Những người mẹ đơn thân tại “Nhà của bố” (Ảnh: Mai Loan)
Cưới cha đẻ của con
Chúng tôi gặp Trà vào một buổi chiều khi cô ghé thăm lại ngôi nhà năm nào từng cưu mang mình. Dáng đi nhanh nhẹn, đôi mắt đen với nụ cười hồn nhiên, khó ai đoán được Trà đã từng là cô gái có quá khứ đau buồn, với hành trình “tìm” cha cho đứa con của mình.
Khoảng 5 năm về trước, cô nữ sinh quê Quảng Bình, Nguyễn Thị Trà vào Đà Nẵng thi đại học với cái thai trong bụng. Hoảng loạn, Trà tìm cách bỏ đứa bé, nhưng ngặt nỗi không có tiền để đến bác sĩ.
Tình cờ có người giới thiệu Trà về Nhà của bố tại Đà Nẵng lúc ấy vừa mới ra đời. Sau đó, Trà quyết định giữ lại đứa con cùng thời gian này, cô thi đỗ vào trường cao đẳng. Từ đó, Nhà của bố đã trở thành mái ấm thứ hai của Trà. Tại đây, Trà có điều kiện nuôi con và đi học.
Vừa nuôi con vừa đi học, đến nay, Trà đã hoàn thành khóa học chuyên ngành kế toán tại Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng), và đã vững bước rời ngôi nhà chung để lo cho tương lai của con mình. Điều kỳ diệu hơn hết là Trà đã kết hôn với chính cha đẻ của con mình, điều tưởng chừng đã mất.
“Trước kia, vì còn nông nổi và lo sợ gánh nặng đè vai khi chưa có gì ổn định, anh ấy gần như đã quên mẹ con tôi. Sau đó, anh đến thăm, thấy tôi và bé Quỳnh Giao sống tốt trong ngôi nhà chung, được chăm sóc và giúp đỡ toàn diện, anh ấy yên tâm.
Từ đó, những cuộc điện thoại của anh dành cho tôi thường xuyên hơn”, Trà tâm sự. Ngày cuối tháng 11 năm 2010 thực sự là một ngày vui cho Trà và cả đại gia đình Nhà của bố khi đám cưới của Trà với bố của bé Quỳnh Giao diễn ra đầm ấm, vui vẻ.
Vợ chồng ông Robert Kalatschan với trẻ em Việt Nam
Trưởng thành sau vấp ngã
Cô bảo mẫu Nguyễn Thị Mai (51 tuổi), còn nhớ như in từng hoàn cảnh của mỗi bà mẹ trẻ khi đến với Nhà của bố: “Tụi nó còn trẻ lắm, có đứa còn dang dở đời sinh viên, trót lầm lỡ có thai ngoài ý muốn. Mỗi đứa một phương, có đứa là người dân tộc ở tít vùng xa”. Những đứa trẻ sinh ra chưa một lần được cha đẻ đến nhìn mặt, tất cả đều phải mang họ của mẹ.
Lê Anh Thi, (25 tuổi, quê ở Quảng Ngãi), tâm sự: “Bé mà tôi sinh ra giờ đã được tuổi rưỡi, cháu chưa được thấy ba nó. Ba nó đã đi lấy vợ”. Có trường hợp như Phan Bảo Ngọc, nhà ở ngay Đà Nẵng. Mới 15 tuổi, Ngọc đã mang thai, bị gia đình bạn trai không chấp nhận cưới hỏi. Ngọc quyết định một mình sinh con. Lại có trường hợp phải nghỉ học vào Nhà của bố để sinh em bé một mình, vì bạn trai chung lớp sau khi biết chuyện đã biến mất...
Chị Nguyễn Trương Kiều Diễm, người quản lý Father’s House cho biết: “Sau 5 năm hoạt động, Nhà của Bố đã cưu mang 31 cô gái trẻ “cơ nhỡ” về tình duyên. Đến đây, các bà mẹ sẽ ký cam kết nuôi con, được Nhà của bố giúp đỡ việc ăn ở, chăm sóc con cái theo chế dộ dinh dưỡng, y tế …
Ngoài ra, các bà mẹ trẻ còn được khuyến khích đi học sau khi sinh, tư vấn hướng nghề nhằm đảm bảo điều kiện kinh tế sau này. Các chị sẽ rời khỏi chương trình khi đã hoàn thành xong khóa học của mình. Hiện có 5 bà mẹ trẻ đang theo học tại các trường trung cấp, cao đẳng, 1 mẹ đang theo học nghề. Trần Thị Bảo là bà mẹ có đứa con lớn tuổi nhất trong ngôi nhà này, chị đã ở đây 3 năm. Hiện Bảo đang học liên thông ĐH Sư phạm ngành Mầm non với nguyện vọng được quay lại giúp đỡ nơi đã từng cưu mang chị…
Năm nay, Trả lại tuổi thơ - tổ chức hoạt động nhân đạo xã hội phi chính phủ và phi lợi nhuận của Mỹ kỷ niệm 10 năm hoạt động tại Việt Nam. Năm 2007, Trả lại tuổi thơ tách khỏi Children of Việt Nam và chính thức đặt văn phòng tại thành phố Đà Nẵng. - Lê Minh |