Điểm danh những lý do khiến sinh viên lười học
Thứ sáu, 20/03/2015 14:17

Đại học như là một “thiên đường” với những điều mới lạ khiến nhiều sinh viên mải mê và quên bẵng nhiệm vụ chính của mình. Chính vì lý do lười học dẫn đến kết quả không tốt trong các kỳ thi.

Điểm danh những lý do khiến sinh viên lười học

Điểm danh những lý do khiến sinh viên lười học

Sau đây là những lý do “đẩy” sinh viên vào con đường lười học.

Không ai quản thúc

Tình trạng này xảy ra nhiều nhất ở những sinh viên xa nhà. Khi học cấp 2, cấp 3, các bạn thường được nhà trường, thầy cô, bố mẹ phối hợp cùng nhau để quản lý chặt chẽ chuyện học hành.

Những lý do khiến sinh viên lười học
Ảnh minh họa

Các vấn đề về học tập và hạnh kiểm đều được nhà trường báo lại với phụ huynh để tìm phương pháp giải quyết và tình trạng lười học được đẩy lùi xa hơn. Tuy nhiên khi vào đại học, các bạn phải tự lập cả trong cuộc sống, lẫn học tập và tinh thần tự giác phải rất cao, đặc biệt là những bạn học xa nhà. Thế nên không phải ai cũng thích ứng và bắt nhịp được với sự thay đổi này. Thêm vào đó tâm lý xả hơi sau những năm mài đũng quần trên ghế nhà trường và bố mẹ không còn quản lý trực tiếp nữa nên không ít sinh viên mải chơi dẫn đến lười học, học kém.

Không có phương pháp học tập phù hợp

Ở bậc THPT, các bạn thường được thầy cô dẫn dắt nhiều hơn nhưng học đại học thì khác. Vì số lượng sinh viên đông nên các thầy cô không thể quan tâm đến từng người. Đồng thời học đại học theo phương pháp tín chỉ, phương pháp này đòi hỏi sinh viên phải tự học là chủ yếu.

Điều này khiến cho nhiều sinh viên không tìm ra được phương pháp học tập phù hợp, dần dần mất phương hướng và có tâm lý chán nản, học không vào, thậm chí là mặc kệ đến đâu thì đến.

Mải mê lao vào những thú vui

Khá nhiều sinh viên thường chỉ học khi kỳ thi gần kề còn trong quá trình học thì chỉ mải mê vui chơi và không chịu học tập. Chính môi trường mới với nhiều trò vui chơi giải trí đã kéo một học sinh chăm chỉ, học giỏi thành một sinh viên lười biếng với kết quả học tập… không thể tệ hơn.

Ban đầu thì chỉ nghĩ là mình có quyền hưởng thụ sau những ngày tháng dài chịu áp lực căng thẳng từ kỳ thi nhưng dần dẫn đến mất thăng bằng, không bắt nhịp được guồng quay học tập và bị bỏ lại phía sau.

Ảnh hưởng từ bạn bè

Có đôi khi bạn cảm thấy dằn vặt và tự hứa với bản thân là sẽ học hành chăm chỉ nhưng lại vướng vào “chướng ngại vật” khó lòng vượt qua nổi, đó là bạn bè.

Các hoạt động đi chơi, đi phượt, tình nguyện, buôn chuyện, rủ rê… làm bạn rơi vào vòng quay của bận rộn và những lời mời hấp dẫn khiến bạn không “nỡ lòng” từ chối. Lên đại học, ảnh hưởng của bạn bè đến bạn vô cùng lớn vì không có gia đình, người thân bên cạnh thì bạn bè là những người quan trọng đối với bạn trong cuộc sống.

Nhưng đừng vội đổ lỗi cho bạn bè, chính bạn là người tình nguyện làm điều đó, tình nguyện cho phép mình vui vẻ, bỏ bê nhiệm vụ cao cả mà bố mẹ đã đặt nhiều kỳ vọng.

Mải mê chinh chiến và yêu đương

Khi lên đại học, chính tâm lý “phải có người yêu cho bằng bạn bằng bè” nên nhiều sinh viên đã dành thời gian trau chuốt, tán tỉnh, hẹn hò đến không còn để ý việc học hành.

Tán tỉnh – yêu đương – thất tình – tán tỉnh- yêu đương… dường như là một vòng tuần hoàn không bao giờ chấm dứt và nhiều bạn đã không nhận ra được thời gian dành cho việc yêu đương quá nhiều và bỏ lỡ đi nhiều vấn đề khác.

Bận rộn kiếm tiền

Nhiều sinh viên gia đình khó khăn nên đã lựa chọn cách đi làm thêm để đỡ gánh nặng cho bố mẹ. Vì vậy nên thời gian học sẽ hạn hẹp. Mặt khác đi làm thêm mệt mỏi nên khả năng tập trung học hành cũng bị giảm sút.

Bên cạnh đó, một số bộ phận gia đình có điều kiện nhưng muốn đi làm thêm để tiếp thu kinh nghiệm hoặc vì tiêu xài quá đà nên nợ chồng nợ chất, “khủng hoảng vì tiền” dẫn tới phân tâm, lo lắng.

Mạng xã hội

Sống trong thời đại truyền thông, Facebook, Twitter, Tumblr… dường như đã “ngốn” hết thời gian của bạn. Sáng ngủ dậy vào Facebook, đi chơi check in Facebook, chụp ảnh up Facebook, viết status một ngày chục cái đăng Facebook, trước khi học phải vào Facebook cập nhật thông tin và ngồi vẩn vơ đến tận khi đi ngủ.

Dường như bạn đang sống một cuộc sống mà mọi thứ đều liên quan đến mạng xã hội và bạn lao mình vào đó như một con thiêu thân.

Tâm lý “trẻ không chơi, già đổ đốn”

Các bạn luôn nghĩ mình là người trẻ, mình nên trải nghiệm, nên dấn thân vào những cuộc vui để sau này còn có… kỷ niệm để mà nhớ. Với tâm lý đó, bạn thoải mái tham gia vào các hoạt động của tập thể, của bạn bè mà quên dành thời gian học tập.

“Trẻ không chơi, già đổ đốn” nhưng trẻ không học thì chỉ vài năm sau thôi, lúc bạn chưa kịp già thì bạn đã thực sự rơi vào bế tắc và đổ đốn sớm hơn bạn tưởng rồi.

Tóm lại thì có vô vàn nguyên nhân dẫn đến việc bạn lười học, điểm thấp trong các kỳ thi và nhận được tấm bằng “không đẹp” nếu cứ như vậy suốt những năm tháng trên giảng đường. Bạn hãy tập thói quen ngồi vào bàn là học, lập thời khóa biểu và nghiêm khắc với bản thân. Kiên trì từ chối với những “cám dỗ” xung quanh. Học hành không phải chỉ vì bố mẹ mà học còn vì tương lai bạn sau này.

Theo Baodatviet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: Lối sống trẻ , sinh viên lười học , Sinh viên thời nay