Ông lão trót mang duyên nợ với 'nghề âm phủ'
Thứ bảy, 17/08/2013 23:13

Nhà gốm học tự nhận mình là người dương gian làm việc âm phủ đã dành trọn cuộc đời "gửi vào lò nung những chờ mong".

Nghệ nhân Hạ Bá Định

Nghệ nhân Hạ Bá Định

“Người dương gian làm việc âm phủ. Tự tay mình làm ra nó đấy nhưng tốt xấu thế nào chính mình cũng không biết được. Chỉ đến khi ra lò, cầm trên tay mới biết tốt xấu, dở hay. Nghề làm gốm là nghề “gửi vào lò nung nỗi chờ mong”- nghệ nhân Hạ Bá Định đã nói về cái nghề và cũng là cái nghiệp ông đã gắn bó gần trọn cuộc đời mình như thế.

Người thổi hồn vào gốm

Người làm gốm Hải Dương và khu vực lân cận không ai không biết đến họa sỹ- nghệ nhân Hạ Bá Định, một trong những người có công đầu trong việc phục dựng gốm cổ Chu Đậu. Đã ở vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông vẫn giữ cho mình thói quen rong ruổi trên “con ngựa già” đến khắp các lò gốm xa gần như Chu Đậu (Nam Sách), Cậy (Bình Giang)… Người nghệ nhân già đã dành gần trọn cuộc đời mình cho cái nghề mà ông gọi là “nghề âm phủ”.

Quê gốc ở Bắc Ninh, là con nhà nòi về gốm, tuổi thơ nghệ nhân Hạ Bá Định gắn bó với xí nghiệp gốm ở số 5 Lương Yên. Trong một lần đến thăm quan cơ sở sản xuất, lãnh đạo nhà máy sứ Hải Dương đã phát hiện ra khả năng vẽ và làm gốm rất “thuần” của cậu học trò 17 tuổi Hạ Bá Định. Kể từ đó, ông gắn bó với Nhà máy sứ Hải Dương suốt 37 năm.

Nghệ nhân Hạ Bá Định tâm sự: “Ở nhà máy sứ Hải Dương, tôi được học thêm rất nhiều về gốm. Niềm đam mê gốm trong tôi cứ thế lớn dần lên. May mắn được gặp gỡ và làm việc với họa sỹ Trần Hữu Chất, họa sỹ Trần Khánh Chương càng làm cho tôi yêu gốm hơn, thúc đẩy tôi tiếp tục học và nghiên cứu về gốm. Đặc biệt, năm 1994, qua GS. Họa sỹ Nguyễn Văn Y, nguyên Giám đốc bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tôi được biết câu chuyện về những con tàu đắm trên biển, về làng gốm Chu Đậu. Ông cũng là người dạy cho tôi những nét vẽ đầu tiên mang hồn cốt gốm cổ Chu Đậu”.

Trong suốt những năm tháng công tác tại Nhà máy sứ Hải Dương và dạy làm gốm, dạy vẽ cho hầu hết các lò gốm có tiếng khắp miền Bắc như: Cổ Kênh (Văn Đức, Chí Linh), Đồng Triều (Quảng Ninh), gốm Cậy ( Bình Giang, Hải Dương), Bát Tràng (Hà Nội),… ông vẫn không ngừng học hỏi, sáng tạo và truyền dạy “những nét vẽ hồn nhiên, giản dị mà xôn xao” của văn hóa gốm cổ Chu Đậu cho các thế hệ học trò.

Sau những năm tháng miệt mài với gốm, gia tài đáng giá nhất của người họa sỹ già là những lớp thợ vẽ, thợ gốm ở khắp các lò gốm. Bên cạnh đó là cuộc sống “ngợp” hơi thở của gốm. Ngôi nhà 3 tầng ở khu dân cư An Phú, thành phố Hải Dương đâu cũng thấy bóng dáng của gốm: Những sản phẩm gốm, một lò gốm mini, những cuốn sách nghiên cứu và nhiều cổ vật được nghệ nhân sưu tầm suốt cuộc đời.

Thú vị nhất chính là cái “nghề âm phủ” mà ông gắn bó đã mang đến cho ông nhiều mối duyên khác trong cuộc sống. Nó gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau. Vợ ông từng là một tợ vẽ tài hoa ở nhà máy sứ Hải Dương, con dâu ông là cô thợ vẽ của xí nghiệp gốm Chu Đậu.

Niềm mê gốm dường như đã ngấm vào máu, trở thành “tài sản gia truyền” của gia đình ông. Các con của ông là Hạ Quang Long và Hạ Hương Giang đều trở thành những họa sỹ vẽ gốm tài năng. “Dù không hề được cha mẹ định hướng nhưng tự bản thân chúng đã yêu và chọn nghề gốm”, nghệ nhân Hạ Bá Định tâm sự.

Sau những năm tháng miệt mài với gốm, gia tài đáng giá nhất của người họa sỹ già là những lớp thợ vẽ, thợ gốm ở khắp các lò gốm

Bông hoa của đất

Có duyên với đất và dường như cái chất mộc mạc, dung dị của đất đã ngấm sang con người nghệ nhân Hạ Bá Định. Tự nhận mình “ghét ngoa ngôn, xảo ngữ”, ông ít kể chuyện mình, chỉ hăng say kể chuyện nghề một cách chất phác, hồ hởi và nhiệt thành. Ông nhìn nhận nghề gốm bằng con mắt hết sức chân xác.

Khi nghe có người nói gốm đẹp là do nguyên liệu, do thổ nhưỡng mà thành, ông chỉ cười: “Có những đất nước không hề có nguyên liệu làm gốm, thổ nhưỡng rất xấu nhưng vẫn nổi tiếng về gốm. Lấy gì để lý giải điều này? Chỉ có thể nói rằng: Điều kỳ diệu nhất là đôi bàn tay của con người mà thôi!”.

Ông bảo: Nhiều người hết lời khẳng định gốm của mình là đẹp nhất hoặc ra sức “đắp” thêm cho gốm những công dụng tuyệt vời nhằm mục đích thương mại. Còn tôi, là người thợ, người nghiên cứu về gốm, tôi không nói được những điều ấy. Tôi chỉ có thể “cảm” đươc nét đẹp của xương gốm, men gốm và hoa văn trên đó thôi. Người xưa có câu “Nhất sứ Giang Tây Trung Quốc, nhất gốm Chu Đậu Việt Nam”. Nhưng theo tôi, đó chỉ là đánh giá của một thời kỳ nhất định. Hiện nay, Việt Nam có nhiều nơi làm gốm rất đẹp, khó có thể đánh giá nơi nào là nhất!”.

Là một “nhà gốm học”, ông thấy được những nét vẽ “tỉ mỉ, rất gần thực và mang tính bác học” của gốm Trung Quốc. Nhưng điều cuốn hút người nghệ nhân già và khiến ông “say” lại là những nét vẽ hồn nhiên, chất phác, gửi gắm cả tâm hồn người Việt.

Ông thích thú với họa tiết cân đối, đáng yêu của hoa văn Bát Tràng và say mê với những nét vẽ thoáng, phóng túng, có duyên, đôi khi rất ngộ nghĩnh của Chu Đậu.

“Từ một chấm vuốt ra cái mỏ dài rồi lượn xuống thành cái cánh như cánh vịt. Tiếp đến là cái đuôi tung bay, đôi chân vừa giống chân vịt, vừa giống chân cò. Không chú trọng tả thực, thường lấy thần thái làm chính, có nhấn nhá, có buông thả, hoa văn Việt cuốn hút và đáng yêu ở chỗ đó”, vừa phóng bút, nghệ nhân Hạ Bá Định vừa giảng giải. Đưa tôi xem một chiếc đĩa gốm Chu Đậu cổ trong bộ sưu tập mà ông hết sức nâng niu, ông chia sẻ: Họa tiết trên chiếc đĩa này rất đơn giản, chỉ là mấy chiếc lá thài lài. Cái hay nằm ở chỗ mỗi chiếc lá đều có thần thái riêng, ngay cả những khoảng trống cũng rất tinh tế, có tác dụng không kém gì hoa văn. Chỉ nhìn vào đã thấy xôn xao rồi. Rồi ông cười bảo: “Nhìn thế này thôi, nhưng vẽ lại là “chết dở” đấy!”.

Suốt đời làm nghề “truyền bá” gốm cho biết bao lớp thợ ở khắp mọi nơi, ông không bao giờ cho phép học trò của mình can (scan) lại tác phẩm. Bởi ông tâm niệm mỗi tác phẩm là một sự sáng tạo, ở đó phải luôn luôn tìm thấy sự mới mẻ.

Trong ngôi nhà ngập tràn hơi thở của gốm, ngày ngày, người nghệ nhân già vẫn cặm cụi nghiên cứu về gốm, vẫn say mê thổi hồn vào đất. Bất cứ ai yêu thích, muốn tìm tòi về gốm, đối với ông đều là những vị khách quý được đón tiếp nồng hậu.

Người nghệ sỹ tài hoa Hạ Bá Định đã dành cả cuộc đời mình để khiến cho những thớ đất vô tri biết “nở hoa”. Và khi tiếp xúc với ông, người ta cũng chợt nhận ra rằng: Chính ông cũng là một bông hoa của đất. Giản dị và chân thành, giá trị con người ông đằm sâu ở cái tài và cái tâm của một nghệ nhân chân chính.

Laodong.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'

Tag: Hải Dương , Làng nghề , Nghệ nhân , Làng gốm , Nghệ nhân Hạ Bá Định , Đời sống , Mưu sinh