Chạy đua giành quyền đăng cai tổ chức ASIAD 18: Nên, không nên?

Chỉ còn hơn 7 tháng nữa, cuộc chạy đua giành quyền đăng cai tổ chức ASIAD 18 sẽ cán đích và dư luận bất ngờ nóng lên khi xuất hiện những ý kiến trái ngược nên, không nên Việt Nam chạy đua đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất châu Á này.

Cú hích lịch sử?

Thật ra ý tưởng và quá trình triển khai cuộc chạy đua nhằm giành quyền đăng cai tổ chức ASIAD 18 đã được ngành TDTT cùng Ủy ban Olympic Việt Nam triển khai từ năm 2010 và được Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương. Cũng vào thời điểm đó, Ủy ban Olympic Việt Nam có công văn chính thức gửi OCA (Hội đồng Ủy ban Olympic châu Á) bày tỏ nguyện vọng xin được tham gia vận động đăng cai Đại hội thể thao bãi biển - ABG 5 năm 2016 và ASIAD 18 năm 2019. Tới tháng 11/2010, OCA đã chính thức trao quyền đăng cai tổ chức ABG 5 cho Việt Nam, riêng ASIAD do thay đổi về thời gian tổ chức (bắt đầu chỉ tổ chức vào các năm lẻ kể từ 2019 và được xem là để thể thao châu lục chuẩn bị cho Olympic) nên việc xác định nước chủ nhà theo thông báo của OCA sẽ được thông báo tại phiên họp toàn thể tổ chức ở Macau vào tháng 11 tới.

Có thể thấy, luồng ý kiến “nên” đang thuộc về các nhà quản lý thể thao hiện tại. Theo ông ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam  - người được xem như “kiến trúc sư” của thể thao Việt Nam thời hội nhập đấu trường quốc tế - thì việc đăng cai ASIAD sẽ đóng vai trò là một “cú hích lịch sử” bởi đây không chỉ là cuộc biểu dương sức mạnh về thể thao mà còn là cơ hội tốt để giới thiệu về sự phát triển của đất nước, quảng bá văn hóa và phát triển du lịch nhằm nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Nhiều công trình phục vụ AI Games 2009 bị xếp xó sau thời điểm giải bế mạc.

Trong cuộc chạy đua này, Việt Nam cũng đang có những lợi thế lớn. Về khách quan, sau khi Malaysia, Ấn Độ, Hồng Kông chính thức rút lui mà nguyên nhân chung đều là gánh nặng quá lớn về kinh phí tổ chức, thì Việt Nam chỉ còn phải đua với 3 đối thủ là: Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Đài Loan cùng Indonesia. UAE có tiềm lực về tài chính, nhưng thiếu hệ thống cơ sở vật chất thể thao đồng bộ. Đài Loan cũng không nhiều cơ hội bởi khu vực Đông Á khó giành quyền tổ chức 2 kỳ đại hội liên tiếp khi ASIAD 17 sẽ diễn ra tại Incheon (Hàn Quốc) vào năm 2014, còn Indonesia khó so sánh với Việt Nam về sự ổn định trên nhiều mặt.

Ngoài ra, việc OCA giảm bớt các yêu cầu thì hệ thống cơ sở vật chất phục vụ thi đấu tại Hà Nội (địa điểm chính) cùng các địa phương vệ tinh hiện khá đầy đủ (theo tính toán của đề án, chúng ta chỉ cần xây mới từ 2 đến 3 công trình mới như sân đua xe đạp lòng chảo, trung tâm đua thuyền, bóng chày, bóng bầu dục, squash... còn lại chỉ là duy tu, bảo dưỡng và nâng cấp), nên theo tính toán của các nhà quản lý thì kinh phí tổ chức sẽ giảm tới mức “rẻ” bất ngờ - 3.150 tỷ đồng, tương đương 150 triệu USD, chỉ bằng 1/10 kinh phí mà Trung Quốc đã bỏ ra cho ASIAD 16 năm 2010. Đó là chưa nói đến việc, với tư cách chủ nhà, chúng ta còn thu được khoảng 30 - 50 triệu USD từ bản quyền truyền hình và các thương quyền marketing khác...

Không tốn nhiều và lại được... quá nhiều, không riêng gì cho thể thao, vậy thì tại sao mà không “nên” ?

Không nên bởi... quá sớm ?

Bạn có biết?

Việt Nam dự kiến tổ chức 35 môn thi đấu (trong đó có 26 môn Olympic bắt buộc) tại ASIAD 18 với sự tham gia của 11.000 HLV, VĐV đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á. Thời gian dự kiến tổ chức Đại hội vào khoảng tháng 11 hoặc 12 năm 2019, kéo dài trong 16 ngày. Thành phố Hà Nội, đơn vị đăng cai tổ chức chính và các môn thi đấu được phân bổ các tỉnh vệ tinh như: Ninh Bình, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên...

Nguyên nhân trước hết chính là thực trạng và trình độ chuyên môn của thể thao Việt Nam trên bản đồ thể thao châu Á. Đứng ở tốp đầu khu vực, nhưng vào lúc này, thể thao Việt Nam mới chỉ ở mức tiệm cận với mặt bằng chuyên môn châu lục. Bằng chứng là sau 6 lần tham dự, thành tích tốt nhất cũng chỉ là 4 HCV cùng hạng 15/45 chung cuộc. Và người hâm mộ nước nhà chưa ai quên, vụ “săn vàng” đến chóng mặt tại Quảng Châu 2010, khi chỉ nhờ đến sự tỏa sáng bất ngờ của nữ võ sỹ karatedo Lê Bích Phương mới thoát khỏi cảnh trắng tay. Hơn thế, việc chỉ trong có 7 năm nữa để có thể đào tạo ra lứa VĐV đủ sức tranh chấp toàn diện ở tầm châu lục là hoàn toàn không thể. Mà với tư cách chủ nhà, nếu không thành công ngay trên sân nhà sẽ là cái kết cục khó chấp nhận.

Bên cạnh đó là khả năng quản lý, tổ chức còn yếu của chính bản thân ngành TDTT khi hiện phải nằm trong cơ cấu chung của một bộ đa ngành. Bài học về việc tổ chức Đại hội thể thao trong nhà châu Á - AI Games 3 năm 2009 còn chưa hề nguội. Cũng là đại hội thể thao chính thức của châu lục lần đầu được tổ chức tại Việt Nam, nhưng rõ ràng, hiệu quả của AI Games mang tới cho chính sự phát triển của ngành TDTT là quá ít. Cả một cái Cung thi đấu điền kinh Mỹ Đình được xây mới hoành tráng tới nay chẳng tổ chức thêm giải đấu nào đúng với công năng, chức năng; hay một Trung tâm báo chí hoành tráng luôn vắng hoe; hoặc nhiều môn cùng đội tuyển thể thao lạ lẫm lần đầu được tổ chức, thành lập để tham dự đại hội sau đó... giải tán luôn. Đó là chưa kể đến việc, ngay sau kỳ AI Games ở Việt Nam, OCA cũng quyết định... xóa xổ luôn cái sân chơi này bằng cách nhập luôn với Đại hội thể thao võ thuật để thành sân chơi mới - Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á!

Cuối cùng là chuyện tiền. Con số 150 triệu USD đang bị chính giới quản lý thể thao trong nước nghi ngờ là không thể đủ để tổ chức một Đại hội tầm cỡ như ASIAD, chưa kể đến các yếu tố gây trượt giá trong tương lai. Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế khó khăn mà tất cả các lĩnh vực đều phải thắt chặt chi tiêu nhằm giảm tải cho ngân sách thì việc Nhà nước phải chi quá nhiều tiền cho một kỳ Đại hội thể thao liệu có là cần thiết. Cũng cần phải nói thêm rằng, ASIAD lúc này không còn là cái mục tiêu hấp dẫn với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ tại châu lục trước gánh nặng quá lớn về kinh phí tổ chức. Ngay cả việc là chủ nhà sân chơi này cũng chưa hẳn đã thúc đẩy nền thể thao quốc gia phát triển mà Thái Lan - quốc gia giữ kỷ lục với 4 lần tổ chức, là một minh chứng.

Nên, không nên, tưởng tượng về tương lai (2019 nghĩa là còn tới 6-7 năm nữa) hay thực tế với hiện tại có lẽ còn là câu chuyện dài. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, sự phát triển bền vững của nền thể thao Việt Nam không nên và không thể trông đợi từ những “cú hích” từ bên ngoài.