Những chính sách giao thông từng gặp “búa rìu” dư luận

Giao thông đang là vấn đề nóng được dư luận hết sức quan tâm trên các phương tiện truyền thông.

Với thực trạng giao thông ở Việt Nam hiện nay, Bộ GTVT và Sở GTVT các tỉnh đã ban hành nhiều giải pháp, quy định nhằm hạn chế những vấn đề nổi cộm còn tồn tại như tắc đường, vi phạm giao thông, lưu hành xe mang biển số giả, xe quá hạn sử dụng gây ô nhiễm môi trường,…

Hầu hết các biện pháp và đề xuất đều được áp dụng thí điểm đầu tiên ở hai thành phố lớn trực thuộc trung ương, đó là Hà Nội và TP.HCM. Đây cũng là hai thành phố có mật độ dân cư đông đúc nhất trong cả nước, dẫn đến nhiều vấn đề giao thông phát sinh nhất.

Mỗi một quy định, đề nghị được Bộ GTVT và Sở GTVT các tỉnh đưa ra đều luôn nhận được những phản hồi từ phía người dân - những đối tượng trực tiếp tham gia giao thông hàng ngày trên đường. Có ý kiến hoàn toàn đồng tình với chủ trương, chính sách được đưa ra; bên cạnh đó, các cơ quan ban hành cũng nhận được nhiều sự đóng góp, bổ sung từ phía dư luận.

Dưới đây, chúng tôi xin tổng hợp lại những chính sách, quy định đã nhận được nhiều phản hồi nhất của người dân.

Đề xuất phân biển số xe chẵn lẻ vào thành phố (tại TP.HCM)

Đây là một giải pháp của Sở GTVT TP.HCM nhằm hạn chế tình trạng xe ô tô cá nhân đi vào trung tâm thành phố, gây ra nạn tắc đường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo đề xuất này, xe có biển kiểm soát số chẵn (có số cuối 0, 2, 4, 6, 8) sẽ chỉ được đi vào khu trung tâm vào các ngày chẵn (thứ hai, tư, sáu). Còn xe có biển số lẻ (1, 3, 5, 7, 9) thì được đi vào khu trung tâm vào các ngày lẻ (thứ ba, năm, bảy). Riêng ngày chủ nhật, các xe được lưu thông bình thường. Giải pháp này đã được một số nước trên thế giới áp dụng thành công.

Giao thông trong giờ cao điểm tại TP.HCM (Ảnh: Internet)

Ngay sau khi đề xuất được công bố, đã có rất nhiều ý kiến đóng góp, phản hồi từ phía chuyên gia, người dân và các tổ chức. Đa phần họ đều cho rằng, ý tưởng đó chưa phù hợp với thực trạng giao thông ở TP.HCM. Nếu muốn thực hiện tốt được nó, cần phải đầu tư thêm hạ tầng giao thông để có thể quản lý được từ xa và phải phát triển hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng. Bởi lẽ, khi đã cấm xe theo ngày chẵn, lẻ thì việc đi lại của một nửa đại đa số người dân sẽ bị hạn chế, như vậy sẽ ảnh hưởng đến quá trình lao động, sản xuất và kinh doanh, làm ngưng trệ hệ thống phương tiện vận tải công cộng như taxi, xe chở khách… Cho đến nay, đề xuất này vẫn đang được Sở GTVT TP.HCM nghiên cứu.

Đề xuất thu phí mô tô, xe máy

Ngày 30/12/2011, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ký tờ trình Chính phủ đề xuất việc thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.

Theo đó, mức phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ được thu như sau: ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi chở xuống (kể cả xe vừa chở người, vừa chở hàng), loại có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 trở xuống chịu mức phí 20 triệu đồng/năm; loại có dung tích xi lanh trên 2.000cm3 đến 3.000cm3 có mức phí 30 triệu đồng/năm; loại có dung tích xi lanh trên 3.000cm3 có mức phí 50 triệu đồng/năm. Với mô tô, xe máy (xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh), loại có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 sẽ chịu mức phí 500 nghìn đồng/năm; loại có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, mức phí 1 triệu đồng/năm.

Với đề xuất này, đa số người dân đều có ý kiến chung là vội vàng và không khả thi. Theo đó, nhiều ý kiến phân tích rằng, ý tưởng này vội vàng ở chỗ, trong khi hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại thì Bộ GTVT đã vội nghĩ cách bắt phương tiện cá nhân gánh thêm phí khi lưu hành trên đường. Hơn nữa, đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang gặp khó khăn, mức sống đại đa số người dân thấp, tỉ lệ giàu nghèo chênh lệch quá cao. Một số chuyên gia thì cho rằng, cơ quan chức năng vẫn tỏ ý loay hoay vô ích khi đề xuất thu phí mà bỏ qua một vấn nạn chung của giao thông đó là ùn tắc.

Bên cạnh đó, một số ý kiến người dân đồng tình với phương án thu phí, nhưng họ đưa ra điều kiện. Đó là, ngành GTVT phải đảm bảo đường thông, hè thoáng, các công trình giao thông phải hoàn thành đúng tiến độ và không bị hỏng hóc nhanh chóng, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

Lưu lượng xe máy tham gia giao thông trên các tuyến đường là rất lớn

Phạt người đội mũ bảo hiểm giả

Tháng 3/2012, Dự thảo Thông tư liên tịch quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy đã được liên Bộ Khoa học, Bộ Công an, Bộ Công Thương và Giao thông vận tải lấy ý kiến. Trong bản Dự thảo này, đáng chú ý có nội dung quy định rằng, người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện đội các loại mũ thời trang, mũ thể thao, mũ bảo hiểm không đúng quy cách, sẽ bị xử phạt với mức phạt như đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách hoặc không đội mũ bảo hiểm, số tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng. Mũ bảo hiểm đúng quy định phải là mũ có gắn tem CR và đúng quy chuẩn.

Tuy nhiên, bản Dự thảo này ngay lập tức đã gặp phải nhiều ý kiến phân tích về sự bất cập và khó thực hiện của nó. Bất cập ở chỗ vấn đề đặt ra một câu hỏi lớn là người mua làm sao để phân biệt được tem CR thật hay giả? Hơn nữa, cơ quan quản lý không thể kiểm soát hết số lượng mũ không đạt chuẩn trên thị trường.

Về quy chuẩn của mũ bảo hiểm, việc xác định sẽ gây khó khăn cho cả lực lượng kiểm tra lẫn người tham gia giao thông bởi thủ tục kiểm tra rườm rà. Với số lượng mũ bảo hiểm giả đang được bày bán, khi bị quản lý thị trường bắt, người bán sẽ dễ dàng trả lời rằng, đây là mũ che nắng chứ không phải mũ bảo hiểm…

Quy định phạt xe không sang tên đổi chủ

Từ ngày 10/11/2012, công an TP Hà Nội đã tiến hành xử phạt đối với chủ phương tiện ô tô, xe máy mua bán trao đổi nhưng không tiến hành thủ tục sang tên đổi chủ. Đây là việc làm cụ thể hóa Nghị định 71 của Chính phủ, siết chặt công tác quản lý và thực thi pháp luật đối với các chủ phương tiện không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phương tiện hoặc không làm đăng ký mới.

Theo nội dung của quy định này, những phương tiện không tiến hành sang tên đổi chủ trong quá trình chuyển nhượng sẽ bị phạt tiền. Ô tô chịu mức phạt từ 6 - 10 triệu đồng/xe, riêng mô tô, xe máy xử phạt 1 triệu đồng/xe.

Người dân lúng túng trong ngày đầu áp dụng việc cụ thể hóa Nghị định 71

Có thể nói, đây là quy định gặp phải nhiều phản hồi nhất từ phía người dân, chuyên gia cho đến thời điểm hiện tại. Trong những ngày đầu áp dụng Nghị định, nhiều người dân do có nhiều cách hiểu khác nhau, chưa nắm rõ nội dung của quy định, cho nên lực lượng chức năng mới chỉ nhắc nhở và tuyên truyền, phổ biến.

Mặc dù vậy, quy định này vẫn gặp phải nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Để giải đáp thắc mắc của dư luận, chỉ sau hai ngày áp dụng, vào ngày 12/11/2012, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát đã tổ chức cuộc họp báo với các cơ quan truyền thông nhằm làm rõ hơn nội dung của Nghị định 71.

Hầu hết các ý kiến phản hồi từ phía người dân đều tập trung xoay quanh các vấn đề chính như: Khi bị tạm giữ do vi phạm giao thông, người điều khiển xe nếu không chính chủ chỉ cần trả lời là xe mượn thì có thể không bị phạt; xe đã qua nhiều lần chuyển nhượng thì khó tìm chủ cũ hoặc chủ xe sau khi chuyển nhượng đã mất…

Hiện tại, quy định xử phạt xe chưa sang tên đổi chủ vẫn đang được áp dụng. Ngoài ra, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát vẫn đang lấy thêm ý kiến để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình hiện tại.