Sau nho tươi, khoai tây nhập từ TQ, VN tiếp tục đưa mận tươi, lựu tươi có nguồn gốc từ nước này vào danh sách trên do liên tục phát hiện chất độc hại.
Nho Trung Quốc được bày bán tại chợ Gò Vấp, TP.HCM chiều 18/9 |
Đặc biệt, các cơ quan chức năng của VN sẽ tăng tần suất kiểm tra lên 100% đối với nho tươi của một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản TQ đưa vào VN qua cửa khẩu Lào Cai.
Liên tục phát hiện
80% trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, các mặt hàng trái cây tươi nhập khẩu từ các nước khác cũng phải trải qua các bước kiểm tra tương tự. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay hầu như không phát hiện các lô hàng có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép đối với trái cây nhập khẩu từ Mỹ, Úc, New Zealand... Theo Cục BVTV, trái cây tươi Trung Quốc chiếm đến 80% tổng lượng trái cây tươi nhập khẩu vào VN với số lượng hàng trăm ngàn tấn mỗi năm. |
Trao đổi với PV ngày 18/9, ông Nguyễn Xuân Hồng, cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho biết việc thực hiện hình thức “kiểm tra chặt” đối với nho, khoai tây, mận, lựu của TQ là rất bình thường, đúng với thông lệ quốc tế và với những quy định hiện hành của VN.
Theo ông Hồng, đầu tháng 8 Cục Bảo vệ thực vật đã kiểm tra thông thường (lấy mẫu 10% lô hàng) trái cây, rau củ nhập từ TQ và các nước khác đã phát hiện ba mẫu nho và khoai tây của TQ có dư lượng difenoconazole và chlorpyrifosethyl vượt 3-5 lần tiêu chuẩn cho phép.
Tiếp đó (từ ngày 10/8 đến 10/9), Cục Bảo vệ thực vật đã kiểm tra chặt và tăng tần suất lấy mẫu kiểm nghiệm phát hiện bốn mẫu nho, mận và lựu nhập khẩu từ TQ (qua cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai) chứa carbendazim, difenoconazole và tubeconazole với mức dư lượng vượt ngưỡng cho phép 1,5-5 lần.
“Đây là các hoạt chất có tác dụng trừ nấm, trừ bệnh cho cây trồng, dư lượng của chúng trong rau củ quả gây nguy cơ mất an toàn cho sức khỏe con người, ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh, chức năng của các cơ quan nội tạng như tim, gan, thận” - ông Hồng cho biết.
Tất cả lô hàng mận, lựu, nho, khoai tây nhập khẩu từ TQ bị phát hiện chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt tiêu chuẩn cho phép đều buộc phải tái xuất ngay tại cửa khẩu...
Ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết theo quy định, các loại rau quả tươi nhập khẩu vào VN sẽ được lấy mẫu 10% các lô hàng để kiểm tra điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Sau khi phát hiện các mẫu nho, mận, lựu và khoai tây từ TQ vi phạm các điều kiện VSATTP, Cục Bảo vệ thực vật đã nâng tần suất kiểm tra các mặt hàng này từ 10% lên 30%. “Sau khi nâng tần suất kiểm tra lên 30% nhưng vẫn phát hiện nho có chứa các chất vi phạm nên chúng tôi đã nâng tần suất kiểm tra mặt hàng này lên 100%. Các mặt hàng khác cũng sẽ áp dụng quy trình tương tự” - ông Hồng nói.
Cũng theo ông Hồng, nếu tiếp tục phát hiện vi phạm VSATTP sau khi đã nâng tần suất kiểm tra lên 100%, VN sẽ truy xuất nguồn gốc và cấm không cho nhập khẩu trái cây từ vùng trồng vi phạm VSATTP. “Tuy nhiên, các doanh nghiệp thường tránh quy định bằng cách tạm ngưng nhập khẩu mặt hàng có nguy cơ bị kiểm tra 100%, hoặc lấy hàng từ các vùng chưa bị phát hiện dư lượng” - ông Hồng nói.
Ngoài việc kiểm tra ở cửa khẩu, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục lấy mẫu các loại rau củ quả nhập khẩu đang bày bán trên thị trường trong nước công khai cho người dân biết để có ứng xử phù hợp.
Tràn lan trên thị trường
Theo ghi nhận tại TP.HCM, các mặt hàng như nho, lựu, mận đen vẫn ồ ạt nhập về hàng trăm tấn mỗi ngày. Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, mỗi ngày có vài chục xe tải đều đặn chở đủ các loại trái cây có xuất xứ TQ nhập chợ. Thương lái H.N., một chủ vựa lớn, cho biết hiện mỗi ngày bà nhập khoảng 10 tấn nho đỏ và 3-4 tấn lựu có xuất xứ TQ từ một đầu mối tại Hà Nội, rồi đưa thẳng về chợ này bỏ sỉ cho thương lái trong chợ hoặc từ các tỉnh đến lấy hàng. Theo quan sát của chúng tôi, tại chợ đầu mối này có khoảng 20 vựa như của bà H.N. đang ngày đêm nhập trái cây TQ về để xé lẻ bán ra thị trường. Hiện tại chợ đầu mối này, giá nho bỏ mối khoảng 45.000 đồng/kg, mận đen giá chỉ 17.000 đồng/kg.
Bà Lương Hồng Thanh, đại diện ban quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho biết hiện mỗi ngày có 110-184 tấn nho đỏ TQ được các thương lái nhập về chợ, giảm vài chục tấn so với trước kia. Cao điểm nhất có khi các thương lái nhập về hơn 200 tấn nho mỗi ngày.
Ghi nhận tại thị trường bán lẻ, chợ, cửa hàng, các sản phẩm nho, lựu, mận đen vẫn xuất hiện rất nhiều. Tại khu vực chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), hầu hết các cửa hàng, sạp đều trưng bày nhiều mặt hàng này. Các chủ sạp này cho biết hiện giá nho đỏ từ 100.000-120.000 đồng/kg, trong khi giá mận đen TQ được các chủ sạp rao ở mức 40.000 đồng/kg.
Chị Thủy, chủ một cửa hàng trên đường Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), cho biết hiện mận đen đang được nhiều người ưa chuộng. Theo chị Thủy, mỗi ngày sạp của chị bán được 20-25kg mỗi loại. Chỉ riêng một đoạn đường Hoàng Hoa Thám kéo dài chỉ vài trăm mét nhưng đã có gần chục cửa hàng, sạp bán đủ các loại từ nho, lựu đến mận đen TQ.
Xuất hiện nhiều máy “trồng” rau mầm, giá đỗ Trên đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội có rất nhiều cửa hàng cây cảnh bán loại máy làm rau mầm, giá đỗ. Những loại máy này được ghi xuất xứ từ Đài Loan, Hàn Quốc, Úc... với giá bán dao động 400.000 - 1,5 triệu đồng tùy sản phẩm. Đặc biệt, loại máy làm rau mầm, giá đỗ này đều được người bán hàng quảng cáo an toàn, tiện lợi hơn rất nhiều so với việc trồng rau trực tiếp trên đất. “Chỉ cần đổ nước, cắm điện và chờ đợi 4-5 ngày là có mẻ rau sạch để dùng” - anh Phạm Hưng, một người bán hàng, cho biết. Theo anh Hưng, máy làm rau sạch được nhiều người chọn vì được cho là an toàn, tiện lợi hơn phương pháp trồng rau trực tiếp trên đất. Mỗi tuần, cửa hàng của anh Hưng bán được 3-4 sản phẩm máy làm rau như vậy. QUỲNH LIÊN |
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?