Lưu bút xúc động của giới trẻ trong sổ tang Đại tướng
Thứ năm, 10/10/2013 08:29

“Trước đây con đã ước đỗ ĐH, được ra Hà Nội và ghé thăm đại tướng, được gặp Người. Tuy nhiên, mong ước của con chưa được thực hiện thì Người đã đi rồi…”.

Nhiều bạn trẻ đã có những chia sẻ rất dài.

Nhiều bạn trẻ đã có những chia sẻ rất dài.

Đó là một trong số lời tâm sự trong cuốn sổ tang ở gia đình Đại tướng. Dù là thế hệ đi sau, không trải qua thời kỳ chiến tranh khốc liệt và chưa một lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng rất nhiều bạn trẻ trên khắp đất nước Việt Nam xếp hàng dài trước ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu để được vào tưởng niệm vị anh hùng dân tộc và ghi những dòng lưu bút trong cuốn sổ tang.

Lê Thị Hiền (HV Ngoại giao): “Con là Lê Thị Hiền, hiện là sinh viên năm thứ 2, học viện Ngoại giao. Hôm nay là lần đầu tiên con được đến với ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu - ngôi nhà của Đại tướng. Nơi mà ngay khi vừa bước vào đã cho con cảm giác gần gũi và yên bình. Trước đây con đã ước đỗ đại học, được ra Hà Nội và ghé thăm đại tướng, được gặp Người. Tuy nhiên, mong ước của con chưa được thực hiện thì Người đã đi rồi… Nhận được điện thoại từ quê hỏi: “Có phải cụ Võ Nguyên Giáp đã mất rồi không?” mà con thấy bất ngờ quá! Mẹ đã đọc báo và biết trước con…

Con là một người trẻ, sinh ra và lớn lên khi đất nước thanh bình, mỗi khi nghĩ về Bác, về Đại tướng về bao thế hệ cha anh đã ngã xuống con lại soi về mình. Con đã làm gì, đang và sẽ làm gì cho quê hương, tổ quốc mình. Trong ngày này con lại nhớ về những lời mà thầy con đã dạy:

“Văn như Văn Như Cương

Võ như Võ Nguyên Giáp”.

Thế hệ trẻ chúng con rất tự hào về Đại tướng và sẽ cố gắng hết mình. Con mong Đại tướng được an nghỉ và cũng sẽ tự hào về chúng con!”.

Lê Thị Hiền - sinh viên học viện Ngoại giao.

Đoàn Chuân - (SV ĐH Tài Chính, quê Thái Bình): “Chúng cháu vô cùng thương tiếc và tỏ lòng thành kính biết ơn đại tướng – vị anh hùng thiên tài của dân tộc, nhà lãnh đạo tài ba, luôn hiên ngang, anh dũng, mưu trí bất khuất trước kẻ thù. Là thế hệ con cháu, tuy không được trực tiếp tiếp xúc với ông nhưng chúng cháu rất tự hào. Chúng cháu nguyện đem sức mình, sức trẻ thanh niên thế hệ cụ Hồ - Việt Nam nguyện cống hiến hết lòng vì đất nước, vì dân tộc, truyền thống, giống nòi. Vĩnh biệt ông! Chúc vong linh ông yên nghỉ nơi suối vàng".

Nguyễn Thị Ngọc Anh (HV Tài chính): “Kính gửi Bác! Bác ơi, giờ này bác đã an nghỉ nơi suối vàng. Cháu đến tiễn Bác về đoàn tụ với tổ tiên và Bác Hồ. Công ơn của bác ngàn ngàn người Việt Nam ta luôn ghi nhớ và biết ơn. Không có bác và Bác Hồ chúng cháu đâu có điều kiện để được học tập, phát triển như bây giờ. Chúng cháu cũng đâu có biết đến hai chữ “tự do”. Mặc dù sinh ra và lớn lên trong hòa bình, chúng cháu không phải chịu cảnh chiến tranh nhưng cháu rất biết ơn bác.

Ông nội cháu cũng là liệt sĩ bác ạ, bố cháu cũng không biết mặt ông. Tất cả là do chiến tranh. Ai cũng muốn sống trong hòa bình, độc lập, tự do, không muốn chiến tranh. Và cháu cũng thế! Nhưng vì lợi ích, các nước vẫn đổ xô đi đánh chiến. Nhưng những người đi gây chiến và những nước bị xâm chiếm đều không có hạnh phúc. Cháu chưa từng gặp bác, chỉ đến khi bác mất cháu mới đến viếng. Có lẽ đó là sự hối hận và luyến tiếc của cháu.

Bác ơi, bác hãy yên nghỉ bác nhé! Tuổi trẻ Việt Nam chúng cháu sẽ cố gắng xây dựng đất nước giàu mạnh hơn, tiến bộ hơn, phát triển hơn và cố gắng giữ nền độc lập mà bác, ông nội cháu và ông cha ta đã phải đổ máu, phải hy sinh để giữ nó! Việt Nam là Việt Nam! Mong bác phù hộ cho chúng cháu và đất nước ta yên ổn, phát triển! Thương tiếc bác!”.

Rất nhiều bạn trẻ đến viếng đã ghi lại những dòng lưu bút xúc động trong cuốn sổ tang của Đại tướng

Đinh Thị Tâm (ĐH Văn hóa Hà Nội): “Vô cùng thương tiếc và chia buồn đến với gia đình cụ. Là một người con, người công dân Việt Nam, cháu rất buồn và thương tiếc. Những ngày qua, khi nghe tin cụ mất và đi qua con đường này. Ngày nào cháu cũng mong được vào viếng cụ một lần nhưng đều không được. Hôm nay cháu đã được vào viếng cụ với sự đau lòng. Cháu sẽ nhớ mãi người trong tim".

Hoàng Thị Nụ (SV ĐH Luật Hà Nội) và Nguyễn Thị Hường (SV ĐH Lao động – Xã hội): “Kính viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cháu vô cùng thương tiếc khi bác đã ra đi. Những gì bác đã làm và cống hiến cho dân tộc Việt Nam chúng cháu và cả dân tộc đời đời nhớ ơn. Vĩnh biệt và mong bác an nghỉ”.

Bạn Diệu: “Khi con viết dòng chữ này thì bác đã không còn nữa. Con muốn đến đây từ rất lâu rồi, đến để nói một lời cảm tạ từ tận đáy lòng mà tất cả những gì bác đã làm cho dân tộc ta. Con là một thế hệ sau, không thể cảm nhận được hết cái khốc liệt của chiến tranh nhưng con biết không dễ dàng gì khi phải chiến đấu với một quân thù hùng mạnh như Mỹ và Pháp vậy mà bác đã lãnh đạo nhân dân ta chiến đấu thành công. Con xin cảm ơn bác từ đáy lòng. Mong linh hồn bác sớm được siêu thoát".

Bùi Quỳnh Trang (Hà Nội): “Khi nghe mẹ nói về Bác con vô cùng ngưỡng mộ Bác. Con mong sau này linh hồn của bác sẽ thanh thản”.

Trịnh Thị Vân Anh: “Cháu vô cùng thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dù người đã đi xa mãi nhưng trong lòng mỗi người dân Việt Nam người vẫn còn sống mãi, luôn luôn hiện rõ, làm tấm gương sáng cho dân tộc Việt Nam. Người là thế hệ trước, tài giỏi. Con cháu sẽ mãi noi gương người. Mong người yên nghỉ”.

Trí Thức Trẻ

Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!

Tag: Đại tướng Võ Nguyên Giáp , Người dân vào viếng Tướng Giáp , Người lính cựu chiến binh , Sổ tang , Giới trẻ viết lưu bút