội vàng thanh minh: "Con làm có tiền nên con có quyền sắm cho mẹ chồng thôi mà". Mẹ chị rất đỗi dịu dàng: "Mẹ tự hào vì con biết nghĩ và có thể làm được điều đó cho mẹ chồng của mình. Nhưng mẹ hỏi để biết, để cho con lại số tiền con đã phải chi dùng cho việc đó". Rồi bà nhất định bảo chị phải mang số tiền "được bù đắp lại" ấy về.
Những chiếc áo dài của Trịnh Hoàng Diệu. Ảnh: VOV
Những chiếc áo dài của Trịnh Hoàng Diệu. Ảnh: VOV
Ngay cả khi các con đã lớn và cũng là những người mẹ, người cha, bà vẫn có thói quen đút cho các con ăn những miếng bánh trái, đầy tình yêu thương. Bà còn yêu quý và quan tâm đến cả những người bạn của con. Không ai đến chơi nhà mà được ra về khi bụng đói. Bà bảo rằng: "Phải yêu quý họ như vậy thì họ mới yêu quý và đến chơi với con mình". Tình yêu con của bà còn thể hiện ở cách bà luôn yêu những đứa cháu ít quấy nhiễu bố mẹ hơn những đứa làm bố mẹ phải mệt nhiều.

Cả cuộc đời còn lại khi các con đã khôn lớn và ra nước ngoài, bà dành cho Trịnh Công Sơn - đứa con tài hoa nhất và cũng nhiều hy sinh nhất nhà. Chính vì vậy mà khi bà bị đột ngột qua đời vì cơn tai biến, anh Sơn thực sự suy sụp và ngày càng bệnh nặng hơn. Rồi đến ngày không còn rong chơi ở "cõi tạm", anh chọn chỗ nằm mãi mãi bên mẹ.

Người đàn ông có ảnh hưởng lớn nhất với cả năm cô gái

Trong ký ức của chị Hoàng Diệu, anh Sơn đã gánh vác trách nhiệm như một người cha từ năm mười sáu tuổi, và anh đã làm nhiều hơn thế. Ngày ba mất, anh thắp hương, khấn nguyện trước bàn thờ ông rằng sẽ cùng mẹ nuôi dạy các em nên người. Vì mẹ và các em, anh cũng đã phải bỏ suất học bổng hiếm hoi đi Pháp. Và rồi, anh cùng lúc đóng vai người cha, người thầy, người anh và cả người bạn nhưng vô cùng nghiêm khắc với các em. Mỗi lần anh dạy học, tất cả đều rất sợ vì chỉ cần chểnh mảng chút xíu cũng có thể bị ăn đòn.

Trong ngôi nhà ấy, tất cả mọi người đều phải tuân thủ nhiều nguyên tắc bất di bất dịch, chẳng hạn: Chưa đến giờ ngủ mà đi nằm cũng bị đòn; đến giờ ngủ mà chưa đi nằm cũng bị đòn... Đặc biệt, khi những người bạn trai của anh Sơn đến nhà, tất cả các cô em gái đều phải tránh đi nơi khác, không được tiếp xúc, trò chuyện. Để làm gương cho các em,  anh hạn chế tối đa việc hẹn hò những người bạn gái ở nhà. Anh cũng yêu cầu hai người em trai phải tuân thủ nguyên tắc này. Nhưng anh Sơn yêu quý ai, các cô em đều biết.

Trong số những người phụ nữ gắn bó cùng Trịnh Công Sơn, cả nhà cùng quý Dao Ánh bởi ai cũng biết đó là người anh Sơn yêu quý nhất. Dao Ánh cũng là một cô gái đẹp, thông minh, học giỏi và con nhà gia giáo. Chính chị Hoàng Diệu là một trong những "bồ câu đưa thư" và rất hiểu chuyện tình của anh mình. Đó là những kỷ niệm rất dễ thương khi ngày ấy, ba của Dao Ánh là ông "đốc" Khánh dạy tiếng Pháp rất nổi tiếng và cũng rất nghiêm khắc. Mỗi lần anh Sơn nhờ đi gửi thư, Hoàng Diệu lại chạy ù sang nhà Dao Ánh, ra hiệu với nhau rồi leo lên cây nhãn trước nhà như thể hai người bạn nghịch ngợm trèo lên hái nhãn. Rồi đợi lúc chắc chắn không có ai nhìn thấy, Hoàng Diệu mới vội vàng lôi thư từ trong bụng ra đưa cho Dao Ánh rồi leo xuống cây nhãn, chạy về... Vậy mà đều đặn như thế, Trịnh Công Sơn đã gửi đi gần năm trăm lá thư và Dao Ánh cũng đã gìn giữ qua bao biến động của cuộc đời, để gần đây, chúng ta còn được chia sẻ niềm xúc động khi đọc lại những bức thư tình co lẽ chẳng ai có được...

Thời gian sau này, cho dù không còn sống ở Huế nữa nhưng anh Sơn vẫn luôn là người chăm chút từng ly từng tí cho các em. Ít ai biết rằng mẹ là người quyết định mua  vải nhưng anh Sơn luôn là người chọn vải và vẽ kiểu để các cô em gái tự may áo quần. Anh tự tay chọn từng loại, từng màu hợp với từng người, gói ghém và ghi tên cẩn thận là dành cho ai. Ngay cả giày dép, anh cũng đo chân từng người vào giấy, viết tên rồi cất cẩn thận; sau đó đi đặt ở những cửa hiệu tốt nhất, gửi về. Thậm chí, quần áo lót của các em, anh cũng mua cho. Đến tuổi từng người trưởng thành, anh lại tìm, đọc trước để chọn lọc những cuốn sách phù hợp với tâm lý - lứa tuổi để các em của mình có thể đọc và hiểu biết nhiều hơn về cuộc sống quanh mình. Chính vì những điều này mà với các cô em gái, anh Sơn luôn là người đàn ông đặc biệt nhất, có sức ảnh hưởng lớn nhất và không thể thay thế.

Vì sao anh Sơn không lấy vợ? Đó là thắc mắc của rất nhiều người, với nhiều cách lý giải. Nhưng với Hoàng Diệu, lý do lớn nhất là vì anh Sơn luôn ngại làm phiền người sẽ ở cùng phòng với mình, bởi anh cực kỳ ít ăn và ít ngủ và có giờ giấc làm việc chẳng giống ai. Anh thường xuyên thức dậy giữa khuya khi nghĩ ra được ý nào đó và ngồi  viết lại hoặc vẽ đến sáng. Bởi vậy mà khi lần đầu tiên có ý định cưới vợ - một chị Việt kiều Pháp (sáu tháng ở Pháp, sáu tháng ở Việt Nam), anh đã có những dự định rất rõ ràng: Anh và chị sẽ có hai căn phòng nằm cạnh nhau chứ không phải lúc nào cũng ở chung phòng để có thể giữ được sự riêng tư cần thiết. Và rồi, vì nhiều lý do, mối duyên ấy không thành. Cho đến ngày anh gặp Michiko - cô gái người Nhật làm luận văn tiến sĩ về nhạc Trịnh. Hai người cũng đã tiến xa đến một kế hoạch đám cưới nhưng rồi cũng không thành vì anh Sơn không chấp nhận một vài nguyên tắc của gia đình người Nhật đưa ra khi anh về làm rể. Rồi cứ vậy, anh quen dần với cuộc sống một mình, được mẹ và các cô em gái chăm sóc chu đáo từng ly, từng tí.

Giờ, mẹ không còn. Anh Sơn cũng đã mãi mãi yên nằm bên cạnh mẹ. Nhưng mọi thứ trong ngôi nhà nằm cuối con hẻm trên đường Phạm Ngọc Thạch vẫn được giữ nguyên như ngày anh và mẹ còn sống. Từng bức tranh, từng chiếc ghế, bậc cầu thang và từng chậu cây nhỏ... vẫn có thể làm cho bất cứ ai cũng phải bồi hồi xúc động khi bước chân vào ngôi nhà ấy. Những cô gái nhà họ Trịnh ngày nào - cho dù đang sống ở đâu - vẫn luôn giữ nếp nhà, vẫn thêu thùa, may vá, nấu nướng, vẽ tranh và đàn hát. Còn ngôi nhà ấy, không phải ai cũng được bước vào nữa, bởi mỗi lần tiếp khách là mỗi lần những người ở lại phải khơi dậy nỗi buồn về người đã mất; và bởi đã có quá nhiều hình ảnh, thước phim được quay lại trên khắp thế giới, như những tư liệu quý giá, được chắt lọc một cách kỹ lưỡng về cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh.

 

Đẹp
Tag: Hậu trường , Trịnh Công Sơn , Trịnh Hoàng Diệu , Nhạc sỹ , Lịch sử