Mỗi khi cảm nhận làn gió ngột ngạt khẽ chuyển mùa, cả nhóm lại nhìn nhau và nghĩ về “Krasni bor” (tiếng Nga có nghĩa rừng thông đỏ), vùng đất cách trung tâm thành phố Saint-Petersburg khoảng 200km về phía đông nam.
|
Mua ít đồ ăn đủ cho hai ngày và đổ đầy bình xăng ôtô. Thế là tất cả lên đường.
Ánh nắng chiều vàng rực bên hồ Beloe (hồ Trắng)
1. Làng Krasni Bor giờ gần như không có người sinh sống. Ở đây, gia đình Iura có một căn nhà nhỏ, nơi mọi người trong gia đình thường về nghỉ cuối tuần, những dịp nghỉ đông hoặc nghỉ hè. Đó là một căn nhà ngoại ô theo kiểu truyền thống. Vách làm bằng những thân gỗ thông bào nhẵn rồi ghép khít vào nhau.
Chúng tôi đến nơi sau gần 4 giờ đi xe. Nghỉ ngơi một chút, tất cả bắt đầu lang thang vào rừng thông đỏ.
Thời điểm cuối tháng tư đầu tháng 5, tuyết đã tan hết, nhưng những loại cây lá bản rộng vẫn chưa đâm chồi nảy lộc. Màu xanh vẫn chưa thật sự bao phủ. Vẫn là một màu xam xám của cành khô, lá mục với tia nắng loang loáng trên mặt nước trong veo. Con suối nhỏ đã chảy róc rách, uốn lượn xuyên khắp cả khu rừng. Tiếng cành lá kêu lách rách dưới mỗi bước đi.
Nắng lấp lánh chiếu xuống rừng cây, những tia nắng như hối hả chiếu vội vàng, tranh thủ mọi lúc có thể. Ở xứ sở mà số ngày nắng trong năm có thể đếm trên đầu ngón tay này thì không chỉ con người mà cả cây cối, động vật dường như cũng tận dụng mọi thời điểm có nắng, có gió để sinh sôi. Những thân thông đỏ rực, ánh lên trong nắng. Thân gỗ thẳng tắp như lao vút lên trời xanh nhìn thật thích mắt.
Rừng thông đỏ Krasni Bor
2. Một trong những đích đến của chúng tôi là căn nhà cũ đổ nát, trước kia vốn là nơi đặt guồng xay chạy bằng sức nước. Hiện giờ chỉ còn lại phần nền gỗ và vách gỗ mục nát, phủ đầy rêu, thế nhưng mỗi lần đến tất cả đều nín lặng, vừa ngồi thở, vừa suy nghĩ và hi vọng một ngày nào đó, nơi này sẽ lại đông đúc như xưa, guồng quay được dựng lại…
Dấu ấn con người hiện hữu nhất ở Krasni Bor, ngoài một vài ngôi nhà hoang phế, có lẽ chỉ còn là khu nghĩa trang, và một cây thánh giá gỗ lớn đặt trên đỉnh đồi trống ven rừng. Nơi đây từng có nhà thờ thánh Nikolai đức Sáng thế, vị thánh của những người Xlavơ theo chính thống giáo. Nhà thờ đã bị cháy từ lâu, phần nền móng bằng đá còn lại cũng đang chìm dần theo thời gian bởi cỏ rêu và lá mục.
Krasni Bor, cũng giống như nhiều ngôi làng khác ở các vùng xa đô thị, đều bị bỏ hoang dần. Người dân dồn hết về thành phố. Chỉ còn lại các khu khai thác gỗ, hoặc lác đác vài căn nhà ngoại ô còn có người.
Chúng tôi đi theo con đường dành cho xe khai thác gỗ, con đường đất mịn, lối giao thông duy nhất còn níu giữ Krasni Bor với thế giới văn minh. Không sóng điện thoại, không đài, không tivi. May mắn là điện lưới quốc gia vẫn được duy trì.
Cách nhà Iura chừng 30 phút đi bộ, có một bãi đất tròn được quây kín chỉ có một lối vào. Nơi này từng là khu vực khai thác đất, vốn là một quả đồi cao. Phần đất bên trong được vét sạch, chỉ còn lại rìa ngoài, vô hình trung tạo thành một sân vận động thu nhỏ, với khán đài tròn xung quanh là vành đai của đồi đất. Chúng tôi dùng chỗ này làm nơi bắn súng.
3. Không phải mùa săn, mà cũng chỉ được đi săn nếu nếu bố Iura hay Sergei theo cùng. Vì thế, đám thanh niên dùng những vỏ chai bỏ đi làm mục tiêu tập bắn. Súng săn bắn đạn ghém, tuy tầm xa không lớn, nhưng có cái lợi là đạn tỏa ra theo chùm nên khả năng sát thương cao. Mấy khẩu súng hai nòng còn có lựa chọn theo độ sát thương.
Bố Iura luôn dặn nếu đi săn vịt trời, nhớ chọn đúng nấc, nếu không là có món thịt xay luôn đó. Nếu không thích súng săn, bạn có thể chọn súng hơi.
Chán đi lang thang trong rừng, tất cả rủ nhau đi câu. Lớp đất xốp mùa này chỉ cần tìm một vài tảng đá quanh các gốc cây, lật lên là thấy vô khối giun đất. Còn nếu cầm cuốc đi quanh nhà thì chừng nửa tiếng là có thể nuôi đủ một đàn gà béo quay. Lớp đất mùn màu mỡ ủ mình dưới tuyết suốt một mùa đông, dường như chỉ đợi có tay người đến để bắt đầu vụ trồng trọt mới.
Câu cá trong rừng
Bếp lửa giữa rừng cho bữa trưa và ấm trà thảo mộc
Điểm đến của buổi câu là dòng suối lớn chảy ngang rừng. Chúng tôi lựa những điểm uốn của dòng chảy, gần đó là những vùng nước lặng để buông câu. Những đôi ủng cao phủ kín chân chưa phát huy tối đa tác dụng lúc đi rừng đã tan tuyết, giờ mới thật sự giúp sức để có thể đứng sâu xuống suối.
Cả một buổi lang thang câu kéo, chúng tôi bắt được một chú cá măng nhỏ. Vậy là buổi trưa trong rừng trở nên hấp dẫn hơn khi bếp lửa dã chiến lại tí tách reo vui với nồi súp cá. Những món đồ mang theo luôn có ít bánh mì, đồ hộp và lúa mạch.
Cả nhóm cùng thi nhau nặn cô gái tuyết của riêng mình
4. Như một nghi lễ trong mỗi chuyến đi rừng, sau bữa ăn, chiếc nồi nấu duy nhất lại được rửa sạch để đun trà nóng. Món trà này luôn thay đổi hương vị theo mỗi chuyến đi. Có khi là trà mang từ nhà, có khi là ít lá dâu rừng, hay quả mọng mà chúng tôi nhìn thấy. Và cả những loại lá dại mà tôi còn không thể biết và nhớ được tên.
Không biết đã bao nhiêu kỳ nghỉ chúng tôi có mặt ở Krasni Bor. Những ngày hè nóng bức gợi nhớ tới làn gió mát rượi bên hồ Beloe. Những kỳ nghỉ đông ngập tuyết khi mỗi đứa tự đắp cho mình một cô gái tương lai rồi tranh nhau chấm điểm. Những chuyến đi săn trong tuyết trắng, những đêm trăng sáng… Để rồi khi về thành phố, mỗi khi cảm nhận được làn gió ngột ngạt khẽ chuyển mùa, cả nhóm lại nhìn nhau và cùng thầm nghĩ “Krasni Bor”!
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành