Người ta vẫn rỉ tai nhau rằng, làng Bút Sơn "ngôi làng chết"; "làng chờ chết"; "làng góa bụa"; "làng ung thư"… nghe mà cảm thấy đau đớn và đầy tang thương.
|
Những ngôi làng nằm ngay sát những vách núi đá và những nhà máy xi măng, đã vài thập niên trôi qua, người dân quanh đây vẫn chủ yếu sống bằng những nghề như đập đá, phá núi, làm công nhân. Nhưng cái giá mà người dân ở Bút Sơn phải dùng để đổi dường như quá đắt bởi “sự giàu lên” nhanh chóng. Những người đàn ông ở đây lần lượt qua đời ở độ tuổi còn rất trẻ. Người mắc bệnh ung thư, người bị tai nạn ngã núi, đá đè và có cả những người chết vì tệ nạn xã hội.
Kỳ II: Nỗi đau để lại
Cam chịu số phận…
Theo thống kê sơ sài của ông Phó trưởng thôn Phạm Xuân Đốc, ở một làng nhỏ đã có tới xấp xỉ 30 bà góa ở độ tuổi dưới 40, còn những người trên mức tuổi này, có lẽ chưa thể thống kê hết. Người dân quanh vùng vẫn nhìn vào làng Bút Sơn với con mắt thèm khát khi cho rằng, người dân nơi đây rất giàu vì được đi làm ở nhà máy xi măng, được khai thác đá. Nhưng thực tế, cuộc sống nơi đây đã đi ngược lại hoàn toàn với những gì nhiều người vẫn tưởng.
Chuyện về những góa phụ nơi đây thật nhiều và thật dài. Nhưng có lẽ câu chuyện về góa phụ Vũ Thị Dền có chồng là ông Nguyễn Văn Chu chết vì căn bệnh ung thư vòm họng, rồi cả 2 người con trai cũng chết vì ung thư và bệnh xã hội để lại trong suy nghĩ nhiều người về nỗi đau và sự mất mát. Người dân trong làng vẫn nói rằng, bà cụ Dền là bất hạnh và khổ đau nhất. Ở độ tuổi cận kề “thất tuần”, bà cụ vẫn phải bươn trải kiếm sống. Nhưng sự vất vả trong việc mưu sinh đó chẳng thể phủ lấp được nỗi đau trong suy nghĩ của bà.
Đầu năm 2008, cả gia đình bà Dền choáng váng khi chồng bà, ông Nguyễn Văn Chu đổ bệnh nặng. Khi đưa lên bệnh viện, nghe các bác sĩ kết luận, ông Chu bị bệnh ung thư vòm họng giai đoạn cuối, thời gian sống chỉ có thể tính bằng tuần. Cố gắng chạy chữa với hy vọng “còn nước, còn tát” nhưng tiền của, sức cùng lực kiệt của bà Dền cũng như các con đều đổ xuống sông, xuống biển. Tháng 9/2008, ông Chu ra đi trong nỗi đau của các thành viên trong gia đình. Cuộc sống của bà Dền trở nên cô quạnh và đơn chiếc. Nhưng rồi bà tự động viên mình bằng suy nghĩ, vẫn còn những đứa con, đứa cháu, chúng sẽ là niềm vui để bà sống nốt những năm tháng cuối đời. Nhưng số phận lại một lần nữa xé tan trái tim người phụ nữ khổ hạnh này. Khi mộ chồng chưa xanh cỏ, thì 2 người con trai của bà lần lượt ra đi trong sự bàng hoàng của tất cả mọi người. Trái tim bà Dền dường như muốn tan nát ra cả trăm, cả nghìn mảnh khi chỉ trong một thời gian ngắn, bà phải xa lìa 3 người thân của mình.
Mang theo những tâm sự tội nghiệp của bà Dền, chúng tôi tiếp tục theo chân anh Đốc men theo con đường làng đến nhà bà Hạnh. Ở đó có “ngôi nhà” của bà Trương Thị Hạnh. Theo những người dân trong xóm, bà là người “hạnh phúc ngắn và bất hạnh quá dài”, hay câu ví von bà Hạnh vất vả, cực khổ như chị Dậu thì cũng chẳng sai. Ngoài 50 tuổi nhưng trông bà Hạnh già hơn so với tuổi rất nhiều lần, áo quần chỗ đùm chỗ rách không đủ ấm. Bà luôn tránh nhìn với người đối diện, để giấu đi đôi mắt thẫn thờ và giọt nước mắt lăn trên má qua mỗi câu chuyện buồn được kể lại.
Nói là “ngôi nhà” vì ở đó có 3 mẹ con chị đang khổ sở đến quay quắt trong căn buồng chưa đầy 15m2. Ông Đốc đã thốt lên: “Nhìn thấy cảnh này, đến gỗ đá cũng phải ứa nước mắt”. Chồng chị cũng vừa qua đời vì căn bệnh ung thư. Căn bệnh đã cướp đi người chồng, người cha và tinh thần trong gia đình. Mười bảy năm anh nằm liệt và đổ bệnh ung thư, cũng là mười bảy năm công sức dành dụm của cải của hai vợ chồng nghèo cứ dần dần đội nón ra đi. Rồi tiền thuốc thang, tiền khám chữa bệnh và trăm thứ không tên kèm theo.
Anh thì cứ vực dậy một thời gian rồi lại sụp xuống, lần sau nặng hơn lần trước cho đến lúc phải nằm liệt giường. Chị chỉ làm những việc đồng áng để duy trì cuộc sống, không dám đi đâu xa để kiếm tiền bởi anh bị bệnh nặng và các con không thể thiếu bàn tay chị chăm nom. Hoàn cảnh ấy khiến đến căn nhà anh chị cũng không dựng nổi. Mẹ con chị đang ở nhờ một buồng của ngôi nhà được xây bằng gạch xỉ nhà máy cách đây vài năm do Nhà nước hỗ trợ cho gia đình thuộc diện nghèo. Nom trong căn buồng chật chội, ẩm thấp, lợp Prô-ximăng có thể nhìn thấy bầu trời lõm đõm qua những khoảng không dột nát, chiếc tivi có lẽ là tài sản duy nhất có trong căn nhà. Trời đông giá rét, đứng trong nhà mà gió ùa vào quẩn quanh lạnh buốt từng cơn. Tất cả mọi sinh hoạt thường nhật trong gia đình ba nhân khẩu đều nén chặt trong căn buồng ấy.
Đói khổ như thế, nhưng bà được xem là tấm gương tiêu biểu của người phụ nữ biết vượt lên số phận, luôn hết lòng với bà con láng giềng, việc gì nặng nhọc cũng xắn tay làm mướn, làm giúp mà không ngửa tay xin ai dù chỉ 1 đồng. “Họa vô đơn chí”, cùng với nỗi đau mất chồng, gia cảnh bà Hạnh càng thêm cùng cực bởi bà một nách nuôi 2 cậu con trai. Đứa lớn mới 17 tuổi đang chờ việc để phụ giúp thêm cho mẹ, đứa út còn đang học cấp 2. Hoàn cảnh hết sức bi đát, ngoài trông chờ vào mấy sào ruộng bà cố gắng làm thêm bất kỳ việc gì khi người khác cần thuê mướn, kể cả những việc không dành cho sức khỏe của người phụ nữ.
Theo lời kể của bà Hạnh và sự xác nhận của chính quyền thôn, bà Hạnh gặp quá nhiều khó khăn. Trong nước mắt bà Hạnh chỉ mong rằng có chút tiền để sửa sang lại ngôi nhà cho đỡ mưa dột.
Chẳng biết kêu ai!
Thực tế cũng cho thấy, về mặt xã hội, phát triển kinh tế tại Thanh Sơn, Kim Bảng được như ngày hôm nay cũng là nhờ sự phát triển của nhà máy. Tuy nhiên, kéo theo đó là thực trạng cuộc sống người dân bị đảo lộn. Nhiều loại bệnh tật, nhất là ung thư gan, phổi, vòm họng, bệnh xã hội… đã xảy ta. Tuy nhiên, yếu tố môi trường liệu có phải là thủ phạm chính?
Chứng kiến quá nhiều cái chết, người dân Bút Sơn giờ mới thấm thía nỗi xót xa câu nói: “Ra ngõ là gặp… ung thư” mà nhiều người dân ở các địa phương khác vẫn gọi. Có xóm có tới gần chục gia đình có người chết vì ung thư. Người dân bên ngoài nhìn vào tỏ vía khiếp đảm, gọi đó là những “xóm chết chóc”. Tuy nhiên, có một điều tôi ghi nhận qua những ngày có mặt tại Bút Sơn, gặp và tiếp xúc với những gia đình có người thân đã mất, họ không bao giờ than vãn, kêu la quy chụp đổ lỗi vì một nguyên nhân nào đó. Họ vẫn phải sống, phải gánh nỗi đau hậu quả để lại. Điều đáng bàn, những người có trách nhiệm cũng chẳng đoái hoài gì tới họ.
Ô nhiễm khó tránh?
Theo ý kiến của chuyên gia và tài liệu khoa học, bản chất của công nghệ sản xuất xi măng là phân hủy đá vôi (CaCO3) và các chất chứa trong nguyên, nhiên liệu ở nhiệt độ cao. Mặc nhiên, ngành công nghiệp xi măng sẽ thải ra môi trường một lượng CO2 rất lớn, ô nhiễm là điều khó tránh khỏi.
Qua tìm hiểu, trong quá trình hoạt động của nhà máy, chất thải rắn công nghiệp chủ yếu là bao bì, giấy phế thải, nguyên vật liệu được vận chuyển bằng xà lan, ôtô, xe tải, các động cơ, cần cẩu… vận chuyển tại nhà máy xi măng phát sinh một lượng khí thải gây ô nhiễm như bụi, khí độc( SO2, CO, NOX, hydrocacbon, Pb…). Đặc biệt, trong quá trình nung luyện clinker và khí sản xuất xi măng pooclăng, cần thải ra môi trường một lượng khí lớn CO2.
Ngoài lượng khí CO2 trong quá trình nung luyện clinker các nguyên tố hóa học khác tác động cùng CO2 thoát ra ngoài gây ô nhiễm môi trường, một lượng bụi thải ra từ các công đoạn nghiền, đập đá và rơi vãi trong quá trình vận chuyển chính là tác nhân gây ra bụi bao phủ khu vực xung quanh. Theo tính toán của các nhà khoa học, lượng khí bụi thoát ra trong quá trình sản xuất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người.
Hệ thống hô hấp của con người chỉ có thể cản và loại trừ được 90% bụi có kích thước khoảng trên 5 micro (μ). Các hạt bụi nhỏ dưới 5μ có thể theo không khí thở vào đến tận phế nang, ở đây cũng được các lớp niêm dịch và đại thực bào ăn và loại ra được khoảng 90% hạt bụi ở phổi. Số bụi còn lại đọng ở đường hô hấp trên có thể gây ra nhiều bệnh. Bụi trong sản xuất xi măng thường gây xơ hóa phổi và một số bệnh khác.
Mục sở thị hoạt động sản xuất của Nhà máy Xi măng Bút Sơn bằng phương pháp khô với các thiết bị công nghệ, thiết bị điều khiển thuộc thế hệ mới, tiên tiến của Pháp. Mức độ cơ giới hóa và tự động hóa cao, định mức tiêu hao nguyên liệu thấp. Việc vận hành thiết bị được thực hiện tại phòng điều khiển trung tâm và một số tại cục bộ. Tuy nhiên, dù công nghệ tiên tiến và hiện đại đến đâu thì trong quá trình sản xuất xi măng, có nhiều công đoạn gây ra ô nhiễm, tác động rất lớn tới môi trường trong nhà máy, tới tự nhiên và con người xung quanh nhà máy. Một câu hỏi đặt ra, để tiết kiệm chi phí sản xuất, liệu rằng nhà máy có bỏ qua hoặc bỏ sót một quy trình xử lý khói bụi nào hay không? Người dân đã và đang phản ánh việc xả khí thải nhằm vào ban đêm thì một đại diện của nhà máy cho hay: Đó là điều vô căn cứ.
Khi hỏi sang các xưởng khai thác đá liệu có phải nguyên nhân chính bởi ở đây không có bất kỳ hệ thống xử lý khói bụi nào và xả thẳng ra không khí thì đại diện này trả lời đó không thuộc quyền quản lý của nhà máy, vì việc tư nhân khai thác gây ảnh hưởng môi trường như thế nào thì phải hỏi từ cấp chính quyền địa phương.
Theo một chuyên gia sản xuất xi măng (xin giấu tên) thì công nghệ và thiết bị của nhà máy hiện đại bảo đảm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, để giảm thiểu chi phí đều đặn, hao mòn hư hỏng thiết bị hút bụi, lọc bụi nên hệ thống không được sử dụng một cách thường xuyên. Việc xả bụi vào ban đêm hay lúc mưa gió nhập nhoạng tối là có thật. Có thể ý kiến đó đã nói đúng nguồn gốc của vấn đề. Và để bắt “tận tay, day tận trán” cách… giảm thiểu chi phí đó đối với lực lượng thanh tra, cảnh sát môi trường là điều không quá khó. Song, hướng xử lý vấn nạn này thực sự trở nên khá bế tắc, chưa có tiếng nói chung giữa chính quyền và người dân.
Để làm rõ, chúng tôi đã 3 lần liên lạc với ông Nguyễn Hồng Hiền, Chủ tịch xã Thanh Sơn thì ông đã cáo bận và tỏ thái độ thiếu hợp tác khi phủ nhận mọi thông tin qua điện thoại khi phóng viên đề cập đến một số ý kiến ông trả lời trên một số tờ báo khác trước đó. Ông Hồng cho biết: “Tôi đâu có đưa ra ý kiến nào, họ tự viết ra đấy chứ!?”. Nếu theo như lời ông Hồng có nghĩa là hiện tượng nhiều người chết vì ung thư không có tiếng nói của chính quyền và chưa chính thức trả lời báo chí!? Chúng tôi xin trích lược lại một số ý kiến của ông Hồng đã được nêu trên một số tờ báo một cách ngắn gọn:
“Việc ô nhiễm cũng được ông Nguyễn Hồng Hiền – Chủ tịch xã Thanh Sơn thừa nhận: “Làng Bút Sơn bị ô nhiễm khói bụi là đương nhiên…”. Tuy nhiên, chính quyền cũng chưa tìm ra giải pháp giúp dân.
Sau đó, ông Hồng ủy quyền cho Phó chủ tịch là ông Nguyễn Văn Lục, thì ông này không tiếp chuyện được phóng viên vì đau lưng, số máy được chuyển sang cho một người tiếp phóng viên thì… tắt máy.
Ông Hồng cũng từng trả lời trên báo như sau: “Chính quyền không vô cảm với người dân đâu nhé. Nói thế là oan cho các nhà máy rồi. Chính quyền xã không phải không có trách nhiệm trước những kiến nghị của người dân, đã đề nghị các cơ quan chức năng đo nồng độ khói, bụi, tiếng ồn, nước thải của các nhà máy và kết quả đều nằm trong phạm vi cho phép. Tức là với khói, bụi và tiếng ồn của các nhà máy sản xuất xi măng thì không thể nói là nguyên nhân dẫn đến ung thư như người dân nói được. Hơn nữa Nhà máy Xi măng Bút Sơn cũng đã xây dựng hệ thống nước sạch cho dân Hồng Sơn, Bút Sơn rồi”.
Đã 4 ngày qua, chúng tôi vẫn chưa có sự hồi âm nào của chính quyền địa phương. Có thể chính quyền xã đã “ngán” chuyện phải trả lời mấy câu hỏi đã… cũ, hay chăng mọi chuyện bế tắc ngoài thẩm quyền chưa tìm được cách giúp đỡ cho người dân. Như vậy cũng đã rõ, người dân Bút Sơn đã “từng kêu” vì môi trường, chính quyền đã trả lời “trong phạm vi cho phép”, hoạt động trong nhà máy thì chưa thể kiểm chứng, còn các xưởng khai thác đá bên ngoài đã thấy rõ. Bởi vậy, bao năm qua cuộc sống vẫn diễn ra một cách “bình thường” vì thiếu tiếng nói!
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%