Chị là người tìm ánh sáng cho cuộc đời em, tựa như người mẹ thứ hai giúp em không đi lạc đường.
|
Em không thể nào quên được cái ngày hôm ấy (đầu tháng 9-2007). Khi vừa bước chân vào cổng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, trong lần khám sức khỏe đầu năm em mới biết mắt bên trái của mình đã vô dụng hoàn toàn. Khi ấy người đầu tiên em nghĩ đến là chị.
Ngay sáng hôm sau chị đèo em lên thẳng Bệnh viện Mắt T.Ư. Cả một ngày trời đánh vật với các loại giấy tờ, chụp chiếu, đo nhãn áp, đo thị trường... Và kết quả là một cú sốc giội xuống đầu em khi bác sĩ thông báo: “Mắt bên trái cháu đã mù, còn mắt bên phải gần mù”.
Khi đó em loạng choạng, đổ gục như cái cây bị đốn gốc. Dường như trước mắt em chỉ còn là con số 0 tròn trĩnh. Chị đứng bên, không khóc mà nắm tay em nói khẽ: “Đứng lên em, có chị đây”. Bác sĩ nói thêm: “Lúc này mắt bên phải giữ được hay không là do bản thân cháu”. Trang nhật ký đời em ghi một vệt đen kể từ ngày đó...
Em đã không thắng được mình, sự chán nản khiến hai học kỳ đầu tiên của năm thứ nhất bết bát với nhiều môn thi lại và học lại. Đối mặt với cú sốc quá lớn của cuộc đời mình, em như trở thành một con người khác, yếu đuối, phó mặc và buông xuôi tất cả. Chị không khóc nhưng em biết chị rất đau: “Em đau một thì chị đau mười”.
Em không dám tin một cậu con trai vốn lành lặn như mình lại có thể trở thành tàn phế như thế (do hồi học lớp 12 em bị cảm nên ảnh hưởng đến dây thần kinh, phần vì dùng thuốc nhỏ mắt tùy tiện). Em ốm gần một tháng trời. Nhưng em không thể trốn chạy bản thân vì có một đôi bàn tay đã đến bên em, nâng em đứng dậy - đó là chị!
Chị nhẹ nhàng nói: “Còn nước còn tát, lúc này cần nhất là nghị lực của em”. Em cứ quay quắt với câu hỏi liệu mắt bên phải còn sáng đến bao giờ. Chị đã trả lời em rất dõng dạc: “Đến khi nào là do em!”. Em bắt đầu đứng dậy từ sau câu nói ấy của chị.
Chị vất vả đưa đón em đi học. Ngồi sau xe chị, em thấy mình như kẻ bất tài, vô dụng. Nhưng rồi dần dần em tìm được cảm giác ấm áp, yên tâm vì lúc này chị như “tay vịn” cho em đi đúng đường. Mỗi lúc em chán nản, muốn bỏ học thì chị lại ở bên động viên, tiếp thêm sức mạnh cho em. Bóng tối như muốn chặn con đường em đang đi. Và chính chị đã “xé toạc” thứ bóng tối đen ngầu ấy cho em bước tới.
Vậy mà có những lúc em cáu gắt với chị: “Dù sao hai chị vẫn sướng hơn em. Em chỉ cần hai mắt đều sáng thì sẽ đánh đổi hết, chẳng cần đại học làm gì nữa, làm thuê cả đời cũng được còn hơn phải sống trong bóng tối thế này”. Chị dứt khoát: “Em nghĩ sẽ làm gì khi không có học?”. Nếu không có những câu nói như thế của chị thì chắc em đã đầu hàng số phận rồi.
Những khi mắt trái lên cơn co giật, đau nghiến nhưng em vẫn cố nín chịu. Đôi mắt em nhắm nghiền vì không muốn để chị nhìn thấy những giọt nước. Nhưng chị biết, mỗi lần như thế chị lại an ủi: “Chỉ vài giây thôi rồi sẽ hết đau”. Lúc này thật sự ánh sáng là một điều xa xỉ đối với em. Trong tâm hồn em đã có những hạt sạn hèn yếu len lỏi. Nhưng chị trở thành “bác sĩ tâm lý” của cuộc đời em lúc nào chẳng hay. Trong bữa cơm, chị nhắc khéo em vị trí món nọ món kia, vì khoảng nhìn mắt còn lại của em cũng rất hẹp. Chị biết em thích đọc sách nhưng chỉ một lúc là mắt em đau nhói. Thế là chị đọc, em nghe. Dẫu cổ họng chị đã nghẹn khô lại, giọng khản đặc nhưng miệng chị vẫn tủm tỉm cười khi nhìn em. Trong thứ ánh sáng lờ mờ, em vẫn nhận ra nụ cười của chị thật đẹp. Trong cuộc sống thường nhật, từ việc tiết kiệm mớ rau đến chút thức ăn, chị lồng ghép để vực em dậy: “Không nên bỏ phí một cái gì, còn tận dụng được thì phải giữ”. Em hiểu chị muốn nói với em rằng phải trân trọng thứ ánh sáng nhỏ nhoi còn lại và đừng bỏ cuộc!
Chị vẫn thường tìm kiếm những thông tin trên mạng về việc chữa mắt cho em: “Không lâu nữa đâu y học sẽ giúp em có đôi mắt sáng”. Những niềm tin nho nhỏ chị nhen nhóm cho em cứ từng ít một - nhưng đó là thứ niềm tin quan trọng nhất lúc này đủ giúp em không gục ngã. Hi vọng càng lớn hơn khi bác sĩ chẩn đoán nhãn áp bên mắt phải ổn định, dùng thuốc đều đặn ngày bốn lần thì sẽ giữ được. Từ đó chị như cái đồng hồ báo thức của em, buổi sáng, trưa, chiều, tối, cứ đúng giờ chị lại nhắc em nhỏ thuốc.
Gần năm năm trôi qua, chị đã “đánh vật” với sự nhụt chí, buông xuôi của em. Chị đã cứu vãn ánh sáng cuộc đời em như thế. Tháng 5 tới em bảo vệ đồ án tốt nghiệp rồi chị ơi! Chị đã dạy em biết bằng lòng và trân trọng những gì đang có. Để rồi ngày hôm nay em có được những giải thưởng và học bổng như là món quà em dành tặng chị.
Nhờ có chị, em đã nhận ra mình may mắn hơn nhiều người. Chị nói đúng, không ai chọn được số phận của mình thì hãy đứng dậy và đi tiếp, bởi không đi thì làm sao đến đích!
Có lần chị bảo: “Em phải có trách nhiệm với chính bản thân mình”. Em hỏi lại: “Em phải làm gì lúc này khi đã như kẻ vô dụng?”. Chị đặt tay lên vai em: “Chỉ cần em có quyết tâm thì mọi thứ sẽ qua. Trong cái rủi có cái may, không ai lấy đi của em tất cả đâu”. Vì tin như thế nên em càng phấn đấu, sự kiên cường được mài giũa từ những lần đối mặt với lời cảnh báo của bác sĩ, với đều đặn mỗi tháng một lần khám định kỳ, với những lọ thuốc mỗi ngày bốn lần nhỏ vào mắt...
- Lừa đảo cận Tết ngày càng tinh vi, chủ tài khoản ngân hàng cần làm ngay việc này để tránh bị 'bay' sạch tiền
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 bắt đầu từ ngày nào?
- Khu đô thị nào có giá cao nhất Hà Nội, lên tới 113 triệu đồng/m2?
- Từ nay ai dùng căn cước công dân theo cách này có thể bị xử phạt lên tới 6 triệu đồng
- Cầu thủ Nguyễn Xuân Son là ai? Cơ duyên nào đưa Nguyễn Xuân Son đến với đội tuyển Việt Nam?
- Năm 2025: Người lao động có bao nhiêu ngày nghỉ lễ, Tết?
- Ngành nào có thu nhập cao nhất Việt Nam?
- Thời tiết dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025: Miền Bắc đón 2 đợt không khí lạnh, cụ thể ra sao?