Khác với trước đây, ngư dân chỉ mở biển (khai vụ đánh bắt) sau tết Nguyên đán, những năm gần đây nhiều tàu thuyền ra khơi trong dịp cuối năm.
|
Chấp nhận ăn tết trên biển, các ngư dân không chỉ mong một chuyến biển bội thu mà còn mang một trọng trách lớn: Giữ yên vùng biển nước nhà.
Lên tàu, chuẩn bị ra khơi
Theo số liệu của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên, trong tổng số khoảng 700 tàu khai thác cá ngừ đại dương của tỉnh, những ngày cuối năm có đến hơn 400 tàu ra khơi.
Chuyến biển đặc biệt
Sau những ngày áp thấp nhiệt đới và gió mùa đông bắc, giáp tết, nắng bỗng ấm và biển thật yên. Tại các bến cá như phường 6, Đông Tác (TP Tuy Hòa), Tiên Châu (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) bỗng nhộn nhịp hẳn với hàng trăm tàu cùng lấy tổn (sắm sửa vật dụng cho chuyến biển- PV) để ra khơi.
Theo ông Phan Thuẫn, chủ tàu PY-92179-TS, do vật giá ngày tết tăng nên chi phí chuyến biển cuối năm thường cao hơn khoảng 20% so với ngày thường, nhưng người dân vẫn chấp nhận để ra khơi.
“Nếu như trung bình chi phí chuyến biển khoảng 120 triệu đồng thì giáp tết tăng lên gần 150 triệu đồng, nhưng bù lại giá cá thu hoạch được sau tết sẽ cao hơn ngày thường”, ông Thuẫn cho biết.
Chi phí chuyến biển cao một phần do được chủ tàu sắm sửa thịnh soạn hơn để ngư dân ăn Tết trên biển. Ngoài nước ngọt, rau, thịt, gạo, mắm, thuốc lá còn có cả bánh chưng, bia.
Anh Mai Thành Đô (SN 1972, ở phường 6, TP Tuy Hòa), người đã ăn tết trên biển 3 năm nay, cho biết dù công việc câu cá ngừ trên tàu khẩn trương hàng phút nhưng đêm giao thừa, thuyền trưởng đều cho anh em được “xả láng” một đêm.
Những chuyến tàu mở biển cuối năm có một trọng trách là hành lễ khai vụ. Trong đêm giao thừa, các tàu đang khai thác trên biển bày biện mâm cỗ ngay trên boong tàu để cúng. Đối với ngư dân, những người sống dựa vào biển, lễ khai vụ luôn được hành lễ trang nghiêm.
“Một năm có được mùa, có an toàn với sóng nước hay không là tùy thuộc vào sự thành tâm của những người tham gia lễ cúng khai vụ”- ông Thuẫn tâm niệm.
Ra khơi cuối năm, về bến đầu năm mới nên chuyến biển này luôn có ý nghĩa đặc biệt trong quan niệm của người dân làng biển. Trở về an toàn, tàu đầy cá thì cả năm sẽ thuận buồm xuôi gió, bội thu.
Năm nay ăn Tết trên biển nhưng vẫn vui
Giữ biển như nông dân giữ ruộng
Mở biển cuối năm để về bến ngay sau tết, cá sẽ bán được giá. Tuy nhiên, theo những ngư dân, nếu chỉ vì giá cao, họ sẽ không phải ăn tết trên biển, vì tính ra sẽ không có lãi nhiều.
“Giá cá cao chỉ đủ bù đắp cho chi phí chuyến biển cùng với tiền công “đi bạn” tăng cao. Nếu chỉ vì lợi ích kinh tế, chúng tôi không dại gì phải ăn tết trên biển để vợ con ở nhà”, anh Văn Công Việt (SN 1966, ngụ TP Quy Nhơn, Bình Định), thuyền trưởng tàu BĐ-91189-TS nói.
Theo anh Việt, chuyến biển cuối năm không chỉ có mục đích khai thác. Người nông dân thì giữ ruộng để cày còn ngư dân giữ biển để quăng lưới.
Đại tá Nguyễn Trọng Huyền, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên cũng đánh giá rất cao vai trò giữ biển của ngư dân.
“Ngư dân của ta đánh bắt xa bờ, ngoài lợi ích kinh tế còn khẳng định quyền và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam”, đại tá Huyền khẳng định.
Theo anh Lê Thái Bình (ở phường 6, TP Tuy Hòa, thuyền trưởng tàu PY-92223-TS), để ra khơi những ngày giápTết, điều khó khăn nhất chính là tìm lao động đi cùng.
Ngày thường có rất đông thanh niên ở các vùng quê đi biển để kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn, nhưng cuối năm đều trở về quê đón tết, chỉ còn lại một số ít người ở lại.
Anh Võ Hoàng Thanh (SN 1969, ở làng biển Đại Lãnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa), Tết này vẫn tiếp tục ra khơi trên chiếc tàu PY-92160-TS của anh Đỗ Văn Phường (SN 1980 ở phường 6, TP Tuy Hòa). Anh bộc bạch: “Ai chẳng muốn về quê ăn tết cùng gia đình, nhưng có sống với nghề mới hiểu, biển quan trọng ra sao với mình”.
Với trách nhiệm của một cơ quan quản lý, tôi tự hào khi thấy hàng trăm tàu ra khơi trong những ngày cuối năm. Những ngư dân đã giúp giữ yên vùng biển ngay trong những ngày tết”- ông Trần Ngọc Nhạn, Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên nhìn nhận.
Sao bì được với vợ lính
Năm nay, chị Dương Thị Ni (25 tuổi ở phường 6, TP Tuy Hòa, Phú Yên) đón Tết chỉ với đứa con trai mới lên 4. Chồng chị, anh Trần Công Hoan đã lên tàu ra khơi vào ngày 26 tháng chạp. Đây là cái tết đầu tiên chị không có chồng bên cạnh từ ngày cưới nhau.
“Đêm giao thừa không có ảnh chắc cũng buồn lắm, nhưng mình nghĩ, sao bì được với những người vợ lính. Ảnh đi biển một tháng về một lần, những người vợ lính xa chồng hàng năm trời, vẫn chịu đựng được đấy thôi”, chị Ni tâm sự.
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?