Du khách chụp hình chung với panô của diễn viên - Ảnh: Đinh Triều Quang
Một trong những nơi làm tốt việc khai thác khách du lịch nhờ vào các điểm làm phim có thể kể là Hàn Quốc. Trong các tour du lịch tham quan Hàn Quốc, chương trình của khách cầm trên tay luôn có các điểm tham quan từng xuất hiện trong các phim Nàng Dae Jang Geum ở đảo Jeju và phim Chuyện tình mùa đông ở đảo Nami.
Dù hai phim trên chỉ là phim truyền hình, không nổi tiếng bằng các phim điện ảnh kinh điển như Người tình, Đông Dương hay Người Mỹ trầm lặng lấy bối cảnh ở ta nhưng họ khai thác du lịch rất tốt. Tại các điểm từng làm phim, họ dựng panô lớn chụp hình diễn viên và bối cảnh cùng các lời chú thích thú vị. Vậy là du khách nườm nượp xếp hàng đợi chụp hình do tò mò và do tên tuổi diễn viên.
Ngược lại, ở ta hầu như chưa khai thác các điểm dừng chân thú vị từ các bộ phim. Chẳng thấy những tấm bảng ghi chú các điểm từng xuất hiện trong phim Người tình như bến cảng Nhà Rồng, Trường Lê Hồng Phong, khu phố người Hoa...
Rồi phim Đông Dương với bối cảnh tại Đại Nội, lăng Tự Đức (Huế), vịnh Hạ Long...; phim Người Mỹ thầm lặng với bối cảnh Nhà hát TP.HCM, phố cổ Hội An, phố cổ Hà Nội... cũng không thấy được quảng bá. Trong lúc việc này không tốn kém nhiều, chỉ cần vài dòng ghi chú, vài tấm ảnh chụp cảnh trong phim cũng làm du khách nao lòng, bởi được đứng trên chính bối cảnh trong đoạn phim mình đã xem sẽ khiến họ xúc động. Vậy nên du khách đến VN, khi muốn biết các nơi này đều phải tự mày mò tìm đến mà chẳng có sự chỉ dẫn hay quảng bá gì từ ngành du lịch. Có khi lặn lội đến nơi thì bối cảnh xưa chẳng còn để xem.
Cầu Chữ U là ví dụ. Đây cũng là một cảnh trong phim Người tình được quay trong phân đoạn hai nhân vật chính ngồi trong xe băng qua chiếc cầu gập ghềnh mà hẳn rất nhiều bạn xem phim vẫn còn nhớ, nay đã bị phá bỏ. Chẳng hiểu sao, vì chiếc cầu này tồn tại từ bao đời nay và về mặt mỹ thuật đây cũng là chiếc cầu thiết kế lạ mắt, mang vẻ đẹp Sài Gòn xưa! Chợt tiếc cho cầu Chữ U khi nhìn thấy số phận cây cầu sông Kwai (Bangkok, Thái Lan). Nơi đây luôn đông khách đến tham quan chụp hình vì là bối cảnh một bộ phim kinh điển.
Cũng là những chiếc cầu nhưng một bên là chiếc cầu “đẻ trứng vàng”, một bên là chiếc cầu bỏ không và đến cuối đời thì bị “bức tử”. Hẳn sự khác nhau này là khi có bàn tay của “đạo diễn” của ngành du lịch?