Dương Chí Dũng: Đến chết tôi cũng không nhận tội tham ô
Thứ bảy, 14/12/2013 20:12

Trong phần tranh luận với đại diện cơ quan công tố, bị cáo Dương Chí Dũng tiếp tục phủ nhận tội tham ô như cáo buộc của Viện kiểm sát (VKS).

Bị cáo Dương Chí Dũng trước vành móng ngựa.

Bị cáo Dương Chí Dũng trước vành móng ngựa.

Sau phần bào chữa của các luật sư, đại diện VKSND Hà Nội đã có tranh luận, đưa ra quan điểm luận tội với 10 bị cáo về các hành vi cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản.

Theo đại diện cơ quan công tố, Vinalines là một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Vì vậy toàn bộ tài sản, cơ sở vật chất, tiền vốn là tài sản của Nhà nước. Dương Chí Dũng, với vai trò chủ tịch HĐQT của Vinalines phải là người chịu trách nhiệm cao nhất về vốn. Nguồn vốn tổng công ty vay bất cứ hình thức nào cũng là của Nhà nước, nếu sử dụng thua lỗ đương nhiên vốn nhà nước bị thâm hụt.

Đại diện VKS cho rằng  toàn bộ tiến trình triển khai dự án nhà máy, mua ụ nổi... dẫn tới hậu quả ngày hôm nay là do từ HĐQT đến ban TGĐ Vinalines làm sai quy định nhà nước.

Trong khi dự án chưa được bổ sung vào quy hoạch, ông Dũng đã phê duyệt với mức đầu tư 3.854 tỷ đồng, trong đó có việc mua ụ nổi, sau đó lại điều chỉnh lên thành 6.498 tỷ đồng. Ngày 27/7/2007, ông Phúc ký quyết định lập đoàn khảo sát sang Nga. “Đoàn đã lập báo cáo sai sự thật”, đại diện VKS trình bày. Quá trình thanh toán tiền cho công ty AP qua Citibank cũng không đảm bảo. Toàn bộ chuỗi hành động này diễn ra khi dự án Nhà máy chưa được đưa vào quy hoạch xây dựng ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Bộ GTVT cũng chưa trình quy hoạch lên Thủ tướng. Công tố viên khẳng định việc mua là sai, cố ý làm trái, "không thể coi là thiếu trách nhiệm".

Về hành vi tham ô của 4 bị cáo Dũng, Phúc, Sơn, Chiều, VKS nêu, khi ông Dũng ký mua ụ nổi, các kết qủa xác minh, biên bản thoả thuận 7/7/2007, có nêu việc chia tiền 9 triệu USD làm 4 phần: Công ty Nakhodka 2,3 triệu, công ty AP 700.000 USD và công ty Global Success nhận 4,3 triệu, còn lại 1,66 triệu USD chuyển về Việt Nam qua công ty Phú Hà do em gái ông Sơn làm giám đốc.

Cơ quan công tố cho rằng, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều - thành viên của đoàn khảo sát - đã khai một cách tự nguyện về việc các bị cáo hưởng lợi bất chính số tiền lớn. Ngoài ra, VKS căn cứ vào lời khai của các nhân chứng như em gái của bị cáo Sơn, cũng như lời khai của ông Dũng về mối quan hệ với ông Goh, lời khai của Sơn về việc mang valy tiền đến khách sạn, đến nhà mẹ vợ của ông Dũng. Những lời khai trên thể hiện trung thực, khách quan về số tiền hơn 28 tỷ đồng của nhà nước bị nhóm này chiếm đoạt.

Đối đáp về khái niệm giữa ụ nổi và tàu biển, đại diện VKS cho rằng, người có chuyên môn hay không, đều hiểu hai khái niệm này là thế nào. Vấn đề là thực hiện việc quản lý nhà nước bằng những góc độ, quy định nào. "Một tài sản hàng triệu USD, chả lẽ vào Việt Nam không có quy định nào để quản lý?", đại diện VKS đặt câu hỏi.

Đối với nhóm cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, cơ quan công tố tiếp tục khẳng định, Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, và Lê Văn Lừng không làm đúng chức trách. Hải quan không phải chỉ tính toán thuế, mà phải là “lính canh, gác cửa”, ngăn cản các sản phẩm, hàng hoá không đủ chất lượng xâm nhập vào Việt Nam. Khi đã vào Việt Nam thì trước tiên phải tuân thủ theo pháp luật, sau đó mới đến các công ước hợp tác với nước ngoài.

Việc khởi tố, truy tố, xét xử các bị cáo được VKS khẳng định là có căn cứ, đúng pháp luật.

Trong phần tranh luận với đại diện cơ quan công tố, ông Dương Chí Dũng tiếp tục cho rằng, không tham ô, "đến chết trong tù bị cáo cũng không bao giờ nhận, tội này." Tiếp đó, cựu chủ tịch Vinalines này giải thích, việc bỏ trốn vì trước đó có ký vào nhiều văn bản nên mới hốt hoảng. “Tôi bỏ trốn một ngày, cơ quan chức năng mới khởi tố. Tôi rất mong mỏi HĐXX xem xét”, ông Dũng đề nghị.

17h chiều nay, sau phần tranh luận giữa các luật sư với đại diện cơ quan công tố, các bị cáo đã có lời nói sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án.

Giọng đều đều, bị cáo Dương Chí Dũng cho rằng, do nhận thức ụ nổi không phải là tầu nên quyết định đầu tư, bản thân thấy có phần trách nhiệm, không kiểm tra đôn đốc cấp dưới.

Tuy nhiên cựu chủ tịch Vinalines vẫn tiếp tục khẳng định không thoả thuận, chỉ đạo và không nhận một đồng nào từ bị cáo Sơn… Ông Dũng trình bày rằng gia đình có truyền thống cách mạng, bản thân có hai bằng đại học, có đóng góp trong tập đoàn. “Để xảy ra sai phạm, bị cáo hối hận, xin lỗi Đảng, Nhà nước, cán bộ, nhân dân… Dù thế nào đây cũng là khuyết điểm”, ông Dũng nói trước tòa.

Bị cáo khẳng định việc đầu tư không vì động cơ cá nhân, mà chỉ muốn mở rộng đầu tư, dịch vụ hàng hải, tạo công ăn việc làm cho cán bộ. Đáng tiếc kinh tế thế giới suy sụp cuối năm 2008 khiến hàng hải gánh chịu đến tận bây giờ. Điều này không thể thanh minh cho những sai lầm, khuyết điểm, sai phạm của bị cáo.

Tiếp đó, bị cáo Dũng còn đọc 4 câu thơ: “28 năm qua lại trở về/ Với người hàng hải nặng thề năm xưa/ Dưới cờ Đảng nguyện cùng đưa/ Con tàu hàng hải đến bờ vinh quang”. Mong muốn có bài học cho chính mình để làm lại cuộc đời.

Trong lời nói sau cùng, các bị cáo Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn và 7 người còn lại cũng mong muốn HĐXX xem xét tội danh, giảm án.

17h30, chủ toạ Ngô Thị Ánh thông báo sẽ tuyên án với các bị cáo vào 14h ngày 16/12 tới.

Vnexpress.net

Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!

Tag: Bị cáo Dương Chí Dũng , Tham ô , Hối lộ , Vinalines , Xét xử Dương Chí Dũng , Tham nhũng , Đọc thơ