Lăng kính: Rooney, Balotelli hay những đồng xu 2 mặt

Đưa Rooney và Balotelli vào sân là để đón chờ những kiệt tác làm bàn, những khoảnh khắc thay đổi cục diện trận đấu. Nhưng đưa Rooney và Balotelli vào sân để rồi ý đồ bị phá hỏng cũng không phải một kịch bản đáng ngạc nhiên.

1. Trong văn hóa đại chúng phương Tây, có một khái niệm được gọi là “flipism” – “chủ nghĩa búng đồng xu”. Nó ám chỉ những người luôn phải phụ thuộc vào việc búng một đồng xu lên không để đưa ra mọi quyết định của mình. Khái niệm này ra đời năm 1952, trong một tác phẩm hoạt họa của Disney, khi vịt Donald được một bậc “cao nhân” dạy rằng cuộc đời vốn là một chuỗi các canh bạc, và việc búng đồng xu sẽ giải quyết mọi tình huống.

Tất nhiên, Donald luôn nổi tiếng vì sự ngờ nghệch, và phương thức ấy không thể là lựa chọn của những người khôn ngoan. Nhưng đôi khi, người ta buộc phải đi theo “flipism” vì một lý do rất đơn giản: không có thông tin để phân tích và lựa chọn.

Việc sử dụng nhân sự trong bóng đá thường xuyên là kết quả của một lựa chọn theo kiểu “búng đồng xu”, bởi HLV cũng không thể đoán chắc 100% phong độ thi đấu của các cầu thủ trong trận tới. Mạo hiểm chơi bạc là một phần tất yếu. Đặc biệt là khi người ta có Wayne Rooney và Mario Balotelli trong đội hình, thì sử dụng hay không sử dụng họ đều là “flipism”.

Rooney ổn định hơn Balotelli ở cấp CLB.

2. Khi được hỏi về Balotelli, với tất cả sự xã giao, đồng đội James Milner của anh ở Man City đã miêu tả như sau: “Có hai Mario. Một người thỉnh thoảng mới đi tập và sẽ tỏ thái độ chán chường ngay khi trời trở lạnh. Một người đầy nhiệt huyết và sở hữu tài năng xuất chúng”. Nghe rất giống một lời mỉa mai. Nhưng như thế đã là lịch sự rồi. Thật ra, còn có nhiều hơn hai anh Mario Balotelli.

Có Balotelli siêu phàm biết ghi bàn quyết định. Có Balotelli ích kỷ, vung vít cơ hội và phá lối chơi. Có Balotelli thừa năng lượng thích gây gổ với đối phương và trọng tài rồi nhận thẻ phạt. Có Balotelli khiến HLV Mancini và Prandelli chán chường và hạ quyết tâm loại bỏ. Có cả Balotelli khiến họ không thể không sử dụng.

Wayne Rooney thì ổn định hơn Balotelli ở cấp CLB. Nhưng con người ấy khoác áo ĐTQG cũng cho người ta cảm giác bất an. Rooney chưa tạo được ấn tượng nào sâu sắc cùng Tam sư ở các giải lớn. Ngay cả bàn thắng được biếu không bởi thủ môn Pyatov (Ukraine) trong loạt đấu cuối vòng bảng cũng không xóa được ấn tượng ấy đi.

Khá hơn Balotelli, nhưng Rooney cũng là một cầu thủ có tâm lý không ổn định. Thẻ phạt vô duyên với anh đã thành bản sắc, những trận cầu chuệch choạc trong màu áo tuyển Anh không khiến ai ngạc nhiên.

Và Rooney còn khiến các HLV phải “tung đồng xu” ở một điểm nữa: anh quá nổi tiếng và được kỳ vọng để họ có thể gạt sang một bên rồi hứng chịu búa rìu dư luận.

3. Đưa Rooney và Balotelli vào sân là để đón chờ những kiệt tác làm bàn, những khoảnh khắc thay đổi cục diện trận đấu. Nhưng đưa Rooney và Balotelli vào sân để rồi ý đồ bị phá hỏng cũng không phải một kịch bản đáng ngạc nhiên.

Tinh thần không vững vàng của hai mũi nhọn ấy khiến HLV Hodgson và Prandelli buộc phải tung đồng xu. Họ không có thông tin để lựa chọn. Nói như James Milner, chẳng ai đoán được chàng Mario nào sẽ xuất hiện trên sân.

Bản thân bóng đá đã luôn chứa đựng những bất ngờ. Nhưng với những con người mà chính họ cũng không thể tự đưa ra đáp số cho bản thân như thế, tính bất ngờ được nhân lên gấp bội.

Đêm nay sẽ là cuộc đấu của hai đội bóng đi theo chủ nghĩa “búng đồng xu” – cặp đấu tứ kết hứa hẹn nhiều bất ngờ nhất của EURO 2012. Một cặp đấu gần như không thể đoán trước điều gì. Vì sự xuất hiện của hai chàng trai đặc biệt.