“Chỉ trong khoảng 1 – 2 tháng tới, việc tăng giá xăng sẽ gây ảnh hưởng tới tất cả, từ giá quả trứng, mớ rau tới giá các sản phẩm khác”.
|
Mới đây, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, có 4 doanh nghiệp (DN) nhập khẩu đầu mối xăng dầu đã gửi phương án tăng giá đến Bộ Tài chính.
Lý do mà các DN đưa ra là do giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ nên họ đang bị lỗ, nặng nhất là mặt hàng xăng.
Cụ thể, xăng A92 lỗ khoảng 1.000 đồng/lít (nếu trích Quỹ bình ổn 300 đồng/lít thì còn lỗ 700 đồng/lít), dầu DO lỗ khoảng 500-600 đồng/lít (trích Quỹ bình ổn 300 đồng/lít, sẽ còn lỗ khoảng 300 đồng/lít).
Do đó, các đầu mối nhập khẩu xăng dầu bắt đầu cắt giảm hoa hồng cho hệ thống đại lý từ 100-150 đồng/lít, hiện còn 300-350 đồng/lít đối với xăng và 450 đồng/lít đối với dầu.
Không lâu sau đó, từ 20h hôm qua (20/4), giá xăng tăng thêm 900 đồng một lít; các mặt hàng dầu khác cũng tăng 400 đến 600 đồng một lít khiến cả người dân lẫn doanh nghiệp đều “ngã ngửa”.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Võ Văn Quyền -Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: “Chúng ta tăng giá xăng dầu ở thời điểm này nhiều sẽ dễ dẫn đến lạm phát cao, ảnh hưởng tới an sinh xã hội. Nhưng không tăng giá thì DN sẽ thua lỗ, khó kinh doanh”.
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa nói: “Giá xăng dầu thành phẩm bình quân trong 1 tháng qua vẫn ở mức cao, khoảng 134 USD/thùng. Do vậy, Bộ Tài chính phải xem xét tính toán việc xin tăng giá này để đảm bảo hài hòa lợi ích quyền lợi của người tiêu dùng và DN”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cảm thấy “khó hiểu” với quyết định tăng giá xăng lần này.
Doanh nghiệp xăng dầu: Có thực sự thua lỗ?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng phải minh bạch giá xăng dầu và cơ cấu giá.
“Chỉ lấy lý do giá thế giới tăng nên DN phải tăng giá bán là chưa minh bạch. Bộ Tài chính cần có biện pháp thúc ép DN minh bạch lãi, lỗ trong kinh doanh. Muốn vậy, Chính phủ phải có sức ép với Bộ Tài chính và đề ra biện pháp kỷ luật nếu không thực hiện.
Tôi tin là kinh doanh cây xăng có lời. Nếu DN nào đòi ra khỏi thị trường thì Nhà nước cứ cho DN ra, tạo điều kiện cho DN khác nhảy vào, sẽ lấp chỗ được ngay thôi”, bà Lan nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với bà Lan, TS Đinh Tuấn Minh - Nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định: “Lương chưa tăng mà DN xăng đã muốn đi tắt đón đầu tăng giá là không nên. Nếu các cơ quan quản lý cho tăng giá xăng để “chiều lòng DN” thì sẽ có rất nhiều hệ luỵ”.
TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, cho rằng dư luận nghi ngờ các con số của DN đưa ra là vì chúng ta chưa có kiểm toán xăng dầu, thậm chí chưa minh bạch và công khai hóa các chỉ số thành phẩm xăng dầu.
“Tôi cho rằng việc kiểm toán chưa đi đúng trọng tâm. Người dân cần biết mức lãi mà DN đang hưởng đã hợp lý chưa? Mỗi lần DN tăng, giảm giá thì cơ quan kiểm toán thấy có đúng không? Mức tăng, giảm có hợp lý không?
Ngay cả thời điểm nhập hàng của DN cũng rất quan trọng vì nó quyết định tới giá vốn thực tế. Khi người dân được biết những thông số đáng tin cậy thì việc tăng, giảm giá mới không bị nghi ngờ hay phản đối” - ông Phong nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh lại cho hay: “Chúng ta bàn mãi chuyện giá xăng dầu theo cách hiện nay thì sẽ không có lối ra. Những chuyện như nên tăng bao nhiêu, tăng lúc nào, giật cục hay tăng dần, có kiềm hãm hay không, rồi Nhà nước lùi thuế cỡ nào... vẫn chỉ là những chuyện nhỏ lẻ trong toàn cục vấn đề này.
Phải thay đổi căn bản cách thức điều hành thị trường xăng dầu và quản lý giá xăng dầu. Bao giờ có thị trường thị mới cho thị trường. Đừng nói thị trường khi chưa hiểu thị trường là gì?
Vì thế, theo tôi, xăng dầu nên thiết lập cơ chế giá trần. Trong đó, Nhà nước sẽ tính toàn phần Nhà nước bao nhiêu, doanh nghiệp hưởng bao nhiêu".
Nhận định về việc tăng giá xăng lần này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói: “So với lần tăng trước là 2.100 đồng/lít xăng vào đầu tháng 3, mức tăng lần này thấp hơn, chỉ có tăng 900 đồng/lít xăng.
Nhưng đây vẫn là áp lực đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng trước tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay. Chắc chắn việc giá xăng tăng sẽ tác động tới chỉ số giá cả.
Mà như vậy sẽ tăng gánh nặng cho các doanh nghiệp vận tải và chỉ trong khoảng 1 – 2 tháng tới, động thái này sẽ gây ảnh hưởng tới tất cả, từ giá quả trứng, mớ rau tới giá các sản phẩm khác bởi vì sản phẩm nào rồi cũng cần phải có vận tải”.
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?
- Hà Nội sắp có tuyến đường sắt trên cao đến sân bay Nội Bài
- Ông Trump phát biểu mừng chiến thắng