“Cò” xuất khẩu lao động quay quắt dân nghèo
Thứ tư, 22/05/2013 10:11

Vì muốn đổi đời, nhiều nông dân phải thế chấp, cầm cố nhà cửa để có tiền đi xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Nhiều nông dân nghèo trở thành nạn nhân của “cò” XKLĐ

Nhiều nông dân nghèo trở thành nạn nhân của “cò” XKLĐ

Nhưng con đường kiếm sống của họ không suôn sẻ như những gì một số doanh nghiệp XKLĐ quảng cáo... 

Nạn nhân của “cò”

Theo đánh giá của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), có 67 DN XKLĐ của Việt Nam được Đài Loan cấp phép cung ứng lao động. Số DN này đã thành lập trên 240 chi nhánh, cơ sở đào tạo, văn phòng giao dịch để tuyển lao động. Đáng chú ý là phần đông DN Việt Nam cho các tổ chức, cá nhân Đài Loan mượn tư cách pháp nhân, thông qua các đầu mối nói trên tuyển chọn lao động trái quy định. Vì giao khoán toàn bộ nên nhiều DN không kiểm soát được hoạt động của họ, bao gồm cả công tác tuyển chọn, đào tạo, quản lý lao động ở nước ngoài và việc thu phí trước khi đi. Hậu quả của việc tiếp tay cho “cò” đã đẩy mức phí của lao động Việt Nam sang Đài Loan lên đến 5.600 - 6.000 USD/người, cao hơn chi phí sang các nước khác rất nhiều.

“Cò” XKLĐ hoạt động như thế nào? PV đã tìm hiểu đường đi nước bước của “cò” thông qua lá đơn tố cáo của một nông dân ở tỉnh Thái Bình. Trong đơn, ông Nguyễn Đức Kiệm cho biết: con gái ông là Nguyễn Thị Lan được ông Dương Đình Ngọc, Giám đốc Trung tâm XKLĐ MITRACO (địa chỉ tại Lô 18, Đ7, Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) làm thủ tục để đi XKLĐ tại Đài Loan. Tuy nhiên, trung tâm của ông Ngọc không trực tiếp đưa chị Lan đi XKLĐ mà được “bán” sang cho Công ty SONA (34 Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Ngày 27/4/2012, ông Kiệm nộp cho ông Ngọc 1.000 USD (tiền đặt cọc). Tiếp đến, ngày 15/5/2012, ông Kiệm lại nộp tiếp cho ông Ngọc 5.300 USD. Sau hai lần nộp, tổng số tiền ông Kiệm nộp là 6.300 USD. Các lần nộp tiền, ông Ngọc dùng giấy biên nhận tiền với tên gọi “Giấy giữ hộ tiền” để giao dịch. Tuy ông Kiệm nộp số tiền là 6.300 USD, nhưng ông Ngọc yêu cầu ông Kiệm khi lên SONA chỉ nói là nộp 6.100 USD.

Ngày 21/5/2012, chị Lan bắt đầu đi làm việc tại Đài Loan, bất ngờ ngày 20/6/2012, phía DN Đài Loan chấm dứt hợp đồng và cho chị về nước mà không nêu rõ lý do. Viết trong bản tường trình, chị Lan cho biết: “Trong thời gian làm việc tại Đài Loan, tôi cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao, không vi phạm bất cứ nội quy, quy định nào. Ngày 20/6, họ bảo tôi về ký túc xá thu dọn đồ đạc để về nước mà không nêu rõ lý do…”.

Khi con gái về nước, ông Kiệm lên Công ty SONA để hỏi lý do, nhưng không được phía công ty giải thích. Công ty SONA thanh toán số tiền còn lại cho ông Kiệm là 4.900 USD và 800 USD tiền đặt cọc. Như vậy, qua hai lần “môi giới”, ông Kiệm bị phía SONA và “cò” ăn chặn tổng số tiền là 600 USD. Tuy không vi phạm hợp đồng, nhưng chị Lan còn bị phía SONA phạt thêm 500 USD nữa. 

Theo ông Kiệm, hoàn cảnh của Lan rất khó khăn. Lan hiện có hai con nhỏ và đã ly thân với chồng. Thương cho hoàn cảnh của con gái, ông Kiệm chạy vạy vay mượn bạn bè, anh em, ngân hàng… để con gái đủ tiền đi XKLĐ. Không những không đổi đời được, mà sau lần XKLĐ “bất thành”, con gái ông Kiệm mang thêm một khoản nợ là hơn 22 triệu đồng.

“Cò” được doanh nghiệp tiếp tay?

Câu hỏi đặt ra là ông Dương Đình Ngọc là ai mà có thể đứng ra tuyển lao động, thu tiền để nộp cho SONA? Theo tìm hiểu của phóng viên, vào năm 2008, ông Ngọc cũng tự xưng là người của Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (MITRACO) để đứng ra tuyển lao động đi làm việc tại Đài Loan. Thực chất MITRACO đã ký hợp đồng liên kết tuyển dụng, đào tạo và cung ứng lao động xuất khẩu với ông Ngọc để tuyển lao động. Điều đáng nói là, hợp đồng trên hoàn toàn trái với các quy định hiện hành.

Sau khi báo chí phản ánh, MITRACO đã tiến hành lập đoàn kiểm tra xem xét việc ký kết hợp đồng giữa Công ty đầu tư XKLĐ (thuộc MITRACO) với ông Dương Đình Ngọc. MITRACO đã chỉ đạo Công ty đầu tư XKLĐ và các cá nhân liên quan chấm dứt ngay việc thực hiện hợp đồng liên kết với ông Dương Đình Ngọc. Ngoài ra, Công ty thu thập các tài liệu, hồ sơ có liên quan đến người đi xuất khẩu lao động để xử lý các phát sinh và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đồng thời không được để xảy ra những việc sai trái tiếp theo có liên quan đến hoạt động XKLĐ.

Để có thông tin khách quan, ngày 26/4/2013, PV đã có buổi làm việc với ông Phạm Quang Huy, Trưởng phòng XKLĐ Đài Loan, nhưng ông Huy cũng chỉ tiếp nhận nội dung phản ánh để báo cáo lên lãnh đạo Công ty và hứa sẽ sắp xếp lịch tiếp. Tuy nhiên, đến nay (13/5) phía Công ty SONA vẫn chưa có thông tin phản hồi.

Không hiểu vì sao năm 2008, ông Ngọc bị phía MITRACO cắt hợp đồng nhưng đến năm 2012, ông Ngọc vẫn mang “mác” là MITRACO để đi tuyển lao động cho phía SONA. Dư luận nghi ngờ rằng có sự tiếp tay của DN cho “cò” XKLĐ “quay” dân nghèo.

Nhóm PV

Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương

Tag: Nông dân đi XKLĐ , Xuất khẩu lao động , Cò Xuất khẩu lao động , Cò XKLĐ , Lao động ở nước ngoài