Bí quyết của người làm đào Thất Thốn nở hoa
Thứ ba, 24/01/2012 09:27

Bí mật của Lê Hàm theo "giang hồ đồn đại" thì anh cho cả trăm chậu đào vào một căn phòng để ép đào Thất Thốn nở hoa.

Dân chơi đào Tết ở Hà Nội luôn nói đến đào Nhật Tân với nhiều vị nể, và dân làng Nhật Tân lại nhắc đến người đang giữ bí quyết trồng đào Thất Thốn với sự ngưỡng mộ hơn. Bởi cả làng Nhật Tân giờ chỉ còn mình Lê Hàm nắm bí quyết để đào Thất Thốn ra hoa đúng vào dịp Tết Nguyên đán.

Đào bích của Nhật Tân từ nhiều đời nay được tôn vinh là một giống đào quý hiếm bậc nhất, nhưng đào Thất Thốn còn quý giá nhiều hơn thế. Cũng không ai biết rõ loài hoa này vì sao lại có mặt ở Nhật Tân, và có tự bao giờ. Nhiều người yêu loài hoa này đến nỗi đã đặt cho nó thêm những cái tên như đào thờ, đào bói, đào tiến vua... Trước đây, gần như nhà nào ở Nhật Tân cũng có đào Thất Thốn. Thất Thốn thường chỉ ra hoa sau rằm tháng giêng, được coi là loài hoa riêng của mùa lễ hội.  Có nhiều cách lí giải về cái tên Thất Thốn của giống đào có vẻ đẹp lạ lùng này, người cho rằng lá của nó dài 7 thốn (1 thốn bằng đốt giữa của ngón tay), hoặc 1 thốn của nó nở 7 bông hoa, cũng có người bảo rằng cây đào này chỉ cao được… 7 tấc. Đào Thất Thốn có dáng cổ thụ, thân xù xì, chồi non màu đỏ tía, bấu vỏ cây ra thấy sắc đỏ, rễ cây cũng màu đỏ tía, sắc hoa đỏ thắm… cùng với bạch đào.Để nhân giống đào Thất Thốn, chỉ có thể ghép cành, ghép rễ chứ lấy hạt trồng không lên cây. Theo anh Lê Hàm, tại vườn của anh, nhân giống từ rễ 10 cây mới thành công được 1 cây. Lê Hàm vốn là con nhà nòi của làng đào, từ hồi bé đã biết luồn đào qua sào gánh đi bán. Bà ngoại anh trước đây trồng đào ở Dinh Đào, một vùng gò cuối thôn Tây dọc đường cái gần hồ Tây, nơi mà nếu trồng đào ở đấy thì hoa nở đẹp vô cùng, hơn hẳn cả độ bền lẫn độ thắm, dù vẫn chỉ là cây đào ấy mà thôi. Tương truyền Dinh Đào có cây đào cổ trước đây dân làng vẫn cắt dâng vua, và tới tận bây giờ vào ngày rằm, mồng một, dân vẫn thắp hương thờ thần gò.
 

Nhà văn Băng Sơn vốn là người sành chơi đào cũng không khỏi trầm trồ trước những cây đào Thất Thốn trong vườn của Lê Hàm. Lê Hàm nhớ lại, năm 1994, không hiểu vì sao Thất Thốn đồng loạt ra hoa, tất cả những nhà ở Nhật Tân có Thất Thốn đều “được mùa”. Như là trời thương. 13 năm sau, đến 2007, một cây Thất Thốn trong vườn nhà anh lại ra hoa lần nữa. 2008 không nở, lại căng thẳng. 2009, khoảng 30 cây Thất Thốn của Lê Hàm nở, anh thu hoạch từ 22 Tết. 2010 cả vườn được bán từ 26 Tết, Thất Thốn nở chưa từng thấy trong hơn 20 năm anh tận tụy với đào. Khoảng 80 cây Thất Thốn trong vườn nhà anh đồng loạt nở. Mỗi cây anh bán được từ 4 - 14 triệu đồng, riêng cây đắt nhất 50 triệu. Lê Hàm đã biết bí mật của loài hoa lạ lùng này. Anh nói, rồi người trồng đào Nhật Tân trước sau gì cũng biết cả thôi, nhưng phải dăm ba năm nữa.

Do không làm Thất Thốn ra hoa được nên ở Nhật Tân, không ít người nản chí đã dùng gốc đào Thất Thốn rồi ghép các loại mầm đào khác để cây dễ ra hoa. Những cây được gọi là Thất Thốn nhưng ghép kiểu này cũng dễ nhận ra vì cành hoa thường dài, dáng và gốc không xù xì cổ kính và không bao giờ có được màu thắm đậm đặc trưng của đào Thất Thốn. Hơn nữa, thịt cây đào Thất Thốn có màu đỏ hồng đậm còn các giống đào khác chỉ cần dùng móng tay cạo nhẹ là đã thấy màu xanh. Cũng chính vì việc chiết ghép này nên ở Nhật Tân hiện nay có tới 4 loại đào Thất Thốn. Đó là loại hoa đỏ đậm, loại đỏ nhạt hơn, một loại có màu như đào phai và một loại có năm cánh. Tất nhiên những loại nói trên đều không phải giống nguyên thủy, hoa dày cánh, đỏ thẫm to gần bằng bông hồng mà Lê Hàm đã bỏ 20 năm ra để chinh phục. Đào Thất Thốn nở hoa là thành công của Lê Hàm và mở ra một cơ hội hồi sinh cho giống đào cổ và quý tưởng như không còn cơ hội tồn tại. Bí mật của Lê Hàm theo "giang hồ đồn đại" thì anh cho cả trăm chậu đào vào một căn phòng để ép đào Thất Thốn nở hoa. Trong 20 năm đi tìm bí quyết để đào Thất Thốn ra hoa theo ý muốn, anh đã cho rằng muốn chăm sóc được nó thì phải đi tìm gốc tích của Thất Thốn.

Những cánh rừng ở Tây Bắc. Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Lê Hàm đều đã đặt chân tới để đi tìm đào Thất Thốn. Cứ đến mùa đào trong những cánh rừng ra hoa là anh lại lên đường nhưng nhiều năm trôi qua mà bóng dáng đào Thất Thốn vẫn chưa thấy đâu. Anh đã có đôi chút nản lòng. Một ngày, gần như muốn từ giã cuộc chơi, giữa cánh rừng đào của Sơn La, quá mệt vì cuộc hành trình, Lê Hàm uể oải trèo vào một cái hang để nghỉ chân. Nền đất khô, xen kẽ những phiến đá, hang nhỏ thông ra phía sau núi, trần có những hốc thông thiên khiến ánh sáng chiếu vào. Lê Hàm giật nảy mình, giữa luồng sáng chiếu từ trần hang xuống, một sắc đỏ thắm như nhói lên trong mắt. Anh tiến lại gần, một bông hoa và hai cái nụ như được dính vào một gốc cây xù xì. Nó giống hệt đào Thất Thốn trong vườn nhà anh, không thể nhầm lẫn. Anh đào đất trong hang, hít hà để cảm nhận hơi ẩm, đo nhiệt độ, rồi Lê Hàm cẩn thận đánh dấu lại địa danh ấy trên bản đồ, ngày hôm sau bắt xe về Hà Nội. Anh nhờ chuyên gia nông nghiệp phân tích, so sánh chất dinh dưỡng mẫu đất anh lấy về với đất bãi sông Hồng và bắt tay vào gây dựng lại nghiệp đào Thất Thốn. Lê Hàm chia sẻ đấy chính là bí mật giúp anh khám phá ra cách "chinh phục" đào Thất Thốn.

Suốt 20 năm chăm sóc đào Thất Thốn anh Lê Hàm thực sự xem đó là niềm đam mê của mình. Số tiền anh bỏ ra chăm sóc cho gần 100 gốc đào không phải là ít, bởi trồng loại đào này phải trồng bằng đất thịt được đánh lên, phơi nỏ nắng, không được để lẫn chất chua. Nước tưới cho đào cũng không phải là nước thật sạch hợp với thú chơi thanh cao, tao nhã. Khó khăn nhất là những đợt Hà Nội rét đậm rét hại, anh chăm đào còn hơn chăm con, cành lá mà can hệ gì thì “đứt hết cả ruột”. Xưa kia chỉ các bậc quyền quý, nhà giàu mới chơi loại đào Thất Thốn. Để chăm dưỡng được một cây đào quý này, vào những ngày rét mướt, sương muối hay những hôm nắng bỏng héo lá, người trồng đào phải là một "bà đỡ" thật khéo thì đào mới trụ được. Chơi đào Thất Thốn phải đánh nguyên cả cây, cho vào chậu chứ nếu chỉ cắt cành thì quá lãng phí và không biết cách chơi đào. Đào Thất Thốn có tán hình nấm là đẹp nhất, lá dày, xanh thẫm, cành mọc chia đều ra xung quanh. 

Giá thuê mỗi cây đào lên tới 30 triệu đồng, song với Lê Hàm, so sánh giữa đầu tư và lợi nhuận bằng tiền thì Thất Thốn vẫn là “Thất Thoát”. Hỏi lí do tại sao không bán, anh Hàm cho biết có người đã trả hàng chục triệu đồng để mua một gốc đào Thất Thốn nhưng anh không bán, chỉ cho thuê bởi mỗi gốc đào là mồ hôi nước mắt của anh đổ xuống mấy chục năm không dễ gì vì số tiền đó mà bán được.

PL&XH
Tag: Chuyện nghề nghiệp , Đào Thất Thốn , Bí quyết , Đào quý , Lê Hàm