Không chỉ sai phạm trong vấn đề tiếp nhận HS chuyển trường mà hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Thái Bình) còn cho giáo viên ghi điểm khống vào học bạ.
|
Ngoài ra, tuy không trực tiếp giảng dạy nhưng nhiều năm nay vị hiệu trưởng này vẫn nhận phụ cấp đứng lớp.
Chuyển HS trường tư vào trường công
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào năm học 2009-2010, ông Nguyễn Bá Nam - hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, một trường công lập ở tỉnh Thái Bình, đồng ý tiếp nhận một số HS trường ngoài công lập chuyển đến. Việc chuyển trường này nổi cộm lên tên của 2 HS là em T.V.A và P.M.T. Em T.V.A học ở một trường tư thục ở Thái Bình thì P.M.T học ở một trường tư thục ở Hà Nội. Cả hai HS này đều có hộ khẩu thường trú ở thành phố Thái Bình. Cả 2 em HS này không thuộc hai trường hợp được phép chuyển từ trường tư vào trường công theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT về chuyển trường thì trình độ văn hóa học sinh (HS) đang học, đã học và kết quả học tập hợp lệ công nhận được theo học lớp nào, chương trình học nào, loại hình giáo dục đào tạo nào thì sẽ tiếp nhận vào học đúng theo lớp đó, chương trình học đó, loại hình giáo dục đào tạo đó. Nghĩa là HS đang học trường ngoài công lập không được phép chuyển vào hệ công lập.
Trường THPT Lê Quý Đôn (Thái Bình).
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng quy định rất rõ ràng chỉ có hai trường hợp chỉ được xem xét giải quyết chuyển trường từ trường THPT ngoài công lập sang trường THPT công lập. Cụ thể, trường hợp HS đang học tại trường THPT ngoài công lập phải chuyển nơi cư trú theo cha mẹ hoặc người giám hộ đến vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn mà ở đó không có trường THPT ngoài công lập thì Giám đốc Sở GD-ĐT nơi đến xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể đối với việc chuyển qua học trường THPT công lập.
Hoặc HS đang học tại trường THPT ngoài công lập thuộc loại trường có thi tuyển đầu vào phải chuyển nơi cư trú theo cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ, mà ở đó không có trường THPT ngoài công lập có chất lượng tương đương thì giám đốc Sở GD-ĐT nơi đến xem xét, quyết dịnh từng trường hợp cụ thể đối với việc chuyển vào học trường THPT công lập.
Mặc dù được chuyển đến Trường THPT Lê Quý Đôn vào học kỳ 2 năm lớp 11 nhưng học bạ T.V.A lại ghi vào học từ năm lớp 10 đến lớp 12 ở trường này.
Điều đặc biệt, theo tài liệu chúng tôi thu thập được là sổ gọi tên và ghi điểm thì cả hai HS này chuyển đến từ học kỳ 2 lớp 11 năm học 2009-2010 nhưng Ban giám hiệu Trường THPT Lê Quý Đôn đã “phịa điểm” và “phù phép” thay lại học bạ để hợp thức hóa xác nhận 2 HS này nhập học tại trường từ năm lớp 10.
Gần đây nhất, năm học 2010-2011, HS lớp 11I T.T.A nghỉ học 75 buổi/năm nhưng Trường THPT Lê Quý Đôn vẫn cho phép thi và tổng kết bị đúp. Tuy nhiên sau đó nhà trường lại thay đổi học bạ để tạo cho kiện cho HS này chuyển về Trường THPT Chu Văn An (huyện Kiến Xương, Thái Bình). Trong khi đó, theo quy định của Bộ GD-ĐT, HS nghỉ quá 45 buổi học trong năm học (nghỉ có phép hoặc không phép, nghỉ liên tục hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại) thì không được lên lớp.
Hiệu trưởng: Biết sai nhưng… vẫn làm
Để rộng đường cho dư luận đánh giá, chúng tôi đã có buổi làm việc trực tiếp với với ông Nguyễn Bá Nam - hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn. Giải thích về các trường hợp HS chuyển đến sai quy định cũng như việc phê duyệt cho HS bị đúp chuyển trường, ông hiệu trưởng đã đưa ra những lý do khá… “khôi hài”.
Cụ thể, T.V.A là con của một người lao động tự do nhưng hoàn cảnh gia đình rất thương tâm thể hiện ở chỗ anh trai của em học ở trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Vũ Thư) chẳng may bị chết đuối. Chính vì thế khi T.V.A ở trường khác hệ xin chuyển đến, thấy gia đình trình bày hoàn cảnh thương tâm nên nhà trường chấp nhận.
Còn P.M.T là con của một cựu HS của trường. Đối với công việc hoạt động ở trường thì cựu HS này rất nhiệt tình. Chính vì thế khi phụ huynh này nêu vấn đề thì nhà trường đã xem xét và đồng ý tiếp nhận.
Còn sở dĩ nhà trường đồng ý cho T.T.A chuyển trường là do em là cháu của một giáo viên (GV) trong trường, nguyên là chi ủy viên - Bí thư đoàn trường. Em T.T.A học hành không chăm chỉ nên khi nhận được lời đề nghị xin chuyển trường thì hiệu trưởng đã đồng ý. Trong quá trình kiểm soát có thể do hiệu trưởng sơ suất nên không phát hiện ra HS này đã nghỉ học...quá quy định.
Hiệu trưởng Nguyễn Bá Nam trần tình sự việc với phóng viên chiều ngày 3/4/2012.
“Khi giải quyết hai trường hợp HS nói trên xin chuyển đến, chúng tôi chỉ trao đổi trong Ban giám hiệu nhà trường là nên xem xét như thế nào, trong đó có lưu ý đến hoàn cảnh gia đình, sự đóng góp… Cũng phải nói thêm là theo quy định chung thì không được phép chuyển khác hệ, nhưng ở đây chúng tôi tiếp nhận vì những lý do trên” - ông Nguyễn Bá Nam giãi bày.
Khi được hỏi về việc T.V.A và P.M.T được chuyển đến vào học kỳ 2 lớp 11 nhưng học bạ lại được chỉnh sửa xác nhận là học cả 3 năm ở đây, hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn thanh minh: Ở đây không ai chỉ đạo việc chỉnh sửa học bạ. Cuối năm nhà trường bận rộn làm hồ sơ cho HS nên khi giáo viên chủ nhiệm vào điểm và mang lên thì hiệu trưởng chỉ biết ký chứ không kiểm tra giám sát được.
Ông Nguyễn Bá Nam cũng cho biết thêm, cuối năm lớp 12 bao giờ cũng thành lập ban hồ sơ thanh tra, kiểm tra do phó hiệu trưởng phụ trách để rà soát lại tất cả hồ sơ. Chỉ em nào đủ điều kiện về hồ sơ thì sau này mới được dự thi kì thi tốt nghiệp. Tuy nhiên việc kiểm soát là không xuể vì số lượng hồ sơ rất lớn.
Trước sự thanh minh bất hợp lý của hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, chúng tôi tiếp tục đặt câu hỏi: Vậy sau khi phát hiện GV chỉnh sửa học bạ thì nhà trường đã tiến hành xử lý như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Bá Nam cho hay: Trước Tết, vụ việc đã được Thanh tra Sở GD-ĐT Thái Bình, Phòng an ninh chính trị nội bộ (PA83) vào cuộc để làm sáng tỏ. Tuy nhiên đến nay phạm vi xem xét để đưa ra thông tin xử lý từng cá nhân vi phạm như thế nào thì chưa. Trong kết luận của thanh tra Sở GD-ĐT Thái Bình cũng chỉ đề nghị nhà trường chấn chỉnh rút kinh nghiệm chứ không yêu cầu xử lý GV.
Nói là thế nhưng khi chúng tôi ngỏ ý muốn được xem qua kết luận của thanh tra của Sở GD-ĐT Thái Bình thì ông hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn lại từ chối với lý do PA83 …đang mượn. Chúng tôi cũng đã liên hệ với Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Thái Bình để tìm hiểu thêm về bản kết luận vụ việc tuy nhiên lãnh đạo này đang đi công tác. Còn theo thông tin từ Chánh văn phòng của Sở GD-ĐT Thái Bình thì đến nay Đoàn thanh tra vẫn chưa gửi kết luận lên đơn vị này.
Những vấn đề sai phạm trong công tác quản lý HS của Trường THPT Lê Quý Đôn đã rõ, bản thân hiệu trưởng nhà trường khi trao đổi với chúng tôi đã thừa nhận việc biết sai nhưng…vẫn làm. Tuy nhiên sự việc này vẫn chưa dừng lại ở đó khi mà nhiều năm nay mặc dù không trực tiếp giảng dạy nhưng ông hiệu trưởng Nguyễn Bá Nam vẫn được hưởng phụ cấp đứng lớp đều đặn.
- Muốn trở thành giáo viên giỏi? - Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là điều TIÊN QUYẾT!
- Điểm mới trong các kỳ thi riêng xét tuyển Đại học năm 2025
- 5 năm tới ngành nào hot: Lương lên tới 3,4 tỷ đồng/năm mà không cần bằng đại học?
- 5 ngành học hot nhất hiện nay! Cơ hội việc làm rộng mở, lương 100 triệu đồng/tháng trong tầm tay
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành