Máy bay Malaysia mất tích: Nghi vấn chồng nghi vấn
Thứ bảy, 22/03/2014 11:34

Sau nhiều ngày tìm kiếm, chiếc máy bay số hiệu MH370 vẫn bặt vô âm tín. Bên cạnh đó, những nghi vấn, giả thuyết quanh vụ việc hi hữu này ngày một nhiều.

Nhiều quốc gia cử lực lượng tham gia tìm kiếm chiếc máy bay mất tích

Nhiều quốc gia cử lực lượng tham gia tìm kiếm chiếc máy bay mất tích

Gần hai tuần lễ đã trôi qua kể từ khi chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích trên bầu trời, nhà chức trách Malaysia buộc phải mở rộng điều tra ra nhiều hướng khác nhau và đối mặt với hàng loạt vấn đề thực hư của vụ mất tích kỳ lạ này.

Trong bất cứ vụ án nào luôn có những chi tiết mà ngày hôm qua còn được xem là hư cấu, song hôm nay đã là sự thật. Thậm chí ngay cả sau khi đã phá án xong vẫn còn có thể đặt nghi vấn lại kết quả điều tra, từ vụ ám sát Kennedy năm 1963 chẳng hạn (với hàng loạt dấu hỏi về Lee Oswald, kẻ bị tình nghi là thủ phạm, rồi đến Jack Ruby, kẻ đã giết Oswald để diệt khẩu…), đến vụ mất tích chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines hiện nay.

Giữa hư cấu, tưởng tượng và sự thật, ranh giới thật mong manh và có khi ranh giới biến mất.

Ranh giới mong manh

Sau vài ngày tìm kiếm, người ta mới phát hiện trong vụ MH370 lòi ra hai hành khách “nào đó” mang hộ chiếu bị đánh cắp tận Thái Lan và “vẽ” lại thành hộ chiếu thật để qua lọt an ninh cửa khẩu. Giải thích sau đó nói rằng “hai cậu người Iran đó còn trẻ lắm, hiền lắm, chẳng qua mua hộ chiếu giả để nhập cảnh lậu sang châu Âu kiếm sống thôi!” liệu là “thực-mà-giả” hay “giả-mà-thực” trong cái thế giới của những người gọi là khủng bố liều chết?

Liệu có thể ngờ tiếp rằng có động cơ “thánh chiến” nào đó nếu xét chi tiết tôn giáo cả viên phi công bị tình nghi lẫn hai hành khách mang hộ chiếu giả.

Nghi vấn này có thể là một trong những nền tảng quan điểm của giám đốc CIA John Brennan: “Chúng tôi không loại trừ khả năng liên quan đến khủng bố trong vụ này”, đáp lại nhận định trước đó của tổng thư ký Interpol Ronald Noble theo đó “ngày càng chắc chắn hai người Iran đó, Seyed Mohammed Reza Delavar và Pouria Nourmohammadi, có lẽ không phải là khủng bố”.

Tin tức về những hành vi đầy nghi vấn của phi công trưởng Zaharie thuộc diện mới hôm qua còn là hư cấu tưởng tượng, hôm nay đã là dấu vết điều tra. Viên phi công được giới thiệu lý lịch rất sáng chói này bị tình nghi đã ngắt hệ thống ACARS, một hệ thống truyền thông tin kỹ thuật số và báo cáo ngắn dưới dạng telex giữa máy bay với các trạm theo dõi bay mặt đất.

Thứ bảy 15/3, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã chính thức loan báo rằng hệ thống ACARS đã bị vô hiệu hóa ngay trước khi máy bay đến bờ biển phía đông của bán đảo Malaysia.

Tuy không nói ai đã ngắt hệ thống ACARS, song Thủ tướng Malaysia cũng hé lộ đôi chút: “Trong góc độ của diễn biến mới nhất này, nhà chức trách Malaysia đã tái tập trung việc điều tra vào phi hành đoàn và hành khách trên máy bay. Mặc dù các phương tiện truyền thông cho rằng chiếc máy bay đã bị bắt cóc, song chúng tôi vẫn đang điều tra mọi khả năng, những gì đã khiến chuyến bay MH370 đi chệch khỏi đường bay ban đầu của nó”.

Cũng theo nhà chức trách Malaysia, cảnh sát đã tìm thấy tại nhà viên phi công này một thiết bị mô phỏng bay. Từ đó dẫn đến câu hỏi: có phải viên phi công này đã dượt trên máy tập bay thấp dưới làn sóng quét của rađa, và rằng đêm đó phi công chính đã ngắt hệ thống truyền tin ACARS để sau đó lái chiếc máy bay “lẩn trốn” sự theo dõi bằng cách hạ cao độ xuống thật thấp để bay đến một điểm nào đó đã định sẵn?

Muốn ngắt được hệ thống ACARS trong buồng lái khóa chặt vì lý do an ninh chỉ có hai người thì phải hoặc trói chặt hoặc khử viên phi công phụ. Và nếu quả thật như thế, phải chăng phi công chính Zaharie nằm trong một nhóm thực hiện âm mưu cưỡng đoạt chuyến bay, có thể với sự hỗ trợ trong khoang hành khách bởi một hay hai “đồng bọn”? 

Bị cưỡng bức bay đi đâu?

Khủng bố không đơn thuần chỉ là nổ bom, mà còn có thể là cưỡng bức bay đến một nơi khác. Thứ bảy tuần rồi (15/3), đúng một tuần sau khi máy bay MH370 mất tích, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã chính thức đề cập đến điều này:

“…Dựa trên dữ liệu mới này, nhà chức trách hàng không của Malaysia cùng các đối tác quốc tế đã xác định rằng thông tin liên lạc cuối cùng của máy bay với các vệ tinh là ở một trong hai hành lang có thể: một hành lang ở phía bắc kéo dài từ biên giới của Kazakhstan và Turkmenistan tới miền bắc Thái Lan, hoặc một hành lang phía nam kéo dài từ Indonesia đến phía nam Ấn Độ Dương. Nhóm điều tra đang làm việc để tinh chỉnh các thông tin này”.

Đúng là chuyến bay MH370 có thể đã rẽ sang một lộ trình như Thủ tướng Malaysia đề cập, song cũng có thể nghi vấn thêm rằng: một khi đã ngắt hệ thống truyền tin kia, phi công đã bay thật thấp, biết đâu có thể do bị cưỡng bách bay đi một hướng khác nữa?

Cái hành lang mà Thủ tướng Najib Razak đề cập đến bay qua những lãnh thổ theo Hồi giáo. Từ đó, có thể hiểu sự “lúng túng” của nhà cầm quyền Malaysia trong một tuần trước đó và cả sau này. Nếu quả thật đây là một vụ cưỡng chiếm vì lý do “thánh chiến”, sẽ là tiền đề cho một tình hình nội chính chưa từng xảy ra ở Malaysia vốn cũng là một quốc gia mà Hồi giáo là đa số, song là hiện thân của Hồi giáo ôn hòa.

Phải chăng vụ cưỡng bách bay chệch hướng này, nếu quả thật như thế, chính là trong ý đồ lôi đất nước Malaysia phải lọt vô quỹ đạo của cánh Hồi giáo cực đoan cùng những hệ lụy khiếp đảm từ đó? Còn nhớ năm ngoái tại khóa họp Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã đọc một bài diễn văn về tính ôn hòa này của Hồi giáo tại Malaysia như là một điều đáng “chiêm nghiệm”.

Cũng còn có một lúng túng thứ nhì là trong chuyến bay đó có 152 hành khách Trung Quốc. Ngày qua ngày, Bắc Kinh càng sốt ruột yêu cầu Kuala Lumpur thông tin và tập trung, khẩn trương tìm kiếm hơn. Thế nhưng, trong số 152 hành khách đó, biết đâu có thể có một vài hành khách mang yếu tố “tôn giáo” hay “sắc tộc”.

Đây chính là lý do mà hôm thứ ba 18/3, đại sứ Trung Quốc Hoàng Huệ Khang tại Malaysia đã họp báo và khẳng định rằng “không một hành khách nào từ Trung Quốc lên chuyến bay MH370 bị mất tích có thể liên quan đến vụ không tặc hay tấn công khủng bố”, và rằng “xác minh nhân thân mọi hành khách đó cho kết quả là không có chứng cứ gì làm cơ sở cho nghi vấn này”.

Tuy công tác xác minh nhân thân sau 10 ngày qua có thể là chính xác song cũng còn đó một nghi vấn: xác minh nhân thân cũng như giám định y khoa, thường ít khi quả quyết rằng “không có gì…”, mà thường thận trọng ghi là “chưa thấy có dấu hiệu… (tâm thần… hay liên quan đến tội ác, bạo lực hay khủng bố)”.

Ngược lại, biết đâu có thể có khả năng chệch hướng vì một lý do “chính trị” nào đó khi cũng vào thời điểm này, trên biển Đông đang xảy ra những đợt sóng mới có liên quan đến Malaysia. Việc chiếc máy bay này bị lôi đi đâu đang là mối quan ngại mà bất cứ quốc gia nào trong vòng bán kính tầm bay xa của nó đều không muốn liên lụy.

Sau khi Ấn Độ, rồi Myanmar… đã ráo riết tìm kiếm và thông báo “không thấy có dấu vết trên biển Andaman hay Ấn Độ Dương, nay đến lượt Lào lên tiếng qua lời Tổng cục trưởng Hàng không dân dụng Yakua Lopandkao với Tân Hoa xã hôm 18/3: “Không có lý lẽ gì để ngờ rằng chuyến bay MH370 đã vô không phận Lào”. Thậm chí quân đội Lào đã tổ chức những cuộc tìm kiếm trên đất liền.

Chẳng ai muốn dính dáng đến chuyến bay “định mệnh” này cả. Khác với vụ mất tích chuyến bay AF447 của Air France trên Đại Tây Dương năm 2009, bầu không khí tìm kiếm không trách móc như lần này.

Tuoitre.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: May bay Malaysia mat tich , Máy bay Malaysia , Tim thay may bay mat tich , Thong tin may bay mat tich , Tìm thấy máy bay mất tích , Tim kiem may bay mat tich , Máy bay MH370