Thực phẩm Tết nhà làm bùng nổ trên mạng
Thứ ba, 27/01/2015 10:32

Năm nay, rộ lên trên trang mạng xã hội Facebook hàng chục “ngôi chợ” bán hàng thực phẩm Tết làm sẵn. Tất cả đều nhộn nhịp không khí mua sắm không kém chợ truyền thống.

Thực phẩm Tết nhà làm bùng nổ trên mạng

Thực phẩm Tết nhà làm bùng nổ trên mạng

Đa dạng thực phẩm nhà làm

Chợ phiên của những phụ nữ trẻ trung xinh đẹp đảm đang (CP), Hội buôn bán của các bà mẹ ở TP.HCM (HBB), Hội những người thích mua sắm cả ngày (HMS), Hội mua bán webtretho (HWTT), nhóm tìm việc & mua sắm & bán lẻ & thanh lý hàng đồ cũ - mới (BLTL)… là những “ngôi chợ” nổi tiếng trên mạng xã hội hiện nay với lượng thành viên tham gia lên đến hàng chục ngàn người.

Nơi ngập tràn không khí mua sắm tết nhất có lẽ là CP. Ngay sau khi bà chủ chợ “phát pháo” về phiên chợ hàng tết ngày 16/1, chẳng mấy chốc đã có đến hơn 100 gian hàng hưởng ứng. Đặc trưng của chợ phiên này là đa phần các sản phẩm (SP) có nguồn gốc nhà làm hay gia đình từ quê gửi lên. Do đó, hàng hóa cũng mang đậm nét đặc trưng vùng miền. Các mặt hàng ở đây đa dạng không kém gì ngoài chợ thậm chí còn có những món độc, lạ hơn. Chị em chỉ cần ngồi một chỗ, lướt chuột là có thể mua được hầu hết những SP cho mùa Tết.

Mứt là mặt hàng phong phú chủng loại. Chủ gian hàng thường rao khá chi tiết về SP, chẳng hạn màu của mứt được tạo từ nguyên liệu thiên nhiên như: màu xanh lá dứa, màu tím lá cẩm/củ dền, đỏ gấc, vàng nghệ, nâu cà phê/chocolate… Tùy gian hàng và tùy loại, giá mỗi ký mứt dao động từ 185.000-300.000đ, cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với giá mứt bán ở chợ.

Bánh mứt làm nhà được rao bán trên mạng. 

Món bánh tét thì “vỏ nếp xào với nước lá dứa tự nhiên; nhân gồm đậu xanh, trứng muối, thịt ba rọi (ít mỡ). Xào nếp rồi hấp (lâu hơn nấu) nên bánh rất mềm dẻo, không bị bể, bảo quản bên ngoài ba ngày, ngăn mát tủ lạnh bảy ngày và ngăn đông được hơn một tháng…”. Giá mỗi đòn bánh nhân thịt là 100.000đ/kg, nhân chuối 70.000đ/kg.

Các món để “nhâm nhi” ngày tết có đủ từ dưa kiệu, hành chua, tai heo ngâm giấm, bánh tét, giò lụa, giò thủ, lạp xưởng đến các loại khô như khô bò, khô cá, khô mực, mực rim…, được khá nhiều gian hàng bán với lời rao “hàng nhà làm bảo đảm tươi, không dùng hàn the, chất bảo quản”. Giá các SP cũng cao hơn giá bán ở chợ từ 30-70%. Cụ thể, dưa kiệu: 150.000-170.000đ/kg, hành chua: 150.000đ/kg, tai heo: 200.000đ/kg; lạp xưởng tươi từ 150.000-220.000đ/kg; khô bò dao động từ 550.000-650.000đ/kg; khô mực từ 490.000-750.000đ/kg…

Không chỉ những món thông thường, ở đây còn có nhiều món lạ như giò bê được làm từ thịt bê nguyên miếng, bọc bì heo bên ngoài, 350.000đ/kg; si rô hoa bụt giấm, 290.000đ/lít; bánh mocha tươi vỏ vị trái cây, nhân trứng gà 65.000/ba cái; bồ câu; mứt táo làm từ táo ta của Bến Tre, Tiền Giang, 150.000đ/kg. Ngoài bán quả tươi, có gian hàng còn bán chậu cây phúc bồn tử (140.000đ/chậu), dâu tây (80.000đ/chậu), cà chua cherry (10.000đ/cây) để chưng Tết và thưởng thức quả tại chỗ.

Chợ cũng không thiếu các loại trái cây vùng miền như thanh long Bình Thuận, bưởi Tân Triều, bơ Đăk Lăk, ổi miền Tây… các loại rau, củ nhà trồng không dùng thuốc sâu, thuốc tăng trưởng; các loại hải sản tươi lâu và đưa về mỗi ngày. Những món ăn chơi như kem, các loại bánh ngọt đặc biệt hấp dẫn các chị em.

Các gian hàng tại những ngôi chợ khác như HBB, HMS, HWTT, BLTL kém đa dạng thực phẩm tết hơn, chủ yếu gồm lạp xưởng, mứt, các loại hạt... Trong đó, hàng nhà làm được giới thiệu nhiều là mứt và lạp xưởng.

Hợp khẩu vị, lại dễ… “mắng vốn”

Chị Ái Vân - chủ “cửa hàng” mứt nhà làm vừa tung ra một số hình ảnh giới thiệu các loại mứt nhà làm bao gồm mứt tắc dẻo, mứt mít… lập tức được nhiều thành viên quen đặt hàng. Ngoài cách làm ngon như mứt tắc có độ chua chua và ngọt thanh, hay mứt mít sử dụng giống mít cùi dừa… thì người mua rất ưng ý bởi bà chủ có thể tăng giảm độ ngọt tùy theo đơn hàng. Chị Hoàng Điệp, khách hàng thân thiết ở đây cho biết, dù giá có cao hơn bên ngoài nhưng chị vừa tin tưởng chất lượng vừa yên tâm về an toàn vệ sinh thực phẩm vì chủ yếu hàng hóa làm bán cho bạn bè, có gì còn “mắng vốn” được.

Chị Minh (Q.8, TP.HCM), đặt mua mứt dừa dẻo của gian hàng tên Van Le cho biết, mứt ngon, béo, không quá ngọt, vị rất tự nhiên. Thành viên tên Mit Rua khen nem cua bể, nem tai, giò thủ của shop Phuong Tran ngon đúng vị Bắc, cả nhà đều rất mê. Trong khi đó, chị Quỳnh Nga mua thịt đông trên cửa hàng Bếp nhà Xuynh thì yên tâm khi có hướng dẫn cụ thể cách bảo quản. Chia sẻ kinh nghiệm mua hàng trên mạng, một thành viên có tên Vivan Nguyen cho biết, nên hỏi thẳng chủ hàng từng món cụ thể, ví dụ chả cốm có màu xanh tươi, có đúng là đồ thật hay không, để yên tâm mua hàng. Lời của chủ cửa hàng sẽ là “bằng chứng” xác thực nếu hàng không đúng như vậy.

Mứt làm tại nhà đang sốt trên một số chợ mạng

Muốn đắt hàng, phải rõ thông tin

Điều quan trọng nhất là người mua cần tìm hiểu kỹ, thu thập thông tin để lựa chọn được SP chất lượng mà giá cả hợp lý. Phân tích những ngôi chợ trên mạng xã hội đã kể trên cho thấy, tuy có số lượng thành viên đáng nể với trên 20.000, nhưng HBB lại không có bất cứ quy định hay ràng buộc nào để quản lý thành viên đưa hàng lên bán.

Các hội khác như HMS, HWTT, BLTL tuy có những quy định về cách thức bán hàng song không thấy dấu ấn của người quản lý, nhất là hàng thực phẩm yếu tố an toàn thực phẩm không hề đề cập. Hầu như chỉ thấy người bán đưa hàng lên chứ rất ít thành viên phản hồi hay bình luận. Ở đây không thấy có sự gắn kết giữa các thành viên, giữa người mua người bán, giữa “chủ chợ” với “tiểu thương”. Vì vậy, mạnh ai nấy đưa hàng lên và dùng mọi thủ thuật như đăng liên tục một nội dung trong nhiều ngày liền; đánh chữ “up” hoặc các biểu tượng vào ô phản hồi để đẩy bài lên đầu trang.

Cách làm trên khiến người mua khó biết được chất lượng thực sự của hàng hóa nơi đây. Gần đây nhất, một thành viên trong HBB rao “nhận làm món ngon cho ngày Tết là chả giò tôm cua”, song không nhận được sự phản hồi nào, chính người này đã phải nhấn “up” nhiều lần để gây sự chú ý. Tương tự là chợ HWTT với lời rao “củ kiệu nhà làm bảo đảm không chất bảo quản” hay chả lụa nóng hổi, mứt chuối gừng, mứt vỏ bưởi hay đặc sản Cà Mau… của một số thành viên sau nhiều giờ đăng vẫn không nhận được lấy một like.

Nhím Chạp Phô, một bà chủ chợ phiên cho biết kinh nghiệm, tất cả các gian hàng trước khi bán công khai đều phải gửi thông tin, hình ảnh cụ thể để chủ chợ duyệt trước. Ban đầu chỉ dựa theo cảm nhận song chợ còn có nhiều cách để lọc lại gian hàng uy tín hay không. Một mặt chủ chợ dùng thử, mặt khác nhờ các khách hàng quen trong chợ dùng và đưa ra nhận xét. Dựa vào phản hồi của thành viên, chủ chợ cấp quyền cho gian hàng được bán thường xuyên hoặc xóa vĩnh viễn. Mỗi một tuần, chủ chợ có bài tổng hợp tình hình khen chê của thành viên đối với các gian hàng. Không chỉ nói về chất lượng, các gian hàng còn được góp ý cả về cách giao hàng và đối xử với khách hàng.

Thực tế, dù có chặt chẽ thì chủ chợ vẫn không thể kiểm soát được tất cả, không hẳn là tất cả các gian hàng ở chợ này đều chất lượng. Phương Thu, một thành viên lâu năm, đã mua rất nhiều hàng trên mạng cho biết “đa số hàng rất ngon song cũng có hai lần mình không ưng ý khi mua phải con gà rất già và cá bớp không tươi”.

Mới đây nhất, các thành viên chợ phiên lại cùng “ngồi” bình chọn ra các gian hàng được nhiều người yêu thích nhất, kèm theo những lời bình luận, nhận xét về SP của từng gian hàng. Nếu muốn mua hàng, người tiêu dùng nên xem kỹ các bài tổng kết mỗi tuần, bài bình chọn của chợ. Những sạp nào có nhiều người mua, nhiều người khen là sạp ngon, có chất lượng ổn định. Bạn cũng có thể nhắn tin để nhờ chủ chợ tư vấn.

Cục Thống kê TP.HCM vừa công bố kết quả khảo sát tiến hành tại hơn 20.000 doanh nghiệp, 2.500 hộ gia đình và hơn 200 cơ sở phân phối tại TP.HCM. Theo đó có đến 48,2% biết về mua sắm trực tuyến và 20,5% người đã mua sắm trực tuyến (tăng gấp đôi so với năm 2011); tỷ lệ mua sắm trên website là 86,4% và mua sắm trên diễn đàn, mạng xã hội là 33,7%.

Phunuonline.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!

Tag: thuc pham tet , an toan ve sinh , thi truong , mut tet