Đúng vào thời khắc giao thừa, Phóng viên có cuộc phỏng vấn nhanh với một nhân vật đặc biệt - khi anh đang cùng hàng nghìn người đón năm mới ngay bên Hồ Hoàn Kiếm.
|
Hàng chục năm nay anh đều cùng gia đình đón giao thừa ở Bờ Hồ (Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội – PV), anh bảo mỗi năm anh đều ghi lại những hình ảnh, câu chuyện, kỷ niệm vào thời khắc giao thừa bên Hồ Hoàn Kiếm như một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời.
Năm nay, anh đồng ý để Phóng viên phỏng vấn đúng vào lúc giao thừa, để qua câu chuyện với anh, bạn đọc sẽ thấy một hình ảnh mới nhất ở Hồ Gươm vào thời khắc đầu tiên của năm mới Nhâm Thìn, thấy được suy nghĩ, tâm trạng, câu chuyện của một người Hà Nội, một người yêu Hà Nội, yêu Hồ Hoàn Kiếm đến mức “ghen với những ai yêu Hồ Hoàn Kiếm hơn mình”, và những lời chúc thân ái nhất mà mọi người có thể dành cho nhau khi năm mới đến...
Anh là nhà báo Hà Hồng, hiện công tác tại báo Nhân Dân.
- Xin chào nhà báo Hà Hồng, lời đầu tiên Phóng viên xin chúc anh và gia đình một năm mới thật nhiều sức khỏe, thành công và hạnh phúc! Anh đang cùng gia đình của mình đón giao thừa bên Hồ Hoàn Kiếm, ngay lúc này đây anh có thể cho bạn đọc biết hình ảnh giao thừa Nhâm Thìn bên Hồ Hoàn Kiếm qua “lăng kính” của anh?
Xin chào bạn! Đón giao thừa bên Hồ Hoàn Kiếm luôn tuyệt vời đối với tất cả mọi người, chắc chắn ai cũng tin là như vậy. Với tôi, lúc này đang ở bên đình Trấn Ba, đền Ngọc Sơn giữa Hồ Hoàn Kiếm - nơi tôi và nhiều người vừa được xem đoàn chèo Hà Nội biểu diễn nhiều tiểu phẩm, trích đoạn chèo, xem diễn Quan Âm Thị Kính, lên đồng hầu giá ông Mười…
Tại đây tôi gặp một nhà báo tiếng Việt ở Mỹ về đón giao thừa bên Hồ Hoàn Kiếm và ông ấy bày tỏ sự cảm động, vui mừng vì lần đầu tiên được đón Tết trong không gian ấm cúng ngay giữa lòng Thủ đô, lại được ở một vị trí tuyệt vời nhất để có thể đón giao thừa mà không phải ai cũng có cơ hội đến được.
Phải nói là hàng vạn người đã cùng tôi chia sẻ phút giây hạnh phúc đón giao thừa bên Hồ Hoàn Kiếm, ngắm pháo hoa rực sáng bầu trời Thủ đô, cùng nhau chia sẻ niềm vui, những lời nói và cử chỉ thân ái nhất cho một năm mới bắt đầu.
Lúc này trước mặt tôi có 3 cô gái Hà Nội đang đứng từ đình Trấn Ba, mắt hướng về Tháp Rùa vái tổ tiên, vái trời đất, chắc là họ đang cầu mong một năm mới bình an, tốt lành. Rất nhiều người đang vào đền để thắp hương cho năm mới.
Hôm nay thời tiết Hà Nội rất đẹp, trước lúc bắn pháo hoa khoảng 10 phút thì có mưa lất phất, nhưng sau đó thì trời khô ráo, dù khá lạnh xong mọi người xem pháo hoa đều thấy phấn chấn, ấm áp.
Sau khi xem xong pháo hoa, hàng vạn người cùng chung một cử chỉ là vỗ tay hoan hô, sau đó là ngập tràn lời chúc tốt đẹp cho năm mới. Hiện dòng người đang tỏa từ Hồ Hoàn Kiếm ra vòng ngoài, có thể tôi và nhiều người, nhất là những người cao tuổi sẽ về nhà quây quần bên gia đình, nhưng với những người trẻ bây giờ mới là lúc họ bắt đầu đi chơi năm mới.
- Được biết là hàng chục năm nay anh giữ thói quen cùng gia đình đón giao thừa bên Hồ Hoàn Kiếm, tại sao Hồ Hoàn Kiếm lại có sức hút anh vào thời điểm quan trọng nhất trong năm vậy, thưa anh?
Bạn chắc đã nghe bài hát “Nhớ Hà Nội” của Hoàng Hiệp, trong đó có câu “một thời đạn bom, một thời hòa bình… Ôi nhớ chiều 30 Tết, ta đánh giặc trên mâm pháo, truyền thống cha ông, gìn giữ non sông, từ thuở Thăng Long, vẫn ghi trong lòng, Hà Nội ơi…”
Tại sao Hoàng Hiệp đang viết “ngói tan gạch nát” lại viết “chiều 30 Tết”? – những người từng sống trong thời điểm đó (chiến tranh chống Mỹ) mới nhớ, cứ đến dịp Tết là có 4 ngày ngừng bắn, đình chiến cho mọi người về đoàn tụ gia đình.
Vào đêm giao thừa năm 1969, khi đó tôi mới 8 tuổi, theo mẹ đón giao thừa ở Hồ Hoàn Kiếm, tôi còn nhớ mọi người đổ xô ra hồ, phụ nữ, trẻ em mặc áo dài, áo tứ thân, đàn ông mặc vest, đi giày tây cùng nhau đi bộ quanh hồ.
Đến 12 giờ đêm (24 giờ), mọi người không ai bảo ai đều tụ tập trước loa treo trên cây gần chỗ kem Thủy Tạ bây giờ để nghe Bác Hồ đọc lời chúc Tết: “Năm qua thắng lợi vẻ vang. Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to. Vì độc lập, vì tự do. Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào. Bắc – Nam sum họp xuân nào vui hơn”.
Không khí đó, cảm xúc đó còn mãi trong tôi, và tôi nghĩ, cái giờ phút thiêng liêng giao thừa mình không thể ngồi ở nhà, mình phải ra Hồ Hoàn Kiếm để thấy được nhà nhà, người người cùng chung vui đón năm mới, và ra Hồ Hoàn Kiếm đón giao thừa thành “lệ” của tôi nhiều chục năm nay rồi.
Không chỉ có tôi, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cũng cho biết, từ năm 1965 trở đi, Câu lạc bộ thống nhất của những người tập kết ở miền Nam ra đều lấy Hồ Hoàn Kiếm làm địa chỉ để dịp giao thừa mọi người tập kết ở đây gặp gỡ nhau, hàn huyên những câu chuyện cũ – mới.
Còn đọc sách thì thấy người Hà Nội từ thời Pháp thuộc đã có thói quen đi quanh Hồ Hoàn Kiếm vào dịp lễ, tết, đêm giao thừa. Trước đây, đón giao thừa bên Hồ Hoàn Kiếm người dân lịch sự lắm, đến người bán hàng rong cũng mặc áo dài, áo tứ thân, đội nón quai thao… chứ không quần áo ngủ luộm thuộm ra hồ - cứ ra hồ là ai ai cũng ăn mặc đẹp.
Tôi còn nhớ cái cảm giác lúc bố mẹ cho tôi ra hồ đón giao thừa lần đầu tiên, đầy háo hức và chờ đợi, đầy niềm vui sướng vì ngày đó chúng tôi phải đi sơ tán ở Hà Tây, chỉ được về Hà Nội 4 ngày Tết rồi lại phải lóc nhóc đi, nên việc trở về Hà Nội, đón giao thừa bên Hồ Hoàn Kiếm với tôi lúc đó như một món quà tuyệt vời của năm mới.
Cho đến giờ những giai điệu mà bài hát “Nhớ Hà Nội” chính là cảm xúc thực mà tôi đã trải qua, tạo nên chất nuôi dưỡng tình yêu của tôi với Hồ Hoàn Kiếm, với Hà Nội – tôi thích ra Hồ Hoàn Kiếm đón giao thừa vì như thế.
- Những năm qua, giao thừa nào anh cũng ở Hồ Hoàn Kiếm, bất kể mưa gió lạnh giá?
Tôi đón giao thừa ở Hồ Hoàn Kiếm nhiều năm rồi, có thể nói từ cái năm 1969 thì năm nào tôi cũng muốn đón giao thừa ở hồ, bất kể mưa, gió, bão.
Hơn nữa, việc đón giao thừa ở Hồ Hoàn Kiếm tôi thấy như là nét văn hóa của người Hà Nội vậy, nhất là từ ngày cấm đốt pháo (1994). Nói đến cấm đốt pháo thì trong thâm tâm tôi dù ủng hộ việc này nhưng vẫn thấy tiếc nhớ cái tràng pháo tưng bừng đốt giữa thời khắc giao thoa năm cũ – năm mới, cái hương vị khói pháo mà chỉ ngửi thôi cũng thấy rạo rực khi năm mới đến như thế nào.
Từ ngày cấm đốt pháo thì chỉ còn pháo hoa, mà bắn pháo hoa tầm cao ở Hà Nội thì không đâu đẹp bằng ở Hồ Hoàn Kiếm, pháo hoa từ phía Bưu điện Hà Nội và phía báo Hà Nội mới cùng bắn lên khiến cho Hồ Hoàn Kiếm cũng như Tháp Rùa đẹp tuyệt vời vào giao thừa – không ai bảo ai, nhưng việc đón giao thừa ở Hồ Hoàn Kiếm, xem pháo hoa ở Hồ Hoàn Kiếm như là văn hóa của người Hà Nội rồi.
Không chỉ tham gia, chứng kiến giao thừa bên Hồ Hoàn Kiếm, năm nào tôi cũng lưu lại hình ảnh, lưu lại các câu chuyện ở đây vào lúc giao thừa.
Tôi nhớ cảnh khi xem pháo hoa thì mọi người cùng hò reo phấn khởi, tôi liếc thấy bao lo toan vất vả, bao uẩn khúc tình cảm, bao gánh nặng cơm áo gạo tiền của cuộc sống thường ngày tan biến trên khuôn mặt mỗi người – chỉ còn lại cảm giác mãn nguyện, hạnh phúc với cuộc sống, với năm mới.
Điều đặc biệt là sau 15 phút pháo hoa thì mọi người không ai bảo ai đều vỗ tay hoan hô – cùng chung niềm vui, rồi quay sang chúc nhau, người già chúc sức khỏe, thanh niên chúc tình yêu, đến người xa lạ cũng dành cho nhau lời chúc thân ái… – cảm giác đó thật nhẹ nhàng, vui vẻ, thanh bình.
- Giao thừa năm nay có gì mới với anh không?
Từ năm nay tôi có thêm một kỷ niệm, đó là cô con gái duy nhất của tôi đi du học ở nước ngoài nên gia đình tôi chỉ còn 2 vợ chồng đón giao thừa bên Hồ Hoàn Kiếm. Giao thừa năm nay lần đầu tiên tôi vắng con sau 24 năm cả nhà bên nhau mỗi dịp năm mới đến.
Tôi nhớ con gái tôi rất nhiều, nhất là một kỷ niệm năm con 6-7 tuổi, đi chơi giao thừa về tự dưng bị méo cả mồm – vợ chồng tôi choáng váng và sợ hãi nghĩ cô con gái bé nhỏ xinh đẹp của mình rồi sẽ ra sao. Nhưng rồi may mắn gặp được thầy châm cứu nên 3 ngày sau thì con trở lại bình thường.
Cách đây lâu lâu con đã bảo tôi là nhớ Tết rồi, con nhớ những giao thừa trước đây được ở bên bố mẹ, con dặn tôi năm nay nhớ quay phim, chụp ảnh giao thừa bên Hồ Hoàn Kiếm để gửi ngay cho con – chắc chắn tôi sẽ làm thế rồi.
Còn một điều đặc biệt nữa, năm nay lần đầu tiên tôi được đón giao thừa ở đền Ngọc Sơn, tôi ngắm pháo hoa từ đây, chụp ảnh giao thừa từ đây – một vị trí phải nói là đắc địa mà ai cũng muốn. Cảm giác đón giao thừa ở đền Ngọc Sơn lại gợi tôi nhớ đến sự kiện năm 1952, khi người dân Hà Nội đội những mâm lễ qua cầu vào đền đêm giao thừa khiến cầu Thê Húc vị sập, sửa cầu đến đầu năm 1954 xong thì giải phóng Thủ đô – toàn những câu chuyện đáng nhớ.
- Vâng, vậy vào thời khắc đáng nhớ của giao thừa 2012 này, anh có lời tốt lành nào dành cho mọi người?
Tôi chỉ mong một điều thôi, tại Hồ Hoàn Kiếm này, mảnh đất Hà Nội này, đất nước Việt Nam này - mong mọi người sống nhân hòa với nhau hơn. Bởi khi có nhân hòa rồi, đối xử tốt với nhau rồi thì con người sẽ làm được rất nhiều việc tốt.
Khi nói những lời này vào thời điểm giao thừa, tôi lại nghĩ đến khi đi tập thiền dưỡng sinh có lời bài hát thế này: “Bên trái tôi đây là người yêu thương tôi. Bên phải tôi đây là người yêu thương tôi. Trước mặt tôi đây là người yêu thương tôi. Xung quanh tôi đây là người yêu thương tôi”.
Sau đó bài hát lại tiếp tục: “Bên trái tôi đây là người tôi yêu thương. Bên phải tôi đây là người tôi yêu thương… Xung quanh tôi đây là người tôi yêu thương” – nghe bài hát này thật là nhân ái, hát xong mọi người đều vui vẻ, thấy chúng ta đều yêu thương nhau, nhân hòa với nhau, tan biến mọi thù hận – cuộc đời này chỉ cần có thế thôi!
- Xin cảm ơn anh và một lần nữa chúc anh cùng gia đình một năm mới ấm áp, đầy tình yêu thương, mọi sự được nhân hòa!
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành