Vào một ngày giữa năm 2013, người dân Củ Chi được một phen chấn động vì chuyện một nữ học sinh cấp 3 bị bắt cóc rồi bán qua Campuchia...
Thanh dựng chuyện bị bắt cóc khiến Vũ mang tiếng oan. (Ảnh minh họa) |
Mọi người như nín thở cầu nguyện cho cô bé không gặp bất trắc gì. Họ đợi chờ từng phút từng giây để nghe ngóng từng chút thông tin từ các cơ quan chức năng về chuyện được xem là “động trời” tại địa phương. Sự việc nhanh chóng được làm sáng tỏ khi cô học trò ấy chính là tác giả của kịch bản tự bắt cóc mình. Nhưng hậu quả của sự việc thì vẫn kéo dài cho đến tận hôm nay.
Nữ sinh bị bắt cóc?
Trưa ngày 3/5/2013, đang làm đồng, ông Huỳnh Văn Quèo ở ấp Lào Táo Trung, xã Trung Lập Hạ nhận được một cú điện thoại của một người phụ nữ tự xưng tên là Linh, báo rằng cháu Huỳnh Thị Thanh (đang là học sinh lớp 10, con ông Quèo) bị một người tên Vũ bắt cóc để bán qua Campuchia. Hốt hoảng hỏi kỹ, ông Quèo được cho biết bé Thanh đang bị trói và đánh đập dã man trong một khu rừng cao su ở xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
Quá hoảng sợ, người cha tức tốc chạy về trình báo với công an huyện Củ Chi nhằm tìm cách cứu con mình. Ngay lập tức, công an Củ Chi đã cho người xác minh thông tin. Đến khoảng 5h chiều, bé Thanh được cậu chở về nhà trong tình trạng bình thường. Thế nhưng do tính chất của vụ việc nghiêm trọng nên công an đã đưa Thanh đi khám, đồng thời bước đầu lấy lời khai của bé Thanh. Cô học trò vẫn một mực cho rằng mình đã bị người tên Vũ bắt cóc, mang vào rừng cao su rồi đánh đập tàn nhẫn.
“Từ chiều hôm trước cho tới sáng hôm sau con đều khai do bị người tên Vũ hàng xóm bắt cóc, nhưng con không nói cho công an biết đó là Vũ nào vì trong xóm có nhiều người tên Vũ. Hôm đó con khai rằng trong lúc đang đi vệ sinh tại nhà trường, thì có một thanh niên tên Vũ bỗng dưng xuất hiện rồi xịt thuốc mê vào con, sau đó anh ta bế con chui qua cái lỗ hổng bên hông tường nhà trường để ra ngoài, đưa lên xe của một thanh niên đang chờ sẵn ngoài cổng trường và chở con vào trong rừng cao su để tra tấn. Tuy nhiên đến sáng hôm sau thì con thấy hối hận nên nói thật với mấy chú công an là không có chuyện con bị bắt cóc, mà mọi chuyện đều do con tự dàn dựng cả…”, cô bé hồn nhiên nhớ lại.
Cha mẹ thiếu quan tâm, con cái gây lỗi lầm
Khi hỏi tại sao lại chơi trò ú tim ấy, Thanh cho rằng: “Do ba má không quan tâm gì con hết. Ngày đó là cuối lớp 10, con biết sẽ không đủ điểm để lên lớp, ba má biết chuyện đã la mắng và tuyên bố sẽ bắt con ở nhà làm ruộng, chứ không cho học tiếp nữa nên con rất buồn. Để ba má quan tâm hơn, một người bạn của con đã bày cho con trò đó nên con làm theo”.
Theo lời Thanh, hôm đó cô bé không đi học, mà tự bắt xe buýt đến xã Lộc Hưng rồi nhờ một người bạn trai quen qua facebook tên là Bo đến giúp đỡ. Nhưng người đến không phải là Bo, mà người đó tự giới thiệu là bạn của Bo. Cô bé nhờ người thanh niên chở mình vào rừng cao su, nhờ dùng giây trói tay chân và người vào gốc cây cao su.
Hai người thống nhất sẽ cho người gọi điện về báo cho gia đình biết việc “bị bắt cóc”, nếu không ai lên chuộc thì đến khoảng 3h người này sẽ đến cởi trói. Tuy nhiên chờ mãi mà không thấy chàng trai quay lại, trong khi đó trời lại mưa to khiến nữ sinh ướt hết. Cùng lúc đó có người dân đi qua phát hiện nên đã cởi trói, cô bé mượn điện thoại gọi về cho gia đình biết lên đón về.
Thanh cho biết đã có bạn trai từ khi còn học lớp 8, quen nhau được 2 năm thì chia tay. Sau “cú lừa” ngoạn mục năm 2013, Thanh nghỉ học luôn, giờ đang đi học nghề và cũng đã có bạn trai mới “làm bên công an gì đó”. Chính vì vậy mà khi chúng tôi tới làm việc, bé Thanh bốc gọi điện để được “ông xã” tư vấn là phải xem kỹ có phải nhà báo hay không, ở đâu, dù chúng tôi đã trình thẻ, giấy giới thiệu đầy đủ… Sau buổi làm việc, chúng tôi xin được chụp hình để làm tư liệu thì Thanh từ chối với lý do “sợ làm ảnh hưởng đến gia đình đằng trai”.
Hỏi mẹ của Thanh về chuyện con mình, người mẹ cho biết: “Gia đình biết nó ham chơi nên mới bị học lực thấp như vậy, nhà trường cũng đã thông báo tình hình học hành của cháu. Ba nó vì thương con mà la mắng để nó chăm chỉ học hành cho đàng hoàng hơn, không ngờ nó lại bày ra cái trò quỷ quái đó để lừa mọi người”. Tuy nhiên chị cũng thanh minh, rằng lúc đó gia đình cuống quá vì trước đó mấy ngày cũng có người gọi điện thoại tới báo tin về việc chiếc xe máy của nhà bị kẻ gian lấy trộm và đang cầm cố tại tiệm cầm đồ, giờ lại có người gọi điện báo tin con bị bắt cóc nên gia đình hoảng loạn rồi đi trình báo với công an. “Tuy nhiên lúc đó chồng tôi chỉ nói là tên Vũ, chứ không nói rõ họ tên, tuổi gì cả. Còn công an làm thế nào thì gia đình không biết…”, chị nói.
Và chính lời khai “chết người” này khiến người hàng xóm mang oan án.
Oan án “kẻ bắt cóc”
Dù Thanh đã về với gia đình trong sự an toàn, không hề có bất kỳ biểu hiện lạ, tâm lý hoang mang nào, nhưng chỉ vì lời khai “có người tên Vũ bắt cóc” ấy mà công an Củ Chi đã “mời” anh Trần Thanh Vũ (SN 1980, nhà đối diện với nhà bé Thanh) lên làm việc lúc 9h tối cùng ngày, đến mãi chiều tối hôm sau mới được về nhà.
“Ngay từ chiều 3/5, làng trên xóm dưới, thậm chí là cả cái huyện Củ Chi này xôn xao về chuyện bé Thanh bị người ta bắt cóc và tra tấn dã man. Ai cũng trông ngóng, cầu mong cho con bé được bình an vô sự để sớm trở về nhà. Mọi người như nín thở để chờ đợi thông tin về con bé. Đến khoảng 4h chiều thì nó được cậu nó chở về, hàng xóm ai cũng đến thăm hỏi tình hình và để thỏa mãn sự hiếu kỳ của mình, nhưng con bé vẫn không ra tiếp xúc mà ngồi ở trong buồng. Do là chỗ hàng xóm thân quen với nhau nên thằng Vũ cũng đi qua xem cháu nó như thế nào. Đến khoảng 8h tối thì nó về ngủ, khoảng một tiếng sau thì nó bị bốn công an đến chở đi”, bà Nguyễn Thị Thơm, mẹ của Vũ nhớ lại.
Bà Thơm kể tiếp: “Hôm đó tôi cũng đang ở bên nhà hàng xóm, khi nghe mọi người xôn xao bàn tán ầm ĩ và có người hỏi tôi “thế bà biết gì chưa? Tôi nói biết gì, thì người ta nói thằng Vũ bị công an vào nhà bắt đi rồi vì cái tội bắt cóc con bé Thanh này đó. Tui hoảng hồn chạy về nhà xem sao thì họ đã đưa thằng Vũ đi rồi. Tôi vào hỏi bố nó có biết công an đến bắt con không thì chồng tôi nói cũng không biết. Vợ chồng chúng tôi không còn hồn vía gì nữa vì không thể tin thằng con tôi lại làm cái điều bậy bạ đó được. Chúng tôi chạy lên công an khuyên giải nó, nếu có làm chuyện đó thì mau mà lạy người ta đi, nếu không bố mẹ sẽ từ mặt con và chết cho con xem. Nhưng nó một mực khóc và nói: “Oan cho con quá mẹ ơi, con không làm điều đó”.
Giãi bày về “cái đêm hôm ấy đêm gì”, anh Vũ tỏ vẻ buồn rầu: “Cả ngày trời tôi đi làm phụ hồ cho người ta. Nhiều người cùng làm chứng kiến cả ngày hôm đó tôi chỉ tập trung làm thợ hồ mà không đi đâu hết. Chiều về tới nhà, tôi nghe mọi người đang tụ năm tụm bảy trong làng ngoài xóm bàn tán xôn xao chuyện cháu Thanh bị người ta bắt cóc. Tôi thấy có điều kỳ lạ nên cũng chạy qua để thăm hỏi, chia sẻ cùng với hàng xóm láng giềng. Khi tôi đang nằm ngủ thì có bốn công an vào nhà ép lên xe đưa đi. Thực tình tôi không hề biết chuyện gì đã xảy ra, họ cũng không cho tôi biết bắt tôi đi đâu về chuyện gì. Khi lên tới nơi thì tôi mới được người ta cho biết tôi liên quan đến vụ bắt cóc của cháu Thanh nên “mời” tôi lên hợp tác điều tra. Tôi ngớ người và nói rằng không hề biết chuyện đó, các anh bắt nhầm người, bắt oan tôi rồi, nhưng họ vẫn không tin, mà nhốt tôi lại rồi tắt điện, khóa cửa, giam tôi trong căn phòng tối thui. Sáng hôm sau họ đến tiếp tục lấy lời khai. Mãi đến chiều tối họ mới thả tui về”.
“Họ bắt người theo “luật rừng” hay sao?”
“Không biết quy trình làm việc của công an kiểu gì mà lại “mời” con tôi lên làm việc giữa đêm khuya. Họ tới đem con tôi lên giam suốt một ngày đêm mà không hề có lệnh bắt, không hề có một mẩu giấy nào. Khi ra về cũng không có miếng giấy tạm tha nào. Họ bắt người theo “luật rừng” hay sao? Con tôi đâu có phạm tội thuộc trường hợp bắt người khẩn cấp… mà họ làm vậy chứ? Hơn nữa, thằng Vũ nó vẫn ở chung một nhà với gia đình tui, vẫn chung hộ khẩu, vậy mà người ta không có bất kỳ thông báo nào cho gia đình chúng tôi. Dù không bị đánh đập, bức cung gì, nhưng họ đã làm cho con tôi cũng như gia đình mỗi khi ra đường không dám nhìn mắt ai cả, bởi đi đâu người ta cũng nói thằng Vũ bắt cóc người… khiến chúng tôi rất khổ tâm và xấu hổ”, ông Trần Văn Bờ, bố của “nghi can” chua xót.
Gia đình Vũ cho rằng trước ngày diễn ra “biến cố” này, Vũ thường đi nhận công trình cùng nhiều người khác để kiếm tiền sinh sống, nhưng sau “tai ương” đó không còn ai dám thuê Vũ làm nữa, bởi họ sợ “tên bắt cóc” đó sẽ ngựa quen đường cũ. Chính vì điều đó mà gia đình đã khó khăn lại càng thêm khổ cực hơn. Nhiều lần không chịu được những lời dị nghị đó, Vũ đã từng bỏ nhà đi biệt xứ để không còn ai phải xì xào cái chuyện đó nửa, thậm chí ông Bờ nhiều lần cũng định quyên sinh vì không chịu đựng được những bàn tán của thiên hạ.
Tìm hiểu về nhân thân của Vũ, chúng tôi được ông Trịnh Văn Sứa, Trưởng ấp Lào Táo Trung cho biết, Vũ chưa hề có tiền án tiền sự, xưa nay cũng không nghe tiếng tăm gì về trộm cắp hay quậy phá làm mất lòng ai, là một thanh niên bình thường ở địa phương. Tuy nhiên sau vụ “bắt cóc” thì nhiều người có xì xào về Vũ.
Uất ức, gia đình Vũ cho rằng vì công an Củ Chi bắt người trái pháp luật mà gia đình ông phải chịu tiếng xấu suốt cả cuộc đời. Chính vì thế gần một năm qua, gia đình ông đã ôm hàng tập đơn từ gửi tới các cơ quan từ trung ương xuống địa phương để mong được “rửa oan”.
Sau một thời gian “im lặng”, mới đây vào ngày 5/3, công an huyện Củ Chi mới có thông báo chính thức kết quả giải quyết đơn tố cáo của gia đình anh Vũ. Trong thông báo “muộn màng” này, công an huyện Củ Chi cho rằng: Do ông Quèo đến trình báo anh Trần Văn Vũ ở ấp Lào Táo Trung bắt cóc bé Thanh đưa qua Campuchia để bán. Nhận định đây là vụ việc nghiêm trọng cần phải khẩn trương xác minh nên đã đến nhà trực tiếp mời anh vũ đến công an làm việc. Tuy nhiên qua điều tra thấy anh Vũ không có liên quan đến vụ cháu Thanh bị bắt cóc, mà do cháu Thanh tự bày ra nên công an đã cho anh Vũ về.
Trước đó vào ngày 1/3/2014, trưởng công an huyện Củ Chi đã chủ trì cuộc họp tại UBND xã Trung Lập Hạ với sự tham gia của nhiều ban ngành trên địa bàn nhằm thông báo kết quả điều tra là anh Vũ không liên quan đến vụ bắt cóc cháu Thanh. Đồng thời thông báo cho gia đình anh Vũ biết công an huyện Củ Chi sẽ tiếp tục điều tra xác minh làm rõ hành vi vu khống của ông Huỳnh Văn Quèo, khi nào có kết quả sẽ thông báo cho gia đình biết. Ngoài ra, công an Củ Chi cũng hứa sẽ chấn chỉnh cách làm việc và mong sự thông cảm của gia đình. Việc quan trọng nhất chính là công an Củ Chi đề nghị UBND xã Trung Lập Hạ cùng các đoàn thể phối hợp thông tin để người dân trong khu vực biết anh Vũ không liên quan đến vụ bắt cóc đó…
Dù đã được tổ chức thông báo tại khu dân cư anh Vũ sinh sống, nhưng do đã chịu quá nhiều tai tiếng mà gia đình anh Vũ vẫn chưa hài lòng với cách làm đó, mà họ yêu cầu những người làm sai phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. “Tại sao họ bắt con tôi giam mà không có bất kỳ thủ tục gì? Họ biết sai tại sao không tổ chức xin lỗi ngay từ lúc đầu, mà để gia đình chúng tôi khổ cực chạy khắp nơi kêu cứu suốt một thời gian dài họ mới chịu làm việc đó. Để đến khi họ xin lỗi thì gia đình chúng tôi cũng đã “ăn” đủ mọi thứ điều tiếng rồi. Chúng tôi sẽ làm tới cùng để làm rõ ai là người đã ra lệnh bắt con tôi, người nào sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, chứ không thể để họ muốn bắt người lúc nào cũng được, để rồi khi “ăn được vạ thì má cũng đã sưng”, bố anh Vũ kiên quyết.
Câu chuyện bi hài đó đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị cho mọi người. Câu chuyện đã nói lên được một thực trạng mà giới trẻ ngày nay đang lạm dụng mỗi khi buồn chuyện gia đình lại có những chiêu trò quái đản, để rồi vô tình gây ra những hậu quả khôn lường cho cả bản thân, gia đình và xã hội.
Luật sư Nguyễn Văn Nghiệm, Đoàn luật sư TP.HCM nhận định: Việc bắt và tạm giữ người phải được thực hiện theo đúng căn cứ, trình tự, thủ tục của pháp luật. Nội dung lệnh bắt và việc thi hành lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp phải theo đúng quy định tại Khoản 2 Điều 80, Điều 84, Điều 85 của Bộ luật Tố tụng Hình sự: Lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt và lý do bắt. Lệnh bắt phải có chữ ký của người ra lệnh và có đóng dấu. Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt. Biên bản phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm bắt, nơi lập biên bản; những việc đã làm, tình hình diễn biến trong khi thi hành lệnh bắt, những đồ vật, tài liệu bị tạm giữ và những khiếu nại của người bị bắt. Biên bản phải được đọc cho người bị bắt và những người chứng kiến nghe. Người bị bắt, người thi hành lệnh bắt và người chứng kiến phải cùng ký tên vào biên bản, nếu ai có ý kiến khác hoặc không đồng ý với nội dung biên bản thì có quyền ghi vào biên bản và ký tên. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người. Người ra lệnh bắt phải thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết. Nếu việc thông báo cản trở quá trình điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra lệnh bắt phải thông báo ngay. Về biện pháp tạm giữ trong trường hợp này. Điều 86 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định như sau: Quyết định tạm giữ phải ghi rõ lý do tạm giữ, ngày hết hạn tạm giữ và phải giao cho người bị tạm giữ một bản. Người thi hành quyết định tạm giữ phải giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ. Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi ra quyết định tạm giữ, quyết định tạm giữ phải được gửi cho Viện Kiểm sát cùng cấp. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện Kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ. |
Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai
- Cẩn trọng với dịch vụ đọc trộm tin nhắn trên mạng xã hội: Chiêu trò lừa đảo mới, đã có nạn nhân mất hàng trăm triệu đồng
- Những trường hợp không được hưởng thừa kế nhà đất theo quy định mới nhất, ai cũng nên nắm rõ
- 5 trường hợp vượt đèn đỏ không bị CSGT xử phạt
- Từ 2025, bằng lái xe bị trừ hết điểm thì phải làm sao để được lái xe tiếp tục?
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%