Mặc dù đã được đầu tư với gần 30% tổng mức ngân sách chi cho hoạt động y tế nhưng xem ra công tác y tế dự phòng, nhất là trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh tại TP. HCM còn nhiều hạn chế.
|
Minh chứng cho điều này là các dịch bệnh liên tục bùng phát với số ca mắc và tử vong cao, từ dịch sốt xuất huyết, dịch cúm, đến dịch sởi, dịch tay chân miệng và thậm chí cả dịch sốt rét cũng quay trở lại. “Phòng hơn chống” là một luận chứng, nhưng TP. HCM hình như đang đi ngược lại. Vậy, trách nhiệm y tế dự phòng ở đâu?
Điều trị bệnh nhân mắc dịch bệnh tay chân miệng tại BV Nhi đồng 1 TP. HCM.
Thuê người... phun, xịt
Dịch bệnh tay chân miệng bùng phát từ giữa năm 2011 và nay vẫn đang tiếp tục hoành hành. Theo ghi nhận tại các trạm y tế phường, xã-đơn vị trực tiếp phòng ngừa dịch bệnh cho dân - thì các biện pháp phòng ngừa vẫn không có gì mới. “Thì cứ nhận hóa chất Chloramin B về, nhà nào có trẻ nhỏ bệnh đến báo thì phát. Đợt nào trung tâm y tế dự phòng quận có tờ rơi tuyên truyền thì nhận về, lại phát”, một trạm trưởng trạm y tế trần tình.
Công việc phòng chống dịch bệnh xem ra có vẻ đơn giản nên thực tế gần như chẳng có trạm y tế phường, xã nào phàn nàn, tuy phụ cấp được hưởng thấp. Thậm chí, trong những đợt sốt xuất huyết bùng phát dữ dội, có trung tâm y tế dự phòng cắt cử người đi phun thuốc diệt muỗi nhưng thực tế cán bộ y tế không đi phun mà thuê người ngoài đi phun. Vậy nên có tình trạng phun thuốc hoài mà muỗi không chết. Có cán bộ y tế dự phòng còn lý sự tại muỗi kháng thuốc! Với vai trò tham mưu cho UBND phường, xã trong phòng chống dịch bệnh, nhưng thực tế các trạm y tế gần như chỉ biết báo cáo… ca bệnh. “Mỗi lần có trường hợp mắc sốt xuất huyết, hay tay chân miệng nào nhập viện, rồi bệnh viện báo về địa phương. Vậy là trạm y tế có việc để… chống dịch”, một cán bộ công tác trong ngành y tế dự phòng lâu năm than thở.
Thực tế, trạm y tế không có vai trò chủ động trong việc giám sát, phòng chống dịch, mà chạy theo dịch bệnh và chờ chỉ đạo. Theo quy định, mỗi phường, xã đều có tổ chống dịch bệnh do UBND phường thành lập, chỉ đạo. Thành phần của tổ là nhân viên trạm y tế phường, cán bộ trật tự đô thị và chủ yếu là các tổ trưởng tổ dân phố. Mặc dù tổ chống dịch cũng được tập huấn kiến thức nhận biết bệnh, kỹ thuật phun thuốc, vệ sinh diệt trùng, diệt muỗi, lăng quăng nhưng thành phần chủ yếu là kiêm nhiệm và trình độ chuyên môn hạn chế. Quy trình hoạt động của tổ chống dịch cũng theo kiểu… có ca dịch thì làm, không thì thôi. Thậm chí, mỗi lần có ca dịch, tập hợp tổ chống dịch cũng không đủ quân số.
Trao đổi gần đây với phóng viên, BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM, cho rằng các quận, huyện đều phòng chống dịch bệnh theo kiểu cái gì cũng làm, địa bàn nào cũng phun, xịt, diệt khuẩn, vệ sinh mà không làm đúng trọng tâm, trọng điểm. Đó là chưa kể việc phun, xịt có đúng nồng độ hay không, có diệt chết vi trùng, vi khuẩn không? Quận, huyện nào cũng nói phát Chloramin B cho dân nhưng có được mấy hộ dùng, dùng có đúng?
Đổ thừa hoàn cảnh
Hiện 65% phường, xã ở TP. HCM ghi nhận có ca bệnh tay chân miệng với tổng số gần 1.500 ca nhập viện điều trị. Các chuyên gia y tế nhận định trong thời gian tới, nhiều dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tiêu chảy, thủy đậu, hô hấp sẽ gia tăng. Điều đáng nói, hễ địa bàn nào bệnh dịch bùng phát thì y như rằng, lãnh đạo y tế dự phòng lại viện dẫn nguyên do khách quan.
Tại cuộc họp phòng chống dịch bệnh mới đây, ông Trần Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Bình Tân, cho biết do địa bàn quá rộng và dân số quá đông (700.000 người) nên Bình Tân luôn là điểm nóng dịch bệnh. Chưa hết, do tập trung dân ngụ cư đông, nhất là công nhân nên khó kiểm soát được hết.
Còn một cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng quận Thủ Đức cũng viện lý do diện tích khá rộng nên mỗi khi dịch bệnh bùng phát thì trở thành điểm nóng lây lan. Lại là địa bàn giáp ranh nên dịch bệnh từ Bình Dương tràn sang! Trong những lần khảo sát về dịch sốt xuất huyết tại quận 8, Bình Thạnh-hai địa phương luôn có dịch sốt xuất huyết đứng đầu TP-đoàn giám sát của Sở Y tế và HĐND TP đều được nghe những lý giải “điệp khúc” là kênh rạch nhiều, ô nhiễm môi trường cao nên dịch bệnh nhiều.
Thực tế hầu hết các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện hiện nay đều hạn chế chuyên môn. Kể từ khi tách ra khỏi trung tâm y tế quận, huyện từ năm 2006, đến nay đã gần 6 năm nhưng cán bộ chuyên trách phòng chống dịch bệnh tại trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế èo uột, chủ yếu được tập huấn chứ không được đào tạo bài bản. Ngay cả nhiều trưởng trạm y tế cũng mới có trình độ y sĩ. Đó là chưa kể cán bộ phòng chống dịch phải ôm đồm cả các lĩnh vực sức khỏe sinh sản, phòng chống lao, HIV, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo thống kê, hiện cán bộ làm y tế dự phòng tại TP. HCM hầu như đều là bác sĩ từ hệ điều trị chuyển sang, ít người được đào tạo chính quy về y tế dự phòng. Theo TS-BS Lê Trường Giang, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM, công tác phòng chống dịch bệnh chưa đạt như mong muốn cũng một phần do thiếu cán bộ đủ chuyên môn.
Đầu voi, đuôi chuột
Đó nhận định của ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa Xã hội - HĐND TP. HCM về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn TP hiện nay tại cuộc họp về phòng chống dịch bệnh mới đây. Ông Hùng dẫn giải, mỗi khi dịch bệnh bùng phát thì hô hào dữ lắm nhưng sau đó đâu lại vào đấy, và năm sau lặp lại năm trước. Thậm chí, trong chiến dịch khảo sát dịch bệnh hồi cuối năm 2011 tại các quận huyện, ông Hùng còn nghi ngờ có địa phương lấy kế hoạch phòng chống dịch bệnh của năm trước đổi ngày tháng để làm kế hoạch, báo cáo cho năm sau.
Cũng theo ông Hùng, cán bộ phòng chống dịch thì ít trong lúc các lực lượng chính trị, các hội đoàn thể chưa được huy động vào cùng dập dịch. Hơn nữa, ông Hùng cho rằng nhiều ban bệ, chỉ đạo phình ra ở cấp trên, kế hoạch đặt ra rất hoành tráng nhưng xuống đến phường-xã teo tóp dần, triển khai chẳng đến đâu.
Lý giải cho những bất cập của y tế dự phòng, ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TP. HCM, cho rằng nhân lực còn mỏng là một hạn chế lớn. Số lượng cán bộ y tế dự phòng hiện chiếm từ 12%-13% trong tổng số cán bộ nhân viên y tế của toàn TP là chưa đủ, phải phấn đấu làm sao cho đạt tỷ lệ 30%. Theo ghi nhận, khoa Kiểm soát dịch bệnh của hầu hết các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện tuyển mãi không được người.
Một lãnh đạo trung tâm y tế dự phòng quận cho biết, phụ trách phòng chống dịch bệnh là 2 bác sĩ đa khoa chứ không phải chuyên khoa y tế công cộng nên mọi kiến thức về phòng chống dịch bệnh đều tự cập nhật hoặc qua chỉ đạo của cấp trên. Bình quân trung tâm y tế dự phòng mỗi quận, huyện chỉ có 2-3 cán bộ chuyên trách phòng chống dịch bệnh, trong khi với tình hình dịch bệnh ngày càng tăng, Bộ Y tế khuyến cáo chí ít khoa kiểm soát dịch bệnh của mỗi trung tâm cũng phải 7-8 người. Theo Sở Y tế TP. HCM, mỗi năm toàn TP chỉ có khoảng 40-50 cử nhân y tế công cộng ra trường và 20-25 bác sĩ chuyên khoa y tế công cộng, nhưng phần lớn xin về các bệnh viện làm chứ không muốn về các trung tâm y tế dự phòng.
- Người có tuổi thọ ngắn sẽ có 6 triệu chứng khi đi bộ, nếu bạn không có thì xin chúc mừng bạn đã có sức khỏe dồi dào
- Ba loại thực phẩm cấm kỵ ăn chung với thịt bò, nhưng nhiều người vẫn mắc phải
- Ăn mì ăn liền nhiều có bị ung thư không? WHO: Có 6 thực phẩm thực sự gây ung thư, hãy tránh càng xa càng tốt
- Hình dáng cơ thể quyết định tuổi thọ? Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người sống trên 80 tuổi thường có hai đặc điểm
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%