Mưu sinh dưới đáy đại dương - Kỳ 5: Khát vọng “nổi”

Khi biển Tây không còn là thế giới vô tận cho nhiều thế hệ thợ lặn tìm xuống mưu sinh, thì các thợ lặn đã chắp cánh ước mơ cho thế hệ sau thoát nghề bám đáy biển...

 
Nhiều thợ lặn không muốn cho thế hệ con cháu tiếp nối nghề đầy hiểm nguy này

Thợ lặn thành "chúa ngọc"

Tới giờ, dân đảo Hòn Gỏi vẫn nhắc đến một thợ lặn từ phương xa tới. Anh chàng cần cù, chịu khó và lì lợm ngày nào giờ trở thành tên tuổi nổi tiếng trong giới ngọc trai ở Phú Quốc. Sự thành đạt của thợ lặn Hồ Phi Thủy còn là tấm gương để nhiều thợ lặn, vốn chỉ biết con đường xuống đáy biển để kiếm sống dạy con về ý chí thoát khỏi đời lặn hiểm nguy.

Nhà nghèo, nên khi học hết cấp 3, Hồ Phi Thủy đã bạo dạn từ vùng quê Hà Tĩnh xuôi ra tận vùng đảo Kiên Giang để lập nghiệp. Anh tìm đến anh mình đang làm nhiệm vụ ở Hải quân vùng 5 đóng trên đảo Phú Quốc. Nhưng vì nghiệp lính, người anh không thể giúp em nhiều về đường kinh tế. Thế là anh lại dạt ra Hòn Gỏi giữa lúc cơn sốt ngọc trai, sò điệp đang rầm rộ. Một người đồng hương đã cho anh theo cùng tàu lặn ngọc trai. Thủy cho biết mỗi ngày trung bình tìm được 10 con sò điệp, trừ các khoản phí còn lại 5 con, đủ mua 1 chỉ vàng. Cần cù dành dụm, 3 năm anh mua được 2 chiếc ghe nhỏ rồi đưa người ngoài quê vào tiếp tục lặn tìm sò điệp.

Cuộc đời thợ lặn Hồ Phi Thủy bắt đầu rẽ nhánh từ năm 1994, khi các thương lái tìm đến mua sò điệp còn sống để cấy ngọc. Được vài tháng, một thương nhân người Nhật đích thân đến thuyết phục anh bán 2 chiếc ghe để về làm công cho họ, khi họ mở trang trại nuôi cấy ngọc trai ở vùng biển Phú Quốc. Nhiều thợ lặn lúc đó không hiểu tại sao từ một ông chủ với 2 chiếc ghe lặn, Thủy lại chấp nhận bỏ hết để đi làm công ăn lương, với công việc đơn giản là lặn kiểm tra ngọc trai trong trại nuôi cấy. Khi chủ hỏi về chuyện lương, anh cũng chỉ đưa ra mức bằng với những nhân công khác. Nói thế, nhưng anh cũng được cấp căn phòng đầy đủ tiện nghi và đồng lương nhỉnh hơn một chút, nhưng cũng chưa bằng 10% thu nhập lúc còn sở hữu ghe lặn.

Nhắc đến chuyện này, Thủy cười hiền: “Thì mình nghĩ không thể theo nghề lặn này mãi, nguy hiểm lắm. Định theo người ta làm để học nghề nuôi cấy ngọc trai, sau này có điều kiện để làm”. Nghĩ vậy, nhưng khi vào làm công cho người Nhật, Thủy mới biết: bí quyết nuôi cấy ngọc trai được họ giữ bí mật. Nếu làm ăn thất bại thì họ ôm hết bí quyết về nước chứ nhất quyết không truyền nghề.

Năm 1997, khủng hoảng kinh tế ập đến, rồi lan ra tận…các bè ngọc trai ở Phú Quốc. Các ông chủ người Nhật âm thầm về nước, bỏ lại Thủy với bè ngọc trai cùng đám công nhân làm việc không lương. Thấy anh em thợ lặn khó khăn, Thủy bán đồ nhà để san sẻ. Mãi 3 tháng sau, ông chủ người Nhật gọi sang bảo Thủy cứ tìm chỗ bán trại ngọc mà xoay xở trong lúc khó khăn. Nhưng chàng thợ lặn Việt Nam từ chối: “Nếu mấy ông có bán thì quay lại đây, tôi tìm chỗ bán giúp. Chứ tài sản của các ông, tôi không bán”. Bẵng một thời gian những người Nhật trở lại. Trại ngọc trai được bán với giá 310 triệu đồng.

Không còn trại ngọc, ý định học nghề cũng chưa thành, nhưng trước khi về nước, ông chủ người Nhật gặp Thủy hỏi anh cần gì, ông ta sẽ giúp. Họ một lần nữa ngạc nhiên khi Thủy chỉ xin giữ lại chiếc ti vi để làm kỷ niệm. Nhưng người Nhật lại tạo cho Thủy một bất ngờ: không chỉ chiếc ti vi, mà anh còn được tặng lại 8 bộ đồ nghề cấy ngọc. Một điều chưa có tiền lệ, càng quý hơn khi biết ngay cả ở Nhật, để mua được bộ đồ nghề này phải có giấy phép của cơ quan chức năng.

Như bắt được vàng, Thủy đã mạnh dạn vay tiền để mở trại ngọc trai. Một chuyên gia người Nhật thường xuyên qua lại giúp anh nuôi thành công mẻ ngọc đầu tiên. Sau này, vị chuyên gia ấy tiết lộ: không chỉ quý tính lương thiện của Thủy, mà việc giúp anh còn để có một người thân tín duy trì việc nuôi ngọc trai ở vùng biển lý tưởng này. Đến lúc qua khó khăn, chắc chắn họ sẽ trở lại. Lứa trai đầu tiên, anh xuất toàn bộ qua Nhật. Rồi đến khi cơn bão khủng hoảng kinh tế đi qua, những người Nhật trở lại. Họ lại tìm đến Thủy để hợp tác.

Hôm chúng tôi đến, Thủy cho hay anh vừa mua lại trại ngọc trai của người Úc trong tình trạng xác xơ. Anh nói: “Mình phải gầy dựng lại, làm cho tốt để giữ danh tiếng cho ngọc trai Phú Quốc”. Đến nay, không chỉ có trại ngọc ở Phú Quốc, mà anh còn phát triển việc nuôi trai ra tận Côn Đảo với trên 3 triệu con trai đang cho ngọc. Ngọc trai với thương hiệu Ngọc Hiền vẫn là nơi duy nhất có nuôi cấy ngọc trai tại Phú Quốc. Và tên tuổi Hồ Phi Thủy như là một đảm bảo cho chất lượng ngọc trai Phú Quốc.

Khát vọng lên bờ

Chuyện thành công của “chúa ngọc” Hồ Phi Thủy đã làm dân lặn ở Hòn Gỏi nức lòng. Vậy là trong giới thợ lặn, cũng đã có người “ngoi” lên và đã trở thành nổi tiếng ở xứ đảo. Không có tầm nhìn làm “chuyện lớn” như Hồ Phi Thủy, nhiều thợ lặn vẫn hằng ngày chui xuống đáy sâu để tìm kế sinh nhai nhưng là để đầu tư cho con cháu họ học hành thành đạt. Trong số những người “tóc vàng da đen” (đặc trưng của dân đi biển) ấy, nhiều người đã có con vào đại học ở TP.HCM, ở Cần Thơ hay chí ít cũng học nghề ở Rạch Giá.

Gặp chúng tôi, thợ lặn Đặng Văn Trãi khoe con ông đang học quản trị kinh doanh ở Cần Thơ, học rất giỏi, khi nó về ông sẽ xin cho đi làm ở các công ty du lịch. "Nó làm ở đâu cũng được, miễn là đừng theo nghề của cha nó”, ông Trãi tâm sự.

Vậy là từ nay, mỗi sáng thức dậy, con em những thợ lặn không chỉ có con đường duy nhất là xuống đáy biển.

“Chúa ngọc” Hồ Phi Thủy, một thợ lặn thành danh với thương hiệu ngọc trai nổi tiếng ở Phú Quốc - ảnh:Tiến Trình