Cuối năm của người già nơi đất khách
Thứ ba, 28/01/2014 15:40

Hồi hương thì chẳng còn bà con họ hàng, ở lại thì phải đối diện với nỗi cô đơn khi xế bóng trên xứ người.

Không phải người già Việt Nam nào trên xứ Mỹ cũng tìm được niềm vui trong tôn giáo

Không phải người già Việt Nam nào trên xứ Mỹ cũng tìm được niềm vui trong tôn giáo

Hằng ngày tôi vẫn dõi mắt vào cái nhiệt kế treo trong phòng sinh hoạt gia đình. Cột đỏ của nhiệt kế vẫn ở mức 13 hay 14 độ C. Khí trời vẫn còn rất lạnh, tôi ngại ra đường đón xe bus đến thăm vài ông bạn thân đang ở trong viện dưỡng lão ở thành phố Westminster của quận Cam (California, Mỹ).

Nhiều lần tôi nhờ đứa con trai, cuối tuần chở tôi bằng xe hơi đi thăm các bạn già, nhưng hai ngày thứ bảy, chủ nhật nó cứ dán mắt vào cái tivi để xem các trận bóng rổ và bóng bầu dục của Mỹ.

Các con lớn, trai gái, đều ở xa, tít mãi xa. Lúc nhỏ, chúng còn quây quần sống với mẹ cha, lớn lên lấy vợ, lấy chồng, đều có một đời sống riêng tư. Tôi ở nhà một mình với đứa con út còn độc thân. Bảy giờ sáng, nó ra xe đến sở làm, chiều tối mới về nhà, nói dại nếu tôi lỡ có đột quỵ vì nhồi máu cơ tim thì chẳng có ai hay biết.

Ông hàng xóm ở cạnh bên là người Mễ Tây Cơ (Mexico). Nhà bên mặt, sau lưng, phía trước đều là sắc dân da trắng. Cửa chính nhà tôi và hàng xóm đều đóng kín suốt ngày đêm. Thỉnh thoảng nhìn thấy nhau, chỉ giơ tay vẫy chào. Chúng tôi ở khu này gần 20 năm qua mà chưa bao giờ chuyện trò với nhau. Đã nhiều lần tôi có cảm giác hình như mình đang bị giam lỏng trong một không gian của tự do.

Tự nhiên, tôi ngước mắt nhìn lên bàn thờ, hai bức ảnh của cha mẹ già, thuở nào, giờ đây biền biệt chia xa. Bức ảnh của người vợ thân yêu, đã 6 năm nay yên ngủ trong lòng đất lạnh.

Cuốn lịch treo tường, mỗi ngày tôi vẫn đều đặn bóc từng tờ. Ba mươi năm sống trên xứ người, được những gì? Mất những gì? Tôi cứ băn khoăn tự hỏi như thế nhưng bao giờ mổ xẻ tường tận vì tôi sợ mà cũng chẳng biết sợ điều gì.

Sáng nay thức dậy sớm, bước xuống nhà, cái nhiệt kế đã chỉ 17 độ C. Vài ngày nữa chắc sẽ ấm hơn. Tôi vui mừng mỉm cười một mình. Cuối tháng 11 dương lịch rồi. Lại sắp đến mùa Giáng sinh, Tết Tây và Tết Ta.

Sau vườn, nụ non trong chậu mai đã đâm chồi. Nắng sẽ hanh vàng và tôi sẽ bắt bus đến thăm các bạn già trú đông trong các viện dưỡng lão ở thành phố Westminster, nơi cộng đồng người Việt cư ngụ đông nhất nước Mỹ. Nếu kể thêm các thành phố lân cận, như Los Angeles, Long Beach, trong khu chu vi khoảng 40 dặm, có lẽ hơn 400.000 người Việt làm ăn, sinh sống tại đây.

Thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt làm đủ mọi loại ngành nghề từ bác sỹ, kỹ sư, luật sư, nhà bác học, nghệ sỹ, thương gia đến bác tài xế, anh cắt tóc, chị tỉa móng tay... Đặc biệt vài năm trở lại đây, đã có một vài khuôn mặt trẻ tham gia chính trị.

Một cộng đồng non trẻ năm nào ngơ ngác bước chân lên đất Mỹ, trong chớp mắt gần 40 năm, đã trở thành một cộng đồng sinh động bậc nhất, mà ngay chính người Mỹ cũng phải kính trọng và nể phục, các cộng đồng di dân khác cũng có chút ganh tị.

Tuổi trẻ Việt Nam ở nước ngoài đã bước những bước vững chắc tự xây dựng cho chính mình và gia đình hướng về một tương lai rực rỡ, và hình như với quá khứ của cha ông, họ ít quan tâm đến.

Ngược lại, tuổi xế chiều của người Việt xa xứ là đề tài nghiên cứu không chỉ cho các nhà xã hội học gốc Việt mà cả các nhà xã hội học bản địa cũng quan tâm không kém.

Một khảo sát của Đại học San Diego (California) kéo dài trong 1 năm với 1.000 gia đình Việt sinh sống ở thành phố San Diego vào cuối thập niên 1980 cho thấy:

Người Việt đang sống với ba thế hệ riêng biệt. Tuổi trẻ, học hành rất tốt, hướng đến tương lai, với ước mơ hòa nhập vào dòng chảy của cuộc sống nơi họ sinh ra hoặc lớn lên. Tuổi trung niên luôn hoài niệm về quá khứ nhưng cố quên, đem tất cả sinh lực làm hai ba công việc, hoặc cố làm thêm giờ phụ trội. Họ cố kiếm tiền để sắm xe, mua nhà và cho con cái ăn học. Với người già, họ hình như mất tất cả, nhiều người còn bị trầm cảm, không muốn suy nghĩ gì.

Chơ vơ trong một buổi sáng cuối tuần, tôi quyết định đón xe bus đến thăm vài ông bạn già đang ở trong viện dưỡng lão gần khu Phước Lộc Thọ, trung tâm của Little Saigon.

Trước cửa viện dưỡng lão trồng rất nhiều hoa, những cây bông giấy rực rỡ trong ánh nắng sớm. Cảnh đẹp mà hoang vắng đến rợn người. Tôi thấp thoáng nhìn thấy có hai chiếc xe lăn. Tôi sải bước nhanh hơn, đó là hai người bạn tôi.

Cứ ngỡ họ đứng đón tôi nhưng một ông bạn lên tiếng: “Không phải chờ ông đâu, tuần rồi thằng con không đem các cháu đến thăm nên tui sốt ruột ra cổng chờ”. Tôi xem đồng hồ, mới hơn 7 giờ sáng. Vừa lúc đó, nghe tiếng thắng xe phía sau lưng, hai đứa con trai của hai người bạn tôi bước đến.

Hai ông bạn không nói gì, ánh mắt chỉ nhìn vào chiếc xe, họ đang đợi lũ cháu nội. Sau vài câu thăm hỏi, một người con trai nói: “Tụi con phải đưa mẹ con chúng nó xuống Sở thú San Diego xem gấu trúc và cá heo làm xiếc. Bye bye bố nghe”. Chiếc xe rồ máy và mất hút ở một khúc quanh đầu đường.

Hai bạn già thẩn thờ nhìn theo, họ lẳng lặng, rướn người lăn chiếc xe trở về phòng.

Theo một thống kê không chính thức, trong cộng đồng người Việt ở miền Nam California có khoảng hơn 15.000 người từ 65 tuổi trở lên. Một số đang ở nhà và một lượng không nhỏ đang ở trong các viện dưỡng lão.

Họ vẫn nhớ về một dòng sông, về góc phố một mảnh vườn, một làng quê, nơi họ sinh ra, lớn lên, trong nhọc nhằn trong bom đạn và đêm đêm quen thuộc với ánh hỏa châu bừng sáng, xa xa tiếng đại bác vọng về. Với nhiều người, mơ ước cuối đời là được sống và được chết trên quê hương yêu dấu. Chỉ vậy thôi.

Motthegioi.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: Việt Kiều , Đất khách quê người , Bơ vơ nơi đất khách , Người Việt xa xứ