Cả con phố giờ chỉ còn duy nhất một bễ lò hàng ngày vẫn rực lửa, hừng hực than hồng và bên cạnh là một người đàn ông ngũ tuần đang tay đe, tay búa. Đó là người thợ rèn cuối cùng ở phố Lò Rèn, bác Nguyễn Phương Hùng (SN 1961).
|
Con phố Lò Rèn sau bao nhiêu năm đổi thay giờ đã khác xưa nhiều, những ngày giáp tết này lại càng thêm nhộn nhịp, rực rỡ hơn bao giờ hết. Lần lượt từng người thợ rèn tại đây đều đã lần lượt bỏ nghề để làm việc khác hoặc nghỉ ngơi. Cả con phố giờ chỉ còn duy nhất một bễ lò hàng ngày vẫn rực lửa, hừng hực than hồng và bên cạnh là một người đàn ông ngũ tuần đang tay đe, tay búa. Đó là người thợ rèn cuối cùng ở phố Lò Rèn, bác Nguyễn Phương Hùng (SN 1961).
Hà Nội đã vào đông, những cơn gió mùa đông bắc khiến ai ra đường cũng phải trang bị cho mình vài ba lớp áo dày cộp rồi thêm khăn cổ, gang tay để chống chọi lại giá lạnh. Thế nhưng, với người thợ rèn cuối cùng này, gió rét dường như không ảnh hưởng gì, bác vẫn mặc một chiếc áo mỏng manh, lấm lem những vệt bẩn chạy ngang dọc.
Bếp lò rèn cuối cùng còn cháy trên phố Lò Rèn, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Cười khì khì với tôi bác bảo: “cả ngày cứ ngồi gần cái bếp lửa nóng hừng hừng, lại gò đập suốt thì có biết lạnh là gì đâu. Đang mùa đông thôi chứ mùa hè phải cởi trần suốt, không là chết nóng”.
Nghỉ tay chốc lát để rót chén trà mời khách, bác Hùng tâm sự: “Nghề rèn là nghề gia truyền, đến đời của bác là thứ 3 rồi. Cái nghề này cũng không có gì là khó khăn cả, chỉ cần có sức khỏe và chăm chỉ là được. Hồi còn bé, cứ hay ra xem bố làm việc, dần dà cũng thuộc làu cái nghề rèn cũng như cách để rèn các vật dụng. Thực sự việc đến với nghề cũng là một cái duyên. Đã có một thời gian, tôi bỏ nghề rèn đi làm nhiều việc khác, nhưng rồi vẫn quay lại với cái bễ lò rực lửa này. Mà cũng kì lạ, nhà có 4 anh em trai, nhưng cũng chỉ có mỗi tôi tiếp quản cái nghề gia truyền, không để nó mai một. ”
Thợ rèn cuối cùng Nguyễn Phương Hùng đang miệt mài với công việc của mình
“Thời ông nội tôi hành nghề rèn, có thể nói là thời kì phát triển rực rỡ nhất của nghề rèn. Ông chính là người rèn và gia công máy móc cho cụ Bạch Thái Bưởi (một trong 4 người giàu có nhất Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20), rồi rèn đồ nghề cho cụ Tạ Duy Hiển (người khai sinh ra ngành xiếc Việt Nam). Tài hoa hơn, ông còn dựa theo chiếc máy dệt người Pháp mang sang để làm ra chiếc máy dệt đầu tiên cho làng lụa Vạn Phúc. Đến đời cha tôi cũng vậy, cùng với những người thợ rèn khác, cha tôi hăng say rèn vũ khí để phục vụ kháng chiến, rồi sản xuất hàng loạt những máy móc, đồ cơ khí để giúp các công nhân giải phóng sức lao động và tăng năng suất công việc”, bác Hùng vui vẻ kể lại quá khứ hào hùng của nghề rèn nhà mình.
Nói về con phố Lò Rèn này, bác Hùng cho hay: “Khi người Pháp tiến hành xây dựng, mở mang phố xá, nguyên liệu kim loại mà chủ yếu là sắt được sử dụng rộng rãi. Cũng từ đấy, cả con phố ở đây, những người thợ rèn thi nhau hành nghề, các bếp lò lửa hừng hực từ sáng đến đêm. Từ đó, người ta cứ goi chốn này là phố Lò Rèn thay cho cái tên Hàng Bừa trước đó. Từ khi đổi tên, công việc của những người thợ rèn cực kì thuận lợi, ai có việc cần cũng tìm đến đây như một địa chỉ chính tin cậy. Lúc thịnh nhất, cả con phố này có trên trăm bễ lò cùng nhau hoạt động. Được cái thợ ở đây quý nhau lắm, cùng nhau làm ăn, cùng nhau phát triển”.
Bếp lò, sắt, đe, búa, xô nước, than là những đồ nghề đơn giản của nghề rèn
Nói rồi bác Hùng tiếp tục với công việc của mình, những khối sắt được nung đỏ au trong lò lửa, sau đó được gắp ra đặt lên đe, người thợ với bàn tay lực lượng cầm búa đập chan chát rồi bỏ vào những thùng nước bên cạnh để làm nguội sản phẩm. Làm được nghề rèn phải có sức khỏe tốt, dẻo dai thêm một chút khéo tay là nhất. Ngồi bên bếp lò nóng hàng trăm độ nên mùa đông còn đỡ chứ mùa hè không khác gì thiêu sống. Những người thợ rèn thường đặt một siêu nước lên lò lửa, để vừa tận dụng nhiệt đỡ lãng phí, vừa để tránh nhiệt bắn vào mặt. Như nhà bác Hùng, mấy nhà hàng xóm mùa đông này có khi lúc bếp lò rảnh thường sang đặt nhờ ấm nước. Phải hôm mất điện nhiều người còn vác cả nồi cơm sang đun nhờ.
Vừa rèn sắt, bác Hùng vừa gằn giọng nói: “Nói thật chứ yêu nghề thì làm thôi, chứ mấy người thợ rèn trước làm ở đây đều chuyển đi làm khung hoa, cửa sắt…hết cả rồi, vừa nhàn hơn thu nhập lại cao hơn”. Nói rồi bác Hùng tiếp tục chăm chú với công việc của mình và giảng giải, mỗi lần đập búa thường bao giờ cũng là một tiếng búa đập nặng và một tiếng đập nhẹ. Tiếng đập nặng là cú cần thiết còn tiếng nhẹ là ướm cho chính xác nơi nện búa. Cần tính toán kỹ lưỡng mỗi khi bắt tay vào rèn một sản phẩm, từ nguyên liệu chọn sao cho vừa, không lãng phí, độ lửa phải vừa đủ, tay nện búa phải dứt khoát... ngoài ra nghề này đòi hỏi người thợ phải kiên trì nếu không sẽ chẳng sống được với nghề.”
Những hình ảnh này sẽ sắp biến mất khỏi con phố Lò Rèn
Những ngày gần tết này, ở lò rèn cuối cùng, lượng khách rất đông, bác Hùng chỉ làm hàng đặt, chứ không làm hàng chợ. Bởi vậy, những vật dụng từ chính tay thợ rèn cuối cùng này làm ra bao giờ cũng chất lượng hơn hẳn với những đồ được sản xuất đại trà bày bán la liệt ở ngoài chợ.
Không chỉ phố Lò Rèn mà cả khu phố cổ giờ cũng chỉ còn mỗi cửa hàng của bác Hùng là còn duy trì nghề rèn theo đúng gia truyền. Yêu nghề lắm, nhưng cũng khó lòng thoát khỏi quy luật phát triển của xã hội. Hai đứa con một trai, một gái của bác Hùng chẳng đứa nào chịu theo nghề của bố, mà bác Hùng cũng không thể nào buộc con cái làm cái nghề rèn này trong khi chúng học cao học rộng phải để chúng thực hiện những mơ ước, hoài bão.
Người ta vẫn bảo, nghề làm ra phố, chứ phố chả làm ra nghề, điều đó quả thật không sai. Chính những nghề xưa cũ trên từng con phố ở Hà Thành đã làm cho 36 phố phường trở nên một nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn đến vậy. Thế nhưng, con phố Lò Rèn rồi đây cũng như bao con phố khác ở Hà Nội, sẽ mất đi cái “hồn” của phố.
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành