Có một chợ nổi trên sông Đà
Thứ hai, 09/01/2012 13:59

Sự góp mặt của 20 chiếc thuyền buôn, mỗi chiếc trọng tải cả trăm tấn, hàng nghìn mặt hàng đã ngược thác Đà giang.

Cũng như những đại siêu thị ở thành phố, khi Tết đến xuân về, những chủ buôn cũng có kế hoạch gom hàng dự trữ để phục vụ những bản làng xa xôi của cửa ngõ Tây Bắc.

Cấy hàng đợi Tết

Cái cảnh bán, mua làm cho những bản làng ven sông bớt đi khó khăn, thiếu thốn. Trước kia không có tàu chợ đường sông, dân làm suốt ngày đói vẫn hoàn đói, ngô chẳng có mà ăn đủ no. Bởi làm mỗi thứ một tí, không tập trung vào chuyên canh. Bây giờ có chợ rồi, mua phân bón cũng dễ, mua gạo cũng tiện, chẳng còn nhà nào phải thiếu dầu thiếu muối nữa. Đúng là có chợ tiện đủ đường!

Bao giờ cũng thế, trước Tết âm lịch khoảng 2 tháng, những nhà buôn ngược sông Đà lại chuẩn bị lưng vốn, nhập rồi cấy hàng Tết vào những bản làng ven sông, nơi họ đã nhiều năm mở chợ.

Ông chủ tàu Thìn -Thơm, là người có mặt từ những ngày đầu khai dòng chợ sông Đà. Trước giờ xuất bến cảng Bích Hạ ở chân đập thuỷ điện Hoà Bình, ông tâm sự: "Dân thành phố thì bán hàng kiểu tiền trao, cháo múc, còn cánh tớ ở trên này muốn bán hàng được thì nhiều khi phải bấm bụng cho bà con chịu vài ba tháng. Bây giờ bọn tớ xác định chỉ là mùa đi cấy thôi, đợi Tết đến mới có cái mà gặt, cũng may đã buôn bán nhiều năm, cả người bán, người mua đều quen tính biết nết nhau nên cũng không phải chắc lép với nhau. Tập quán của đồng bào vẫn rất trung thực, lại không muốn mắc nợ khi năm hết, họ có thể mua chịu ký sổ cả năm nhưng đợi đến mùa ngô, hay cuối năm bán con trâu, con bò có tiền là mang trả, chứ ít "bùng" lắm".

Ông Thìn bán hàng từ khi còn dùng thuyền gỗ, phải đi khảo sát xin phép với những xã ven sông, để mua giấy phép mở chợ. Bây giờ ông đã có tàu dài tới 30m rộng 4m, chia làm 3 tầng, khoang dưới thì cho thuê để những người bán hàng tiêu dùng với những mặt hàng đầy đủ như một cái chợ, từ quần áo thực phẩm, giầy dép, thuốc lào, thuốc tây... Tầng 2 thì bán đồ điện tử máy móc, tính sơ sơ cũng có đến vài tỉ tiền hàng trên tàu. Còn tầng 3 để nhà tàu sinh hoạt.

Cứ một tháng, đoàn tàu chợ sẽ đi 3 vòng, khởi hành vào ngày 8 dương lịch, mỗi vòng kéo dài 7 ngày cả đi cả về cũng đến 400 km, đi qua khoảng 11 điểm chợ khác nhau.

Chợ cướp và đại chợ

Tiếng lợn kêu eng éc, báo hiệu một ngày chợ mới bắt đầu. Sau vài lần vấp ngã, khi gặp những bao hàng đang được bà con đi chợ bỏ ra lối đi, để cửu vạn cõng lên bờ, tôi cũng ra được đến mũi tàu, đã thấy hai bác "batoa", (một quê Nam Định, một quê Phú Thọ) làm thịt những chú lợn trắng hếu, vứt oạch lên phản thịt. Những cửu vạn theo tàu "chung thân" cõng những bao hàng lao  như xung trận lên bờ. Còn những người đi chợ ai cũng khẩn trương trải bạt, cắm cọc để nhanh chóng bày hàng ra bán. Những người bán gạo toả lên theo đường mòn đón khách đến đong gạo...

Vừa treo quần áo lên móc, chị Phương quê Hải Hậu, Nam Định nói: "Từ hôm nay là vất vả rồi, mở đầu chợ Tuổng, chỉ là chợ lẻ thôi, cả ngày họp 3 chợ, hết chợ Tuổng thì mới đến giờ ăn sáng, 11h trưa thì họp chợ Đá Mài, đến 3h chiều thì họp chợ Sao Tua. Đây chỉ là chợ cướp (họp rất nhanh). Phải hai ngày nữa lên Pắc Ngà, Là Giòn mới là đại chợ cơ, vui lắm".

Chỉ sau chưa đến 15 phút đã có khoảng 60 ô căng bạt bày bán đủ các mặt hàng.

Cô bé Trinh mới 17 tuổi, đi được mấy tháng đã bập bẹ trả lời bằng tiếng dân tộc khi có khách hỏi mua hàng. Những tiếng "on thoong, thoong xít" cô phát ra làm tôi chẳng hiểu gì. Đợi cho bà khách đi rồi, Trinh mới nói với tôi: "Cháu bảo bà ấy là: Su su 12 nghìn một cân, bắp cải 10 nghìn đồng/cây, còn tóp mỡ thì 40 nghìn /kg, bà ấy bảo đắt hơn lần trước nhưng tí nữa bà ấy sẽ quay lại lấy, mặc cả nó thế mà". Đúng là chợ cướp họp nhanh nhưng cũng tan mau, làm cho lượng hàng trên tàu cũng không bớt đi là mấy.

Sau 3 ngày kiểu vừa bán hàng vừa chạy thì đoàn tàu buôn đổ về Pắc Ngà. Đây là chợ đại đầu tiên của dân đường sông thuộc địa phận huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. 20 chiếc tàu buôn  đã tạo thành một chuỗi siêu thị nổi, điện sáng rực, kéo theo hàng trăm thuyền lớn nhỏ của cả vùng khoảng 30km đường sông như: Trường Hoà, Trường Trăm, có những người đi bộ 40km đường rừng để tới họp chợ, làm cho lạch sông Pắc Ngà tấp nập với cảnh trên bến đưới thuyền.

Cô Lan bán thuốc tây như người "lên đồng" vì liên tục phải "phát sóng" hỏi bệnh và bán thuốc bằng tiếng Thái, Mông, Mường. Anh Vinh bán thịt thì một lúc lại bị đứt quãng, bởi đang bán hết hàng, đành bỏ dở để đi thịt con lợn nữa. Anh Tư bán gạo mình đầy mô hôi và gắt với chị Lương vợ mình, do trèo lên tụt xuống khoang vác gạo lên bờ cho nhiều ”anh Tỷ” quá (Tỷ là tên gọi chung của đàn ông người Mông, theo cách của những người trên thuyền buôn).

Chị Phương thì liên tục phải hướng dẫn những người thử quần, áo và luôn tay đút những cái áo, cái quần vào túi xách cho bà con vùng cao ở đủ mọi lứa tuổi. Nhưng có lẽ sướng nhất phải là mấy ông chủ tàu, bán đồ điện tử,  đồng bào cứ lũ lượt lên tàu cõng ti vi, tủ lạnh, đầu kỹ thuật số buộc vào xe máy leo ngược núi về bản.

Không chỉ có những người bán hàng mừng ra mặt, mà những người mua hàng cũng vui không kém, bởi 10 ngày mới có một lần mở chợ nên ai cũng cố mua thật nhiều, ngắm cho thỏa thích. Dắt tay bà vợ ra chợ, ông Giàng A Lính ở bản Kinh Nhẩy, xã Chim Muôn, Phù Yên năm nay đã 66 tuổi, sau một điệu khèn dập dìu, ông hồ hởi nói: "Được đi chợ thích chứ, từ bé không được đi chợ bao giờ mà, mãi đến năm 1993 mới có chợ. Từ đó vợ chồng tao hôm nào cũng đi". Không chỉ hay ra chợ mà cả cái cách tiêu tiền của người vùng cao Tây Bắc bây giờ cũng thay đổi. Trước kia, đồng bào ở đây đã ra chợ thì phải tiêu hết tiền mang theo mới về, còn bây giờ thì khác. Sau khi mua 2kg thịt và đút số tiền còn lại của mình vào túi, đáp lại lời mời mua nữa, anh thanh niên Giàng A Khóa nói: "Phải học người Kinh chứ, tiêu khát nước như ngày xưa thì làm gì còn tiền mà buổi sau ra chợ. Tao chỉ mua thế này thôi, chợ sau mày lên tao còn có tiền mua chứ!".

Thói quen vét túi mỗi khi xuống chợ đã không còn, nhưng với họ, xuống chợ vẫn phải ăn phở và uống nước giải khát có đá. Đây là những món có thể nói là khoái khẩu đối với người vùng cao tại chợ Pắc Ngà. Tôi ngồi ăn phở cùng với những người phụ nữ dân tộc Mông đến từ Trường Chăm, cách cái chợ họp bên sông heo hút ấy những 30km. Ai sau khi ăn hết bát phở cũng xin thêm nước dùng và bỏ ra một bọc cơm nguội mang theo để ăn tiếp. Một chị có tên là Nhệnh nói: "Ăn phở thì ngon lắm nhưng một bát thì không no đâu, phải ăn cả cơm của mình mang theo nữa thì về bản mới không bị đói chứ!".

GiadinhNet
Tag: Chuyện nghề nghiệp , Chợ nổi , Sông Đà , Mưu sinh , Tết Nguyên đán , Chợ quê