Việc 3 cây sưa cổ thụ bị đốn hạ ngay tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho thấy đã, đang và còn có khoảng trống - sự thưa vắng của pháp luật trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp.
|
“Sưa” - tiếng địa phương ở bắc miền Trung còn có nghĩa "thưa vắng”. Việc ba cây sưa cổ thụ bị đốn hạ ngay tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và sự phản ứng chậm chạp rất có “vấn đề” của cơ quan chức năng, đến thời điểm này một lần nữa cho thấy đã, đang và còn có khoảng trống - sự thưa vắng của pháp luật trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp.
“Cái chết” của một “thủ phủ”
Như chúng tôi đã đề cập trong kỳ trước, đã gần 1 tháng kể từ ngày 3 cây sưa ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng bị đốn hạ, dù chính quyền địa phương đã vận động, thậm chí ngăn cấm, nhưng những ngày này vẫn có hàng trăm người dân ở các xã Phúc Trạch, Xuân Trạch, Lâm Trạch... của huyện Bố Trạch cùng hàng trăm “người lạ” đến từ các tỉnh khác đổ xô vào rừng.
Một phần của 3 cây gỗ sưa - chủ yếu là cành, ngọn - bị đốn hạ ở Hưng Trí (ảnh do người dân cung cấp).
“Bây giờ người dân vào rừng để tìm vận may là chính chứ vận chuyển thì chẳng ai thuê nữa, do tình hình đang rất căng nên các đầu nậu đã giấu gỗ, ép quân chờ cơ hội” - anh C - một người dân ở thôn 1, xã Phúc Trạch - nói với chúng tôi tại bìa rừng sáng 10/5 với bộ dạng mệt mỏi, quần áo te tua.
Cùng với 5 người khác trong thôn, C đã lội đúng 5 ngày trong rừng, chủ yếu là bán kính 500m trong khu vực Hưng Trí - khu vực 3 cây sưa bị hạ - để truy lùng dấu tích số gỗ đang được cất giấu, để mót gỗ sưa mà thiên hạ nghe nói có tới 2 hộp còn nằm đâu đó trong rừng và tìm cây sưa mới... “Chúng tôi không tìm thấy được chi ngoài... người và người” - anh C trào lộng. Chúng tôi thắc mắc: “Không tìm được chi răng mọi người không ở nhà mà cứ đổ xô vào đó?”. C cười: “Trước đó, ở trong làng có một số người gùi thuê và mót sưa kiếm được tiền trăm triệu, nên ai cũng ham”.
Dù Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được mệnh danh là "thủ phủ" gỗ sưa, nhưng khi thông tin về 3 cây sưa cổ thụ nói trên bị đốn hạ và xẻ thành 300 phách, với số lượng gỗ lên tới 30m3, nhiều cán bộ kiểm lâm và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng bán tín bán nghi. Ngay cả việc mới đây, ngày 7/5, Đội kiểm lâm cơ động Quảng Bình bắt giữ được 5 hộp gỗ sưa được cho là một phần của 3 cây sưa nói trên, vẫn có nguồn tin cho rằng có thể đó là sưa được vận chuyển từ Lào về, chứ vườn Phong Nha - Kẻ Bàng làm gì còn sưa lớn đến vậy.
Ông Phạm Hồng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình - nhớ lại: “Cách đây 10 năm, thông tin chúng tôi nắm được thì gỗ sưa giá rẻ còn thua cả gõ, mun... nhưng lực lượng kiểm lâm khi đi bắt gỗ lậu lại thu được toàn gỗ sưa. Sau điều tra mới biết là người dân lâu nay vào rừng chủ yếu khai thác gỗ sưa vì thời điểm đó đã được bán ký qua Trung Quốc với giá tiền triệu. Thời điểm đó, chính Quảng Bình là một trong những địa phương đầu tiên đề nghị với Bộ NNPTNT đưa gỗ sưa vào danh sách quý hiếm để bảo vệ”.
Nhưng cây sưa vẫn không được bảo vệ như mong muốn bởi nhiều lý do. Tay “lâm tặc” mà chúng tôi đã kể cho bạn đọc nghe trong kỳ trước, vốn là một người chuyên đi khai thác trộm gỗ sưa trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng kể rằng: “Từ 3 năm nay, tui không còn đi nữa vì gỗ sưa... đã bị chặt trộm hết từ lâu lắm rồi. Còn chuyện tìm thấy 3 cây sưa nghìn tỉ, tui nghĩ đó là chuyện hy hữu, kiểu như trúng số. Bây giờ gỗ sưa ở Phong Nha - Kẻ Bàng chỉ còn gốc và rễ. Ngày trước, sưa còn nhiều và giá sưa chưa cao tới mức mấy chục triệu một ký như chừ, tụi tui thường chỉ lấy thân, còn bỏ lại gốc và ngọn. Chừ thì tụi tui lần theo trí nhớ để đi tìm đào gốc và rễ, nhưng khó tìm lắm, vất vả còn hơn đi tìm trầm”.
Ông Nguyễn Văn Vinh - Trưởng thôn, đội trưởng đội bảo vệ rừng thôn Thanh Sen 1, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch - bức xúc về vụ 3 cây sưa
Nghe đồn mới biết(!?)
Hôm qua, người dân xã Phúc Trạch kể cho chúng tôi một câu chuyện “nghe đồn mới biết” vừa xảy ra cách đây chưa lâu, cũng ở xã này: Một nhóm người ở thôn Phúc Đồng phát hiện một cây sưa trong rừng cạnh đèo Đá Đẽo, sau đó bí mật vào hạ bán cho thương lái ngay tại địa phương với giá 3 tỉ đồng. Và thông tin này bị lộ ra, được đồn đến tai cơ quan chức năng khi các cuộc mua bán đã diễn ra hoàn tất; gỗ đã được đưa ra khỏi địa bàn.
Chuyện trên được kết nối với vụ 3 cây sưa nghìn tỉ, cho thấy thời gian qua các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình phản ứng một cách chậm chạp. Khởi đầu là “sự kiện” gần nửa tháng sau khi xuất hiện tin đồn người dân tìm thấy và đã đốn hạ 3 cây sưa bán được tiền tỉ, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng mới thành lập đoàn gồm 70 người do ông Nguyễn Văn Huyên - Phó giám đốc - dẫn đầu để vào Hưng Trí kiểm tra. Và kết quả của sự chậm trễ này là tại hiện trường, đoàn kiểm tra chỉ còn thấy được 3 cái hố sâu, một ít cành ngọn của 3 cây sưa. Tang vật thu được chỉ là 1 cân bàn loại 100kg; 2 xích cưa loại 1,2m đã hỏng; soong nồi, bao đựng nước... Còn gỗ sưa thì không còn một mẩu nào.
Đoàn kiểm tra quay về với nhận định: Lâm tặc đã giấu gỗ đâu đó trong rừng, chờ thời cơ thuận tiện để vận chuyển ra. Và mãi cho đến ngày 6.5, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình mới có nhận định “vụ 3 cây sưa bị chặt là có thật”. Rồi đến ngày 9.5, trong cuộc gặp với kiểm lâm tỉnh, ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch tỉnh Quảng Bình - chỉ khẳng định: “Công việc hiện tại là tập trung nhằm ổn định tình hình. Còn việc khởi tố vụ án thì chưa thể tiến hành nếu tình hình chưa ổn định”.
Theo ông Lưu Minh Thành - Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng - thì sau khi đoàn kiểm tra trở về, vườn đã tung hết quân, cộng thêm sự chi viện của kiểm lâm tỉnh, huyện Bố Trạch, công an, bộ đội... vào rừng lập chốt chặn ở các cửa rừng nhằm không cho lâm tặc tẩu tán gỗ sưa ra ngoài, cũng như không để người dân và “người lạ” từ các nơi đổ xô vào rừng tìm sưa gây hỗn loạn. Thế nhưng, mọi việc lại diễn ra theo chiều ngược lại. Chính sự chậm trễ và phản ứng yếu ớt của lực lượng bảo vệ rừng trong thời gian qua đã làm tăng thêm “bằng chứng” của tin đồn rằng lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng ở đây đã bị “lâm tặc” mua đường.
Trao đổi với phóng viên chiều 9/5, ông Nguyễn Văn Vinh - Trưởng thôn, đội trưởng đội bảo vệ rừng thôn Thanh Sen 1, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch - nói: “Điều chúng tôi bức xúc nhất hiện nay là sự chậm trễ của các cơ quan chức năng trong việc vào cuộc để sớm làm rõ thực hư các loại tin đồn, cũng như trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức liên quan”. Ông nói: “Trước đây, có nhiều trường hợp cá nhân vào rừng chặt vài cây săng nhưng đã bị tù. Bây giờ, nếu 3 cây sưa có giá hàng ngàn tỉ mà không sớm làm rõ thì công lý để ở mô?”.
Chiều tối qua, bên ly cà phê ở ngoài khu vực Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, chúng tôi giật mình bởi lời một cán bộ huyện, khi ông góp chuyện về vụ 3 cây sưa nghìn tỉ. Ông nói đại ý ngay cả khi thông tin về việc kiểm lâm bị “mua đường” là bịa đặt, thì rõ ràng, pháp luật và những người thực thi pháp luật trong vụ này đã để lại nhiều khoảng trống. Và xa hơn, đã và đang có một sự “thưa vắng” của pháp luật trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp.
“Cả một vườn quốc gia - di sản văn hoá thế giới mà tài sản còn bị lấy trộm một cách ngang nhiên và trắng trợn như thế thì đừng có mà ngạc nhiên khi nghe tin ở Tây Nguyên, người trồng càphê đến hẹn lại hái quả xanh, dù bán rẻ nhưng an toàn. Hay chuyện ông Vũ Đức Thắng - chủ nhân một vườn sưa trị giá hàng chục tỉ đồng ở Lâm Đồng - thay vì khoe ra cho mọi người cùng biết thì lại giấu nhẹm cả địa chỉ và số điện thoại...” - ông nói.
Quảng Bình: Vào rừng tìm gỗ sưa, 2 người mất tích. Chiều 10/5, ông Phạm Văn Bài - công an viên thôn Thanh Sen 4, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình - cho biết, 2 người dân của làng là Nguyễn Tuấn (18 tuổi) và Phạm Văn Quỳnh (27 tuổi) đã mất tích hơn 10 ngày nay trong khi vào Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tìm gỗ sưa. Làng đã huy động hơn 20 người vào rừng tìm kiếm trong một tuần, nhưng chưa có kết quả. Theo anh Khoa - người đi cùng nhóm và về báo cho người thân 2 người mất tích - thì khi vào quá khu rừng Hưng Trí (nơi có 3 cây sưa nghìn tỉ bị đốn hạ), 6 người dựng lán và chia nhau thành 2 nhóm đi tìm sưa. Đến ngày thứ hai thì Tuấn và Quỳnh tách thành nhóm đi riêng và lạc từ đó. Những người đi cùng đã tìm suốt 2 ngày sau đó, nhưng không thấy tung tích. Theo ông Phạm Văn Bài thì Tuấn và Quỳnh chưa bao giờ đi rừng nên khả năng lạc đường là rất cao. Trung Quốc thu mua gỗ sưa để làm gì? Trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm được Chính phủ ban hành thì cây sưa hay còn gọi là huê mộc vàng, trắc thối có tên khoa học là Dalbergia tonkinesis thuộc nhóm 1A. Nhiều năm nay, gỗ sưa được Trung Quốc thu mua với giá rất cao (hiện tại là 35 triệu đồng/kg). Tuy nhiên, câu hỏi người Trung Quốc mua gỗ sưa để làm gì, vì sao lại mua giá cao như vậy thì không ai trả lời được. Vào năm 2007, một đoàn công tác của viện khoa học chuyên ngành của Việt Nam đã được cử sang Trung Quốc để tìm hiểu xem người Trung Quốc dùng loại gỗ này làm gì và được trả lời chung chung là phục vụ vấn đề tâm linh, làm đồ thờ cúng, đồ gia bảo... Hiện có không ít những truyền kỳ về công dụng của gỗ sưa được lan truyền trong dân gian như các đại gia Hồng Kông mua về để ướp xác, để làm thuốc chữa bệnh liên quan đến xương, rồi mafia Trung Quốc mua về nghiền thành bột trộn với ma tuý để bán... Thời gian qua, các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu và phủ nhận hầu hết các tin đồn trên. |
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/7/2025, đối tượng nào được hưởng lợi khi trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần mức cũ
- Những lần thủy quái xuất hiện ở Việt Nam: Người Pháp từng bắt gặp, có loài đến nay vẫn còn tồn tại?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?