Bán đi hết cả đàn gà thịt cùng với số tiền tiết kiệm được, bà có trong tay gần 8 triệu đồng. Thế là bà và cô con dâu bắt xe xuôi từ Vĩnh Phúc xuống Hà Nội đi… đẻ.
|
Và theo như lời khuyên của một người bạn, bà không quên quy đổi một phần số tiền trên thành những đồng tiền có mệnh giá 20.000 và 50.000 đồng.
Những tiêu cực trong lĩnh vực y tế là chuyện... bình thường.
Tình cờ gặp bà tại một nhà người quen ở Hà Nội, sau một hồi hỏi han sức khoẻ và gia đình, biết tôi làm nghề báo nên bà bảo: Tôi có chuyện này muốn kể anh nghe nhưng anh hứa là không được nêu địa chỉ bệnh viên, không được viết tên của tôi cũng như con gái tôi lên báo đấy nhé.
Nghe bà nói vậy, tôi đã lờ mờ hiểu ra chuyện của bà là thế nào nhưng vì cũng muốn nghe xem chuyện “thâm cung bí sử” trong bệnh viện dưới góc nhìn của người dân nó thế nào nên đã nhận lời đồng ý. Bà kể:
Vợ chồng thằng con trai duy nhất của bà lấy nhau đã được gần 5 năm nhưng mãi năm vừa rồi mới sinh cháu đầu lòng. Gia đình bà rất vui mừng. Khoảng tháng 6 năm vừa rồi, theo chẩn đoán của bác sỹ thì con dâu bà có dấu hiệu đẻ non nên gia đình quyết định cho con dâu vượt tuyến về một bệnh viện uy tín ở Thủ đô chờ ngày sinh nở cho nó yên tâm.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh tuy các thầy thuốc rất tận tình nhưng thiết bị y học, thuốc đặc trị thì vẫn còn hạn chế. Các cụ đã dạy “người chửa cửa mả”, không thể coi thường được.
Bán đi hết cả đàn gà thịt cùng với số tiền tiết kiệm được, bà có trong tay gần 8 triệu đồng. Thế là bà và cô con dâu bắt xe xuôi từ Vĩnh Phúc xuống Hà Nội đi… đẻ. Vốn là người ở quê nên khi đặt chân tới Thủ đô, mẹ con bà như người từ “trên trời” rơi xuống, chẳng biết gì. Nhưng vì đã bắt được mối từ trước (bà vừa có đứa cháu họ đi đẻ về) nên con dâu bà đã nhanh chóng được đưa ngay vào phòng chờ đẻ để đợi ngày sinh.
Sau khi thấy con đã vào phòng chờ đẻ, bà thở phào, nhẹ nhõm, xách theo túi quần áo cùng ít đồ ăn khô mang theo từ quê ra ngoài hành lang tìm chỗ trống để ngả lưng cho đỡ mệt.
Và rồi những khoảng khắc chờ đợi cũng qua đi, con dâu bà được gọi vào phòng đẻ. Mặc dù rất hồi hộp và lo lắng nhưng nhớ lời dặn của đứa cháu họ vừa mới sinh con ở đây, bà nhìn quanh một vòng rồi lôi ra một tập tiền để chia vào mấy cái phong bì chuẩn bị bồi dưỡng cho ca mổ.
Vừa thấy bà làm vậy, một người đàn bà tự xung tên Thanh, khoảng 50 tuổi ngồi gần đó liền bảo:
- Bác ơi! Chưa tới lúc đâu. Chừng nào xong xuôi, mẹ tròn con vuông đã người ta mới nhận. Mà con bác đẻ thường hay mổ đẻ?
Bà đáp lại:
- Cháu nó phải mổ bác ạ!
Nghe vậy, bà Thanh nói:
- Thế thì phải tiền triệu rồi chứ tiền trăm là không ổn đâu. Mà bác cứ cho tất vào một cái phong bì rồi đưa cho ông trưởng kíp mổ là được rồi. Họ sẽ có ba – rem phân chia cho từng người, chứ mình biết ai với ai mà đưa, có khi đưa nhầm phong bì của bác sỹ chính cho y tá thì dở hơi lắm!
Thấy vậy, bà hỏi ngay:
- Vậy theo bác thì đưa bao nhiêu thì được ạ?
- Hai triệu là chí ít. Mổ đẻ phải thế. Đưa năm trăm là họ nói thẳng vào mặt đấy. Đã vào viện là phải biết, cái gì cũng có giá cả rồi. Con bé nhớn nhà tôi hai lần sinh ở đây rồi nên tôi biết.
- Thế tiền đó đã bao gồm tiền viện phí, thuốc men chưa bác? Bà ngỡ ngàng hỏi.
Vẻ mặt đầy ngạc nhiên, bà Thanh cười bảo:
- Đây là tiền cá nhân họ đút túi. Mình bồi dưỡng riêng họ. Còn viện phí, viện phiếc lại là chuyện khác. Chả nộp thì không à! Khoản ấy Nhà nước thu, bác ạ!
Mọi chuyện rồi cũng xong. Sau ca mổ, con dâu bà đã mẹ tròn con vuông. Người ta bế cháu nội bà ra cho bà ngó mặt chừng nửa phút rồi đưa ngay vào phòng chăm sóc trẻ sơ sinh. Và cũng kể từ đó, mỗi lần bà muốn thăm con, thăm cháu là một lần vượt ải, băng rừng…
Tăng viện phí liệu có xoá bỏ được tiêu cực, tăng chất lượng phục vụ trong ngành y.
Lòng khắp khởi suốt từ ngày hôm trước, 10 giờ sáng ngày hôm sau, khi Viện cho phép các bậc phụ huynh được thăm trẻ sơ sinh, bà đã có mặt đợi trước đó cả giờ đồng hồ. Trước khi thăm, bà phải mượn một cái áo của Viện để đảm bảo vô trùng. Mặc cái áo vàng lùng thùng, bà rón rén gặp cô bác sĩ trực để hỏi thăm sức khoẻ của đứa cháu nội.
Thấy bà cứ loanh quanh, ngắc ngứ mãi, cô bác sĩ gắt lên:
- Hỏi gì thì hỏi nhanh đi để tôi còn làm việc khác. Mấy chục đứa trẻ mà ai cũng như bà thì tôi còn làm ăn gì.
Bị quát, bà cuống quýt:
- Cháu nhà tôi có vấn đề gì không ạ?
- Có vấn đề gì thì sao còn ở đây nữa. Hỏi thế mà cũng hỏi. Thôi, bà ra đi để tôi còn trả lời người khác.
Cô bác sĩ trực gắt lên rồi quay ra lấy cái máy điện thoại di động để bấm số gọi cho một ai đó.
- Giời ạ, tiếp tôi chưa đầy 10 giây thì cô ta gắt gỏng, kêu không có thời gian, còn bây giờ thì cô ta buôn lâu quá. Đợi chừng 10 phút thấy cô bác sĩ vẫn chưa dứt cuộc đàm thoại, bà len lén đi sang phòng bên để chờ tới lượt vào thăm cháu nội. Lúc đó, trong bà, nỗi tủi thân xen lẫn sự mặc cảm dâng đầy. Ngần này tuổi đầu (bà đã gần 60 tuổi) mà bị người ta mắng mỏ như mắng một đứa trẻ ranh.
Nhưng thôi, qua sông thì phải luỵ đò… bà cười nhạt kể tiếp.
Buổi chiều, trở lại với con dâu (lúc này đã được đưa về phòng điều trị), bà cẩn trọng lôi ra từ trong người một xấp tiền mệnh giá 20 lẫn 50 ngàn để chuẩn bị cho việc thay băng của con dâu, tắm rửa của đứa cháu. Theo kinh nghiệm của người đi trước, mỗi lần thay băng là bà lại chuẩn bị sẵn 20 ngàn dúi cho cô y tá để người ta thay nhẹ nhàng, vô trùng tử tế. Còn bằng không, vết mổ cứ đau rát như phải khâu lại mà không có thuốc tê.
Đặc biệt cái chuyện tắm cho trẻ sơ sinh thì việc lót tay là chuyện dĩ nhiên. Mà cũng không cần nhiều, chỉ 40 nghìn là được. Song phải ý tứ người ta mới nhận. Nếu đưa lộ liễu thì còn ăn mắng xơi xơi vì dù sao ở trên cửa các phòng khám nhan nhản các khẩu hiệu “Lương y như từ mẫu”, “Thầy thuốc như mẹ hiền” và “Nghiêm cấm các hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu bệnh nhân”…
Thấy tôi nhét tờ bạc 20 ngàn xuống dưới cái tã của đứa cháu nội, một người nhà sản phụ cùng phòng hài hước:
- Khổ thế đấy! Vừa ra đời đã phải đi lót tay. Nay mai nhớn lên cố mà đi làm bác sĩ khoa sản cháu nhé!
Mà họ nhận tiền cũng có nghề lắm. Động tác khéo léo và nhanh nhẹn như nhà ảo thuật. Những lúc đó, khuôn mặt cô y tá tươi như hoa. Bàn tay cô lẹ làng, tỉ mẩn gỡ miếng gạc trên bụng sản phụ như thể bàn tay người mẹ xoa đầu con cái…
Ngừng lại giây lát, bà quay sang nhìn tôi, nở một nụ cười nhẹ, rồi bảo:
- Ồ thế mà cũng có người không nhận tiền đấy. Đấy là cái lần tôi lên thăm cháu nội còn nằm ở phòng chăm sóc trẻ sơ sinh. Chả là cháu nó phải thở ô-xi và chiếu tia để chống vàng da. Có người mách tôi, muốn thăm cháu lâu thì cứ đưa cho cái cô y tá trực dăm đồng. Tôi đưa hẳn năm chục nhưng cô ấy không nhận và còn cho tôi thăm cháu lâu hơn người khác tí chút?
Nghe vậy, tôi cũng bảo:
- Đương nhiên là thế bà ạ. Mà thậm chí người tốt rất nhiều. Có điều là cũng tại người nhà bệnh nhân mình nữa cơ. Ai cũng muốn thầy thuốc họ quan tâm người nhà mình hơn, muốn vượt cái quy tắc của bệnh viện nên mới ứng xử như vậy. Thầy thuốc, nhiều người có lương tâm lắm chứ. Đâu phải ai cũng cần tiền mà bất chấp y đức. Sở dĩ bác không thể vào phòng trẻ sơ sinh lâu được vì để đảm bảo vô trùng cho các cháu, chứ không phải họ gây khó dễ để vòi tiền.Thấy tôi có ý bênh vực thầy thuốc, bà cắt ngang:
- Cái đấy thì tôi hiểu rồi nhưng khó chịu nhất là thái độ của mấy cái cô bác sĩ, y tá. Họ thật khinh người. Ngồi tán chuyện với nhau hàng mươi, mười lăm phút thì họ không sợ mất thời gian nhưng mình chỉ hỏi họ có vài câu về sức khoẻ con, cháu mình thì họ lại mắng là hỏi nhiều, hỏi lắm. Giá mà họ cũng đặt họ vào cương vị có con cháu phải nằm viện thì hay biết bao nhiêu? Đằng này họ dửng dưng như không cùng đồng loại. Mà chúng tôi có phải vụng đối xử đâu. Họ cứ làm thật tốt chức phận của mình đi thì ai người ta quên ơn. Đằng này có thầy thuốc, con người ta vừa lên bàn mổ đã vòi tiền, đã ngã giá. Thật là mất hết tình người!
Câu chuyện của chúng tôi kết thúc tại đó vì bác phải ra xe để về quê chăm cháu. Và câu chuyện của bà có lẽ chẳng hề lạ lẫm gì với nhiều người từng đặt chân vào các bệnh viện.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?