Khả năng đặc biệt của Tú “bịt mắt tạc tượng” (dùng khăn bịt mắt lại mà vẫn thoăn thoắt tay đưa, khi bỏ khăn ra cũng là lúc sản phẩm được hoàn thành).
Một số tác phẩm điêu khắc. |
Là một trong số ít làng nghề lưu giữ những tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc, đặc biệt là điêu khắc tượng, những người thợ tạc tượng ở làng Dư Dụ (xã Thanh Thùy, huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội) đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước để tạo nên những tác phẩm “độc nhất vô nhị” cả về kích thước lẫn độ tinh xảo. Bởi họ không chỉ làm với bàn tay, khối óc tài hoa, mà họ làm nghề bằng cả cái tâm của mình.
Những bàn tay vàng
Chúng tôi về làng nghề Dư Dụ trong những ngày giữa tháng 6, từ xa đã nghe thấy tiếng lách cách rộn ràng của nhát đục, nhát gõ và âm thanh của tiếng cưa, xẻ gỗ. Đến đầu làng là có thể cảm nhận được mùi gỗ mới, mùi của nước sơn lan tỏa trong không gian yên bình của một làng nghề vốn có truyền thống từ lâu đời. Dù trời nắng hay mưa, dẫu là cái lạnh của mùa đông hay cái nóng bức giữa trưa hè thì người thợ điêu khắc làng Dư Dụ vẫn thoăn thoắt tay đưa đục, làm ra những sản phẩm để trưng bày, trang trí cho không gian, nội thất hay những bức tượng bề thế ở những ngôi chùa từ Bắc vào Nam.
Sản phẩm phổ biến nhất của làng nghề hiện nay vẫn là phục vụ nhu cầu của những người có thú chơi trưng bày những biểu tượng của sự yên vui, may mắn, đó là hình tượng ông Phúc, Lộc, Thọ, Phật Di Lặc... Những sản phẩm ấy được làm ra bởi những con người rất đỗi bình dị, họ chuyên cần làm công việc đòi hỏi sự khéo léo trong từng chi tiết. Nào là những đường lượn cho cái bụng ấm no của ông Di Lạc, vừa căng tròn lại thêm cái miệng cười tươi rất yêu đời, là gương mặt hiền từ và cái tai trường thọ của đức Thích Ca Mâu Ni...
“Trên từng thớ gỗ người thợ bố trí sao cho những đường vân của khối gỗ được rơi vào đúng những điểm đặc biệt để nhấn mạnh ý nghĩa, vừa tạo sự phù hợp vừa mang nét độc nhất vô nhị mà những người trong nghề và sành chơi đồ gỗ mới có thể cảm nhận được” - ông Nguyễn Duy Hội (một người có hơn 40 năm trong nghề) cho biết.
Những tác phẩm điêu khắc được làm ra từ kỹ năng của người thợ làng Dư Dụ đã đạt đến mức thượng thừa về nghệ thuật điêu khắc được thể hiện qua đôi bàn tay khéo léo. Kể cả những mẫu sản phẩm mới đến với người thợ làng Dư Dụ cũng chỉ là “chuyện thường ở phố huyện” bởi cái căn cơ của nghề thấm vào tiềm thức họ.
Mỗi cơ sở sản xuất ở Dư Dụ đều có những mẫu mã rất đa dạng và phong phú. Từ những mảnh gỗ nhỏ, thô kệch, bình thường mà có khi nhiều người nghĩ chỉ dùng làm củi đun cũng ngại, nhưng khi đặt vào bàn tay và khối óc người thợ Dư Dụ, mảnh gỗ ấy bỗng có hồn và trở thành một sản phẩm, một tác phẩm nghệ thuật hữu ích.
Sản phẩm được người thợ điêu khắc thổi hồn vào từng dáng đứng, dáng người và đặc biệt chú trọng đến từng họa tiết nhỏ nhất của sản phẩm. Làng nghề đã bao đời “cha truyền con nối” nên người dân ở đây từ đứa trẻ lên 10 đến những người thợ già vẫn luôn từng ngày, từng giờ mài giũa, đục khắc, “đẽo” cái hoa tay của mình để làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống tô điểm cho đời.
Nghệ thuật và bí ẩn tượng gỗ
Chỉ vào bức tượng Phật nhỏ đang được trưng bày trong nhà, ông Nguyễn Hồng Quân (60 tuổi) cho biết: “Nếu đối với người khác thì đoạn gỗ lũa này chẳng thể làm gì được, nhưng nhìn qua người thợ chúng tôi đã thấy dáng của vị Tổ sư Bồ Đề Lạt Ma với vạt áo cà sa ẩn hiện trong làn mây mờ và cây gậy huyền bích. Chỉ cần kỳ công thêm là đã trở thành một sản phẩm có một không hai. Có người đến trả tôi cả cây vàng nhưng tôi không bán”.
Một nữ điêu khắc đang chăm chút sản phẩm của mình
Đối với những người làm nghề, ngoài việc tuân thủ chặt chẽ luật của nghệ thuật: Cân đối, hài hòa, mực thước thì họ còn phải tính toán theo quy luật âm dương - ngũ hành, thuật phong thủy của bức tượng. Giá trị của bức tượng gỗ là phải mang đậm tính triết lý phương Đông, phải tuân thủ một cách chặt chẽ về cả chất liệu, kích thước, cách sắp đặt, màu sắc sao cho đúng với 8 quẻ trong bát quái. Hướng Nam theo bát quái là âm Hoả, có tính nóng nên phù hợp với các màu rực rỡ như đỏ, vàng và ứng với mùa hè và cung danh vọng. Hướng Tây là âm Kim phù hợp với các màu sáng, trắng, ứng với mùa thu và cung quý tử. Còn hướng Bắc vốn là dương thuỷ, phù hợp với các màu tối như đen, tro, nâu thẫm, ứng với mùa đông và cung sự nghiệp…
Thêm nữa, việc đặt các bức tượng ở các vị trí phù hợp là hết sức quan trọng, nó ảnh hưởng đến sức khoẻ, sự nghiệp, tài lộc, tài trí… của gia chủ. Hầu hết mỗi bức tượng đều có liên quan đến các cung trong nhà, ví dụ tượng Phật Di Lặc vào cung Phú Quý trong nhà; cung Quý Nhân đặt tượng Thánh Gióng, Trần Hưng Đạo, Quan Công, Đạt Ma Tổ Sư… Tượng phật Di Lặc là biểu tượng cho sự an lạc, vui vẻ, may mắn và hạnh phúc, là vật phẩm tôn kính trong phong thủy, khi trưng bày trong nhà sẽ mang lại rất nhiều điều tốt lành cho gia chủ. Tượng Phúc-Lộc-Thọ tượng trưng cho 3 vị thần này trong nhà để thu hút vượng khí chủ về phúc, lộc, thọ. Gia chủ sẽ may mắn về kinh doanh, tiền bạc và là biểu tượng dùng để biến hung thành cát trong công việc.
Làng từng xuất hiện bậc kỳ tài
Ở Dư Dụ, trên 90% người dân làm nghề điêu khắc, nhưng có điều lạ là chưa có một người nào nhận mình là nghệ nhân, họ chỉ nhận mình là người thợ lành nghề. Về già họ vẫn miệt mài truyền lại những kinh nghiệm quý báu của cả cuộc đời mình cho thế hệ sau. Vì vậy, trải qua bao năm tháng và biết bao thăng trầm của lịch sử, những tuyệt kỹ của nghề chạm khắc Dư Dụ vẫn không bị mai một.
Theo cụ Nguyễn Duy Sinh (78 tuổi) thì nghề điêu khắc không biết có từ khi nào, chỉ biết rằng trong đình của làng thờ ông tổ làng nghề cũng đã trên 500 năm. Thời Vua Minh Mạng đã từng mời hàng chục người thợ của làng nghề Dư Dụ vào kinh đô Huế góp phần xây dựng cung đình nguy nga tráng lệ của nhà Nguyễn. Cảm phục tài năng của những người thợ, Vua Minh Mạng đã ban sắc phong cùng nhà cửa, ruộng vườn, bổng lộc ngay tại kinh đô Huế. Sau này những người thợ Dư Dụ đã ở lại Huế và lập thành làng Túc (tên làng trước đây của Dư Dụ).
Trong hai cuộc kháng chiến, làng nghề Dư Dụ như bao vùng quê khác tạm gác công việc của mình; người lên đường tham gia chiến đấu, người ở nhà thì tích cực tăng gia, sản xuất. Năm 1978, làng nghề mới được khôi phục lại và hoạt động cho đến ngày nay.
Những pho tượng kỷ lục được xuất xưởng.
Mọi người vẫn còn nhớ rất rõ câu chuyện về một người thợ tài hoa Nguyễn Quốc Tú (SN 1963) được phong tặng danh hiệu nghệ nhân đầu tiên ở làng. Từ nhỏ Tú đã tỏ ra là một người lanh lợi và đặc biệt có tố chất trong nghệ thuật tạo hình. Năm 1978, làng nghề được khôi phục, lúc đó Tú mới 15 tuổi nhưng trình độ thì chẳng thua kém những cụ cao niên trong làng. “Nếu có một sản phẩm mẫu đưa cho Tú, thì chỉ cần nhìn qua một lượt là Tú có thể làm y nguyên. Đến người trong nghề cũng không thể phân biệt nổi đâu là sản phẩm mẫu, đâu là sản phẩm do Tú làm ra. Có chăng chỉ có thể phân biệt qua chất liệu gỗ mà thôi” - ông Nguyễn Duy Đức kể lại.
Điều mọi người nhớ nhất là khả năng đặc biệt của Tú “bịt mắt tạc tượng” (dùng khăn bịt mắt lại mà vẫn thoăn thoắt tay đưa, khi bỏ khăn ra cũng là lúc sản phẩm được hoàn thành mà không hề có một chi tiết lỗi). Năm 1980, nhận thấy tài năng của Tú, một bảo tàng ở Hà Nội đã mang xe con về tận nơi đón anh lên làm việc phục chế cổ vật. Hồi đó, Tú được phân nhà và chế độ ngang với giám đốc bảo tàng.
Năm 1990, tai họa bất ngờ ập xuống, do bất cẩn trong lúc đang làm việc, chiếc chạm gỗ sắc lẹm đã găm vào bàn tay phải làm đứt gân và động mạch. Anh được đưa đi cấp cứu kịp thời, được nối gân, nối mạch máu nên không nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng cũng từ đây, anh mất đi cảm giác, bàn tay tài hoa bỗng dưng lật đật vụng về. Anh được chuyển sang một công việc khác phù hợp hơn. Nhưng khổ nỗi, đối với anh nghề chạm khắc chính là bản mệnh, nên từ ngày không còn làm được nữa anh lầm lì ít nói, rồi phát bệnh tâm thần. Sau khi chữa trị nhiều nơi vẫn không khỏi, cuối cùng người thân phải đưa về quê, sống một mình trong một ngôi nhà nhỏ ở làng Dư Dụ.
Với danh tiếng của làng nghề Dư Dụ, nhiều nhóm thợ đã được mời đi làm những bức tượng lớn kỷ lục. Năm 2010, một nhóm thợ của Dư Dụ đã vào tận Đà Lạt làm một pho tượng trong thời gian 2 năm mới hoàn thành. Mới đây, một nhóm thợ của gia đình anh Nguyễn Đức Duy cũng làm một pho tượng ở chùa Duyên Quang, Quế Võ (Bắc Ninh) trong thời gian 1 năm với chiều cao kỷ lục trên 7 mét.
Trong lúc nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn thì sản phẩm làng nghề Dư Dụ vẫn tìm được chỗ đứng trên thị trường. “Hầu hết các tỉnh đều có gian hàng của làng nghề Dư Dụ, nhiều nhất là TPHCM, cửa khẩu Móng Cái, Lạng Sơn... vì đồ gỗ Dư Dụ được khẳng định là nơi đẹp nhất cả nước” - ông Nguyễn Hồng Quân (Trưởng thôn Dư Dụ) khẳng định chắc nịch.
Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?