Tàu sân bay Trung Quốc tối tân ngày nay thực chất là chiếc tàu sân bay hoen rỉ và khiếm khuyết được Ukraine tháo với giá rẻ bèo.
Tàu sân bay Varyag khi được kéo về Trung Quốc. |
Sự thật về tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc
Chiếc tàu sân bay mà Trung Quốc vừa bàn giao cho Hải quân có tên gọi Varyag, được Bắc Kinh mua lại từ Chính phủ Ukraine vào năm 1998 với mục đích ban đầu là chuyển đổi mục đích sử dụng thành khách sạn nổi khổng lồ. Được đóng mới năm 1985 và hạ thủy tháng 12/1988, Varyag thực chất là thành tựu quốc phòng của Hải quân Liên Xô. Tuy nhiên, chiếc tàu chưa kịp hoàn tất thì Liên bang Xô Viết tan rã. Nó trở thành tài sản của Ukraine trong tình trạng thiếu sót đủ đường.
Varyag được phía Nga giao cho Ukraine khi đã hoàn thiện được 80% nhưng không có máy móc và bánh lái. Dù vậy, phía Ukraine vẫn không đủ kinh phí và công nghệ để hoàn thiện con tàu. Chính vì lẽ đó, các thiết bị quân sự và máy móc được Liên Xô lắp đặt trên Varyag đã bị tháo ra bán đấu giá và thất thoát trong quá trình lưu giữ. Rơi vào cảnh bị xâu xé và bỏ mặc, thân tàu trở lên rỉ sét và hư hại. Và cuối cùng, chính bản thân Varyag cũng trở thành một món hàng mà chính phủ Ukraine đem bán với giá 20 triệu USD cho Trung Quốc. Năm 1998, Varya được kéo đến Trung Quốc trong tình trạng hoen rỉ, tồi tàn và rỗng không.
Bắc Kinh cho biết họ dự định mua Varyag về để “dân sự hóa” nó thành khách sạn và sòng bạc nổi tại Ma Cao. Tuy nhiên, ngay sau khi vụ mua bán thành công, Varyag được kéo thẳng đến xưởng đóng tàu Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh phía Đông Bắc Trung Quốc để đại tu hoàn thiện nốt những gì mà Liên Xô đang làm dang dở. Khi con tàu cập cảng, giấc mơ tàu sân bay kéo dài hơn 70 năm của Trung Quốc đã một phần trở thành hiện thực. Không những vậy, Trung Quốc còn thu lời lớn trong vụ "làm ăn" này bởi chi phí đóng mới một tàu sân bay của Mỹ sẽ không dưới 1 tỷ USD và sẽ không rẻ hơn nhiều nếu Bắc Kinh muốn làm điều tương tự.
Hành trình tái sinh từ khung sắt rỉ
Ngay sau khi cập cảng Đại Liên, công việc sửa chữa và hoàn thiện tàu sân bay Varyag ngay lập tức được các chuyên gia Trung Quốc tiến hành. Dù vậy, hầu như không có bất kể thông tin nào về Varyag được tiết lộ ra bên ngoài. Tuy nhiên, sự im lặng bất ngờ bị phá vỡ vào đầu năm ngoái khi truyền thông Trung Quốc bất ngờ tung hai bức ảnh về tàu sân bay Varyag đang được hoàn tất những giai đoạn cuối cùng tại cảng Đại Liên.
Ngay lập tức, tàu sân bay Trung Quốc thu hút được sự chú ý mạnh của giới truyền thông cũng như các quan chức quân sự trên toàn thế giới. Dù có những ý kiến trái chiều về tàu sân bay Varyag của Trung Quốc nhưng sự việc cho thấy Bắc Kinh đã sẵn sàng công khai với thế giới về chiếc tàu sân bay đầu tiên mà mình đang hoàn thiện. Tiếp theo đó là hàng loạt bài viết về các lần chạy thử của Varyag ngoài khơi Bắc Kinh. Tính đến cuối năm 2011, Trung Quốc đã triển khai ít nhất ba lần chạy thử dài ngày nhằm kiểm tra khả năng hoạt động của Varyag.
Tính đến tháng 8/2012, tổng số lần chạy thử mà Varyag đã trải qua là 10 lần. Cùng với đó là hàng loạt những cải tiến và sửa chữa nhằm giúp cho tàu sân bay của Trung Quốc đi vào hoạt động sớm nhất. Song song với việc hoàn thiện tàu sân bay, phía Trung Quốc cũng gấp rút chế tạo hoặc cải thiện vũ khí, khí tài để trang bị trên hàng không mẫu hạm đầu tiên của mình. Phần lớn các thử nghiệm mà Varyag phải trải qua nhằm kiểm tra khả năng tích hợp giữa con tàu với máy móc, phương tiện và vũ khí mà Trung Quốc trang bị.
Vũ khí trên Varyag
Varyag là tàu sân bay đa năng lớp Kuznetsoz của Liên Xô, có chiều dài 323m, rộng 73m, cao 11m và nặng 67.500 tấn. Khi hoạt động, Varyag mang theo 10 máy bay Su-33, 14 trực thăng chống ngầm La-27PL, hai trực thăng tác chiến và hai trực thăng cứu nạn. Khi chuyên chở hết công suất, Varyag có thể hoạt động cùng với 36 máy bay Su-33 và 18 trực thăng các loại cùng 2.500 tấn nhiên liệu đủ cho 1.000 lượt xuất kích của các chiến đấu cơ.
Theo thiết kế của Liên Xô, vận tốc tối đa của Varyag đạt 59km/giờ, hoạt động độc lập và liên tục trên phạm vi 7.000km trong suốt một tháng rưỡi không cần tiếp nhiên liệu. Cũng giống như các tàu sân bay khác thuộc lớp Kuznetsoz mà Nga đang sử dụng, Varyag mang theo thủy thủ đoàn đầy đủ gồm 1.960 người.
Sau khi được Trung Quốc mua lại, Varyag trải qua quá trình đại tu, lắp thêm các thiết bị hiện đại mới và cải tiến phù hợp với những vũ khí mà Trung Quốc dày công chế tạo. Cụ thể, sau khi hoàn tất quá trình sửa chữa, Varyag có thể mang theo 26 chiến đấu cơ cùng 24 trực thăng. Loại máy bay trang bị trên boong là Shenyang J-15 do Trung Quốc tự nghiên cứu và sản xuất, J-11 máy bay chuyên dụng thiết kế riêng cho các tàu sân bay và Su-33 nếu Moscow chấp thuận bán cho Trung Quốc.
Ngoài ra, Varyag còn được trang bị hàng loạt tên lửa và vũ khi hạng nặng không thua kém gì so với các tàu khu trục hay tuần dương hạm. Nó sở hữu nguyên một hệ thống phòng thủ tên lửa FL-3000 với 24 đầu đạn được trang bị ở phía mũi tàu. Ngoài ra, còn có sự góp mặt của tên lửa chống hạm YJ-63. Tuy nhiên, việc sở hữu quá nhiều vũ khí "hàng khủng" khiến con tàu trở nên nặng nề và đe dọa sự tồn tại của chính bản thân mình. Khi bị trúng đạn, con tàu sẽ trở thành khối thuốc nổ di động bởi chính lượng lớn vũ khí mà nó mang theo.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?