Trong khi mọi người lo mua sắm, chuẩn bị đón tết thì một bộ phận người dân ở ĐBSCL đang lo lắng đến mất ăn mất ngủ vì bị “hà bá” truy đuổi đến tận mái hiên nhà.
|
Một vết nứt mới xuất hiện chỉ cách nhà ông Lê Văn Phương ở ấp Tân Phú A, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) chừng 3-4m - Ảnh: Thanh Tú
Nhiều nơi bị sạt lở, người dân không có chỗ đặt bàn thờ cúng rước ông bà về ăn tết. Nơi khác bị nước biển dâng quét sạch tài sản và giật sập nhà dân.
Nước biển dâng, mất nhà
Ông Phan Văn Cứng (63 tuổi, ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, Trà Vinh) nói lòng ông đang rối bời vì ngày tết cận kề mà chưa tìm được chỗ thờ phụng ông bà. Đợt triều cường trong hai ngày 24 và 25-12-2011 đã giật sập nhà và cuốn phăng toàn bộ hoa màu, tôm trong ao của ông. Ông thổn thức: “Năm công dưa hấu và 60.000 con tôm sắp tới ngày thu hoạch trị giá cả trăm triệu đồng bị nước biển cướp sạch chỉ trong một ngày”. Một người bà con đã cho gia đình ông tá túc. Thấy mọi người tính chuyện lo sắm tết, nước mắt ông cứ chảy dài.
Ở xã Trường Long Hòa còn nhiều người bị ảnh hưởng bởi đợt triều cường dữ dội vừa qua và phải tá túc ở nhà người quen đến qua tết. Chị Nguyễn Thị Bé Ni tâm sự: “Người thân tốt bụng cho ở đậu vài ba tháng chứ đâu có thể ở mãi được. Ráng chịu đựng cảnh không nhà qua tết rồi tính. Mong Nhà nước sớm có biện pháp giúp người dân ổn định cuộc sống”.
Ông Trần Hoàng Dân, phó bí thư Đảng ủy xã Trường Long Hòa, cho biết đợt triều cường có đỉnh triều cao hơn 20cm so với mọi năm, sóng cao trên 2,5m liên tục tàn phá làm 2km đê chắn sóng bị sạt lở. 40 hộ dân ven biển phải di dời đến ở nhờ nhà bà con vì mất nhà. Ông Dân lo lắng: “Từ nay đến tháng giêng còn hai đợt triều cường lớn. Nếu không bảo vệ được đê thì diện tích hoa màu còn lại sẽ mất sạch. Số hộ phải di dời và cần cứu trợ sẽ tăng gấp đôi”.
Để đối phó với triều cường, huyện Duyên Hải đã đưa phương tiện gia cố đê xung yếu dài khoảng 3km ở các xã Trường Long Hòa, Hiệp Thạnh, Dân Thành. Hiện còn khoảng 300ha hoa màu và 300 hộ dân ở huyện Duyên Hải có nguy cơ bị nước biển uy hiếp.
Hồi hộp sống
Tại các huyện Thanh Bình và Hồng Ngự (Đồng Tháp) hiện có hàng trăm hộ dân sống trong vùng sạt lở nguy hiểm. Trong đó hàng chục hộ bị sạt đến cửa. Ông Lê Văn Phương (ở ấp Tân Phú A, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình) cho biết suốt nửa tháng qua không ngày nào ông chợp mắt được. Mỗi đêm, ông đi kiểm tra cả chục lần xem “hà bá” đã đến đâu để còn chạy kịp. Ông Phương miêu tả: “Nhiều vết nứt khoét sâu vào bên trong như rắn bò. Vết nứt chỉ còn cách nhà tui 3-4m nên chắc không thể ăn tết được rồi”. Nhà bà Trần Thị Đẹp ở cạnh đó đã hai lần bị sạt lở tới mái hiên và phải bỏ của chạy lấy người. Di dời đến khánh kiệt, bà Đẹp chỉ còn khả năng cất chòi lá cho gia đình và con dâu mới sinh con ở tạm.
Đi dọc bờ sông Tiền thuộc xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, chúng tôi phát hoảng khi thấy rất nhiều vết nứt rộng cả gang tay ăn sâu vào đất liền. Đếm sơ sơ có 10 hộ dân trong khu vực cần phải di dời nhà khẩn cấp. Ông Nguyễn Ngọc Thơ (ở ấp 1, xã Thường Phước 1) lo lắng: “Chúng tôi rất muốn di dời đến nơi an toàn để ăn tết nhưng không còn chỗ. Bây giờ ở đây cứ nơm nớp lo sợ bị “hà bá” nuốt bất cứ lúc nào. Sống như thế này mà tết nhứt cái nỗi gì!”.
Ông Nguyễn Văn Phương - chủ tịch UBND xã Tân Bình, huyện Thanh Bình - cho biết trên địa bàn xã hiện có 158 hộ trong vùng sạt lở cần phải di dời. Ngoài ra, mùa lũ vừa qua có gần 300 hộ dân trong vùng sạt lở đã di dời đến những nơi ở tạm. Trong khi đó, cụm tuyến dân cư ở xã vẫn chưa thi công vì còn chờ làm thủ tục. “Hiện xã không biết di dời dân đi đâu, chỉ mong trong những ngày tết đừng xảy ra sạt lở lớn” - ông Phương nói.
Nhiều hộ dân tại TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) đứng ngồi không yên những ngày này. Theo ghi nhận của chúng tôi, sạt lở bên bờ sông đã đến tới sân nhà khoảng 10 hộ dân ở khóm 5, phường 5. Tình hình hết sức nguy cấp. Sóng đập vào bờ dữ dội. Lâu lâu có một mảng đất rơi xuống sông làm thót tim những người sống cạnh đó. Bà Ngô Thị Đậu kể: “Cách đây nửa tháng, bờ sông Cổ Chiên trước cửa nhà tui bất thần sụp xuống một đoạn dài trên 20m và đoạn cừ chống sạt lở cũng biến mất”.
Vì lo ngại sạt lở diễn biến bất ngờ nên những hộ dân ở cặp sông Cổ Chiên đã di dời đến nhà người thân ở tạm, chỉ để một người ở lại coi nhà. Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn hộ dân trong vùng sạt lở đều là hộ nghèo, làm nghề đánh bắt cá trên sông Cổ Chiên và buôn bán nhỏ. Họ rất cần Nhà nước quan tâm, bố trí chỗ tái định cư để an tâm làm ăn sinh sống.
Đồng Tháp: vận động hỗ trợ người dân vùng sạt lở ăn tết
Chiều 2-1, ông Nguyễn Văn Dương, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết tỉnh đang vận động các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và người dân thực hiện phong trào nhường cơm sẻ áo để người dân sống trong vùng sạt lở đón tết đầm ấm. Cụ thể là hỗ trợ bánh mứt (mâm cỗ ngày tết), tăng che, bạt phủ để các tổ làm nhà từ thiện che chắn nhà tạm cho người dân đón tết.
Riêng dự án cụm tuyến dân cư để di dời khoảng 500 hộ trong vùng sạt lở ở xã Tân Bình, huyện Thanh Bình đang chờ kinh phí khoảng 40 tỉ đồng từ trung ương. Dự kiến sau Tết Nguyên đán sẽ thi công. Còn trong tết, địa phương, hàng xóm sẽ quan tâm hỗ trợ những hộ này ăn tết vui vẻ.
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành