Không phải chuyện cổ tích
Thứ năm, 05/01/2012 10:55

Họ từng là những chàng trai bị ảnh hưởng nặng nề bởi di chứng của chất điôxin. Khi tuổi còn trẻ mà cơ thể, chân tay teo tóp, gẫy gập, yếu ớt không chút sinh lực, mỗi lần bước di chuyển lại thêm xiêu vẹo...

Vào một ngày cuối tháng 12, chúng tôi tìm về quê hương quan họ để gặp những chàng trai như thế. Câu chuyện về cuộc đời họ giống như một cổ tích giữa đời thường về nghị lực vượt nỗi đau da cam/điôxin và làm nên một kỳ tích đáng phục: chế tạo, lắp ráp thành công nhưng chiếc xe máy và xe điện ba bánh, hỗ trợ đắc lực trong sinh hoạt cho bản thân và nhiều người khuyết tật cùng cảnh ngộ.

Tiếng bom đạn, tiếng bom lòng

Chúng tôi đến khu Khả Lễ 2, thôn Võ Cường, TP Bắc Ninh vào một buổi chiều khi ông Diêm Trọng Thách đang cùng với các con của mình chuẩn bị lắp ráp những chi tiết cuối cùng của chiếc xe máy do khách hàng mang tới. Đây là việc làm hằng ngày của ông.

Ông Diêm Trọng Thách sinh năm 1951, tại xã Võ Cương, TP Bắc Ninh. Năm 20 tuổi, với sự cháy bỏng, nhiệt huyết và cống hiến của tuổi trẻ, chàng trai Diêm Trọng Thách lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, ông cùng đồng đội tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị-Khe Sanh, Thượng Lào… thuộc binh trạm 14, 18, 21. Bốn năm sống dưới làn bom đạn của kẻ thù, với bao lần đối mặt giữa sự sống và cái chết mong manh, ông đã nhiều lần bị thương nặng. Rời quân ngũ, ông phục viên về làng, xây dựng quê hương, xây dựng tổ ấm, lấy vợ sinh con. Bốn người con trai kháu khỉnh, bụ bẫm: Toàn, Tiến, Thắng, Thịnh lần lượt chào đời trong niềm hân hoan của vợ chồng trẻ. Thế nhưng, những năm tháng chiến đấu trên chiến trường, ông đã nhiễm chất độc da cam/dioxin để rồi truyền sang các con ông. Một vết thương không mảnh đạn, không rỉ máu, nhưng lại dai dẳng, đau đớn và âm thầm tàn phá cuộc đời con cái của ông suốt mấy chục năm qua.

Diêm Trọng Thắng cùng bố hàn các chi tiết của máy.

Hơn 30 năm đất nước im tiếng súng, nhưng ông bảo gia đình ông chưa một ngày bình yên.  Khi người con trai Diêm Trọng Toàn bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu sức khỏe không tốt, ông Thách lo lắng chẳng biết than thở với ai. Sau đó ông quyết định cho cả 4 người con đi kiểm tra tại Bệnh viện nhi Trung ương. Mỗi năm 2, 3 tháng nuôi con nằm viện, tiền ăn, tiền viện phí đè nặng lên gia đình khốn khó. Chính vì thế mà ngôi nhà ông lúc nào cũng trống hoắc bởi những đồ đạc cứ “không cánh” ra đi vì tật bệnh của các con…

Nghĩ về những tháng ngày phải nếm trải nỗi cơ cực ấy, ông Thách ngẹn ngào: “Khi biết các con bị ảnh hưởng bởi di chứng chiến tranh- chất độc điôxin, nếu biết có ngày hôm nay, tôi thà chết ở chiến trường từ ngày ấy, chứ nhất quyết không lập gia đình để khỏi nhiễm sang con cái, thật khổ cho các cháu quá”. Nghĩ vậy đã có lúc ông toan tìm đến cái chết để cầu mong một sự giải thoát nào đó cho bản thân. Nhưng nhìn lại bốn đứa con dứt ruột đẻ ra thân hình tiều tụy không sức sống, rồi không ai chăm sóc, đỡ đần, ông lại gạt nước mắt động viên vợ gắng gượng mà đứng dậy chăm sóc các con.

Thời gian đầu do chưa quen với cơ thể tật nguyền, cho nên hầu như mọi sinh hoạt, tắm rửa, vệ sinh cá nhân của các con đều do vợ chồng ông phục vụ. Nhưng bây giờ, người con lớn đã 34 tuổi và người con út 27 tuổi, họ đã dần làm quen và phụ giúp được bố mẹ những công việc vặt gia đình. Ông bảo, tuy các con như vậy nhưng đứa nào cũng sáng dạ và kiên trì nên dù khó khăn nhưng mấy anh em vẫn động viên nhau để học hết cấp 1, 2.

Nghị lực của chàng trai 1% sức khỏe

Diêm Trọng Thắng, sinh năm 1982, là người con thứ 3 của ông Thách. Nhưng ông bảo, nhìn Thắng yếu ớt thế thôi nhưng lại người lanh lợi, mày mò và ham học hỏi nhất trong số mấy anh em. Khi được hỏi động lực nào khiến Thắng có thể đứng vững, rồi thực hiện ý tưởng táo bạo, anh mỉm cười: “Vì sức yếu, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn nên tôi rất đồng cảm với những người có cùng cảnh ngộ và mong muốn mình làm được điều gì đó để giúp đỡ thuận tiện hơn trong việc đi lại”.

Khát vọng nâng bước đôi chân tật nguyền cho người khuyết tật đã trở thành hiện thực khi anh từng bước chế tạo thành công phần sau chiếc xe ba bánh. Nhưng con đường để dẫn tới thành công quả không dễ dàng. Với một người khuyết tật bẩm sinh, mất hết gần khả năng lao động như Thắng lại càng là một thách thức lớn. Nhưng với Thắng khó không có nghĩa là không thực hiện được.

Diêm Trọng Thắng bồi hồi nhớ lại câu chuyện nhen nhóm ý tưởng của 10 năm về trước, khi đó anh mới 20 tuổi, có nguyện vọng được học nghề tại trường Kỹ nghệ 1 tại Sơn Tây (Hà Nội). Nhưng kết quả khám sức khỏe, Thắng không đủ 1% sức khỏe và bác sĩ đã nói với anh rằng: “Với tình trạng sức khỏe như hiện nay, thì việc cầm một con tuốc-nơ-vít còn không nổi chứ đừng nói tới việc học nghề”. Chán nản, tuyệt vọng nhưng không chịu lùi bước, Diêm Trọng Thắng trăn trở được làm một điều gì cho những người khuyết tật và cũng là để nói với mọi người rằng mình tàn nhưng không phế.

Diêm Trọng Thắng cùng bố đang lắp ráp hoàn thiện một chiếc xe máy cho khách hàng.

Năm 1998, nghe thông tin trên báo đài, gia đình ông Thách chắt chiu, vay mượn được số tiền 5 triệu đồng để gửi mua chiếc xe lăn điện 3 bánh tự chế do cơ sở thương bình Lê Tài ở trong TP Hồ Chí Minh sản xuất. Khi đó, nhờ vào chiếc xe ba bánh này mà việc đi lại của mấy anh em cũng có phần dễ dàng. Song, do tính năng xe chạy bằng ắc quy nên còn nhiều hạn chế, trong đó điểm hạn chế lớn nhất là mỗi lần chạy chỉ được 15-20km là phải nạp điện.

Đi được khoảng 5, 6 năm thì chiếc xe có sự cố, hỏng một số bộ phận, không đi được. Khi đó, Thắng đã bàn với mấy anh em làm lại chiếc xe ba bánh bằng chiếc xe máy nhà mình. Thế nhưng với một chàng trai chân yếu ớt, bại liệt, run rẩy, ngay cả việc sinh hoạt hằng ngày là ăn uống để sinh tồn đã là khó, để gắp được thức ăn vào bát, anh đã phải gồng mình hết sức, nay mấy ai còn đủ lòng tin và ủng hộ cho anh? Ông Thách nói: “Khi ấy Thắng có nói gia đình xin ý kiến, nhưng mọi người đều phản đối, chân tay con yếu ớt thế, ngay cả sinh hoạt còn nhờ bố mẹ chăm sóc, con có nghĩ là con làm nổi không?”. “Dạ có”, Thắng tự tin trả lời. Và với nghị lực và câu nói khẳng khái ấy đã đưa anh đến với việc lắp ráp thành công những sản phẩm đầu tiên.

Đến hành trình www.xebabanh.vn

Sau nhiều lần thử nghiệm và khắc phục những lỗi lớn, nhỏ, vào năm 2008, Diêm Trọng Thắng đã chế tạo thành công nhiều chiếc xe ba bánh và xe điện ba bánh trong sự ngỡ ngàng, sững sờ của nhiều người. Để thử độ bền cho xe, anh đã để người em Diêm Trọng Thịnh chạy trên quãng đường xấp xỉ 1000 cây số từ hành trình Bắc Ninh đi Tân Thanh (Lạng Sơn), rồi Tân Thanh đi Móng Cái (Quảng Ninh) và từ Móng Cái lại trở về Bắc Ninh trong 2 ngày, khẳng định sự thành công bước đầu đầy táo bạo của Thắng. Tháng 4-2009, cơ sở lắp đặt xe ba bánh cho người khuyết tật của anh được UBND thành phố Bắc Ninh cấp bằng chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Theo Diêm Trọng Thắng, việc tự chế xe ba bánh từ xe điện và xe máy chỉ cần cải tiến phần sau xe thành những cấu tạo kiểu cách hấp dẫn, bền đẹp, tiết kiệm nhiên liệu nên được nhiều khách tin dùng và đặt hàng. Từ chiếc xe ba bánh đầu tiên cho đến nay anh cũng không nhớ nổi mình đã chế tạo và xuất xưởng bao nhiều chiếc xe tự chế như thế. Chỉ biết khách đến đặt hàng chủ yếu từ Nghệ An, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Móng Cái… tất cả đều trở thành thị trường thân thuộc.

Để quảng cáo cho thương hiệu xe ba bánh và xe điện ba bánh, thời gian đầu Thắng đã đưa sản phẩm của mình trên môt số trang điện tử rao vặt, nhưng sau thấy không khả thi nên anh nảy ý định thành lập một trang web riêng. Thắng tâm sự: “Lúc ấy, vì anh cả là người rất đam mê và nhiệt tình với công việc trên mạng nên anh thường đảm nhiệm mục rao vặt cho khách hàng. Nếu vào hệ thống Google, chỉ cần gõ từ khóa “xe ba bánh Trọng Thắng” ngay lập tức sẽ xuất hiện hành chục nghìn kết quả với đầy đủ những thông tin cần thiết về xe ba bánh và xe điện ba bánh. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc quảng bá thương hiệu cũng như sức ảnh hưởng của trang web điện tử, sẽ là nhịp cầu kết nối những người khuyết tật trong tương lai, ngày 4-10 vừa qua, trang web với tên miền www.xebabanh.vn đã chính thức đi vào hoạt động.

Diêm Trọng Thắng cho biết, anh hy vọng sau khi trang web đi vào hoạt động sẽ nhanh chóng thu hút được một lượng lớn khách đặt hàng, từ đó sẽ từng bước mở rộng về quy mô sản xuất, đa dạng hóa mặt hàng gắn với việc hỗ trợ nhiều bạn trẻ khuyết tật có việc làm ổn định, tự nuôi sống bản thân bằng chính sức lao động của mình. “Đó ý tưởng, nhưng theo tôi sẽ rất khó thực hiện bởi người khuyết tật còn hạn chế về mặt sức khỏe, mà công việc lắp ráp đòi hỏi nhiều công sức, cho nên trang web sẽ bao gồm cả việc giới thiệu những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tới thị trường”, Thắng tâm sự.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay trên đất nước ta còn hàng nghìn người khuyết tật mất khả năng lao động, thế nhưng nhiều người trong số đó vẫn khẳng định nhiệt huyết, tài năng và tràn đầy khát vọng sống, nghị lực như chàng trai điôxin Diêm Trọng Thắng. Anh đã vượt qua những nỗi đau về thể xác và tinh thần do chiến tranh để lại, vươn lên trong cuộc sống, “tàn nhưng không phế”, minh chứng cho sức chiến đấu bền bỉ và tinh thần không chịu khuất phục của người Việt Nam.

QĐND
Tag: Người đương thời , Chất độc da cam , Người khuyết tật , Nghị lực , Từ thiện , Mưu sinh